Pages

Thứ Tư, 4 tháng 1, 2012

Điều gì chờ đợi TQ trong năm 2012?

Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Tập Cận Bình đã đươc̣ chuẩn bị lên đứng đầu
thế hệ lãnh đạo thứ năm của Trung Quốc
Phóng viên BBC thường trú tại Bắc Kinh Damian Grammaticas phân tích tình hình chính trị Trung Quốc trong năm 2012, năm chuyển giao thế hệ lãnh đạo.
Năm 2012 hứa hẹn sẽ là một năm bản lề đối với Trung Quốc, một năm của sự thay đổi. Tuy nhiên sẽ có một nghịch lý: có thể chúng ta sẽ không thấy nhiều thay đổi; những thay đổi nếu có cũng không phải trong hầu hết năm, không phải ở Trung Quốc.

Thật ra, trường hợp ngược lại có nhiều khả năng hơn. Những lãnh đạo hiện thời của Trung Quốc, những người sẽ rút lui vào cuối năm nay, được cho là sẽ gia cố lại căn nhà, đàn áp những ý kiến bàn tán và tránh bất cứ quyết định gì có thể gây tranh cãi.
Đối với họ đây là khởi đầu của một giai đoạn thay đổi liên tục, cả ở trong nước và trên thế giới – những thay đổi làm họ cảm thấy bất an.

Nhiều biến số

Không chỉ ở Trung Quốc mới chuyển giao lãnh đạo, mà hai trong số những nước quan trọng nhất trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc cũng sẽ chứng kiến những thay đổi cơ bản. Hoa Kỳ sẽ bầu cử tổng thống trong năm nay, và Đài Loan cũng sẽ tổ chức một cuộc bầu cử mà kết cục sẽ rất sít sao.
Kết quả có thể là những tổng thống mới ở Washington và Đài Bắc – những người sẽ có thái độ rất khác đối với Trung Quốc so với những người đương nhiệm.
Một số ứng viên của Đảng Cộng hòa tham gia tranh cử tổng thống Mỹ đã đề cập đến một lập trường cứng rắn hơn nhiều đối với Trung Quốc trong các vấn đề thương mại và tiền tệ.
Nếu Tổng thống Mã Anh Cửu đương nhiệm của Đài Loan – người thúc đẩy chính sách tiếp cận với Bắc Kinh – thua trước ứng viên Sái Anh Văn của Đảng Dân chủ Tiến bộ thì đó sẽ là một bước thụt lùi thật sự của Bắc Kinh.
Trong lúc đó, kinh tế châu Âu đang gặp khó khăn với tương lai của đồng euro vẫn chưa chắn chắn, còn ở trong nước thì các lãnh đạo Trung Quốc đang đối mặt với sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế, lạm phát cao, các cuộc biểu tình phản đối và bạo loạn xã hội dường như đang lan rộng.
Trong bối cảnh đó thì sự thận trọng có lẽ sẽ là từ cửa miệng của các lãnh đạo Trung Quốc. Ngay cả những lúc cởi mở nhất thì họ vẫn bảo thủ và chỉ ủng hộ những thay đổi từ từ có kiểm soát.

Hành động thận trọng

Một đường phố mua sắm ở Bắc Kinh vào cuối năm 2011
Kinh tế xã hội Trung Quốc trong năm diễn ra Đại hội Đảng có nhiều yếu tố bất ổn
Vào mùa thu năm nay, Đảng Cộng sản vốn nắm toàn bộ quyền lực ở Trung Quốc sẽ bắt đầu quá trình thay thế những nhân vật chóp bu quyền lực. Đó là sự thay đổi lãnh đạo ở Trung Quốc cứ sau mỗi 10 năm, và sẽ đánh dấu sự chuyển giao từ thế hệ lãnh đạo này sang thế hệ kế tiếp.
Phần lớn các nhà quan sát dự đoán rằng những lãnh đạo sắp rút lui sẽ không làm điều gì có thể gây tranh cãi vì họ muốn rời nhiệm sở với di sản nguyên vẹn. Bằng cách đó họ hy vọng có thể duy trì ảnh hưởng một khi đã đứng sang một bên.
Những nhân vật sắp lên nắm quyền, theo lẽ thường, sẽ giữ mình cúi đầu xuống trong giai đoạn này để không làm gì có thể ảnh hưởng đến cơ hội nắm giữ những vị trí béo bở của họ.
Hồ Cẩm Đào sẽ rút khỏi vị trí quyền lực nhất của ông là tổng bí thư Đảng cộng sản vào tháng 10 hoặc tháng 11 và chuyển giao cho một lãnh đạo mới trẻ hơn là đương kim phó Chủ tịch Tập Cận Bình, hiện nay 58 tuổi.
Cùng với ông Hồ, bảy trong tổng số chín thành viên của cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng cộng sản Trung Quốc là Thường vụ Bộ chính trị cũng sẽ rút lui, trong đó có Thủ tướng đương nhiệm Ôn Gia Bảo. Người có khả năng thay thế ông nhất là phó Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Quá trình chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra đằng sau những cánh cửa đóng kín do đó chúng ta sẽ không chứng kiến những cuộc thảo luận, bàn bạc hay bỏ phiếu.
Chỉ khi đến Đại hội Đảng vào cuối năm nay thì đội ngũ lãnh đạo mới mới xuất hiện khi họ bước ra sân khấu theo thứ tự cao thấp.
Sau đó, vào đầu năm 2013, một vài tháng sau Đại hội Đảng, Tập Cận Bình sẽ thay thế Hồ Cẩm Đào luôn ở vị trí chủ tịch nước. Việc chuyển giao này sẽ được sắp xếp từ trước để đảm bảo không có gì trục trặc, tuy nhiên phía sau hậu trường sẽ là đấu đá lẫn nhau, thậm chí là thủ đoạn và căng thẳng.

Chống tây hóa

Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc
Đại hội 18 Đảng cộng sản Trung Quốc trong năm 2012 sẽ được thế giới theo dõi
Lần chuyển giao quyền lực gần đây nhất ở Trung Quốc là trong các năm 2002 – 2003. Đó là lần đầu tiên mà Đảng cộng sản Trung Quốc có thể chuyển giao quyền lực một cách yên ổn. Cho nên lần này Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ làm mọi thứ để mọi việc được suôn sẻ.
Sự thận trọng có thể đến từ một điểm yếu nghiêm trọng của Trung Quốc. Nếu tình hình kinh tế châu Âu diễn biến xấu đi, nếu kinh tế Trung Quốc suy giảm nhanh hơn dự kiến hay những bất ổn chính trị không lường trước bùng phát ở khu vực nông thôn, lúc đó cái mà Bắc Kinh cần đến là một đội ngũ lãnh đạo quyết đoán.
Tuy nhiên vào lúc này không nhà lãnh đạo hay dự bị lãnh đạo nào của Trung Quốc muốn ra mặt và đưa ra những quyết định cực đoan, hay giải quyết bất kỳ vấn đề nào đặc biệt nhạy cảm. Thay vào đó có khả năng trong những tháng kế tiếp các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ tập trung hướng nội.
Một tạp chí của Đảng cộng sản Trung Quốc vừa đăng một bài viết của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trong đó ông ra lời kêu gọi các đảng viên phải cảnh giác trước các hiểm họa từ bên ngoài.
Ông Hồ viết rằng ‘các thế lực thù địch quốc tế đang tăng cường các nỗ lực tây hóa và chia rẽ chúng ta’ và nói thêm rằng ‘tư tưởng và văn hóa là mục tiêu chính của chúng’.
Ông viết tiếp rằng ‘nền văn hóa quốc tế của phương tây thì mạnh trong khi chúng ta thì yếu,” và kêu gọi các đảng viên ‘chúng ta phải nhận thức được mức độ nghiêm trọng và phức tạp của cuộc đấu tranh và thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn và đối phó với chúng’.
Những lời lẽ này giống như lời kêu gọi tập hợp để bảo vệ Đảng cộng sản và sự cai trị của Đảng trước những chỉ trích và ảnh hưởng từ bên ngoài để giữ nguyên tình trạng hiện nay.
Đây là kiểu ngôn ngữ mà có thể chúng ta sẽ nghe thấy thường xuyên hơn khi Trung Quốc bước vào năm 2012 - năm của sự thay đổi.

Không có nhận xét nào: