Pages

Thứ Năm, 26 tháng 1, 2012

Lạm phát thử thách tính ổn định tại Việt Nam

Roberto TofaniAsia Times

Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
Bị dồn dập bởi nạn lạm phát triền miên ở vào hàng chục, tỉ lệ tăng trưởng kinh tế chậm chạm và tình trạng đình công của giới lao động, quá trình đổi mới kinh tế của Việt Nam đang có nguy cơ thất bại. Trong khi tháng này Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh sự cần thiết để giữ vững mức tăng trưởng “nhanh chóng và lâu dài”, những câu hỏi đang đặt ra về việc liệu Việt Nam có thể đạt được cả hai thứ trong cơn lốc kinh tế tài chính của thế giới.
Tỉ giá tiêu dùng đã tăng hơn 17% theo từng năm vào tháng Giêng, đánh dấu một trong những tỉ lệ lạm phát cao nhất trong một châu Á đang vươn lên. Trong cùng lúc ấy, sự tăng trưởng kinh tế từng phát triển nhanh chóng hiện đang bị chậm đi, giảm xuống còn 5,9% vào năm ngoái so với 6,8% vào năm 2010. Trong khi những quốc gia trong khu vực đã giảm tỉ giá lãi suất để kích thích tăng trưởng và bảo vệ nền kinh tế của mình tránh khỏi sự suy giảm nối dài tại Hoa Kỳ và châu Âu, tỉ lệ lạm phát cao có nghĩa là giới lãnh đạo Việt Nam có ít khả năng để nới lỏng chính sách tiền tệ. Tỉ giá lãi suất chính thức của Việt Nam hiện đang là 15%.
Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế Việt Nam, đã lưu ý trong một bài viết nghiên cứu gần đây rằng chính quyền đã đầu tư 253 nghìn tỉ đồng (12,3 tỉ Mỹ kim) chỉ trong 22 doanh nghiệp nhà nước vào năm ngoái nhằm mục đích khởi động lại nền kinh tế. Số tiền này nhiều gấp ba lần lượng cắt giảm chi tiêu 81 nghìn tỉ đồng của chính phủ, được Quốc hội công bố nhưng chẳng thực thi, bà Lan cho biết.
Trong cùng lúc đó, ngân hàng trung ương dự tính tổng tín dụng đã tăng khoảng 7% vào năm ngoái; các nhà phân tích độc lập tin rằng con số này hẳn phải cao hơn. Trong khi chính quyền giới hạn chi tiêu, tiền đồng nội tệ đã giảm giá so với đồng Mỹ kim, xuống hơn 7% trong cùng thời điểm các nội tệ của những quốc gia trong vùng lại tăng giá so với đồng Mỹ kim. Thống đốc ngân hàng trung ương Nguyễn Văn Bình cảnh báo rằng tờ đồng có thể suy yếu hơn nữa trong năm 2012.
Cho đến nay quá trình đổi mới của Việt Nam từ nền kinh tế bao cấp sang thị trường đã được hoan nghênh rộng rãi. Kể từ năm 1986, khi quá trình đổi mới vừa khởi đầu, theo những mức độ nhất định, tăng trưởng kinh tế và việc xoá đói giảm nghèo đã tăng nhanh hơn mọi nền kinh tế đang chuyển đổi, với sức tăng trưởng trung bình hàng năm ở mức 7% và số lượng người dân sống ở mức 1 Mỹ kim mỗi ngày đã giảm từ 63% trong năm 1993 xuống còn 22% trong năm 2006.
Với việc gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007, Việt Nam đã trở thành một trung tâm gia công quan trọng ở trong mức độ khu vực lẫn thế giới, với những công ty đa quốc gia như Intel vào Canon đã có những đầu tư lớn vào quốc gia này. Trong năm 2010 đầu tư nước ngoài trực tiếp đã vượt hơn 10 tỉ Mỹ kim và có thêm những công ty sản xuất quốc tế thiết lập các nhà máy nhằm tận dụng giá nhân công rẻ và lực lượng lao động cần cù.
Tuy nhiên những nhà kinh tế như bà Phạm Chi Lan lại co rằng thành quả của những thập niên với mức tăng trưởng kinh tế nhanh đã không được chuyển đến giới dân chúng một cách hữu hiệu trong khi các nhà phân tích khác cho rằng khi lạm phát tăng nhanh hơn tỉ lệ tăng lương, đất nước này hiện đang bị đe doạ bởi mức độ bất ổn xã hội ngày càng tăng. “Việt Nam hầu như đã thất bại trong việc phân chia thành quả cho chính người dân của mình, nói gì đến những thành viên trong WTO,” bà Lan viết trong một bài báo đăng trên tờ Vietnam Financial Review.
Cụ thể là phân tích quan trọng của bà chỉ ra những yếu kém trong lĩnh vực công nghiệp, nơi một thành phần lao động hầu như không chuyên trước đây đã không hiểu biết và giờ đây đã thức tỉnh trước những luật lệ về người lao động được đưa ra để bảo vệ họ trước sự lạm dụng của giới tư bản.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đã có gần 900 cuộc đình công diễn ra trên khắp nước trong 11 tháng đầu năm ngoái, gần gấp đôi con số được báo cáo trong cùng kỳ năm 1910. Bộ này đã cho biết rằng đa số các cuộc đình công xảy ra là vì các doanh nghiệp đã “không tôn trọng luật lao động.”
Người lao động bị xiềng xích
Có khoảng 1,3 – 1,5 triệu người tìm việc làm mới tham gia vào lực lượng lao động Việt Nam mỗi năm, hầu hết làm việc trong lĩnh vực sản xuất. Hiện nay, khi xuất khẩu chậm đi vì kinh tế suy yếu ở Hoa Kỳ và châu Âu, chính quyền đang cảnh giác trước khả năng nhảy vọt về thất nghiệp và bất ổn trong giới lao động.
“Sự cần thiết để giải quyết nhu cầu của lực lượng lao động công nghiệp mới được nhà cầm quyền nhận thức như là ưu tiên chủ yếu trong thời điểm khủng hoảng kinh tế và bất ổn lạm phát, vốn đang đe doạ đời sống của những người thấp cổ bé miệng nhất,” Đỗ Tạ Khánh, người quản lý dự án tại Học Việc Nghiên cứu châu Âu tại Việt Nam (IES) cho Asia Times Online biết.
Vừa qua IES đã tổ chức một thăm dò chung tại các khu công nghiệp ở Hải Dương, Hà Nội và Vĩnh Phúc, nơi họ đã phỏng vấn 745 công nhân làm việc trong các công ty nước ngoài, các công ty cổ phần và công ty tư nhân chuyên hoạt động trong các ngành may mặc, ô tô và ngành hỗ trợ ô tô. Nghiên cứu này đã nhận diện được những thách thức mà chính phủ Việt Nam sẽ cần phải giải quyết để tránh những cuộc đấu tranh của người lao động lan toả mạnh hơn trong tương lai.
Theo kết quả thăm dò, đa số các lao động – đặc biệt là phụ nữ và dân nhập cư trong ngành may mặc và những công ty tư nhân khác – đều không nhận thức được những quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản trong quan hệ lao động. Và họ cũng không quen thuộc với luật lệ quản lý đình công hoặc qui trình yêu cầu các công đoàn can thiệp. Trong một số trường hợp, đặc biệt là tại các công ty đầu tư từ nước ngoài, các công nhân phải trả tiền để được ưu tiên có việc làm và thường bị bắt buộc làm việc tăng ca với lượng thời gian vượt quá giới hạn cho phép là 200 giờ mỗi năm.
Việc quản lý kinh tế của chính phủ cũng đã góp phần vào sự bất mãn của người lao động. Việc chi tiêu ngân sách quá trớn đã đẩy tỉ lệ lạm phát lên quá 18% vào cuối năm ngoái, chính quyền đã tránh né việc tăng mức lương tối thiểu và khiến gia tăng thêm áp lực về giá cả. Gần 63% người lao động mà IES phỏng vấn đã nói rằng họ làm việc tăng ca để có thu nhập cao hơn, trong khi 32,2% lao động, đặc biệt trong những công ty được đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, đã phải làm tăng ca vì bị giới quản lý ép buộc.
Dù thế nào đi nữa, trong khi giá cả tăng nhanh hơn mức lương, người lao động Việt Nam đang bị bóp chẹt ở giữa. Trong bốn năm qua, các nhà bình luận và giới lãnh đạo tại những quốc gia phát triển lẫn đang phát triển đều hầu hết đổ lỗi cho các thị trường quốc tế cho những khó khăn kinh tế của mình. Tuy nhiên, trong trường hợp Việt Nam, cảm nhận của những người lao động Việt Nam được phỏng vấn là cội rễ của những khó khăn của họ là từ trong nước hơn là bên ngoài.
Trong khi nhiều người dân Việt Nam nhìn thấy được tiềm năng lớn chưa được khai thác của đất nước, sự thất vọng ngày càng tăng cao qua cảm nhận rằng chỉ có một nhóm nhỏ, thường có liên hệ với Đảng Cộng sản cầm quyền, đang thụ hưởng và tận dụng tiềm năng này. Cùng với giá cả tăng nhanh, sự ổn định xã hội mà cho đến nay vốn đang là nền tảng cho sức tăng trưởng, cải cách và sức hấp dẫn của Việt Nam như là điểm hẹn đầu tư sẽ không thể được xem thường nữa.

Không có nhận xét nào: