Tuyên bố này của ông Luật Sư Trần Hữu Huỳnh, trưởng Ban Pháp Chế Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam sau vụ chính quyền địa phương cưỡng chế để thu hồi đất của nông dân huyện Tiên Lãng, Hải Phòng gây chấn động dư luận.
Ðất đai là mối quan tâm hàng đầu của người dân Việt Nam hiện nay. (Hình: Liêu Thái/Người Việt) |
Theo ông Trần Hữu Huỳnh, vụ cưỡng chế đất của gia đình nông dân Ðoàn Văn Vươn chỉ là một sự kiện của một “giọt nước làm tràn ly.”
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Huỳnh cho rằng luật đất đai tại Việt Nam hiện nay vừa đồ sộ về khối lượng, vừa khó áp dụng vì thay đổi xoành xoạch và không đồng nhất, lại động chạm đến đại đa số người dân.
Cũng theo báo Tuổi Trẻ, Hội Nông Dân Việt Nam mới đây đề nghị nâng thời hạn giao đất cho nông dân từ 20 năm lên 50-70 năm để nông dân yên tâm canh tác trên mảnh đất của mình được giao. Theo Hội Nông Dân, đề nghị này cũng nhằm khuyến khích nông dân đặt hết tâm trí và sức lực vào việc khai thác đất đai, tránh lãng phí và tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh thì chủ trương kéo dài thời hạn giao đất lên 70 năm cũng chưa phải là một quyết định lâu dài vì đến lúc hết hạn thì người ta lại loay hoay thu hồi, đo đất và cấp lại đất cho nông dân.
Ông Huỳnh cho rằng luật pháp xác nhận “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” theo Hiến Pháp Việt Nam hiện nay chỉ được áp dụng tại nước Việt Nam cộng sản, không giống hầu hết các quốc gia khác trên thế giới.
Theo ông Huỳnh, Việt Nam cần phải trở lại chế độ sở hữu tư nhân đối với đất đai từ đất thổ cư cho đến đất nông nghiệp.
Ông Huỳnh nói: “Trong lĩnh vực đất đai, chúng ta thấy có nhiều điều bất hợp lý cho nên không thể tiếp tục duy trì mãi cơ chế cũ đang cản trở năng lực cạnh tranh của đất nước.”
Ông Huỳnh cũng cho rằng việc công nhận sở hữu cá nhân về đất đai sẽ tạo ra một động lực mới trong hoạt động đầu tư, giảm tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực điều hành, tăng tính chất hữu hiệu trong việc sử dụng đất và tạo điều kiện cần thiết để hội nhập kinh tế quốc tế.
Ông Huỳnh cũng nói rằng, “Việt Nam nên chọn mục tiêu nâng cao khả năng của nền kinh tế giúp dân giàu, nước mạnh thay vì chấp nhận sự bình đẳng trong nghèo đói và chậm phát triển.”
Từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền Việt Nam coi đất đai thuộc sở hữu nhà nước.
Tại các địa phương trong toàn cõi Việt Nam, các viên chức chính quyền áp dụng chính sách “cào bằng” ruộng đất, tịch thu đất của cả các gia đình nông dân trung lưu để chia cấp cho người không có đất, phần lớn là cán bộ của họ.
Trong những năm đầu tiên dưới chế độ cai trị của chính quyền cộng sản, miền Nam Việt Nam từ là vựa lúa của vùng Ðông Nam Á trở thành nơi thiếu gạo trầm trọng, kéo dài cho tới hơn mười năm sau. (PL)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét