Pages

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012

Người Việt ở Nga: Cuối năm nhìn lại

Nhân viên quản lý di trú FMS liểm tra giấy tờ tùy thân của người Việt trong một khu chợ ở Moskva
Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài viết "Cuối năm nhìn lại" của nhà thơ, Tiến sĩ văn học Nguyễn Huy Hoàng, người đã có nhiều năm sinh sống trên đất Nga và đã chứng kiến nhiều cảnh thăng trầm của cộng đồng người Việt nam tại Nga. Có thể nói bài viết của anh như một "Sớ Táo Quân" tổng kết khách quan một số vấn đề trong cuộc sống của bà con người Việt tại Nga xưa và nay.

Trong một buổi liên hoan tại quán cafe Nems nhân dịp Tết Nguyên tiêu 2011, một người có tiếng hay chữ, nguyên là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga, có nói rằng: các vị có biết "Cộng đồng ca" của người Việt chúng ta tại Nga nên chọn đầu đề nào là hợp nhất không? Không đợi mọi người kịp trả lời, anh hạ giọng: "Bèo dạt, mây trôi"!
Ngẫm đi, ngẫm lại, thấy nó ứng và hợp với cuộc sống của người Việt chúng ta biết bao, nghĩa là mong manh, trôi nổi, tạm bợ vô cùng. Nó đúng với hoàn cảnh mọi nhà, mọi trường hợp, mọi kiểu sống, mọi mảnh đời trong suốt ba thập niên dằng dặc.

Lại nói về sự chuyển nhà
Mới đây thôi, tháng 11-2011, tôi cùng nhóm anh em bốn thành phố Matxcơva, Volgagrat, Ekaterinburg và Kraxnodar mang tiền cứu trợ của cộng đồng tới ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình sau cơn bão tàn phá chưa từng thấy. Những tưởng rằng sau những ngày xuôi ngược khắp ba tỉnh miền Trung lụt lội, tôi sẽ làm một chuyến du lịch xuyên Việt, đến nốt những vùng mình chưa kịp đến, kẻo sau này không còn thời gian dư dả.
Khốn khổ thân tôi, đúng vào thời điểm đó, có điện thoại từ Matxcơva gọi về, giọng vợ tôi vang lên như mệnh lệnh: Sang ngay, chủ đòi lại nhà!
Việc nào thì có thể chần chừ, trì hoãn, chứ việc nhà cửa là không thể lấy lý do này, nọ. Tôi lập tức ra đại lý hàng không nài nỉ đổi vé, chi ra 200 đôla đăng ký chỗ mới theo đúng quy định của hãng Vietnam Airlines để kịp sang Matxcơva làm một cuộc di tản.
Trong vòng hơn hai chục năm ở Matxcơva, không kể thời gian tôi cư ngụ tại Ký túc xá trường Lomonoxov trên đồi Lenin, thì đây là lần chuyển nhà thứ 6. Căn phòng mà tôi sắp phải chia tay với nó, là một căn phòng hai buồng cũ kỹ, tôi thuê được 5 năm, hàng tháng phải bóp hầu, bóp họng để góp được hơn một ngàn đô để thanh toán với chủ nhà.
Cổ nhân bảo rằng, ba lần chuyển nhà, bằng một lần cháy nhà. Điều này chỉ đúng với hoàn cảnh nước nhà, chứ ở Nga, thì một lần chuyển nhà tương đương với một lần hoả hoạn. Mỗi đợt thay đổi chỗ ở, tôi đành ngậm ngùi bỏ lại tủ lạnh, ti vi, máy giặt, bếp điện, tủ giường, đi văng và bao nhiêu đồ gia dụng tôi dày công tích cóp. Không thể mang theo đống đồ khổng lồ này, bới vì có phải ngay lập tức thuê được nhà đâu.Cay đắng nhất đối với tôi là cứ mỗi lần di chuyển, tôi phải dành ra ít nhất là hai tuần để thanh lọc đống sách vở gần cả tấn. Thoạt tiên, tôi gọi cho ông chủ Cộng đồng người Việt tại Vlađimir cách Matxcơva gần hai trăm km, nài nỉ ông ta cho ba chuyến xe chở một phần sách của tôi xuống đó cống hiến cho cộng đồng, cho bà con đi chợ có cái đọc, không đọc thì làm gì cũng được, vì tôi chưa đủ lòng dũng cảm bỏ đi những quyển sách của mình sau nhiều năm tích cóp.
Sau lần thanh lọc sơ tuyển, tôi lại phải tiếp tục rà soát và hàng ngày lại chất lên xe mình hơn chục kiện đi phát khắp nơi. Đến lần thứ ba, tôi đành phải gọi cho chị chủ trang mạng baonga.com cùng với một nhóm sinh viên đến làm ơn, làm phước khuân hộ tiếp cho tôi mang về cho sinh viên, nếu không ai muốn đọc thì bày lên giá sách mà trang trí, kẻo bỏ đi thì xót xa lắm.
Tôi rời nhà với mấy chiếc va li quần áo, vật dụng không thể vứt, bốn chục kiện sách, chiếc máy tính bất ly thân. Chỉ có thế mà cũng phải thuê kho để chứa. Và tôi lại phải ăn nhờ ở đậu hơn bốn tháng, mất đi cả một mùa hè.
Thuê nhà vào thời điểm sau năm 2010 thì không khó chút nào, người Việt về nước khá nhiều, các khu Ngoại giao đoàn còn trống chỗ, rao đầy trên báo; rất nhiều doanh gia đã rời trung tâm dạt về phía Đông, nơi hai chợ nổi lên thay thế chợ Vòm, là Xadovod và Liublino để hoạt động.
Nhưng không phải vì thế mà giá thuê nhà rẻ đi, ngược lại, khi tiền đô mất giá, sự gia tăng giá thuê nhà rõ lên mồn một. Căn hộ một buồng loại diện tích ba lăm mét vuông như Vĩnh Hồ, Thành Công vẫn giữ giá một ngàn đô một tháng, còn hai buồng thì chừng 1300 đô... Nhưng tìm được một chỗ ưng ý, an ninh tốt, giá chấp nhận được, chủ nhà biết điều và có hàng xóm dễ chịu là điều không dễ tí nào.
Có hàng xóm tốt, giống như có một bức thành tinh thần vững chãi, không lo họ bẩm báo công an khi về khuya, khi tụ tập đám đông hội hè, tết nhất, và không phải chịu một cuộc chiến tranh lạnh triền miên, mặt nặng, mày nhẹ.
Giá như có tiền, có một căn hộ của mình, thì hai từ ổn định đã trong tầm tay. Nhà ngoại ô loại trung bình chừng 3500 đô la một mét vuông, nhà trong vành đai chừng 6000 ngàn đô la, ở trung tâm thì vô giá...đó là điều mà đôi cánh ước mong của loại dân văn chương không thể nào chạm đến.
Giá như có một căn hộ riêng, thì cảnh "bèo dạt, mây trôi" sẽ chấm dứt, người ta sẽ quan hệ tốt với xóm giềng, sẽ lo sắm sửa đồ đạc trong nhà thật tử tế, lo cho việc cư trú lâu dài. Dĩ nhiên là sẽ có cây cảnh Việt Nam, sẽ có những bức tranh quê thật đẹp, nếu có thể thì đưa một bộ tràng kỷ bằng gỗ gụ, hoặc bộ xalông mây đặt vào phòng khách, mỗi khi ngả lưng nhấp nháp chén trà cho đỡ nhớ quê.
Cũng có người đã mua, đã sắm, đã bỏ tiền làm nội thất căn hộ đi thuê một cách tiện nghi với quan niệm đầy vẻ nhân văn và triết học: ở một giờ cũng phải đàng hoàng. Nhưng ba bảy, hai mốt ngày, chủ lên giọng đòi lại nhà, cho người lạ đồ đạc đã bỏ cả đống tiền, bỏ công ra sắm thì không ốn, vứt thì tiếc, mang đi thì không thể; coi như có thêm bài học nhớ đời là đã sống tạm bợ thì đừng nói gì đến việc trau chuốt cửa nhà, cứ đóng cửa lại, bế quan hàng xóm, hạn chế các mối quan hệ tới mức tối đa!
Đến chuyện học tiếng Việt, tiếng Nga
Lớp tiếng Việt ở Trường Phổ thông 282
Cuối năm 2011, Tiến sĩ A. Xocolov, một nhà sử học chuyên nghiên cứu về đề tài Việt Nam tặng tôi một quyển sách mới của Viện Phương Đông, với đề tài là "Cộng đồng người nước ngoài ở Nga". Quyển sách viết một cách khá khách quan về người Việt, đưa ra một con số khá xác thực là ở nước Nga hiện nay, cộng đồng người Việt Nam chỉ còn khoàng 62 đến 65 ngàn người, không lớn mà cũng không nhỏ so với các cộng đồng các nước SNG. Nhưng so với người Việt ở Mỹ thống kê vào thời điểm 2010 là 1.549 000 người thì người Việt ở Nga chỉ bằng 1/26, không thấm tháp vào đâu!.
Tôi lại càng ngạc nhiên hơn khi biết rằng, trong số 10 bang được khảo sát, cộng đồng người Việt ở Mỹ có tới 1700 trường học tiếng Việt, do người Việt thành lập, được chính phủ bảo trợ. Học sinh Việt ở Mỹ được học tiếng mẹ đẻ, từ văn chương, phong tục, địa lý, lịch sử và âm nhạc song song với chương trình bản quốc.
Những gia đình ở Mỹ rất coi trọng việc giao tiếp bằng tiếng Việt, rất muốn con cái hướng về nguồn cội và tạo nhiều cơ hội để lớp trẻ được thể hiện mình trên sân khấu, trong các buổi giao lưu giữa công chúng Việt. Cũng có thể vì thế, hình ảnh những cô gái như Cao Kỳ Duyên xa đất nước từ khi chưa đầy hai tuổi mà vẫn sử dụng tiếng Việt, từ Hán Việt một cách thuần thục như người sinh ra và lớn lên ở Tổ quốc. Quay trở lại nước Nga, quả thật không biết nên vui hay nên buồn, khi ba thế hệ đã từng "tạm trú" hơn ba chục năm ở xứ băng giá này mà không có lấy một mái trường dạy Tiếng Việt!
Nói như vậy cũng không đúng lắm. Cũng đã từng có một vài trường, nhen nhúm lên, tồn tại được một vụ, hai vụ rồi bỏ hoang hoá. Đơn cử là tận Upha, cộng đồng ở đó cũng đã dày công xây dựng một mô hình lớp tiếng Việt, được chừng ba chục cháu theo học được một kỳ; ở chợ Vòm cũng đã có một lớp tiếng Việt xuất hiện, sau khi lên hình và lên báo được hai tháng, rồi cũng lặng lẽ rút vào bí mật...
Chỉ có trường Mùa Thu lập năm 2007 ở gần khu vực Togi trên đường Varsapxkoe là duy trì được hai năm. Hai năm đó, một lớp Tiếng Việt nội trú theo học hơn hai chục cháu độ tuổi mẫu giáo đến lớp ba, có cô giáo dạy các môn cơ bản, có làm văn, có học hát, học múa. Các cháu cũng lên Hội trường Sứ quán biểu diễn, đọc thơ, làm nức lòng các vị lãnh đạo và các bậc phụ huynh. Và sau đó, trường im lặng chia tay, các cháu lại theo bố mẹ, chữ thầy trả lại thầy.
Nghĩ đến lớp tiếng Việt ở Trường Phổ thông 282 mới thương chị Phạm Thị Điềm, một trí thứ không hề có con cháu học tại đây, sẵn sàng làm một phụ huynh tự nguyện để mở một lớp tiếng Việt cho con em mình. Xuất phát điểm là vị trí nhà trường nằm trên phố Đakutraev, nơi người Việt cư ngụ vào thời điểm cao nhất gần đến một ngàn. Suốt gần hai chục năm qua, ngôi trường này đã dạy tới hàng trăm học sinh Việt Nam. Và ở khu Đakutraev, dân tình dù lời ra, tiếng ca thán người Việt không phải ít, nhưng các thầy giáo và cô giáo nhà trường, đặc biệt là cô Hiệu trưởng thì yêu quý Việt Nam vô cùng.
Dựa vào lợi thế đó, chị Phạm Thị Điềm cùng chúng tôi dựng lên một Ban Phu huynh học sinh, khởi động xây dựng Phòng truyền thống Việt Nam và dạy tiếng Việt. Không khí như ngày đầu khởi nghĩa, các doanh nhân hứa đóng góp kinh phí, nhà trường cho không địa điểm, một số giáo viên người Việt sẵn sàng tham gia giảng dạy....Những tưởng chừng, tại Matxcơva, con em Việt có một cơ sở dạy tiếng mẹ đẻ lâu bền.
Nhưng đó là ước vọng. Qua các cuộc họp phụ huynh trong khu vực, mới thấu hiểu hơn bài "bèo dạt, mây trôi". Nhiều phụ huynh, sau khi nghe đại diện Đại sứ quán và chị Điềm giải thích cặn kẽ về việc cần thiết phải dạy cho các cháu tiếng Việt và văn hoá Việt, bỗng buông ra một câu rất đỗi thật thà, rất tiêu biểu cho tâm lý tạm bợ, mong manh của người đi làm ăn tại Nga, ở không yên ổn, ngồi không vững vàng: "Chẳng biết lay hay mai, công an đuổi, chúng tôi về lước, thì con tôi học tiếng Việt nàm gì cho tốn tiền, dành thời gian nàmviệc khác". Có vị còn ngây thơ hơn cả thời bao cấp: "Cứ tưởng là mở lớp tiếng Việt như thế này, nhà nước và Sứ quán phải bỏ tiền ra chứ, lại bắt chúng tôi nộp à".
Xin lưu ý, những phụ huynh cao giọng đăng đàn đó, toàn là những người có dăm ba miếng đất, có vài ba căn hộ trong nước cả đấy!.
Tuy vậy, lớp tiếng Việt cũng ra đời. Lớp được các Anh đến thăm, các Đoàn trong nước sang công tác, dành thời gian đến chúc mừng, chụp ảnh, lên hình và phát biểu. Nhưng kinh phí thì được hứa. Tôi và chị Điềm cùng cô Hiệu trưởng viết đơn gửi tới những nơi cần gửi nhiều lần cũng chẳng có hồi âm. Lớp tiếng Việt duy trì được hai niên rồi lặp lại số phận như lớp chợ Vòm và lớp Mùa Thu!
May mà tình yêu cô hiệu trưởng đối với Việt Nam vẫn không hề lay chuyển, cộng với sự tận tâm của lãnh đạo Đại sứ quán nhiệm kỳ mới từ năm 2011, nên cô vẫn sẵn lòng dành phòng, dành một sự giúp đỡ vô điều kiện khi lớp tiếng Việt được nối lại.
Thỉnh thoảng trong các cuộc Hội diễn, trong các chương trình văn nghệ cộng đồng, có các MC nói năng tiếng Việt khá lưu loát, tôi đã thấy mừng, thầm nghĩ, không biết gia đình nào dạy con nói tiếng Việt giỏi thế. Nhưng sự thật, đó là các cháu từ trong nước mới sang! Còn phần lớn các cháu sinh ra ở đây, thì vốn tiếng Việt chỉ đủ dành cho giao tiếp.
Chuyện mua đất, mua nhà
Dù "sống tạm", nhưng đến 23 tháng Chạp, mỗi gia đình người Việt ở Nga đều sắm sửa mâm lễ cúng tiễn ông Táo
Nhờ trời, nói đúng hơn là nhờ anh Tổng Giám đốc một công ty kinh doanh bất động sản, tôi thuê được căn hộ nhỏ một buồng, không mất "tiền vào cửa" (chi phí sang nhượng quyền thuê căn hộ), chỉ phải đóng tiền hàng tháng.
Một lần, chị hàng xóm tầng trên đến tôi chơi, nhìn quanh, nhìn quất, thốt lên: hai anh chị không làm ăn gì, chỉ ngồi đọc sách, mà dám ở rộng thế. Như chỗ này, những người kinh doanh họ phải ở cả chục người!
Tôi trả lời cho chị hay, là tôi đành nhịn ăn để ở, vì tôi là người dở hơi, làm việc trái khoáy, chủ yếu đọc và viết ban đêm, không dám ở chung với ai, làm ảnh hưởng tới họ.
Tôi lên nhà chị thăm, đúng thế thật, căn phòng một buồng (buồng còn lại, một gia đình người khác ở) sống tới sáu người: vợ chồng, hai con, oshin, và một đứa em trai lớn tồng ngồng nữa; họ không dùng giường, đệm trải một lượt xuống sàn, nằm như xếp đĩa. Bữa cơm, thức ăn đặt trên chiếc tivi, còn mọi người đều ăn đứng! Quần áo giặt xong, không có chỗ phơi, mắc đầy cửa sổ, chất lên thành đụn. Đã có lần, một người bị cúm, năm người kia còn lại, cũng cúm luôn! Còn chuyện sinh hoạt, chỉ có thể ngồi quanh bàn trà cả ngày mới kể hết.
Chị hàng xóm hoàn toàn không bối rối, khi tôi đặt vấn đề, là nếu có kinh tế khá giả như chị, thì tôi thuê một căn hộ ba buồng ở cho nó sướng, hoặc mua luôn lấy một căn hộ ngoài phố cho đàng hoàng, lại là tài sản suốt đời của mình! Chị cho hay là ở khu này, nhiều nhà giàu hơn chị, họ có nhiều triệu đô mà vẫn sống chật chội cả chục năm trời có sao đâu!. "Mà ở rộng làm gì, chúng tôi có bao giờ tiếp khách, giỗ chạp gì đâu. Hàng ngày chúng tôi ra chợ từ bốn, năm giờ sáng, tám giờ tối về, ăn xong, ngủ luôn, thì cần gi phải đoàng hoàng cho nó phí. Tiền đó, chúng tôi gửi về mua đất! Mình có phải là Tây đâu mà ăn đời, ở kiếp. Tây đuổi lúc nào, thì chúng tôi nổ neo lúc ấy, càng nhẹ càng dễ phắn".
Lai một chuyện khác. Tôi có một đứa em họ, có con đang học năm cuối cấp. Vì mẹ cháu không biết tiếng Nga, nên cho cô giáo chủ nhiệm số điện thoại của tôi để thông báo tin tức học hành của cháu. Vài tuần, cô giáo lại gọi điện than phiền về cháu, nào là không làm bài, nào là hay bỏ đi chơi, nào là ngồi trong lớp hay ngủ gật....
Tôi báo lại cho mẹ cháu và nói với qua điện thoại suốt gần cả tiếng đồng hồ với cháu rất nghiêm khắc, răn dạy như một nhà mô phạm, nào là phải, là phải...xứng đáng với công bố mẹ đã hy sinh vì cháu. Cháu chỉ vâng dạ và hứa sẽ cố gắng, nhưng tôi không biết là khi nói với tôi, cháu đã khóc một cách ấm ức.
Khi đến nhà cháu, thì than ôi, tôi mới rõ sự thật, mỉa mai thay những lời răn dạy trời ơi, đất hỡi của mình. Cô em họ của tôi ở trong một phòng chật hẹp của căn hộ hai phòng, cháu không hề có lấy một không gian riêng, ngồi học kê tấm bảng lên đùi để viết. Phòng bên cạnh là một đám thanh niên, sau ngày làm việc là bia rượu, đánh tá lả và sát phạt đến khuya. Một chỗ vệ sinh, một chỗ tắm rửa, một bếp nhỏ mà có tới chục con người xếp hàng sử dụng. Thế thì hỏi làm sao mà cháu học giỏi được, lại không ngủ gật, lại không muốn lang thang ngoài phố để tránh đám đông bia rượu?
Sự thực là như thế, người Việt luôn ở một trạng thái nhấp nhốm, không yên thân một chút nào, nhất là những bà con kinh doanh ở chợ, suốt ngày chỉ duy nhất nghĩ đến đồng tiền và quay vòng vốn. Họ có nhu cầu, nhưng không có điều kiện thời gian để du lịch, tham quan, nâng cao những kiến thức xã hội. Cũng có người quan niệm, tiền bạc đủ đầy, được ăn ngon, có áo quàn hàng hiệu, có xe sang là đã có chất lượng sống cao rồi! Ngày rảnh rỗi, cả nhà làm một nồi lẩu, gọi bạn bè đến xì xụp, uống rượu, thì chẳng cảnh đẹp, danh lam nào sánh nổi!
Ba chục năm là phần đẹp nhất của một đời người, những người sang đây lao động từ buổi xuân thì, ở lại, bươn chải kiếm ăn, đầu tắt, mặt tối với ước mong mở mặt, mở mày. Ba chục năm, các cơ quan công quyền của Nga chưa bao giờ đưa ra một quyết định định cư cho dạng người nhập cư như công dân Việt Nam và các nước khác. Còn dân ta thì khó tìm được câu trả lời, nên về hay nên ở, cứ trong tình trạng đến đâu hay đấy! Ở tạm, sống tạm, làm ăn tạm.
Đây cũng là nguyên nhân sâu xa của việc nổi lên bấy lâu nay về các xưởng may đen của người Việt.

Chuyện xưởng may của người Việt.
Phạm trù xưởng may của người Việt ở Nga còn có nhiều vấn nạn, nhưng đây vẫn là nơi người lao động có thể kiếm thu nhập, nuôi sống gia đình ở trong nước
Không bàn đến chuyện các ông chủ xưởng may tuyển con người ta sang, sau khi thu đủ các thứ tiền đến nỗi người ta phải cầm cố đất đai, nhà cửa, còn lại bắt công nhân làm việc mười hai, mười sáu tiếng, có lúc lại quỵt lương và giở các trò ma giáo khác. Cũng chẳng bàn đến việc các ông chủ nhái thương hiệu ngoại quốc hay những kẻ "chỉ điểm" làm hại bà con mình. Tôi chỉ muốn nói rằng, có rất nhiều chủ xưởng có tâm, có đức, muốn tạo công ăn, việc làm cho cộng đồng, có thêm thu nhập. Họ muốn và rất muốn có sự ổn định, thoát khỏi cảnh nay bao vây, mai kiểm tra, ngày kia đóng cửa, rồi chạy phạt hàng đống tiền. Nhưng họ không thể, muốn mà không được. Họ sẵn sàng lo tiền để thuê một xưởng, xây dựng một khu vực có đủ điện nước, có sân chơi, có hệ thống cứu hoả, an ninh tốt, vệ sinh tốt, sẵn sàng đóng đủ thuế theo quy định....nhưng để có được điều đó ở nước Nga, lo xong hàng loạt thủ tục, qua được hàng chục cửa cơ quan công quyền, thì đợi đấy!
Thế là họ lại phải thuê, phải lo làm các công đoạn thiết yếu nhất để đối phó, để đừng thành loại xưởng "đen" quá, mà chỉ "trắng nhờ nhờ" để còn có lý do mà tồn tại. Công nhân xưởng may dù có khổ trăm bề đi chăng nữa, có công ăn, việc làm, có một mái nhà, có một ông chủ để bám vào; còn hơn chán vạn những công nhân xây dựng dãi gió, dầm tuyết trôi nổi trên những công trường xây dựng nước Nga.
Có những khu vực, các chủ xưởng may đã liên kết lại với nhau, tổ chức một cách quy củ, lo toan sinh kế, cuộc sống thường ngày cho công nhân, đứng ra bảo vệ người lao động. Đáng tiếc là rất nhiều nhà báo trong nước qua Nga được vài ngày, tiếp xúc được một vài nhóm người, chưa hiểu hết ngọn cành đã vội đưa ra một bức tranh đầy chủ quan và suy diễn. Không ai phủ nhận một điều là trong phạm trù chủ đề may mặc của người Việt ở Nga còn có bao nhiêu vấn nạn. Nó cũng là chủ đề thường trực trong các cuộc họp giao ban của Sứ quán và những người làm công tác cộng đồng.
Thật quá đỗi ngạc nhiên khi thấy trên Vneconomy.vn ngày 12-1-2012 có một bài viết, trong đó có nêu một giải pháp để "giải cứu hàng chục ngàn lao động khổ sai nơi xứ người", tức là nước Nga. Ba chục năm nay, chưa hề có một chủ trương nào của Nhà nước đưa lao động trở về, mà chỉ có tìm cách đưa lao động Việt Nam đến với những đối tác nước ngoài có nhu cầu tuyển dụng. Không thể so sánh một cách thiếu suy nghĩ việc đưa hàng chục ngàn lao động Việt Nam từ nơi xung đột chiến sự nóng bỏng tại Lybia để bảo vệ tính mạng của họ với việc "giải cứu" công nhân may mặc ở các xưởng may tại Nga, nơi họ đang có thu nhập, đang là nguồn nuôi sống cả gia đình trong nước. Vấn đề là phải từng bước tìm ra các biện pháp để góp phần cải thiện đời sống tinh thần, vật chất của người lao động, hợp thức họ theo luật pháp nước Nga. Nói một cách văn hoa là Ban công tác cộng đồng đang có lộ trình và nỗ lực để đưa các xưởng may người Việt bước ra ánh sáng để ổn định và làm ăn ở nước Nga.
Cũng hơi ghen với anh người Việt ở Ukraina bên cạnh, hầu như tất cả mọi người đều được hợp thức, có quyền công dân, ít ra cũng là thẻ xanh dài hạn với lý do mà các anh Trung hoa, Ấn độ không tị nạnh được, bởi "những công nhân Việt Nam đã từng lao động ở Liên Xô". Ở Tiệp, ở Ba Lan, ở Đức, người Việt được coi như người nước họ, đi đứng ngẩng cao đầu, cảnh sát chỉ hỏi thăm lúc phạm luật. Còn ở Nga, hàng ngàn người muốn đóng tiền đăng ký hộ khẩu một năm một để yên bề làm ăn cũng khó, nhiều người lỡ trớn, quá hạn visa, về không thể, ở không xong. Không có một quy định nào đưa ra một lộ trình hợp thức lâu dài, đành mạnh ai nấy lo, hướng ai nấy chạy. Công ty nào xin được cota thì đăng ký cho người công ty đó; dịch vụ nào quan hệ giỏi thì có được khách nhiều hơn. Làm hộ khẩu tạm trú một năm, nếu qua tay dịch vụ ở thời điểm 2010 là mất 3100 đến 3200 đô la, bằng tiền nuôi một đứa con học đại học 4 năm trong nước.
Mà không có hộ khẩu thì lo lắm, bất cứ lúc nào, cảnh sát cũng sờ tới mình, cũng bị nộp phạt không biên lai, mà tiền phạt là ngẫu hứng. Không có hộ khẩu thì khi ốm đau vào bệnh viện lại phải lót tay, xin con học mẫu giáo, cũng không thể, không được phép làm bằng lái xe, không làm được bất cứ một loại thẻ nào, đến thuê nhà cũng phải nhờ người quen thuê hộ.
Sống không có hộ khẩu giấy tờ, hoàn toàn đúng nghĩa với từ chui lủi.
Nhân viên quản lý di trú FMS liểm tra giấy tờ tùy thân của người Việt trong một khu chợ ở Moskva
Đã rất nhiều lần cơ quan ngoại kiều (FMS) tiến hành rầm rộ những chiến dịch kiểm tra, trục xuất. Họ bắt hàng trăm người nước ngoài, dĩ nhiên là có người Việt của ta, tống vào các trại, các đồn giam và doạ trục xuất. Nhưng đồn nào giam cho xuể người nước ngoài sống khắp cả nước Nga, vé máy bay, vé tàu đâu mà trục xuất. Biện pháp truyền thống nhất là nộp phạt, và thả ra, chờ ngày bắt lại để nộp phạt.
Trong lúc đó, lẽ ra họ có một lộ trình để hợp thức hoá, hoặc có chính sách ân xá cho người lao động bất hợp pháp như Ba Lan làm từ 2-12-2011 thì sẽ thu hút được hàng triệu người lao động rất cần đối với nước Nga, người nước ngoài yên tâm hơn, ổn định hơn mà cảnh sát lại đỡ đi biết bao tiêu cực, thì họ không làm.
Hay là họ có kế sách duy trì việc này thì không rõ.
Như thế là anh chị láng giềng của tôi không sai lắm, cảnh sống nhờ, sống tạm trên cõi tạm, mà đòi mua nhà, thuê nhà sang, thì quả là bất hợp lý và phí phạm.
Và nói như ngạn ngữ Việt Nam là tại cả anh nữa, chứ không phải tại ả.
Năm 2004, Sứ quán mở một cuộc họp mở rộng thành phần để lấy ý kiến của những người hoạt động trong cộng đồng, là tại sao bà con ta lại không chịu làm giấy tờ, không chịu đăng ký, trong khi UVIR ( tên của cơ quan quản lý người nước ngoài lúc đó) tạo mọi điều kiện để các công ty làm thủ tục. Có nhiều ý kiến lắm, nhưng có một ý kiến, không ai phủ nhận được, dường như chủ nhân của lời phát biểu ấn tượng đó là người trong cuộc: "Anh em có biết vì sao bà con mình ít đăng ký hộ khẩu không? Theo quy định của UVIR, người nào không có giấy tờ, mỗi lần bị bắt, phải nộp 500 rúp. Tính ra mỗi người mối tháng bị bắt hai lần, vị chi macximum một năm khoảng 25 lần bị bắt, chỉ phải nộp phạt hết 200 đô la, trong khi đó làm hộ khẩu một năm là bảy vé!"
Mọi người ngớ người ra, đúng quá, cái cách suy nghĩ thực dụng, tiểu nông đó là đặc trưng của những anh chân lấm, tay bùn, mới hôm nào còn bì bõm ruộng sâu, nay sang làm doanh gia ở chợ, chỉ tính từng ngày đối phó, còn lâu mới hội nhập vào pháp luật, văn minh nước sở tại.
Với cách suy nghĩ đó, khó mà động viên bà con là giấy tờ nghiêm chỉnh, nhưng cho đến khi các quy định thắt chặt, thì tự họ phải lo sốt vó mà làm. Thời điểm đăng ký làm thẻ xanh, thẻ đỏ những năm đầu thế kỷ, người Việt chỉ cần nộp một khoản không đáng kể, với ít tiền sát hạch, thì chẳng có ai thức tỉnh sớm mà làm, cho đến khi cánh cửa của chính quyền đóng lại thì có gõ cũng không ai mở. Nghĩ mà tiếc.
Thử ngó lại mình
Hai năm qua, trên các báo của ta trong nước như Tiền phong, Dân trí, Lao động, có mở mục Người Việt xấu xí, nằm trong chủ trương chấn hưng dân trí, nâng cao dân khí, rất được hoan nghênh. Nhưng hình như ta vẫn chưa mạnh dạn chỉ ra đúng được triệu chứng lâm sàng và bốc thuốc đúng bệnh.
Ở Nga, thì biết bao điều trông thấy, cũng đau đớn lòng, nhưng nói ra thì phạm vào tội khinh khi cộng đồng, nên ở mức độ nào, chỉ nói về cái hơi xấu xí, làm tổn hại đến sự hoà nhập, làm bất an đến cuộc sống chung.
Sự thật thì chẳng có gì to tát, toàn chuyện sinh hoạt. Người Việt ở Nga không phải không có những vấn đề vi phạm pháp luật, không nằm trong tầm ngắm của an ninh Nga, không trồng cần sa, không bán buôn vũ khí, không hoạt động băng đảng. Những chuyện báo đài Nga thường xuyên đưa tin về người Việt Nam ta, chủ yếu nằm trong vòng sinh hoạt.
Vào bất cứ ốp nào, ký túc xá nào, bất kể giờ nào là thấy sự huyên náo của đồng bào ta, dường như mọi người nói rất to, gọi điện thoại oang oang và cười hể hả. Người Nga họ kỵ nói to lắm, trên tàu, trên xe, ở nơi công cộng, họ nói vừa đủ người đối thoại nghe, do đó, nhìn cảnh ăn to nói nhớn của những người nhỏ thó mà âm lượng cao vút, họ vừa ngạc nhiên, vừa bực bội. Hình như bà con ta ít ý thức được điều này lắm, cầm chiếc điện thoại đời mới, ngồi lên chiếc xe đời mới, nói oang oang, nghĩ mình đã đạt tới đỉnh cao của sự oai phong.
Trong những khu ngoại giao được cho thuê lại thành ký túc xá, là nơi cư ngụ của hàng trăm gia đình Việt, có những người lao công làm việc rất mẫn cán và quy củ. Hệ thống ống rác rất tiện, nằm ngay ở lối cầu thang, nhưng đa phần bà con ta điềm nhiên, vô tư vứt vỏ dưa hấu, các túi rác đa chủng loại ra hành lang, trong khi chỉ cần 5 giây bỏ vào hộp rác, đóng nắp lại là sạch như lau, như ly. Có lần, tôi nói cực kỳ nhũn nhặn với một chị mặc áo ngủ diêm dúa vừa vứt toẹt cả túi rác xuống sàn, là chị bỏ vào ống rác thì hơn, nó đỡ bốc mùi.... Chị ta nhìn trừng trừng vào tôi và đáp chắc nịch: "Hàng tháng, chúng tôi đã nộp tiền dọn rác rồi" và ngoay ngoảy bước vào nhà, đóng cửa đánh rầm như cảnh báo với loại như tôi đừng có ngứa mồm, ngứa miệng.
Tôi còn may hơn Giáo sư Trần Ngọc Mai, người bảo vệ Phó Tiến sỹ Hoá học đầu tiên của Việt Nam ở MGU năm 1963.
Sự thể là trong ốp Xaliut 2 trên đường Đobroliubov, mỗi tầng có hai phòng nhà bếp, mối phòng có tới 6 bếp ga, và 6 bồn nước dùng để rửa. Các gia đình thường đặt một soong nước đầy và mở bếp ga đun để xí chỗ từ chiều để nấu bữa tối, không bị ai tranh phần. Các vòi nước mở vô tội vạ, chảy ào ào suốt ngày đêm.
Giáo sư Mai hồi năm 94 đến năm 99 ở trong ốp, hàng ngày sau khi làm việc xong, rỗi hơi, đi một vòng các bếp, vừa vặn lại các vòi nước vừa nhắc nhở cư dân trong ốp là nếu để ga cháy suốt ngày như vậy, vừa lãng phí ga lại rất nguy hiểm, nhỡ ra thì nổ tan cả khu căn hộ. Hơn nữa, đun bằng xoong nhôm lâu, rất nguy hiểm cho sức khoẻ.
Những tưởng những lời chỉ giáo chân tình của ông sẽ được đáp đền bằng sự vâng lời và thấu hiểu. Nhưng than ôi, ông vừa gọi điện cho tôi vừa khóc: "cậu có tưởng tượng được là con bé chỉ đáng tuổi con tôi mà nó xỉa xói vào mặt tôi rằng " Đồ lẩm cẩm. Con này thích đun bao nhiêu là việc của con này, đừng có mà lên lớp dạy đời!". Từ đó ông cạch!
Giáo sư Mai cũng như tôi, giống nhau ở một điểm là ngại đến những chốn yến ẩm, đô hội, trừ những việc không thể không đi. Đâu phải chúng tôi không thích ăn ngon, không thích giao lưu, gặp gỡ, nhưng chỉ khiếp một nỗi ở những chốn ấy huyên náo quá. Hàng chục, có lúc hàng trăm con người, mồ hôi, mồ kê nhễ nại, nâng cốc rượu đầy tràn hô như vỡ chợ: Zô! zô!. Zô, theo chỗ tôi biết, nó xuất phát từ những bàn nhậu của anh Hai Nam Bộ: nó là vô, nghĩa là cạn chén. Và cái động từ thất thanh đó đã ngang nhiên đi vào các bàn tiệc sang trọng, thậm chí có lúc mang tính chất trang nghiêm. Thôi thì thể tất lúc quá vui, nhung không thể chấp nhận được khi cảnh một vị đạo cao, đức trọng đang phát biểu, hay là lúc các ca sĩ đang thể hiện một bài hát với tất cả khả năng của mình, thì bên dưới những khuôn mặt đỏ bừng bừng vẫn gào lên như hò kéo pháo!
Lại nói tới ca sĩ, chuyện hát hò. Ngày nghỉ, tôi vẫn thường dành thời gian đến các nhà hát Nga, các rạp xiếc để tự thưởng cho mình sau một tuần chúi mũi vào sách vở. Người Nga đến rạp hát như đến ngày hội lớn. Họ mặc những bộ đồ dạ hội đẹp nhất, đến trước giờ để còn có thời gian trang điiểm và tìm chỗ ngồi trước khi bắt đầu biểu diễn. Có nhiều người sợ đi đường làm nhầu quần áo, họ mang theo quần áo và thay đồ ở ở phòng dành riêng trang điểm trong rạp hát.
Họ luôn mang sẵn hoa để tặng những nghệ sĩ, những nhạc công yêu thích nhất. Khi ca sĩ thể hiện xong tiết mục của mình, người hâm mộ đợi sẵn ở bậc thang cánh gà và mang hoa tặng một cách trân trọng, cúi người xuống để trao. Và các ca sĩ cũng đón lấy những bông hoa đó bằng những cử chỉ lịch lãm và văn hoá nhất, như ôm hoa vào lòng, hôn bông hoa thơm vừa tặng, hoặc cúi đầu rất thấp để cảm ơn.
Ta hơi khác họ. Hơn hai chục năm nay có không dưới năm chục buổi biểu diễn văn nghệ Việt Nam ở các rạp danh giá và các nhà văn hoá của Matxcơva cũng như các thành phố lớn. Nhưng chưa hề có một buổi nào, người Việt ta đến đúng giờ mở màn, trừ mấy buổi khai mạc ngày Văn hoá Việt Nam tại nước bạn. Chỉ có đại đa số các quan chức, cán bộ, sinh viên ăn mặc nghiêm chỉnh, com lê, cavat, còn lại thì vô tư chơi quần áo ngày thường, hoặc để nguyên áo quần mặc từ chợ dông thẳng đến nhà hát. Họ coi đây là chuyện riêng tư, cũng không bận lòng lắm. Cũng khổ, nếu họ từ chợ về nhà, thì không còn kịp thời gian. Cầm lòng vậy, đành lòng vậy!
Đến màn tặng hoa thì đến người dễ tính nhất cũng phải lắc đầu. Hoặc một đám trẻ con nhông nhông chạy lên sân khấu lúc ca sĩ đang cao giọng; hoặc một vài anh mặc áo quần thể thao xong phi từ dưới hội trường lên, dúi hoa vào ca sĩ, ôm vai, có lúc hôn vào má để bố trí phía dưới chụp ảnh làm kỉ niệm. Không phải ai cũng mang hoa sẵn, mà có lúc họ rút vô tội vạ từ những lẵng hoa đặt phía trước sân khấu.
Và tôi chứng kiến hàng chục lần, sau buổi diễn, những bó hoa rất đẹp, rất đắt đó, được bỏ mặc hàng đống phía sau màn, khi ca sĩ lên xe trở về khách sạn. Sân khấu thì đầy vỏ chai, hạt hướng dương, vỏ kẹo, đến nỗi những bà Nga dọn dẹp cứ túm lấy những người tổ chức và giơ cả hai tay lên trời.
Bà con cộng đồng theo dõi chương trình Hội diễn văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân 2012
May thay, trong mấy năm trở lại đây, khi đến nhà hát, những nơi công cộng, bà con mình đã chú ý nhiều đến dáng vẻ, chú ý đến phong tục tập quán của người Nga, đã hoà nhập đáng kể vào mảnh đất mà họ đang làm ăn và sinh sống.
NHH
Nguồn: Baonga

Không có nhận xét nào: