Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
“Thật ra chúng tôi quyết định đầu tư vào các quốc gia như Việt Nam chỉ vì nó thiếu luật lệ và tính lờ mờ của một qui trình rõ ràng. Chúng tôi làm tại các quốc gia đang phát triển những điều mà quốc gia chúng tôi không còn cho phép,” – Một doanh nhân ẩn danh.
Phát triển lâu dài hay tận dụng khai thác
Tháng Mười hai vừa qua, Uỷ ban Sông Mekong gồm 5 quốc gia đã đồng ý trì hoãn dự án xây đập Xayaburi trên vùng hạ lưu sông Mekong trên lãnh thổ của Lào, chờ đợi những nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, và Việt Nam đã đóng vai trò chủ đạo trong quyết định này.
Tuy nhiên đây chỉ là một chiến thắng hiếm hoi trong việc bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Ở cấp quốc gia, nước này vẫn còn xa trong việc triển khai những luật lệ môi trường cần thiế để bảo đảm mục tiêu phát triển lâu dài do nhà nước đề ra. Trên thực tế, việc phản đối dự án Xayaburi có vẻ như là bất bình thường đối với các nhà chỉ trích. Trong nhưng năm vừa qua, không chỉ những dự án trên sông Mekong mới bị lên án mà còn có nhiều dự án khác mà chính quyền Việt Nam đã lên kế hoạch, bao gồm dự án đập Sơn La ở miền Bắc mà việc xây dựng đã cưỡng ép di dời 100 nghìn người, đa số là dân tộc ít người.
“Việt Nam cần năng lượng để hỗ trợ sự tăng trưởng kinh tế” là lý do được đưa ra. Với nhịp độ tăng trưởng kinh tế và công nghiệp chỉ đứng sau Trung Quốc, những mục tiêu kinh tế của Việt Nam liên quan đến việc gia tăng trầm trọng nạn ô nhiễm môi trường.
Căn cứ theo dữ kiện do Liên Hiệp Quốc công bố, lượng khí CO2 thải ra từ tình trạng nhà kính của Việt Nam trong năm 2007 là 111,38 triệu tấn, tăng gấp 420,3 lần so với năm 1990. Điều này đã đặt ra những vấn đề liên đới. Trước tiên, đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn chưa được qui định một cách phù hợp với những luật lệ nhằm vào việc tăng trưởng bền vững, và vì thế sẽ gây rủi ro đến tương lai của quốc gia.
Trong nhiều trường hợp, các Công ty Đầu tư Nước ngoài đã vi phạm việc sử dụng công cụ và máy móc dẫn đến việc ô nhiễm môi trường, hoặc tiếp tục bất chấp đạo đức kinh doanh và thậm chí đôi khi vi phạm pháp luật. Thứ hai, luật bảo vệ môi trường của Việt Nam thiếu vắng việc thi hành thực sự, các quan chức bộ và truyền thông địa phương cho biết.
Với tỉ lệ GDP bình quân đầu người ở mức 1.160 Mỹ kim trong năm 2010, Việt Nam hiện nằm trong nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Thậm chí giữa giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, mức GDP vẫn tiếp tục tăng trưởng 6,2% trong năm 2008, 5,3% trong năm 2009 và 6,78% năm 2010. Những con số này cho thấy kết quả rõ ràng là Đầu tư Trực tiếp Nước ngoài cùng với đầu tư trong nước đã đóng góp những phần quan trọng. Đến giữa thập niên 1990, Đầu tư Trực Tiếp Nước ngoài vào Việt Nam đã lên hơn 2 tỉ Mỹ kim hàng năm. Vì khủng hoảng kinh tế khu vực, luồng đầu tư đã bị sụt giảm rồi tăng vọt lên lần nữa vào năm 2006 khi Việt Nam được nhận vào Tổ chức Thương mại Thế giới, đạt mức 10-11 tỉ Mỹ kim trong năm 2010.
Tuy thế, bên cạnh những thành quả tích cực, Đầu tư Trực Tiếp Nước ngoài đã chỉ chú trọng vào những mục tiêu ngắn hoặc trung hạn và vô số những dự án trong các ngành bất động sản, dịch vụ và khai thác mỏ đã chứng minh điều này. Ngược lại, chỉ có vài dự án được xem là đầu tư dài hạn trong những lĩnh vực như kỹ thuật, môi trường, năng lượng tái sinh hoặc đào tạo.
Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam dự đoán rằng trung bình vốn các dự án Đầu tư Trực Tiếp Nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ là 160 triệu Mỹ kim, trong ngành bất động sản là 150 triệu Mỹ kim và trong ngành khai thác mỏ là 79 triệu Mỹ kim.
Việc Việt Nam có khả năng hấp dẫn nguồn vốn bên ngoài và thói quen lách luật của các công ty ngoại quốc đã góp phần vào những thành quả kinh tế nổi bật cũng như thành tích xoá đói giảm nghèo đã lôi cuốn các tổ chức quốc tế. Nhưng với cái giá nào? Giới trẻ không được đào tạo đầy đủ, và quốc gia này vẫn thiếu vắng lực lượng lao động tay nghề cao để có thể cạnh tranh với những nước khác.
“Dường như những nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam để thiết lập những cơ sở sản xuất vì họ chỉ muốn khai thác lực lượng lao động rẻ tiền dồi dào trong nước,” một bài báo trên tờ Tin tức Kinh doanh Việt Nam than phiền vào tháng Mười một 2010.
Nhưng nghiêm trọng hơn vẫn là ảnh hưởng môi trường lên một khu vực đang trải qua những tác động của nạn thay đổi khí hậu. Trong thời hạn trung và dài, cái giá để cải thiện, hoà nhập và giảm thiểu tác động môi trường có thể sẽ vượt qua lượng thu nhập có được từ khai thác mỏ, du lịch và xuất khẩu hàng hoá giá rẻ.
Luật bảo vệ môi trường đã được ban hành từ năm 2005, nhưng theo trang web của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì “chỉ vào tháng Mười hai 2010, sắc lệnh nêu ra những thiệt hại cụ thể mới được ban hành.” Mặc dù bộ Luật Hình sự 1999 cũng đã bao gồm một chương qui định 10 tội danh phá hoại môi trường, “cho đến năm 2009, các cơ quan trách nhiệm vẫn chưa đưa ra bất kỳ một văn bản pháp lý nào nhằm hướng dẫn việc điều tra và xét xử các tội danh này.”
Những bổ sung vào các điều khoản của bộ luật hình sự năm 1999 đã có hiệu lực vào ngày 1 tháng Giêng năm 2010. Nhưng “Trong khi đó, những văn bản pháp lý hướng dẫn việc điều tra, truy tố và xét xử những tội phạm môi trường vẫn chưa được đưa ra,” Bộ này nói.
Đến cuối năm 2010, lực lượng cảnh sát môi trường đã điều tra hơn 11 nghìn vi phạm trong bốn năm trước đấy, bao gồm việc xả nước thải, khói và chất thải đặc ô nhiễm vào môi trường mà không qua xử lý.
Công ty Vịnh Hạ Long tại xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai là một ví dụ. Công ty này “nhận tiền hàng tháng để xử lý rác thải nhưng đã không hề làm việc này mà chỉ đổ chất thải ra các bãi rác” bộ tài nguyên môi trường báo cáo.
Gần đây, vào cuối tháng Mười một, hai công ty ở khu vực đông nam tỉnh Đồng Nai là AB Mauri Ltd. Co và Kim Phong Commercial Production Investment JSC đã bị cấm hoạt động vì tội ô nhiễm môi trường. Những vụ này làm nhớ lại Vedan, một công ty sản xuất bột ngọt do Đài Loan đầu tư từng bị bắt khi đổ chất thải bằng những đường cống bí mật ra con sông địa phương trong ít nhất là 14 năm. Công ty này đã bị phạt 267 triệu đồng (13 nghìn Mỹ kim) và bị yêu cầu trả 127 tỉ đồng (6,3 triệu Mỹ kim) để bồi thường cho cư dân trong khu vực bị ảnh hưởng vởi hoạt động của mình.
Vedan là một trường hợp điển hình cho hai vấn đề chủ yếu của Việt Nam: thiếu vắng việc thiết lập luật lệ ở cấp địa phương lẫn quốc gia và việc thiếu đạo đức ở phía các công ty nước ngoài, chuyên sẵn sàng lợi dụng hoàn cảnh.
“Thật ra chúng tôi quyết định đầu tư vào các quốc gia như Việt Nam chỉ vì nó thiếu luật lệ và tính lờ mờ của một qui trình rõ ràng. Chúng tôi làm tại các quốc gia đang phát triển những điều mà quốc gia chúng tôi không còn cho phép,” một doanh nhân phương tây ẩn danh đã nói với Asia Sentinel.
Thái độ này cũng liên quan đến thương mại. Theo bộ tài nguyên môi trường thì “Từ năm 2003 đến tháng Chín 2010, hơn 3 nghìn thùng chứa chất thải bị kiểm tra là không đạt tiêu chuẩn nhập khẩu đã nằm trên các bến cảng Việt Nam,” chúng chứa đựng chất dioxin và những máy móc quá hạn từ những năm 1960.
Cuối cùng nhưng cũng không kém quan trọng, một thông báo của chính phủ rằng Việt Nam sẽ thiết lập một môi trường pháp lý cho việc phát triển nền kinh tế xanh đã thiếu uy tín vì sự chậm trễ trong việc áp dụng những luật lệ có sẵn.
Vị trí của Việt Nam biến nó thành một trong những quốc gia bị đe doạ nhiều nhất bởi những thay đổi môi trường. Mực nước biển tăng có thể làm nhận chìm hàng nghìn héc ta ruộng, đẩy hàng nghìn hộ dân tại những khu vực duyên hải phải di dời và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc gia tăng sản xuất.
Nếu Việt Nam muốn thấy được một sự tăng trưởng kinh tế thực sự lâu dài, nên tìm cách làm tốt hơn tác dụng của những chương trình giảm nhẹ và cải cách ảnh hưởng môi trường, điều quan trọng là chính quyền nên xem xét lại toàn bộ chính sách đầu tư trong và ngoài nước và bắt buộc các công ty tư nhân phải giao dịch với địa phương để đầu tư vào năng lượng tái sinh, đào tạo và công nghệ hơn là những khu nghỉ mát đồ sộ với sân gôn.
Sẽ rất phấn khởi nếu Việt Nam hành động cứng rắn, bắt buộc các chính phủ và công ty nước ngoài hỗ trợ những quyết định dựa trên việc phát triển kinh tế và công nghiệp bền vững, một con đường với khoảng trống lâu bền cho việc cải tiến và phát triển.
Nhìn vào cuộc tranh luận nội bộ giữa các cơ quan bộ và sự nhận thức ngày càng nhiều của công chúng về những vấn đề môi trường, đang có những dấu hiệu rằng chính quyền đang chậm rãi hướng đến phương pháp này. Thật sự vô cùng chậm rãi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét