Pages

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

Trung Quốc giữ vai trò then chốt trong hồ sơ Bắc Triều Tiên

Kim Jong-un đi thăm một đơn vị quân đội Bắc Triều Tiên
1/1/2012 (Reuters)
Lê Phước

Sau sự ra đi bất ngờ của nhà lãnh đạo Kim Jong-il, dư luận quốc tế lại càng quan tâm đến tình hình Bắc Triều Tiên, bởi sự bất ổn của nước này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình khu vực. Về vấn đề này, ông Javier Solana, cựu tổng thư ký NATO, nhấn mạnh đến vai trò của Trung Quốc, đồng minh số một của Bình Nhưỡng.
Ông Javier Solana hiện là viện trưởng Viện nghiên cứu và tư vấn Brookings Hoa Kỳ. Ông đăng một bài viết trên nhật báo Le Figaro với dòng tựa : « Nguy cơ hay triển vọng tại Bắc Triều Tiên ? ». Trước tiên, tác giả cho rằng, sự ra đi của ông Kim Jong-il và sự chuyển giao quyền lực tại Bắc Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh vô cùng phức tạp. Mọi động thái mang tính chất biểu trưng cho quá trình chuyển giao quyền lực cho Kim Jong Un dường như đã được tiến hành, như việc bổ nhiệm Kim Jong Un vào thượng tầng lãnh đạo của Đảng và quân đội. Thế nhưng, theo tác giả, tất cả điều đó vẫn còn chưa đủ để bôi trơn cho quá trình chuyển giao đối với một thah niên chàng trai chưa đầy ba mươi tuổi, nhất là trong một xã hội bị giới quân sự chi phối.

Trong khi đó, Mỹ và Hàn Quốc có vẻ không đủ sức để làm chủ tình hình tại Bắc Triều Tiên. Bằng chứng là, phải đến hai ngày sau khi ông Kim Jong-il mất, Hàn Quốc và Mỹ mới hay biết sau khi chính quyền Bình Nhưỡng công bố tin tức, mặc dù Washington và Seoul có biết bao phương tiện dọ thám miền Bắc. Từ đó suy ra rằng, việc cốt yếu hiện tại là phải biết thiết lập mối quan hệ « càng minh bạch càng tốt » với Trung Quốc. Bởi vì Trung Quốc luôn có liên lạc trực tiếp với Bắc Triều Tiên, và như vậy Trung Quốc sẽ có thể đảm bảo tốt cho việc nối lại vòng đàm phán 6 bên bị bế tắc từ mấy năm nay.
Trung Quốc mong nhà cầm quyền Bắc Triều Tiên tiến hành cải tổ kinh tế sao cho không phương hại nhiều đến hệ thống chính trị. Tác giả đặt câu hỏi, liệu Bắc Triều Tiên có thể làm được như vậy hay không ? Nếu được, thì liệu điều đó có được thực hiện đủ nhanh để trấn an các nước trong khu vực ?
Trung Quốc luôn cho rằng, vấn đề Bắc Triều Tiên phải được đánh giá phù hợp với lịch sử riêng và với quan điểm riêng của Bắc Triều Tiên. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng lo ngại bất ổn tại Bắc Triều Tiên sẽ khiến cho làn sóng di cư đến lãnh thổ Trung Hoa từ nước láng giềng bùng nổ. Còn đối với phương Tây, nhất là Hoa Kỳ, giải pháp cho mọi vấn đề phải được xác định tùy theo tình hình và thời điểm. Từ đó, tác giả cho rằng, cần phải tìm cách cho Hoa Kỳ và Trung Quốc tiến hành đối thoại trên tinh thần hợp tác. Hoa Kỳ phải khẳng định rõ ràng với phía Trung Quốc rằng, vấn đề trên bán đảo Triều Tiên sẽ không nghiêm trọng đến mức khiến Trung Quốc có tổn thất về mặt chiến lược. Cách tiếp cận đó, theo tác giả, có thể giúp ổn định tình hình khu vực trong giai đoạn phức tạp này.
Quân đội ra sức đánh bóng hình ảnh Kim Jong-un
Trong một đất nước mà quân đội nắm quyền chi phối như ở Bắc Triều Tiên, thì sự ủng hộ của giới quân sự có tính chất quyết định cho quá trình chuyển giao quyền lực thời hậu Kim Jong-il. Liên quan đến vấn đề này, Le Figaro có bài viết : Kim Jong-un trong giai đoạn hợp thức hóa », cho biết, giới quân đội Bắc Triều Tiên vừa có thêm động thái ủng hộ Kim Jong-un.
Nhân sinh nhật của tân lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, đài truyền hình quốc gia nước này đã phát một đoạn phim tài liệu ca ngợi tài năng của anh ta. Bên cạnh đó, những hình ảnh trong phim cũng cho thấy nhà lãnh đạo trẻ tuổi rất thân thiện với các quân nhân. Kim Jong-un được ca ngợi không tiếc lời và được cho là « thiên tài quân sự », « thiên tài của thiên tài ». Nhà lãnh đạo này còn tham gia vào một lễ gọi là « phát súng đầu tiên đón chào năm mới ». Le Figaro đánh giá, một thông điệp chúc mừng năm mới « máu lửa » như thế gây quan ngại cho một số nước láng giềng.
Nói về thước phim tài liệu vừa nêu, tờ báo nhận định, đó là một hành động mới trong chuỗi hành động « hợp thức hóa » nhà lãnh đạo trẻ, thế hệ thứ ba của chiếc ngai vàng họ Kim. Thậm chí hôm qua, bộ tổng tham mưu Bắc Triều Tiên còn tuyên bố « sẵn sàng biến thành súng ống và bom đạn » để phục vụ cho nhà lành đạo trẻ. Cũng ngày hôm qua, Bình Nhưỡng đã công bố lệnh ân xá tù nhân, một động thái mà Le Figaro cho là cũng nhằm thu phục lòng dân cho Kim Jong-un.
Trong khi còn chưa rõ lập trường của nhà lãnh đạo mới, một nhân vật đến hiện tại vẫn còn nhiều bí mật, hôm thứ hai, trên lãnh thổ Trung Quốc, thượng đỉnh Trung-Hàn đã diễn ra. Đây là thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nước kể từ khi ông Kim Jong-il mất. Hai bên đã nhất trí sẽ «cùng nhau làm việc vì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Ngay trong hậu trường, Bình Nhưỡng cũng đã bí mật thảo luận với Nhật Bản về hồ sơ người Nhật bị bắt cóc trong những năm 1970-1980. Theo một tờ báo Nhật Bản, một cựu bộ trưởng Nhật đã gặp một phái đoàn của Bắc Triều Tiên tại Trung Quốc vào hôm thứ hai. Hai bên đã bàn về những điều kiện để nối lại đàm phán cấp chính phủ, vốn bị gián đoạn từ năm 2008.
Quan hệ Trung-Mỹ còn nhiều sóng gió
Bộ trưởng tài chính Hoa Kỳ đang có chuyến thăm hai ngày tại Trung Quốc. Le Figaro quan tâm đến sự kiện này với bài phân tích : « Geithner tới Trung Quốc trong bối cảnh sóng gió giữa Bắc Kinh và Washington ».
Đối với Hoa Kỳ, trước thềm bầu cử tổng thống, chủ đề quan hệ kinh tế song phương với Trung Quốc trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết, nhiều nhà chức trách của Mỹ đã phê phán gay gắt chính sách bảo hộ tiền tệ của Trung Quốc. Còn đối với Bắc Kinh, trong thời buổi kinh tế khó khăn này, Bắc kinh đâu dễ gì buông tay giải phóng cho đồng nhân dân tệ. Trong khi đó, vấn đề cố tình định giá thấp đồng nhân dân tệ lại là điểm va chạm chính giữa hai nước.
Tại Mỹ, để tránh bị đảng Cộng Hòa chỉ trích, nhà Trắng ngày đêm suy nghĩ tìm giải pháp cho vấn đề Trung Quốc. Đến mức mà, Washington đang dự định thành lập một cơ quan chính phủ chuyên trách về vấn đề quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Tờ báo nhấn mạnh, trong nhiều giải pháp đối phó với Trung Quốc, Mỹ có thể sẽ xem xét đến một dự án hợp tác mới với Liên Hiệp Châu Âu.
Bên cạnh chủ đề kinh tế, một chủ đề mang tính chiến lược không kém cũng sẽ được đề cập trong chuyến thăm này : hồ sơ hạt nhân của Iran. Washington đang định cô lập Iran bằng biện pháp cấm vận dầu hỏa. Thế nhưng, biện pháp này đương nhiên ảnh hưởng đến quyền lợi của phía Trung Quốc. Nên nhớ rằng, Trung Quốc mua đến 22% lượng dầu thô xuất khẩu của Iran.
Pháp tiếp tục xiết chặt chính sách nhập cư
Chính sách nhập cư của Pháp là một trong những vấn đề thời sự được báo giới nước này quan tâm hôm nay. Tuy nhiên súc tích nhất có lẻ là bài đăng trên tờ báo L’Humanité vời dòng tít châm biếm : « Claude Guéant, quán quân của chính sách trục xuất người ngoại quốc năm 2011 ».
Hôm qua, bộ trưởng Nội vụ Pháp, ông Claude Guéant đã công bố bảng tổng kết chính sách nhập cư tại Pháp năm 2011, theo đó ông hoan hỉ về kết quả đạt được : 32 912 người nhập cư bất hợp pháp bị trụt xuất khỏi nước Pháp. Với kết quả này, ông Guéant còn tỏ ra mạnh tay hơn so với người tiền nhiệm là ông Brice Hortefeux. Hồi đầu năm 2011, ông Hortefeux đã đặt mục tiêu trục xuất dù cao nhưng cũng chỉ ở con số 28 000.
Bên cạnh đó, ông Guéant còn mạnh tay cả với người nhập cư hợp pháp. Ông cho biết, từ đây đến tháng năm, tỷ lệ người nhập cư hợp pháp vào lãnh thổ Pháp sẽ giảm đi 10%, tức hạ số người nhập cư bình quân mỗi năm xuống ngang bằng với những năm 1990.
Tờ báo cũng nhắc lại, trong giai đoạn 2010-2011, lượng visa cấp cho người nước ngoài đến Pháp theo diện đoàn tụ gia đình đã giảm 14%. Đặc biệt, đối với người nhập cư theo diện lao động đã giảm 26%. Nhập cư theo diện lao động có nghĩa là đến pháp làm việc, tức thuộc diện gọi là « nhập cư có chọn lọc », một chính sách mà tổng thống Sarkozy đã hứa hẹn thực hiện khi tranh cử vào điện L’Elysée năm 2007.
Giải thích cho sự mạnh tay này, ông Guéant cho rằng, do dân số nước Pháp ngày một đông, vì thế Pháp không hề cần đến lượng lao động nhập cư. Ông cũng nhấn mạnh đến hiện tượng người nhập cư phạm pháp ngày một tăng. Đặc biệt, ông không ngần ngại tuyên bố : « Chính người nhập cư phải hội nhập với chúng ta, chứ không phải chúng ta có nhiệm vụ hội nhập với họ ».
Xin nhắc lại rằng, chính sách mạnh tay đối với người nhập cư tại Pháp của chính phủ Sarkozy đã không ngừng bị chỉ trích từ ít lâu nay. Làn sóng chỉ trích càng dâng cao hơn khi vào tháng năm rồi, ông Guéant đã ra một thông tư gây nhiều bất lợi cho các sinh viên nước ngoài tốt nghiệp tại Pháp. Đến mức mà người đứng đứng đầu bộ nội vụ Pháp phải lên tiếng giải trình và chấp nhận nhượng bộ.
Nhật Bản : dùng vịt thay thuốc trừ sâu
Đến với lĩnh vực nông nghiệp, Le Monde chú ý đến một phương pháp trừ sâu và cỏ dại hiệu quả tại Nhật Bản qua bài viết với dòng tựa khá thú vị : « Vịt, một giải pháp thay thế thuốc trừ sâu trên đồng ruộng ».
Người nông dân tiên phong trong phương pháp này là ông Takao Furuno, 61 tuổi, hiện sống tại làng Keisen, đảo Kyushu miền tây Nhật Bản. Phương pháp của ông không có gì mới mẻ, mà rất cổ điển: dùng vịt thay thế thuốc bảo vệ thực vật.
Ông nuôi vịt và cho sinh sản này trên đồng ruộng của mình. Vịt sẽ sống bằng cách tự tìm sâu bọ trên lúa để ăn. Ngoài ra, vịt còn có thể ăn cỏ dại. Hơn nữa, khi bơi lội bằng đôi bàn chân cánh quạt của mình, vịt có thể tạo ôxy cho nước và làm tơi đất. Phân vịt lại có tác dụng làm phân hữu cơ, rất tốt cho quá trình sinh trưởng của lúa.
Cơ bản là đơn giản như vậy, nhưng kết quả đạt được lại rất lớn. Ông tiết kiệm được tiền mua thuốc trừ cỏ và trừ sâu. Thu nhập của ông cao hơn đến 30% so với thu nhập bình quân của những nông dân có sử dụng phân hóa học. Thêm vào đó, số tiền kiếm được từ việc bán vịt cũng không ít.
Thành công của ông đã được nhiều người chú ý. Năm 2010, ông cho xuất bản quyển sách mang tên « Quyền lực của vịt ». Quyển sách đã thu hút được 10 000 nông dân Nhật và 65 000 nông dân của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Nông trại của ông Fukuro còn là nơi các đoàn sinh viên trong và ngoài nước đến thực tập.

Không có nhận xét nào: