Pages

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

Trung Quốc nhắm tới sức mạnh hải quân Mỹ

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford được cho là góp phần đảm bảo an ninh cho một nửa thế kỷ của uy quyền hải quân Mỹ. Con tàu được thiết kế có thể mang theo thủy thủ đoàn 4.660 người và một kho máy bay bay, vũ khí đáng gờm.

 
Vệ tinh Mỹ đã chụp được hình ảnh tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc ở ngoài khơi bờ biển nước này thuộc Hoàng Hải. Ảnh: Telegraph

Tuy nhiên, một vấn đề không lường trước được đã nảy sinh giữa kế hoạch và dự kiến giao hàng năm 2015: Trung Quốc đang xây dựng lớp tên lửa đạn đạo mới được thiết kế để xuyên qua tầng bình lưu và phát nổ trên boong tàu sân bay Mỹ, tiêu diệt thủy thủ và làm tê liệt bãi đỗ máy bay.


Kể từ năm 1945, Mỹ đã thống trị vùng biển ở phía tây Thái Bình Dương nhờ một hạm đội tàu sân bay đầy uy lực. Thời gian đó, Trung Quốc hầu như không có chọn lựa nào khác là chứng kiến tàu Mỹ hoạt động ở ngoài khơi bờ biển của mình mà không vấp phải sự trừng phạt nào.

Giờ đây, Trung Quốc đang tiến hành gia tăng sức mạnh quân sự. Một phần kế hoạch của họ là ép các tàu sân bay Mỹ tránh xa bờ biển của mình, giới phân tích quân sự Trung Quốc cho biết. Vì thế, Mỹ đang điều chỉnh cuộc chơi của chính họ. Cả hai đang âm thầm lao vào một cuộc đua công nghệ quân sự ăn miếng trả miếng. Và sự cân bằng quyền lực trên biển đang nhanh chóng phát huy vai trò quan trọng.

Quan chức Lầu Năm Góc không muốn nói công khai về khả năng xung đột với Trung Quốc. Khác với Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh, Bắc Kinh không phải là một đối thủ rõ ràng. Trong chuyến thăm Trung Quốc tháng trước, Michele Flournoy, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách nói với một vị tướng hàng đầu của quân đội Trung Quốc rằng "Mỹ không tìm kiếm việc ngăn chặn Trung Quốc" và "chúng tôi không coi Trung Quốc là kẻ thù", bà nhắc lại trong một cuộc họp sau đó.

Tuy nhiên, quan chức quân sự Mỹ thường nói về việc chuẩn bị cho một cuộc xung đột ở Thái Bình Dương mà không đề cập tới đối phương họ có thể chiến đấu. Andrew Krepinevich, Chủ tịch Trung tâm đánh giá Chiến lược và Ngân sách nói: "Bạn không thể nói Trung Quốc là một mối đe dọa", ông nhấn mạnh. "Bạn không thể nói Trung Quốc là một đối thủ".
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho hay, tên lửa mới của họ gọi là DF-21D, được xây dựng để tấn công tàu chuyển động ở cách xa khoảng 1.700 dặm. Theo các nhà phân tích quốc phòng Mỹ, thiết kế của tên lửa ở góc quá cao với hệ thống phòng thủ chống tên lửa hành trình bay lướt trên biển của Mỹ và quá thấp để hệ thống phòng thủ chống lại các tên lửa đạn đạo khác.

Thậm chí nếu hệ thống của Mỹ có thể bắn hạ một hoặc hai tên lửa, một số chuyên gia nhận định, thì Trung Quốc có thể áp đảo hệ thống phòng thủ bằng cách nhằm vào tàu sân bay với vài tên lửa phóng một lúc. Như thế, tên lửa mới - mà Trung Quốc nói rằng chưa triển khai hiện tại - sẽ có thể đẩy các tàu sân bay Mỹ ra xa bờ biển Trung Quốc, khiến máy bay chiến đấu Mỹ gặp khó khăn hơn để thâm nhập không phận của họ hoặc thiết lập ưu thế trên không trong một cuộc xung đột gần các biên giới của Trung Quốc.

Đáp trả, Hải quân Mỹ đang phát triển các loại máy bay không người lái tầm xa có thể cất cánh từ tàu sân bay ở xa trên biển và duy trì được khoảng cách trên cao lâu hơn là máy bay có người lái ở mức an toàn. Thêm vào đó, Không quân Mỹ muốn một hạm đối máy bay ném bom không người lái có khả năng hoạt động trên khu vực rộng lớn của Thái Bình Dương.

Cuộc chơi hai bên còn mở rộng vào lĩnh vực không gian ảo. Quan chức Mỹ lo lắng rằng, trong tình huống xảy ra xung đột, Trung Quốc sẽ cố gắng tấn công vào các mạng lưới vệ tinh kiểm soát máy bay không người lái cũng như các mạng lưới quân sự của Mỹ.

Trong lịch sử, kiểm soát các vùng biển đã trở thành điều kiện tiên quyết với bất kỳ quốc gia nào muốn được xem là cường quốc thế giới. Sự mở rộng và tăng cường quân sự đáng kể của Trung Quốc bao gồm cả phát triển lực lượng hải quân. Trung Quốc giờ đây có 29 tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình chống hạm so với 8 tàu năm 2002 (theo Rand Corp., một tổ chức cố vấn có quan hệ với quân đội Mỹ). Trong tháng 8, Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm trên biển với tàu sân bay đầu tiên của họ - một con tàu tới nay chưa đi vào hoạt động toàn diện.

Ở một thời điểm nào đó, các nhà hoạch định quân sự từng coi Đài Loan là điểm hỏa chính cho khả năng đụng độ giữa Trung Quốc và Mỹ. Ngày nay, khả năng có thêm nhiều điểm hỏa hơn. Căng thẳng leo thang giữa Nhật Bản và Trung Quốc về quần đảo mà cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền ở biển Hoa Đông. Trữ lượng dầu khí lớn được tin là nằm sâu dưới Biển Đông - nơi diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á.

Vài năm trước đây, quân đội Mỹ có thể lập tức phản ứng bằng cách điều động một hay nhiều hơn trong số 11 tàu sân bay tới khu vực để trấn an đồng minh và cảnh báo Bắc Kinh. Giờ đây, quân đội Trung Quốc cùng với chương trình tên lửa đang phát triển, đã có các tàu ngầm có thể tấn công vào biểu tượng sức mạnh quân sự Mỹ.

(còn tiếp)

Thái An (theo Wall Street Journal)

Không có nhận xét nào: