Pages

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

Trung Quốc sẽ tạo ra thay đổi lớn


Thay đổi về xã hội

Nền kinh tế nước này đã tăng trưởng nhanh chóng trong nhiều năm qua, hơn 30 năm với mức tăng trưởng trung bình 9%/năm, đến mức quy mô của nền kinh tế đã đưa nước này trở thành một tác nhân chính trong các lĩnh vực thương mại và tài chính, và dần dần trong lĩnh vực quân sự và chính trị. Mức tăng trưởng này không chỉ có tầm quan trọng quốc tế, mà còn tạo ra các tác động xã hội trong nước và sớm hay muộn sẽ gây ra các tác động về chính trị ở nước này.

Có một điều chắc chắn là tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc rốt cuộc sẽ dẫn tới thay đổi về chính trị. Đặng Tiểu Bình đã nói năm 1988 rằng Trung Quốc sẽ trở thành một nền dân chủ trong 50 năm, có nghĩa là "Hãy quên nó đi".

Nhưng một số người nghĩ rằng thay đổi chính trị sẽ diễn ra ngay trong thập kỷ này. Tuy nhiên, mọi chuyện không hề đơn giản (và chưa bao giờ đơn giản), có một cách lập luận khác, được thảo luận sau đây, theo đó sẽ có một cơ hội để kinh tế giảm tốc một cách đáng ngạc nhiên trong giai đoạn này.


Một số người khác cho rằng các sự kiện giả định này sẽ không diễn ra độc lập; xáo trộn về chính trị sẽ làm tổn thương nền kinh tế, và sự giảm tốc mạnh của kinh tế sẽ chắc chắn gây hậu quả tới chính trị. Tất nhiên, tác động qua lại giữa sự thay đổi về chính trị và một cú lắc kinh tế có thể chỉ là một chuyện đồn thổi.

Thời điểm ngay trước khi các sự kiện này xảy ra là năm 2015 - đủ sớm để khiến chúng ta phải chú ý - với các ảnh hưởng ngày càng tăng trong những năm tiếp theo. Nhân tố chung nối các sự kiện này lại là Trung Quốc sẽ đạt mức GDP trên đầu người 17.000 USD (theo cân bằng sức mua năm 2005). Đây là mức mà mọi quốc gia không nhiều dầu mỏ được xếp hạng "tự do một phần" hoặc "tự do hoàn toàn" theo đánh giá của Freedom House. Một "điểm" khác để đủ đạt hạng "tự do" là trình độ giáo dục, và điểm này cũng đang được tăng cường vững chắc tại Trung Quốc. Dù ngày nay Trung Quốc đang bị xếp ở thứ hạng "không tự do", với mức tăng trưởng vẫn giữ ở 9 - 10%/năm, nhưng họ sẽ đạt tiêu chuẩn "tự do" vào năm 2015; nếu tăng trưởng giảm xuống còn 7%/năm như Thủ tướng Ôn Gia Bảo nghĩ, thì nước này sẽ đạt tiêu chuẩn "tự do" không lâu sau đó - vào năm 2017.

Khoa học đang thay đổi cách tiếp cận thông tin của người dân và khả năng họ giao tiếp với nhau. Ngày nay, khoảng 850 triệu người đang sử dụng điện thoại di động tại Trung Quốc, và trong vài năm tới, con số này sẽ lên tới hơn 1 tỉ người. Với hơn nửa triệu tin nhắn được gửi đi mỗi ngày, chính phủ không kiểm soát được việc người dân truyền bá thông tin cho nhau, tổ chức biểu tình hay cáo buộc tham nhũng. Điện thoại di động là một công cụ tổ chức cho các cuộc biểu tình lớn trong các sự kiện gây xáo trộn.

Tầm quan trọng của Internet cũng không thể phủ nhận. Hiện ở Trung Quốc có khoảng 500 triệu người sử dụng mạng Internet và con số này sẽ còn tăng mạnh, nên tác động xã hội của nó sẽ rất lớn. Việc này tạo ra một cuộc chơi giữa những người sử dụng muốn tìm kiếm thông tin, với những người viết blog, và các nhà quản lý.
Đổ vỡ về kinh tế và chính trị?
Nhưng tỷ lệ tăng trưởng cao của Trung Quốc có bền vững? Rõ ràng tỷ lệ hơn 9%/năm sẽ giảm bớt; bởi cái cây không thể cao đến tận trời và 30 năm tăng trưởng cao đã là một ngoại lệ.
Mọi người đều cho rằng sự giảm bớt sẽ diễn ra dần dần, cùng với một lực lượng lao động tăng trưởng chậm hơn, một dòng chảy nhân công chuyển từ các công việc đồng áng có năng suất thấp tới các công việc ở đô thị có năng suất cao hơn cũng ít dần, và cách tiếp cận của nước này với công nghệ thế giới.
Có một quan điểm đối lập được một số học giả đưa ra, mà gần đây là Barry Eichengreen, Kwanho Shin và Donghyun Park. Họ phát hiện ra rằng mức tăng trưởng cao tại hầu hết các nền kinh tế không xuất khẩu dầu mỏ đều đi đến một kết cục đột ngột là GDP bình quân đầu người đạt 16.740 USD (theo cân bằng sức mua năm 2005), mức tăng trưởng chậm lại từ 5,6% xuống còn 2,1%. Họ cho rằng Trung Quốc đang trên đường đạt đến mức này vào năm 2015 (hoặc 2017 nếu tăng trưởng của họ đạt 7%/năm). Cả ba học giả trên thấy rằng chỉ hai nền kinh tế phát triển nhanh nhất vượt qua mức 16.000 USD mà không gặp trở ngại gì là các thành phố - quốc gia Hong Kong và Singapore.
Lý do cơ bản là với mức GDP đó, lương của những công nhân chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp giảm, và vì vậy, lợi nhuận từ việc sử dụng công nghệ phát triển của nước ngoài cũng giảm. Góp phần gây ra sự suy giảm này sẽ là tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ thấp hơn giá trị thực rất nhiều.
Trung tâm của hiện tượng này là sự chậm lại của mức tăng năng suất. Họ viết:
Sự suy giảm diễn ra vào một thời điểm trong quá trình tăng trưởng, mà ở đó không thể thúc đẩy năng suất thêm nữa bằng cách chuyển đổi công nhân từ nông nghiệp sang công nghiệp, và ở đó lợi nhuận từ việc nhập khẩu công nghệ nước ngoài cũng giảm. Nhưng sự giảm mạnh về tăng trưởng TFP (năng suất nhân tố tổng hợp) từ mức cao bất thường hơn 3% xuống còn 0% là rất đáng chú ý.
Tuy nhiên trong bối cảnh này, Trung Quốc có một lợi thế duy nhất có thể giúp họ tăng trưởng với một tỷ lệ tốt: đó là một khu vực rộng lớn mà đầu tư vốn có thể dồn vào. Các tỉnh miền Tây của họ vừa đông dân lại nghèo.
Về điểm này, các tác giả viết: Nếu có thể tạo ra tăng trưởng kỳ diệu bên trong Trung Quốc, thì phát triển kinh tế của các tỉnh nội địa, nơi có đông dân cư hơn hầu hết các các khác và là nơi ở của phần lớn người dân Trung Quốc, thì có thể duy trì tăng trưởng quốc gia trong nhiều năm tới. Chính phủ Trung Quốc cũng đã mở rộng cơ sở hạ tầng vật chất, như đường cao tốc và đường sắt, tới các tỉnh kém phát triển để chuẩn bị cho họ trước sự chuyển đổi này.
Dù đoán biết được một sự sụt giảm bất ngờ sẽ xảy ra, nhưng hậu quả của nó sẽ là gì? Ở trong nước, các hậu quả này phụ thuộc nhiều vào sự phân chia suy giảm về mặt địa lý và trong các lĩnh vực. Trên thực tế, nhiều vốn đầu tư ở vùng duyên hải có lẽ đã ít trở lại. Điều này đúng đối với khoản đầu tư 300 tỷ USD cho đường sắt cao tốc. Liệu chính phủ có đối phó bằng việc cắt giảm một số loại đầu tư (những loại mà lẽ ra phải đầu tư trong mọi trường hợp) và khuyến khích hoạt động tiêu dùng vốn đã giảm xuống mức thấp đáng kể là 36% sản lượng, hay không? Họ đã nói là muốn làm vậy.
Rõ ràng là để ổn định, Trung Quốc cần mức tăng trưởng cao bền vững - tối thiểu 7%/năm. Dù sự tồn tại một ngưỡng kỳ diệu không đáng tin và tỷ lệ đó có thể được xem là tuyệt vời ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, nhưng mức tăng trưởng chậm lại rõ ràng sẽ gây ra những hậu quả đối với Trung Quốc, cũng như ở nước ngoài.
Ở trong nước, khả năng tăng trưởng chậm lại đặt ra nhiều câu hỏi. Ví dụ, đâu là các tác động khác nhau của tăng trưởng chậm lại đối với phân phối thu nhập? Các lĩnh vực kinh tế nào sẽ bị tác động nhiều nhất? Một bong bóng bất động sản sắp nổ tung, với tình trạng thất nghiệp gia tăng trong giới công nhân xây dựng. Điều gì sẽ xảy ra với lĩnh vực xe hơi, vốn lớn nhất thế giới với hơn 18 triệu xe được bán trong năm 2010 và dự báo chính thức sẽ đạt 50 triệu vào năm 2021? Điều gì sẽ xảy ra với thất nghiệp và tình trạng không sử dụng hết lao động, vốn đang là một vấn đề liên quan đến những sinh viên mới tốt nghiệp? Người dân sẽ phản ứng thế nào khi họ không đạt được điều mong đợi? Liệu sự không hài lòng với Đảng có gia tăng?
Về các tác động quốc tế có thể, Eichengreen và các cộng sự nói: "Theo một số ước tính, riêng Trung Quốc chiếm 30% tăng trưởng cầu toàn cầu, các nước BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) chiếm 45%, và các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển chiếm đa số tổng tài sản". Tóm lại, một sự suy giảm của Trung Quốc sẽ tác động nghiêm trọng tới tăng trưởng của thế giới.
Bị tác động rõ nhất sẽ là các nước cung cấp nguyên liệu đầu vào như Brazil, Indonesia, và Australia, và cả các nước cung cấp máy móc như Nhật Bản và châu Âu. Và vì đặc tính đa phương trong thương mại toàn cầu, lĩnh vực xuất khẩu của Mỹ cũng sẽ bị tổn thương.
Chính sách quốc phòng và ngoại giao của Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm kinh tế theo nhiều cách khác nhau. Tăng trưởng giảm đồng nghĩa với việc tiềm năng quân sự tương lai sẽ không lớn. Nước này sẽ thấy khó khăn hơn trong việc trang bị các loại vũ khí tối tân mà nhiều người cho là họ sẽ có, và Quân Giải phóng nhân dân cũng mong được sở hữu. Nếu những khó khăn của Trung Quốc đủ lớn, Đảng sẽ có thể đổ lỗi cho bên ngoài về những rủi ro này. Và mục tiêu đầu tiên sẽ là Mỹ.
Đảng đã chọn cách cố gắng tránh một sự chuyển dịch lớn có thể xảy ra bằng cách dần dần tiến hành những thay đổi chính trị từ dưới lên. Đó là điều mà Quốc dân Đảng, một thời từng là một đảng theo Lenin, đã làm ở Đài Loan. Các lựa chọn chính trị đã lần đầu tiên được đưa vào chính quyền địa phương, sau đó vào quốc hội, và cuối cùng là bầu Chủ tịch nước. Quá trình này không phải là diễn ra một cách êm xuôi, không có khó khăn.
Tương tác giữa các sự đổ vỡ
Trở lại với các ý kiến ban đầu: nhiều khả năng diễn ra thay đổi về kinh tế hoặc chính trị, hoặc cả hai, ở Trung Quốc sẽ xảy ra trước năm 2020. Nếu đúng như vậy, trật tự xảy ra hai sự kiện này có thể tạo ra một khác biệt lớn, bởi chỉ có thể đoán được các sự kiện này sẽ diễn ra như thế nào.
Nếu tự do hóa chính trị lớn diễn ra trước, thì khi đó sự suy giảm kinh tế nhẹ hơn sẽ không gây tác động chấn thương.
Nhưng nếu điều ngược lại diễn ra, nếu thay đổi kinh tế diễn ra trước thay đổi chính trị, tức là suy giảm kinh tế lớn có thể dẫn tới tự do hóa chính trị, thì hoặc một bộ phận bảo thủ sẽ thành công trong việc thắt chặt con vít, hoặc sẽ có một thời kỳ rối loạn chính trị kéo dài. Đơn giản là chúng ta không thể biết được.
Theo cách này hay cách khác, các diễn biến ở Trung Quốc trong thập kỷ tới có một khả năng ảnh hưởng lớn đến phần còn lại của thế giới - hơn nhiều trước đây và theo các cách thức hoàn toàn khác./.
  • Thông tin tác giả: Henry S. Rowen là thành viên Viện Hoover, giám đốc danh dự của Trung tâm nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương Shorenstein, và giáo sư danh dự tại Trường cao học Kinh doanh, thuộc Đại học Stanford.

Không có nhận xét nào: