Pages

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

Trung Quốc và chủ nghĩa dân tộc kiểu mới

Trần Vinh DựVOA

“Trung Quốc không hạnh phúc” (Unhappy China) là một trong những cuốn sách bán chạy nhất trong năm 2009 ở Đại Lục. Cuốn sách này là một tuyển tập các bài viết của những người theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu ở Trung Quốc về cách nhìn của họ đối với đất nước này. Được xuất bản vào tháng 3, 2009, cuốn sách này nhanh chóng thu hút được sự chú ý của cả người Trung Quốc và phương Tây.

Các bài viết trong “Trung Quốc không hạnh phúc” đều cổ vũ cho thái độ cứng rắn đối với các kẻ thù của Trung Quốc, bao gồm cả tổng thống Pháp Nicholas Sarkozy vì ông này đã gặp Dalai Lama hồi năm 2008. Cuốn sách cũng rất mạnh mẽ về thái độ của phương Tây đối trước sự đối xử của Trung Quốc với người Tây Tạng trước Olympic Bắc Kinh 2008. Một phần trong cuốn sách thậm chí viết “hãy khiêu chiến đi nếu tụi bay có bản lĩnh, còn nếu không thì câm mồm lại”[i].

Zhang Xiaobo, người xuất bản cuốn sách này, cho rằng “chúng tôi vẫn cảm thấy bị chèn ép vì nhiều khi phương Tây lên án hoặc phê phán chúng tôi.” Một trong số tác giả, Wang Xiaodong, trong cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên BBC[ii] đã trả lời rằng ý của ông ta khi viết “Trung Quốc không hạnh phúc” là “Nếu các cậu không tôn trọng chúng tôi, chúng tôi sẽ đánh các cậu. Nếu có một quốc gia hùng mạnh, và nếu các cậu không làm nó hài lòng, thì các cậu sẽ gặp rắc rối. Và đó chính là điều nước Mỹ đang làm”.
Khi được hỏi về việc liệu Trung Quốc có nên có một quân đội mạnh và sẵn sàng chiến đấu, Wang Xiaodong trả lời: “Đương nhiên, một đất nước mạnh như Trung Quốc tất nhiên cần một quân đội mạnh, một quân đội có thể chinh phục bất kỳ ai trên bất kỳ phần nào của thế giới. Đó phải là tầm nhìn tổng quát của chúng tôi.”
Ngôn ngữ và quan điểm cực hữu trong “Trung Quốc không hạnh phúc”, và quan trọng hơn là việc nó nằm trong số các cuốn sách bán chạy nhất, đã làm giấy lên lo ngại về chủ nghĩa dân tộc theo tư tưởng cực hữu ở Trung Quốc và ảnh hưởng của nó tới chính sách ngoại giao của đất nước này.
Nhìn rộng ra, chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc hiện nay được định hình bởi ba yếu tố. Thứ nhất là niềm kiêu hãnh về lịch sử “hào hùng” của một nền văn minh vĩ đại kéo dài tới 5000 năm. Thứ hai là cảm giác bị Nhật Bản và phương Tây làm nhục trong suốt 100 năm trước khi Thế Chiến II kết thúc. Thứ ba là sự thức tỉnh về sức mạnh mới do thành quả của hơn 30 năm cải cách và phát triển kinh tế. Sức mạnh mới này khiến người Trung Quốc cần phải xác định lại vị thế của dân tộc mình trên thế giới.
Peter Hays Gries, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc, cho rằng “nỗi nhớ về hào quang bị đánh mất trong quá khứ cùng với việc là nạn nhân của thực dân đế quốc là tâm điểm tạo nên chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc”[iii]. Trung Quốc coi mình là nạn nhân của chủ nghĩa đế quốc của phương Tây, bắt đầu từ Chiến tranh Thuốc phiện lần I và nước Anh chiếm Hồng Kông năm 1842 và kéo dài mãi tới khi kết thúc Chiến tranh Thế Giới II năm 1945 (tổng cộng hơn 100 năm), trong suốt thời gian này họ liên tục chịu đựng nỗi nhục mất chủ quyền.
Một yếu tố khác thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc chính là Đảng Cộng sản và nhà nước Trung Quốc. Theo Peter Hays Gries, “không có tính chính đáng đến từ việc bầu cử chính quyền qua con đường dân chủ và đối mặt với sự xụp đổ của ý thức hệ, Đảng cộng sản Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào các tiêu chuẩn dân tộc chủ nghĩa để nắm quyền và sử dụng nó như là chất kết dính xã hội’.
Quan tâm hàng đầu của Bắc Kinh ngày hôm này là duy trì hòa bình trong nước trong khi theo đuổi các mục tiêu phát triển và vai trò to lớn hơn trong các vấn đề quốc tế. Trong khi chủ nghĩa dân tộc có thể có ích trong việc duy trì hòa bình trong nước, nó có thể làm hỏng hình ảnh của nước này trên thế giới. Minxin Pei, một học giả trong chương trình Trung Quốc của Carnegie Endowment for International Peace cho rằng chủ nghĩa dân tộc là một vật cản trong việc chứng tỏ Trung Quốc là một bên đối tác có trách nhiệm “một công chúng có tinh thần dân tộc chủ nghĩa cao sẽ làm người nước ngoài lo ngại và sẽ làm tổn hại hình ảnh của Trung Quốc”[iv].
Ngay cả trong nước, chủ nghĩa dân tộc không kiểm soát được cũng là một thách thức đối với chính quyền. Nhà nước Trung Quốc luôn quan tâm chặt chẽ và dập tắt tất cả các hoạt động mang tính dân tộc chủ nghĩa trong các cộng đồng thiểu số như Tây Tạng hay Uighurs. Chủ nghĩa dân tộc ở Đài Loan cũng được coi là mối đe dọa đối với Bắc Kinh trong mục đích thống nhất hòn đảo này. Các lãnh đạo Trung Quốc cũng e ngại rằng các phong trào dân tộc chủ nghĩa phát triển quá mức có thể sẽ quay mũi dùi chống lại nhà nước một khi chính quyền không thực hiện được các cam kết mang tính dân tộc.
Liu Lixin, lãnh đạo ban nhạc Ordinance, là một trong những nhân vật cổ súy nhiệt tình cho chủ nghĩa dân tộc cực hữu. Trong một album ra hồi năm 2009, Rock City, ban nhạc này đã chỉ trích chính quyền và hát về các chủ đề như dân chủ và tham nhũng. Một đoạn lời bài hát nói “Đài Loan của chúng ta. Tây Tạng của chúng ta. Thỏa hiệp với Mỹ và Nhật Bản là nỗi nhục nhã”.
Liu và ban nhạc của anh là đại diện cho một thế lực đang lên của phong trào dân tộc chủ nghĩa mới. Những người này gần như luôn luôn thù địch với Mỹ và Nhật, và luôn cho rằng các nước khác đang tìm cách ngăn chặn sự tiến bộ của Trung Quốc. Họ cũng là người không mấy hài lòng với chính quyền. Trả lời hãng thông tấn BBC, Liu cho biết “hiện nay chính quyền đang tẩy não người dân để họ tin rằng đất nước này đang mạnh. Họ đã cấm các bài hát của chúng tôi, nhưng chúng tôi không sợ. Tôi nghĩ chính họ mới là người đang sợ hãi, và vì thế họ cấm đoán chúng tôi”[v].
Theo Chen Zhimin, giáo sư chính trị học quốc tế tại trường Fudan, Thượng Hải[vi], kết quả thăm dò hồi năm 1995 của China Youth Daily trên hơn 100 nghìn thanh niên Trung Quốc cho thấy 96,8% người Trung Quốc vẫn căm thù Nhật Bản vì những gì người Nhật làm hồi năm 1930s và 1940s, 98,6% cho rằng họ sẽ không bao giờ quên phần lịch sử đó. Cũng trong cuộc điều tra này, 87,1% số người trả lời cho rằng nước Mỹ là nước “ít thân thiện nhất” đối với Trung Quốc và 57,2% cho rằng Mỹ là đất nước họ ghét nhất.
Đó là kết quả trước khi xảy ra các sự kiện như Mỹ ném bom nhầm vào Đại sứ quán của Trung Quốc ở Belgrade (tháng 5, 1999) và việc máy bay do thám của Mỹ, U.S. EP-3, đâm vào máy bay chiến đấu của F-8 của Trung Quốc, giết chết phi công điều kiển máy bay này.

[i] http://www.telegraph.co.uk/finance/g20-summit/5071299/Unhappy-China-bestseller-claims-Beijing-should-lead-the-world.html
[ii] http://news.bbc.co.uk/2/hi/8363260.stm
[iii] Gries, Peter Hays (2005): “Nationalism, Indignation, and China’s Japan Policy” SAIS Review – Volume 25, Number 2, Summer-Fall 2005, pp. 105-114
[iv] http://www.cfr.org/china/nationalism-china/p16079
[v] http://news.bbc.co.uk/2/hi/8363260.stm
[vi] Chen Zhimin (2005): “Nationalism, Internationalism and Chinese Foreign Policy” Journal of Contemporary China (2005), 14(42), February, 35–53
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào: