Pages

Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2012

Từ “Hoa Nhài” đến Thái Bình Dương

Thế giới 2011 nhìn vào 2012


TS Ðinh Xuân Quân

WESTMINSTER - Năm 2011 có quá nhiều biến cố - rất nhiều biến cố khó ngờ và bất ngờ, và các biến cố này là nhân chứng của sự ra đi của các nhà độc tài, từ Ben Ali (Tunisia) đến Mubarak (Ai cập) hay Gadhafi (Libya).

Hàng ngàn người dân Libya tại Benghazi ăn mừng, ba ngày sau khi nhà độc tài Gadhafi bị hạ sát. (Hình: Abdullah Doma/AFP/Getty Images)

Kết quả này là nhờ vào “sự bùng dậy tự phát” của các phong trào dân chủ tại nhiều nơi trên thế giới. Thế giới năm 2011 có những sự kiện đáng để ý:
- Trung Ðông: Phong trào “Hoa Nhài,” hay sự nổi dậy tự phát từ Tunisia thành “Mùa Xuân Ả Rập”;
- Trung Á: Trùm khủng bố Osama Bin Laden bị triệt hạ - chấm dứt dự hiên diện quân Mỹ tại Iraq nhưng vẫn chưa giải quyết được khó khăn tại Afghanistan;
- Á Châu: Từ Fukushima đến quốc tế hóa tranh chấp Biển Ðông, hay sự trở lại của Hoa kỳ tại Thái Bình Dương; và
- Âu Châu: Kinh tế khó khăn - sự xuống dốc của các nước Âu Châu.
Hãy thử duyệt qua các biến cố quan trọng trong năm 2011.


“Hoa Nhài Tunisia” đến “Mùa Xuân Ả Rập”

Từ chỗ một anh bán hàng rong tự thiêu vì bị cảnh sát chèn ép, Tunisia mang đến sự ra đi của nhà độc tài Ben Ali qua biến cố có tên “Cách Mạng Hoa Nhài.”
Nhiều chính quyền tại Trung Ðông mất sự ủng hộ của quần chúng và đã phải cuốn gói ra đi vì các cuộc “xuống đường ôn hòa và tự phát,” còn gọi là nổi dậy Hoa Nhài. Sau Tunisia là Ai Cập, Bahrain, Yemen, Libya, và nay là Syria, đều bị ảnh hưởng.
Trong cuộc nổi dậy tại Tunisia, Ai cập, Yemen, dân chúng xuống đường không dùng khẩu hiệu Hồi Giáo mà chỉ có khẩu hiệu “dân chủ, chống tham nhũng, kêu gọi bầu cử...,” không có gì là quá khích. Tại Ai Cập và tại Tunisia, phe Hồi Giáo quá khích đóng vai trò rất nhỏ trong cuộc nổi dậy Hoa Nhài. Bài học của các cuộc nổi dậy cho thấy:
“Cơm no - áo ấm” chưa đủ để thỏa mãn đòi hỏi của dân. Giới trẻ có học hơn, họ không chỉ đòi hỏi cho bao tử mà còn đòi hỏi về trí tuệ. Phe Hồi Giao theo “thế tục - ôn hòa và thiên về dân chủ” đang trên đà thắng thế, muốn giải quyết các vấn đề xã hội qua việc quản lý tốt đất nước và xã hội dân chủ.
Internet - Facebook, Twitter đã giúp họ tranh đấu dân chủ. Giới trẻ có học, biết dùng các mạng xã hội như Facebook và Twitter đã bắt đầu được thử lửa trong cuộc nổi dậy của tuổi trẻ Iran năm 2009. Các mạng xã hội trở thành công cụ giúp người phản kháng phối hợp hành động và lôi kéo thêm thành viên mới và giúp cho thế giới bên ngoài biết được sự đàn áp. Vào tháng Giêng, 2010, Ngoại Trưởng Hillary Clinton tuyên bố, tự do lưu chuyển thông tin trên mạng là mục tiêu chính thức trong chính sách ngoại giao Hoa Kỳ. Vị trí các mạng xã hội được khẳng định với các cuộc cách mạng của nhân dân Ả rập trong năm nay. Kịch bản ở Iran được lặp lại ở Tunis, Cairo, v.v. nhưng lần này thì giới trẻ đã thắng.
Năm 2011, một nhân viên Ai Cập làm việc cho Google, là Wael Ghonim, lập một trang Facebook dùng làm nơi hội tụ cho những người nổi dậy ở Cairo. Bị bắt giam 11 ngày nhưng khi được trả tự do anh trở thành một trong những phát ngôn viên của tuổi trẻ Ai Cập.
Qua các cuộc nổi dậy ta thấy các các vụ ám sát hay đe dọa của phe quá khích không hữu hiệu bằng các vụ xuống đường ôn hòa khiến các chế độ độc tài và công an trị sụp đổ. Các chế độ này sụp đổ mau chóng vì dân không còn sợ hãi nữa - cũng như các vụ nổi dậy tại các nước Ðông Âu làm sụp chế độ Cộng Sản trước đây.
Hồi giáo quá khích - ảnh hưởng của Osama Bin Laden dùng vũ lực chưa bắt rễ. Các tổ chức trực thuộc Al Queda, như tại Bắc Phi gọi là AQIM, hay al-Queda tại Arập Saudi gọi là AQAP, không nhiều ảnh hưởng đối với đa số dân chúng Ả Rập. Cuộc nổi dậy hoa nhài cho thấy các cuộc “xuống đường ôn hòa” hiệu nghiệm hơn vũ lực.
Bài học là nơi nào có bất công, có nghèo đói nơi đó Hồi Giáo có thể lợi dụng. Các cuộc nổi dậy cho thấy, ôn hòa, bất bạo động hữu hiệu hơn vũ lực, đàn áp. Dân chúng tại các nước này ngày càng có học, hiểu biết về tin học, Twitter, Facebook, Paltalk... cho nên chính quyền độc đoán khó có thể bưng bít bằng công an, tường lửa hay mua chuộc, bằng kiểm soát Internet, hay đàn áp để tạo sợ hãi.
Bài học nữa là phong trào này không mang tính đảng phái, cũng không có lãnh tụ. Ngay cả lãnh tụ nổi lên từ phong trào cũng không có. Mọi người xuống đường tự phát và hoạt động của họ được điều hướng chủ yếu qua các mạng xã hội, từ facebook đến twitter hay tin nhắn trên điện thoại di động. Không có lãnh đạo nhưng rất nhịp nhàng!
Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Qatar cũng bị lung lay, và khối Ả Rập phải ra tay. Tại Yemen, phong trào nổi dậy đã buộc TT Saleh hứa sẽ ra đi và xung đột ở Syria vẫn đang tiếp diễn.
Những biến động ở Bắc Phi đã gây một hiệu ứng lây lan nhanh chóng sang nhiều khu vực khác trên thế giới. Bắc Kinh và các chế độ khác lo sợ trước “Mùa Xuân Ả Rập,” và họ đã phải huy động một đội ngũ công an hùng hậu để ngăn cản các cuộc tập hợp được dự trù tổ chức hầu tránh một thứ “Hoa Nhài” tại đây.
Nói tóm, trong năm 2011, một loạt các nhà độc tài cầm quyền từ 20 đến 40 năm ở Tunisia, Ai Cập và Libya đã bị người dân “quét đi” qua một làn sóng “phản kháng tự phát” chưa từng có. Làn gió dân chủ đó hiện tại đang đe dọa Syria. Câu hỏi còn lại: Khi nào đến phiên Iran và Châu Á?

Bin Laden bị thanh toán, Mỹ rút khỏi Iraq, và câu chuyện Afghanistan

Sau 10 năm truy lùng, biệt kích Hoa Kỳ đã tiêu diệt được trùm khủng bố Osama Bin Laden. Việc này gây ấn tượng lớn tại Mỹ trong năm 2011.
Tại Iraq, quân nhân cuối cùng đã đến Kuwait. Vào cao điểm, Hoa Kỳ đã có 170,000 binh sĩ và hơn 500 căn cứ hoạt động ở Iraq. Gần 4,500 lính Mỹ hy sinh kể từ khi Hoa Kỳ tấn công Saddam Hussein vào năm 2003 và tổn phí cho ngân sách lên gần một nghìn tỷ Mỹ kim.
Lực lượng Hoa Kỳ kết thúc sứ mạng chiến đấu ở Iraq từ 2010 và bàn giao các vai trò này cho chính phủ sở tại. TT Obama ca ngợi binh sĩ Hoa Kỳ, nhưng cũng thừa nhận cuộc chiến “gây tranh cãi” (không được Liên Hiệp Quốc ủng hộ; không tìm thấy khí giới hủy diệt hàng loạt và nay Mỹ đã thả ông thần - giáo phái shiai và sunny - ra khỏi chai).
Theo ông thì các binh sĩ Mỹ để lại “một Iraq có chủ quyền, ổn định và tự chủ”. Tuy nhiên, sự ra đi của quân đội Mỹ sẽ để lại chỗ trống (mặc dù một số quân còn đóng ở Kuwait và Bahraim), có nhiều nguy cơ Iran sẽ lợi dụng, hệ thống chính trị chưa đủ mạnh hoặc khả năng tự vệ biên giới còn hạn chế. Người ta cũng lo ngại Iraq có thể rơi trở lại xung đột giáo phái do Iran giật dây, gây bất ổn trong vùng. Dù sao TT Obama cũng có thể khẳng định ông giữ lời hứa khi tranh cử; cho dầu đây vẫn là “an unfinished job - một công việc còn dở dang”.
Mỹ có mặt tại Afghanistan từ năm 2001. Ai cũng bi quan, tự hỏi liệu Hoa Kỳ có đủ ý chí và kiên nhẫn để đi đến thành công. Tổn phí tại Afghanistan đang là trở ngại trong thời kỳ kinh tế Mỹ bị suy thoái và thâm thủng ngân sách cao. (1)
Từ khi Liên Xô (cũ) rút khỏi Afghanistan năm 1989, các phe phái tại Afhganistan lâm vào nội chiến. Nội chiến kéo từ 1992-1996, và hòa bình trở lại khi phe Taliban bị lật vào năm 2002. Sau đó Liên Hiệp Quốc (LHQ) giúp các phe phái xây dựng một Hiến Pháp (HP) vào năm 2003, giúp bầu cử Tổng Thống (TT) và Quốc Hội (QH). Trên 8 triệu người tham gia bầu cử TT (năm 2004) và 6.4 triệu người tham gia bầu cử QH năm 2005.
Năm 2001, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) ước đoán GDP đầu người là $170, chỉ 10% đường được tráng nhựa, 30% biết đọc biết viết, 25% trẻ em đi học, và cả nước có chừng 50,000 xe hơi. Afghanistan có 4 triệu dân di cư với khoảng 1.2 triệu “di cư nội địa.” Tuổi thọ trung bình là 42 tuổi và tử suất nơi trẻ em trước 5 tuổi là 165/1000, gấp 4-5 lần một nước bình thường.
Từ 2001 trở đi, Liên Hiệp Quốc (LHQ) chi trên $19 tỷ trong những năm 2001-2009 để tái xây dựng Afghanistan. LHQ cũng giúp xây dựng guồng máy hành chính, xây dựng cơ cấu dân sự trong khi về an ninh thì có quân ISAF (International Security Armed Forces) - lực lượng quốc tế - gồm trên 40 nước dưới sự điều khiển của LHQ cố gắng đào tạo cảnh sát và xây dựng quân đội quốc gia. LHQ dự trù có 40,000 quân lính quốc gia để giữ an ninh trật tự và Mỹ đã chi $4.4 tỷ đào tạo 36,000 quân cho quân đội quốc gia (ANA - Afghan National Army).
Năm 2003, ISAF có 5,000 lính; năm 2005 chỉ có 10,000 lính; và năm 2006 chỉ có 20,000 quân Mỹ tại Afghanistan. Nói tóm, từ 2001-2009, quân ISAF bỏ trống Afghanistan, trừ vài tỉnh như Kabul, Mazar-e-Sharif hay Herat. Sự yếu kém của chính phủ trung ương và tình trạng thiếu quân LHQ/ISAF đã giúp sự trở lại của Taliban. Mỹ bắt đầu tài trợ cho quân đội Afhgan từ $1.9 tỷ vào 2006 lên $12.5 tỷ/năm vào 2011. Họ giúp nâng quân số quân chính phủ từ 36,000 năm 2006 lên đến 170,000 và năm 2014 quân đội và cảnh sát được dự trù 400,000 người. Năm 2009, Mỹ nâng quân từ 22,000 lên 100,000 dưới sự chỉ huy của Tướng McChrystal và quân NATO từ 21,000 lên 39,000, nâng tổng số tại Afghanistan lên 150,000 vào 2011.
Lầm lỗi của LHQ và Mỹ là đánh giá sai về khả năng quân sự và hành chính của Afghanistan và hơn nữa vì Iraq cho nên Afghanistan bị bỏ rơi (2001-2008). Từ khi Mỹ đổ thêm quân số (2009) thì có phần khả quan hơn nhưng cường độ tranh chấp cao hơn vì các nước láng giềng như Iran, Pakistan không muốn Mỹ thành công.
Afghanistan có phần tiến bộ rõ ràng, xây dựng hạ tầng cơ sở, giáo dục và y tế và phát triển nông thôn rất rõ. Afghanistan cũng tìm thấy nhiều tài nguyên khoáng sản (vàng, đồng, uranium, sắt, đất hiếm, dầu khí...). Với thời gian, quốc gia này có thể tự cường và phát triển.
Các tiến bộ về guồng máy dân sự còn chưa đi song song với các tiến bộ quân sự. Nói tóm: Không có phép lạ tại Afghanistan vì còn trong xã hội kém mở mang. Liệu Mỹ có đủ kiên nhẫn?

Từ Fukushima đến Biển Ðông - Cuộc đọ sức Mỹ-Trung

Sau sóng thần tại Nhật Bản, cả thế giới dõi theo từng bước của nhà máy hạt nhân Fukushima vì nếu điều bất trắc xảy ra, những đám mây phóng xạ không phân biệt ranh giới quốc gia, sẽ đe dọa rất nhiều nước.
Trận sóng thần gây thiệt hại cho nhà máy hạt nhân Fukushima và có thể gây ô nhiễm qua mây phóng xạ bay trong bầu khí quyển hay trong nước thải.
Ngoài vấn đề hạt nhân, trận thiên tai sóng thần gây rối loạn cho ngành công nghệ điện tử cao cấp thiết bị điện tử chủ chốt của Nhật Bản, như Sony, Mishubishi, Hitachi. Hàng loạt các nhà máy chế tạo điện tử và xe hơi từ Hàn Quốc, đến Ðài Loan, sang đến Châu Âu rồi qua Mỹ đều lần lượt bị ảnh hương vì thiếu linh kiện từ Nhật Bản.
Ngoài ra, các dây chuyền cung ứng của các xí nghiệp tin học, điện tử và xe hơi đều bị tác động nặng nề. Tác động lan sang Hoa Kỳ; công ty chuyên về thiết bị tin học Hewlett Packard cũng gặp khó khăn với những nhà cung cấp linh kiện của Nhật. General Motor cũng phải tạm thời đóng cửa nhà máy tại Lousiana với lý do tương tự. Các hãng xe hơi Pháp, như Renault, Peugeot, cũng phải cắt giảm sản xuất. Hãng Toshiba thông báo đóng cửa tạm thời một cơ sở lắp ráp màn hình tinh thể lỏng (LCD). Hậu quả kinh tế, trong tháng 3 và 4 năm nay, Nhật tăng trưởng “âm” (-1.9%).

Biển Ðông và sự trở lại của Hoa Kỳ

Từ nhiều năm, Trung Quốc dùng chính sách “khống chế Việt Nam” qua việc xâm lược Hoàng Sa, Trường Sa, cung cấp vũ khí - trợ giúp cho Khơme đỏ gây hấn năm 1978, và chiến tranh biên giới với Việt Nam 1979.
Năm 2011, Trung Quốc cắt cáp các tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam trong khu vực độc quyền kinh tế Việt Nam, hăm dọa Philippines và các nước trong vùng Thái Bình Dương. Lần đầu tiên Việt Nam lên tiếng phản đối hành động hung hăng của Trung Quốc và trong nhiều năm qua, Hà Nội có nhiều cố gắng xích gần Washington để cân bằng với Bắc Kinh tại Biển Ðông.
Thái độ Trung Quốc khiến các nước láng giềng lo lắng và không chỉ là ASEAN mà cả Mỹ, Nhật, Ấn Ðộ và Úc cũng lo ngại. Các hành động gây hấn trên Biển Ðông hay biển Ðông Hoa quá rõ ràng. Họ gởi tàu ngư chính tuần tra tại vùng Hoàng Sa, đe dọa các tàu đánh cá Việt Nam, đe dọa tàu thăm dò dầu lửa của Việt Nam và Philippines... Không chỉ tranh giành tại Biển Ðông, Trung Quốc còn biểu lộ tham vọng kiểm soát Ấn Ðộ Dương.
Năm 2011 là năm phản công quy mô của Hoa Kỳ qua chuyến công du Thái Bình Dương của TT Obama.
Tại Úc, TT Obama cho triển khai 2,500 Thủy Quân Lục Chiến đến Darwin. Ông nói: “Hoa Kỳ là một thế lực Thái Bình Dương, và chúng tôi sẽ duy trì tư thế đó.” Sau đó, tại hội nghị APEC tại Hawaii, Mỹ cho thúc đẩy đàm phán TPP (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương, hay Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement, bao gồm 9 thành viên, khởi động từ 2005, nhằm xây dựng một khu vực thương mại tự do hai bên bờ Thái Bình Dương, không có sự tham dự của Trung Quốc). Rút kinh nghiệm WTO, là nơi Trung Quốc không giữ các cam kết mở thị trường của họ, Mỹ đề nghị TPP - một tiến trình hội nhập tư do thương mại kinh tế liên quan tới 9 nền kinh tế năng động, chiếm 25% sản lượng kinh tế thế giới, có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là $16,000 tỷ trong một thị trường với 472 triệu dân. Nhiều nước ASEAN muốn tham gia TPP gồm Singapore, Malaysia, Brunei và Việt Nam, chưa kể các nước khác như Úc, Tân Tây Lan, Chile, Peru, Canada, Mexico và Nhật. Tại Thượng đỉnh Ðông Á Bali ngày 19 tháng 11, 2011, Biển Ðông được quốc tế hóa và TT Obama tái xác định lập trường “tự do lưu thông” tại Biển Ðông, đồng thời nhắc rằng các tranh chấp chủ quyền phải dựa trên luật quốc tế, kể cả luật biển của LHQ, gọi là UNCLOS. Ðối với TQ, việc hồ sơ Biển Ðông được quốc tế hóa tại một diễn đàn gồm 18 nước là một thất bại chính trị cho Bắc Kinh. Phản công của Hoa Kỳ cho thấy Trung Quốc “bơ vơ - bị chiếu tướng”.

Âu Châu khủng hoảng nợ công

2011 là năm khu vực đồng Euro gây quan ngại. Giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, bà C. Lagarde, kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới cùng hợp lực xua tan đám mây đen bao phủ toàn cảnh kinh tế thế giới.
Bà quan ngại về khủng hoảng khu vực Euro vì có thể dẫn tới một sự mất niềm tin ở quy mô quốc tế có nguy cơ dẫn kinh tế toàn cầu vào vòng suy thoái.
Tình trạng khủng hoảng nợ công của Hy Lạp kéo dài từ năm 2010, lan sang nhiều thành viên khác trong khối Euro: Ireland, Bồ Ðào Nha (Portugal), Tây Ban Nha và ngay cả của Ý (nền kinh tế thứ ba của khối Euro với nợ công lên tới 1,900 tỷ Euro, hay 120% GDP - tổng sản phẩm nội địa) chỉ vì vấn đề nợ công. Các nước như Áo, Ðức cũng trở thành mục tiêu tấn công của các thị trường tài chính cho dù Áo là quốc gia có chính sách chi tiêu chừng mực, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp, tỷ lệ nợ công ở mức trong giới hạn và không bị thâm hụt cán cân thương mại. Ðức thì trong đợt phát hành công trái phiếu gần đây đã chật vật lắm mới huy động được vốn như ý muốn. Tại Pháp, chính phủ cho ra đời hai kế hoạch thắt lưng buộc bụng nhưng các nỗ lực của Paris đến giờ vẫn chưa đủ sức thuyết phục ba cơ quan thẩm định tài chính đầy quyền lực, là Fitch, Standard & Poor's và Moody's.
Trong khi Âu Châu điêu đứng vì nợ công thì 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu và 17 thành viên khối Euro chưa đưa ra được biện pháp cụ thể nào để tháo gỡ bế tắc. Giải pháp duy nhất là thi hành các biện pháp cắt giảm chi tiêu - giảm bội chi ngân sách, hạ tỷ lệ nợ công / GDP từ nay cho đến ít nhất là 2014 nhằm giữ điểm tín nhiệm ở mức cao nhất. Các chính sách khắc khổ mất lòng dân vì đồng nghĩa với việc cắt giảm chi tiêu công cộng, giảm trợ cấp xã hội, giảm lương hưu, tăng thuế.
Từ Madrid, Paris, Athènes, Roma hay Lisbon, người dân xuống đường bày tỏ phẫn nộ. Các biện pháp cắt giảm trợ cấp xã hội, lương hưu hay giảm các chi tiêu công khiến dấy lên phong trào phản đối. Nhiều cuộc tổng đình công diễn ra tại Hy Lạp, Bồ Ðào Nha, Ý, và kể cả tại Anh, nơi người dân vốn cam chịu.
Nhiều chuyên gia đánh giá việc cắt giảm chi tiêu là sai lầm vì theo họ cần xem lại tỷ giá hối đoái của đồng Euro. Nước Ðức là một ngoại lệ vì ngành xuất khẩu của Ðức vẫn rất năng động và cán cân thương mại của chính quyền Berlin không bị thiếu hụt. Ðây là lý do dẫn đến tình trạng “tê liệt” trong việc giải quyết khủng hoảng tài chính Châu Âu, một trận chiến kéo dài thực ra là từ hơn một năm nay. Hiện tại, Âu Châu coi như tê liệt.
2011 là năm cách mạng tự phát đã giúp hạ bệ nhiều nhà độc tài tại Trung Ðông. Các nước tại Á Châu nay sợ điều gọi là Cách Mạng Hoa Nhài. Trùm khủng bố Osama bị hạ bệ, Mỹ rút khỏi Iraq nhưng vấn đề Trung Ðông chưa hóa giải xong, và Washington vẫn còn kẹt tại Afghanistan. Tại Á Châu, Mỹ phản công vì các nước muôn cân bằng ảnh hưởng của một Trung Quốc đang lên với nhiều tham vọng đế quốc kiểu “Ðại Hán”.

Không có nhận xét nào: