Pages

Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012

'Sáp nhập nhà hát không phải là giải pháp'

Đạo diễn Phạm Thị Thành
Đạo diễn Phạm Thị Thành tin rằng việc sáp
nhập không phải là giải pháp nâng cao chất
lượng của hai nhà hát
Một đạo diễn sân khấu kỳ cựu của Việt Nam nói với BBC đề án sáp nhập Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Kịch Trung ương "không thể làm cho chất lượng sân khấu tốt hơn".
Trước hết về vụ tranh cãi, đạo diễn Phạm Thị Thành, nguyên Giám đốc nhà hát Tuổi trẻ nói với BBC hôm 11/5/2012.
 
"Có sự sáp nhập thực ra mà nói là do đề xuất của một số người thôi. Khi sáp nhập không hỏi ý kiến các nghệ sỹ. Chính vì vậy, khi sáp nhập rồi, các nghệ sỹ thấy là không hợp lý được là vì hai nhà hát có hai tiêu chí khác nhau.

"Nhà hát kịch Trung ương đã thành lập lâu rồi, còn nhà hát Tuổi trẻ mới thành lập được hơn 30 năm. Mỗi nhà hát đều có một thế mạnh của mình về mặt nghệ thuật.
Bình luận về căn cứ của những người chủ trương đề án sáp nhập hai nhà hát cũng như của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bà Phạm Thị Thành nói:
"Tôi đọc báo qua cũng thấy nói rằng sáp nhập như thế không bị xã hội hóa. Vì xã hội hóa sợ là không được tiền của chính phủ cho. Tôi thấy nói thế thôi, nhưng thực ra Nhà hát Tuổi trẻ cũng không bị vào một trong những đơn vị sẽ bị xã hội hóa ngay trước mắt.
"Có thể lâu dài thì không biết, nhưng trước đây, có lần xã hội hóa nhà hát tuổi trẻ, nhưng tôi... với các anh chị em ở Nhà hát đấu tranh với chính phủ là nhà hát phục vụ thanh thiếu nhi, thì không thể chính phủ không cho tiền được."
Về hướng xử lý sắp tới, đạo diễn Phạm Thị Thành cho biết:
"Sau khi nghe phản ánh, nhiều người kêu và phàn nàn, không đồng ý, có những người phản đối lên báo hẳn hoi, Bộ có xuống lắng nghe ý kiến của các diễn viên hai nhà hát,"
"Họ nói rất thẳng và nói nguyện vọng của mình là không muốn sáp nhập, vì để như thế nó hoạt động có tiêu chí riêng và đang làm ăn tốt, nhất là nhà hát tuổi trẻ đang có mấy đội hoạt động rất tốt, có khách và được nhiều người yêu mến, cho nên Bộ nói tạm thời bây giờ dừng lại. Coi như nhà hát nào vẫn nguyên nhà hát ấy để hoạt động đã. Rồi Bộ sẽ có tìm hiểu và xử lý sau."
'Phương án tốt nhất?'
"Tôi nghĩ không phải như thế, tiêu chí phát triển nghệ thuật không phải như thế. Mà nghệ thuật luôn luôn có sự cạnh tranh với nhau."
Đạo diễn Phạm Thị Thành
Nữ đạo diễn không cho rằng việc sáp nhập là phương án tốt nhất giải quyết các vấn đề về chất lượng của các hoạt động sân khấu, kịch nghệ trong nước. Bà nói:
"Thực ra mà nói, sáp nhập không thể hơn được. Bởi vì mỗi một đơn vị có tiêu chí riêng. Riêng nhà hát tuổi trẻ, anh em phấn khởi về phương hướng, tiêu chí về cách hoạt động của anh em, cho nên họ không muốn sáp nhập. Chỉ trừ một vài người cho rằng sáp nhập có thể vui vẻ hơn, bên nọ không có sân khấu, thì bên kia có sân khấu để được biểu diễn.
"Tôi nghĩ không phải như thế, tiêu chí phát triển nghệ thuật không phải như thế. Mà nghệ thuật luôn luôn có sự cạnh tranh với nhau. Ở một thủ đô ở nước ngoài, đều có thể có từ 20 đến 30 nhà hát, toàn là kịch nói cả.
"Mỗi nhà hát có một phong cách riêng, thì họ mới cạnh tranh nhau để làm thế nào có nhiều vở tốt, để khách đến với mình."
"Bây giờ tình hình sân khấu nói chung cũng vẫn đang khó khăn chứ không phải sáp nhập như thế tốt hơn đâu vì mỗi đơn vị phải có sức vươn lên của mình.
"Bây giờ mỗi đơn vị phải có cố gắng cả. Và 4-5 năm nay có một anh làm giám đốc cả nhà hát bên này, cả nhà hát bên kia, thì cũng không thấy hơn gì, không được cái huy chương nào trong Hội diễn cả."
Một vở diễn
Nhiều nhà hát kịch Việt Nam đang tự khẳng định trước các loại hình nghệ thuật cạnh tranh khác
Nhân dịp này, nữ đạo diễn cho biết những vấn đề của kịch nghệ Việt Nam mà bà cho là những khó khăn chủ yếu nhất:
"Khó khăn nhất là bây giờ có nhiều nghệ thuật giải trí khác, có thể những chương trình, show, ca nhạc, hát karaoke ở ngoài, rồi những phim nước ngoài nhiều v.v... Rồi trên truyền hình cũng nhiều kênh, nhiều phim, nhiều chương trình, cho nên người đến với sân khấu có giảm đi."
"Thứ hai, từ chỗ người đến với sân khấu giảm đi, các kịch bản hay cũng giảm đi. Người viết cũng có những ảnh hưởng. Rồi từ đấy, những vở diễn hay cũng có phần ít đi. Nhưng cái chính là tác động từ các phương tiện nghệ thuật, giải trí khác, vốn rất thuận lợi, cứ ngồi ở nhà người ta cũng xem được."
Cuối cùng, nữ đạo diễn nêu một số giải pháp mà bà cho rằng là quan trọng nhất để "gỡ" cho kịch nghệ, sân khấu Việt Nam:
"Bây giờ cái gỡ không phải một sớm một chiều được. Mà nó cũng phải từ trên xuống, làm thế nào mà đối xử với những chất xám của những người nghệ sỹ, những người viết kịch bản, các đạo diễn, cũng như những nghệ sỹ biểu diễn. Làm thế nào để có sự kích thích và khuyến khích người ta hơn.
Hôm 8/5, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, ông Hồ Anh Tuấn tuyên bố tạm dừng "qui trình sáp nhập hai nhà hát".
Theo báo Việt Nam, một cuộc bầu ban lãnh đạo mới của Nhà hát kịch Việt Nam hôm 7/5 "nằm trong quy hoạch sáp nhập Nhà hát kịch quốc gia" đã bị hủy.
Theo ý kiến "chỉ đạo" mới nhất của Bộ được báo chí trong nước đăng tải, hai nhà hát kịch tiếp tục hoạt động bình thường như từ trước trong thời gian chờ đợi thông báo mới của Bộ Văn hóa.

Không có nhận xét nào: