Pages

Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

Bầu Kiên bị bắt, rồi sao nữa?


Song Chi - Mấy hôm nay báo chí trong nước, ngoài nước, “lề trái,” “lề phải” cứ “nóng”cả lên với chuyện ông Nguyễn Ðức Kiên, tức bầu Kiên, bị bắt vì tội “kinh doanh trái phép.”
Ðược cho là một trong những người giàu nhất ở VN, bầu Kiên có cổ phần tại nhiều ngân hàng khác nhau và phạm vi làm ăn, hoạt động cũng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, cả trên bề mặt lẫn trong bóng tối.

Nguyễn Ðức Kiên bị bắt gây rúng động dư luận tại Việt Nam. (Hình: Báo Tuổi Tr
Một ngày sau khi bầu Kiên bị bắt, báo chí trong nước đưa tin thị trường chứng khoán chấn động, tụt dốc thê thảm. Các cổ phiếu ngân hàng tại những tổ chức ông Kiên nắm cổ phần đều mất điểm mạnh.
Chỉ trong ngày 21 tháng 8, chứng khoán VN mất 19,119 tỷ đồng (920 triệu đô la), theo trang vietstock.vn. Còn theo một số tờ báo khác thì số tiền “bốc hơi” ngày hôm đó là 35,600 tỷ đồng – tương đương 1.7 tỷ đô la Mỹ.
Tình hình tiếp tục xấu. Theo hãng tin Blomberg, chỉ số VN-idex đã mất gần 10% chỉ trong 3 ngày. Nhiều đại gia bị mất hàng trăm tỷ đồng.
Tại ngân hàng ACB và vài ngân hàng khác mấy ngày qua, người dân ùn ùn kéo nhau đi rút tiền, mặc cho Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình, rồi báo chí nhà nước ra sức trấn an.
Trước hiện tượng này, Ngân Hàng Nhà Nước đã phải bơm tiền hỗ trợ thanh khoản cho ACB cũng như các tổ chức ngân hàng, tín dụng khác, để đảm bảo cho sự an toàn của hệ thống.
Báo điện tử VNEconomy, dựa trên dữ liệu của Bloomberg, cho biết: “…trong 4 ngày từ 21 tháng 8 đến 24 tháng 8, Ngân Hàng Nhà Nước đã bơm ra tổng cộng 23,314 tỷ đồng.” (“Ðã bơm hơn 23,000 tỷ đồng trên OMO tuần này”)
Ðó là chưa kể đến những chấn động trong làng bóng đá. Bởi ông Nguyễn Ðức Kiên không chỉ là phó chủ tịch HÐQT Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam, (VPF), trực tiếp quản lý CLB Bóng Ðá Hà Nội và Ðội Trẻ Hà Nội. Mà còn là người đã có những đóng góp lớn trong tham vọng chuyên nghiệp hóa môi trường bóng đá VN.
Xung quanh vụ bầu Kiên bị bắt, không biết có bao nhiêu phần trăm số người dân thực sự tin rằng đây là dấu hiệu tích cực chứng tỏ quyết tâm chống tham nhũng, làm trong sạch đảng, trong sạch bộ máy nhà nước nói chung và môi trường kinh tế nói riêng của nhà cầm quyền?
Hay phần lớn đều nghĩ, đây chỉ là cái trò đấu đá quen thuộc giữa các phe phái phía sau hậu trường chính trị VN?
Theo một số thông tin “lề trái,” bầu Kiên cùng phe cánh với Thống Ðốc Nguyễn Văn Bình và cả ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Vì vậy nhiều người cho rằng ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đang bị “đánh.”
Nhất là lại mới có một đợt phê và tự phê trong nội bộ đảng, kể cả cấp trung ương, mà nói theo ngôn ngữ của quần chúng, là đóng cửa “làm vệ sinh, tắm rửa” cho nhau, còn nhân dân chẳng ai được biết gì.
Thế nhưng trên báo chính phủ điện tử ngày 22 tháng 8 lại thấy đưa tin:
“Tại phiên họp Ban Chỉ Ðạo Trung Ương về phòng, chống tham nhũng (BCÐ), Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương Tổng Cục Cảnh Sát, Bộ Công An, đã nghiêm túc chấp hành sự chỉ đạo của chính phủ; đã khởi tố, điều tra để đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật nhằm thâu tóm ngân hàng, gây mất ổn định hoạt động ngân hàng…”
(“Về tội phạm thâu tóm ngân hàng: Thủ tướng yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm minh bất kỳ đó là ai”).
Kèm theo là tấm hình ông Nguyễn Tấn Dũng trong phiên họp với dòng ghi chú: “Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, trưởng BCÐ và Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, phó BCÐ, đồng chủ trì phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ Ðạo Trung Ương về phòng, chống tham nhũng.”
Thông tin này sau đó được nhiều báo đưa lại.
Trên các diễn đàn, một số người tinh ý nhận xét, mặc dù thông tin không chính thức cho biết bầu Kiên có liên hệ đến những hoạt động của ngân hàng, thậm chí những vụ thâu tóm ngân hàng gần đây. Nhưng khi ông Kiên bị bắt, bên công an chỉ công bố lý do là “kinh doanh trái phép,” không liên quan gì đến ngành ngân hàng.
Vậy mà chưa gì ông thủ tướng đã chủ động lên tiếng trước là công an “đã khởi tố, điều tra để đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật nhằm thâu tóm ngân hàng, gây mất ổn định hoạt động ngân hàng…” Và vẫn xuất hiện với vai trò trưởng Ban Chỉ Ðạo Trung Ương về phòng, chống tham nhũng.
Mặc dù trước đó, báo chí đưa tin chức vụ này đã được chuyển qua cho ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị trung ương 5 ngày 15 tháng 5 (“Tổng bí thư làm trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng,” Báo Người Lao Ðộng).
Có vẻ như ông Nguyễn Tấn Dũng cũng biết bên ngoài đang đồn đại những gì. Rằng mình đang bị đánh, rằng vụ bắt bầu Kiên này thủ tướng bị qua mặt, rằng có nguy cơ đám đàn em cao hơn và cả ông thủ tướng nữa cũng không yên… Nên ông Dũng phải chủ động lên tiếng, để chứng tỏ mình vẫn đang kiểm soát tình hình.
Mặt khác, phải chăng điều đó cũng cho thấy tình hình đấu đá đang bất phân thắng bại và ông Dũng vẫn có đủ quyền lực để “bất tuân” cả nghị quyết trung ương của đảng?
Vụ scandal lớn dần khi sau một hồi “đưa lên rút xuống,” báo chí được phép đưa tin ông Lý Xuân Hải, nguyên tổng giám đốc ngân hàng ACB bị bắt tạm giam 4 tháng. Vì tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.” Dân tình càng hoang mang.
Cái khổ của người dân sống trong một xã hội như VN hay TQ là như vậy.
Thông tin tràn ngập nhưng những thông tin cần thiết, minh bạch rõ ràng từ phía nhà cầm quyền thì rất thiếu.
Từ chân dung, năng lực, tính cách, quan điểm của từng nhân vật lãnh đạo, tình hình nội bộ đảng và nhà nước, các chủ trương chính sách, hoạt động, phương hướng của nhà nước trong mọi lĩnh vực đối nội, đối ngoại ra sao… Tất cả đều không được công khai hóa.
Trong những vụ bắt bớ liên quan đến những nhân vật cộm cán cỡ như vụ bầu Kiên này cũng vậy, người dân không bao giờ biết được thực chất của vụ việc, tội thật của bầu Kiên là gì, ông ta đã làm gì, dính líu đến những ai…
Vì chẳng bao giờ có cái gì được minh bạch công khai nên người dân cứ sống trong một môi trường mà thông tin chính thức chỉ là một phần rất nhỏ của sự thật. Còn lại là những mẩu tin vỉa hè được chắp nối, những tin đồn, phỏng đoán, giả thuyết… có sức lan tỏa nhanh như điện trong sự tò mò, đói khát thông tin của mọi người.
Ðứng về phía một nhà nước độc tài có quá nhiều vấn đề phải đối mặt như nhà cầm quyền Việt Nam, tình trạng này tưởng như rất có lợi cho họ khi giữ cho những sự thật không bị phanh phui, và tình trạng ổn định bề mặt của chế độ.
Nhưng về lâu dài, nó lại tạo ra một sự bất ổn nguy hiểm. Khi những luồng thông tin nhiễu loạn lan tràn từ mọi phía, nhà cầm quyền sẽ không còn có khả năng kiểm soát, ngăn chặn. Và nguy cơ xáo trộn cả hệ thống chính trị-xã hội-kinh tế… ở cấp độ vĩ mô sẽ xảy ra.
Còn đứng về phía nhân dân là tâm trạng bất an thường xuyên. Từ sự bất an đó, đến lượt người dân, lại có những ứng xử làm cho tình hình càng rối thêm.
Trong vụ bầu Kiên vừa rồi, chính vì không biết rõ cái gì đang/sắp/sẽ thực sự xảy ra nên thị trường chứng khoán mới hỗn loạn rớt giá thê thảm, người dân mới ùn ùn đi rút tiền. Ngành ngân hàng đang phải đối phó với tình trạng bất ổn do nợ xấu đã đến mức báo động, vì vụ này càng thêm rối, giá vàng cũng theo đó tăng vọt lên…
Cho dù tình hình có thể sẽ bình thường trở lại không lâu, nhưng qua vụ này cũng đủ cho thấy nền kinh tế VN dễ bị tổn thương như thế nào.
Cái nguy hiểm của một xã hội bị bưng bít, bị nhiễu loạn thông tin là như vậy.
Mặt khác, cũng đừng vội mừng khi thấy bầu Kiên bị bắt và tin rằng nhà cầm quyền đang/sẽ có những nỗ lực thay đổi thật sự.
Rồi vụ án cũng sẽ “đầu voi đuôi chuột” như nhiều vụ có liên quan đến những thế lực chính trị lớn phía sau từ trước đến nay ở Việt Nam. Bầu Kiên sẽ đi tù cao nhất là hai năm với tội danh “kinh doanh trái phép” để phe nào đó dằn mặt phe khác, thế thôi.
Còn báo chí thì đã bị nhà cầm quyền vô hiệu hóa, muốn cho đăng cái gì, bao giờ đăng, nguồn tin lấy từ đâu… cứ thế mà tiến hành.
Ðó là chưa nói đến tình huống lật ngược tình thế, khi phe bị đánh phản công lại, như vụ PMU18 trước kia, mà nhiều người vẫn còn nhớ.
Một khi cái hệ thống chính trị này không thay đổi, những khuôn mặt đang ngồi trên những cái ghế lãnh đạo cao nhất với những tư duy cũ kỹ và sự tham lam bám chắc quyền lực đến cùng như hiện nay không thay đổi. Thì một ông Nguyễn Ðức Kiên, tiếp theo là ông Lý Xuân Hải và còn những ai nữa… có bị bắt cũng chẳng thay đổi được gì!

Không có nhận xét nào: