Pages

Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Chuyển công tác cũng là một hình thức kỷ luật?


NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Bài “Điều tra viên lấy điện thoại của người bị nạn” của báo Pháp luật Tp HCM nói đến việc ông Trần Thanh Quang (phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai), bố đẻ của nạn nhân đã chết cách đây 2 năm vẫn tiếp tục khiếu kiện.
Theo ông Quang, khi bị tai nạn, con trai ông mang theo hai bọc tiền hơn 32 triệu đồng và một chiếc điện thoại. Tuy nhiên, điều tra viên chỉ ghi trong biên bản là tạm giữ hơn 12 triệu đồng của nạn nhân. Chuyện giữa hai con số 32 triệu và 12 triệu đồng không rõ thưc hư ra sao nhưng ông Quang thua là cái chắc vì biên bản người ta làm với nhau chứ lúc ấy ông Quang có mặt đâu.
Trong khi giải quyết đơn khiếu nại của ông Quang, VKSND huyện Trảng Bom ghi: “Khi khám nghiệm, thụ lý điều tra giải quyết vụ tai nạn, điều tra viên Hoàng Văn B. tạm giữ chiếc điện thoại di động hiệu Nokia 1208, hiện có giá khoảng 300.000 đồng của nạn nhân nhưng không đưa vào biên bản. Trong quá trình quản lý chiếc điện thoại, điều tra viên này đã sử dụng để liên lạc với người khác là vi phạm quy trình thu giữ, quản lý tang, tài vật. Đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Trảng Bom làm rõ, có hình thức xử lý đối với điều tra viên Hoàng Văn B.”

Theo ông Quang, sau khi con ông chết, bưu điện vẫn gửi giấy báo cước điện thoại về cho gia đình, thể hiện là điện thoại vẫn bị sử dụng. Có lẽ chính vì chi tiết này mà người ta phải thừa nhận điều tra viên B. đã “tạm” giữ điện thoại của nạn nhân.
Không những tự ý giữ điện thoại của nạn nhân, điều tra viên B. còn vô tư sử dụng chiếc điện thoại này để cho bưu điện tiếp tục báo cước về cho người nhà nạn nhân chịu.
Qua những hành vi này, lẽ ra điều tra viên B. phải bị xử lý thích đáng. Thế nhưng ngoài việc giấu tên thật của điều tra viên B. (để giữ “uy tín” cho anh ta?), báo Pháp luật Thành phố đưa tin tiếp “Điều tra viên này sau đó bị chuyển công tác”.
Chúng ta thường nghe khá nhiều chuyện về việc cán bộ Nhà nước mắc khuyết điểm thì xử lý kỷ luật bằng cách “cho về hưu”, cứ làm như người về hưu toàn là những người bị kỷ luật. Điều này tôi đã có ý kiến trong bài Về hưu không phải là hình thức kỷ luật
Nay đọc bài báo này, lại thấy người ta xử lý kỷ luật bằng cách “chuyển công tác”. Phải chăng với đơn vị của điều tra viên Hoàng Văn B., chuyển công tác cũng là một hình thức kỷ luật?
Cứ tìm cách bao che cho nhau như thế này thì chấn chỉnh với chỉnh đốn cái nỗi gì?
16/8/2012

Không có nhận xét nào: