Pages

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Việt Nam thua thiệt khi buôn bán với Trung Quốc



Tình trạng Việt Nam thua thiệt khi giao thương hay để nhiều dự án thầu rơi vào tay Trung Quốc ngày một tăng trong những năm gần đây, vì sao thực tế này vẫn diễn ra và xu hướng càng tăng mạnh.
AFP photo
Xe hơi Trung Quốc lắp ráp trong nước được trưng bày tại một cuộc triển lãm thương mại tại Hà Nội

Năng lực cạnh tranh

Nhìn vào những con số xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc trong giai đoạn hơn 1 thập kỷ qua, có thể thấy rõ sự thua thiệt của Việt Nam liên tục tăng, với sự thâm hụt không ngừng nới rộng, đặc biệt là trong 3 năm gần đây, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đến mức báo động.

Nếu năm 2009 là hơn 11 tỷ đô la thì con số này của năm ngoái là gần 14 tỷ đô la. Chỉ trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam lại tiếp tục thâm hụt hơn 8 tỷ đô la nữa. Sự bất cân đối đó được giới chuyên gia đánh giá là nghiêm trọng, khó chấp nhận và là nguyên nhân gây bất ổn cho điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Nếu xem tổng thể hàng xuất nhập khẩu thời gian qua có thể thấy Việt Nam chủ yếu xuất sang Trung Quốc các mặt hàng nguyên nhiên liệu như than, cao su, gỗ và một số thực phẩm: rau củ quả và ngược lại nhập chủ yếu là máy móc, sắt thép, hoá chất…
Trước hết, tìm hiểu về nguyên nhân vì sao Trung Quốc vẫn nắm thế “thượng phong” khi làm ăn với Việt Nam, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế Việt Nam cho chúng tôi biết:
Thực tế là năng lực cạnh tranh của Trung Quốc trên một loạt lĩnh vực là hơn Việt Nam, các sản phẩm cùng chủng loại thường phong phú hơn về mẫu mã và có sự thay đổi rất thường xuyên. Hơn nữa, họ có thể sản xuất với giá thành rất thấp do họ có lợi thế quy mô sản xuất, cũng như khả năng sản xuất tất cả các nguyên nhiên phụ liệu cần thiết và tổ chức sản xuất có hiệu quả cao.
Một mặt khác nữa Việt Nam cũng thường bị thua thiệt vì Trung Quốc họ có tiềm lực mạnh về mặt tài chính nên họ luôn luôn có những công cụ để hỗ trợ giá cho những nhà sản xuất và những người bán hàng sang Việt Nam. Còn Việt Nam thì không có sự hỗ trợ từ phía Chính phủ vì Việt Nam là nước vẫn còn nghèo, nguồn lực có hạn và Chính phủ Việt Nam cũng chủ trương đối với hầu hết các sản phẩm là để tự do cạnh tranh. Thứ ba, người Trung Quốc làm ăn khôn ngoan hơn người Việt Nam nhiều, khi vào Việt Nam làm việc họ có nhiều thủ thuật để vượt qua hàng rào của Việt Nam.
Theo cách giải thích của bà Phạm Chi Lan, những thủ đoạn mà phía Trung Quốc thường nhắm tới là vào sự thật thà, cả tin của người nông dân Việt Nam, bà dẫn chứng hàng loạt những thí dụ từ chuyện nuôi ốc bươu vàng, mua móng trâu, cho đến mua rễ cây hồi hay mới đây nhất là chuyện khoai lang tím…mục đích thu mua để phá hoại nền sản xuất và triệt tận gốc những tiềm lực và thế mạnh một số ngành nghề của Việt Nam.
Sâu xa hơn nữa là những hành vi động chạm đến an ninh Việt Nam như nuôi cá bè hay tôm hùm tại ngay vùng vịnh cảng Cam Ranh, vùng biển Bình Thuận hay mua đất nông nghiệp với quy mô lớn ở phía Nam. Có thể thấy rõ đó không chỉ là những sinh kế hay mặt kinh tế đơn thuần mà tầm hoạt động đó động đã vi phạm đến an ninh quốc gia và làm phức tạp hơn mối quan hệ giữa hai nước.

Nhiều thủ đoạn

Do-choi-tre-em-250.jpg
Một cửa hàng ở Hà Nội bán toàn đồ chơi trẻ em nhập từ Trung Quốc. RFA photo
Tuy thế, những thua thiệt trong việc làm ăn với Trung Quốc còn thấy rõ hơn qua những dự án đấu thầu xây dựng một số dự án trọng điểm, cụ thể nhất là những dự án dạng chìa khóa trao tay (EPC). Với các dự án thầu EPC, Trung Quốc cũng nắm gần trọn những dự án trọng yếu như điện năng, dầu khí, khai khoáng, luyện kim với các dự án lên hàng tỉ đô la.
Phân tích tiếp về những bất lợi của các dự án do Chính phủ Việt Nam tổ chức đấu thầu mà Trung Quốc lại thường là người trúng thầu, bà Phạm Chi Lan tỏ rõ sự âu lo:
Hầu hết các dự án Việt Nam đưa ra đấu thầu thường rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc, như báo chí đã đưa, trong các công trình lớn thì phải đến 90% là rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc, gây ra rất nhiều hệ lụy, trước hết, nó tước đoạt đi những cơ hội của các công ty Việt Nam, tranh việc làm của các công ty Việt Nam.
Thường họ bỏ thầu với giá thấp để thắng thầu, nhưng khi họ thắng thầu rồi họ tìm cách trì hoãn và đội giá lên, nhiều công trình khi chào ban đầu thì thấp hơn nhưng trên thực tế khi thực hiện thì cao vọt hơn hẳn, cao hơn cả những nhà thầu của các nước phương Tây có công nghệ, thiết bị hiện đại hơn.
Hơn nữa, họ thường làm kéo dài tiến độ, càng kéo dài, càng gây tổn thất cho Việt Nam về nhiều mặt, làm cho Việt Nam mất đơn mất kép. Sau khi công trình đã hoàn thành rồi Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào họ như bảo dưỡng, vật liệu thay thế.
Không dừng lại ở những gì bà Phạm Chi Lan nhận xét, giới phân tích tại Việt Nam còn cho thấy sự lệ thuộc vào công nghệ hay kỹ thuật của Việt Nam đối với các dự án sau khi Trung Quốc hoàn tất. Điều này cũng lý giải vì sao Việt Nam phải nhập khẩu một lượng máy móc, thiết bị có giá trị rất lớn lên đến nhiều tỷ đô la cho mỗi công trình. Chưa kể Trung Quốc đưa cả những lao động tay chân sang tiến hành các dự án xây dựng, thành lập những con phố toàn người Trung Quốc gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Theo kế hoạch, từ giờ cho đến năm 2025, Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư 117 tỷ đô la cho các công trình hạ tầng cơ sở, câu hỏi mà nhiều người quan tâm là bao nhiêu trong số tiền này sẽ lại tiếp tục rơi vào tay Trung Quốc, vai trò của các nhà lập chính sách Việt Nam nằm ở đâu vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ:
Đã có những tiếng nói phản biện, những cảnh báo của những người nghiên cứu về các lĩnh vực khác nhau nhưng nhiều khi cũng không được các cơ quan quyết định xem xét một cách đầy đủ và trong nhiều trường hợp vẫn để rơi vào tay người Trung Quốc.
Mới đây Bộ Khoa học và Công nghệ có giải pháp hạn chế máy móc công nghệ lạc hậu do Trung Quốc thải loại từ hơn 1,800 nhà máy ở nước này. Hay cũng ngay từ năm 2007, Bộ Công thương đã có đề án phát triển thương mại với Trung Quốc, nhưng tính cho đến giờ các biện pháp đó vẫn kém hiệu quả, không nhất quán.
Vẫn biết những thua thiệt khi làm ăn với Trung Quốc là khó tránh khỏi vì bản thân họ có nhiều mánh khóe, biết sử dụng chiêu trò, nhưng “tiên trách kỷ hậu trách nhân” việc phải đánh giá và nghiên cứu lại toàn diện hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc là điều cần phải làm.

Không có nhận xét nào: