Pages

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

Việt Nam 'bồi dưỡng' để quân đội đàn áp đối lập

Sĩ quan quân đội đang được “bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh” để “xử lý các tình huống về an ninh chính trị ở các địa phương đồng bộ và có hiệu quả hơn”.

Tờ Quân đội Nhân dân cho biết, Học viện Quốc phòng vừa tổ chức khai giảng “Lớp Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh” thứ 49. Đối tượng tham dự lớp này là những “cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang”.

Theo tờ báo này, mục tiêu của “Lớp Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh” là gắn “quốc phòng” với “an ninh” để “đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới”, nhằm “thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa”.

Thiết giáp của quân đội Việt Nam diễu hành qua nhà thờ xã Đoài khi hàng ngàn giáo dân Giáo phận Vinh đổ về để cầu nguyện cho giáo dân Giáo họ Con Cuông. (Hình: Internet)
Tại lễ khai giảng, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng, những “Lớp Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh” đã hỗ trợ đáng kể cho việc “xây dựng thế trận quốc phòng – an ninh”, qua đó “góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”.

Khác với nhiều quốc gia, chính quyền Việt Nam muốn đặt quân đội dưới quyền kiểm soát và điều hành của Đảng CSVN. Thậm chí còn muốn hiến định, quân đội phải trung thành với Đảng CSVN và phải bảo vệ tổ chức chính trị này. Nhiều người, trong đó có cả cán bộ, đảng viên Đảng CSVN đã chỉ trích kịch liệt ý định đó khi thấy chúng xuất hiện trong dự thảo Hiến pháp mới.

Từ khi sự phản kháng trong dân chúng lan rộng và ngày một tăng về mức độ, chính quyền Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp để biến công an và quân đội thành công cụ bảo vệ Đảng CSVN. Trong khi lãnh đạo Công an Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền theo hướng “Còn Đảng, còn mình” thì quân đội mở rộng “giáo dục nhận thức”, gắn “quốc phòng” với “an ninh chính trị”.  

Trong thực tế, quân đội Việt Nam đã tham gia “xử lý các tình huống về an ninh chính trị ở các địa phương”. Chẳng hạn, hồi tháng 7 năm ngoái, quân đội đã điều động hàng chục xe thiết giáp diễu hành ngang Tòa Giám mục Giáo phận Vinh, khi hàng ngàn giáo dân Giáo phận Vinh đổ về nhà thờ Xã Đoài ở Nghệ An, để cầu nguyện cho những giáo dân thuộc Giáo họ Con Cuông bị Công an Việt Nam đàn áp.

Thông tin về việc tổ chức các “Lớp Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh” giúp người ta hiểu hơn tại sao trong bối cảnh như hiện nay, quân đội Việt Nam lại cử các sĩ quan cao cấp sang Trung Quốc tu nghiệp.

Hồi đầu tháng này, tờ Quân đội Nhân dân loan báo, Việt Nam mới cử 22 sĩ quan quân đội cao cấp đến “tập huấn tại Trung Quốc”. Theo tờ báo này, đó là “22 cán bộ chủ trì công tác Đảng, công tác chính trị tại các đơn vị cấp chiến lược, chiến dịch toàn quân, được đào tạo cơ bản, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và là nguồn quy hoạch cho nhiệm kỳ tới”.

Trước khi nhóm này lên đường, viên tướng là Cục trưởng Cục Cán bộ của Tổng cục Chính trị thuộc Quân đội Việt Nam, dặn dò: “Các cán bộ được cử đi học đợt này cần phải nghiên cứu sâu lý luận, tiếp thu kinh nghiệm thực tiễn của bạn để về nước vận dụng một cách sáng tạo, khoa học vào quá trình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị mình”.

Panel được dựng phía trước trụ sở Bộ Công an Việt Nam tại Hà Nội. Từ khi phản kháng gia tăng, Công an Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền theo hướng “Còn Đảng còn mình”. (Hình: Internet)
Cho đến nay, Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa vẫn chưa gột sạch tiếng nhơ khi tuân lệnh lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, đàn áp những người biểu tình đòi tự do, dân chủ một cách ôn hòa ở quảng trường Thiên An Môn, hồi tháng 6 năm 1989. Cuộc thảm sát do Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa thực hiện vào thời điểm đó đã khiến từ 4,000 đến 8,000 người thiệt mạng và từ 7,000 đến 10,000 người bị thương.

Ngoài tờ Quân đội Nhân dân, khi đưa tin Việt Nam cử 22 sĩ quan quân đội cao cấp đến “tập huấn tại Trung Quốc” hồi đầu tháng này, một vài tờ báo của chính quyền Việt Nam còn cho biết thêm là từ năm 2009 đến nay, quân đội Việt Nam đã cử tổng cộng sáu đoàn sĩ quan quân đội sang Trung Quốc “tập huấn”, theo một chương trình có tên là “Đề án 165”.
  
Không riêng quân đội, Công an Việt Nam cũng đang đẩy mạnh chuyện “tập huấn” về đàn áp. Theo báo chí Việt Nam, hồi tháng 3 năm nay, các chuyên gia từ Bắc Hàn – quốc gia được xem là khắc nghiệt nhất trên thế giới – đã đến Sài Gòn để “tập huấn” cho 100 “cảnh sát đặc nhiệm” thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động. Tại Việt Nam, Cảnh sát cơ động là lực lượng chuyên trấn áp, giải tán biểu tình.

(Người Việt)

Không có nhận xét nào: