Pages

Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

42% thừa nhận phải lót tay khi xin việc


THAMNHUNG-HOILO5
Ngày 2/4, thông tin tại buổi họp báo công bố chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2013 do Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức cho thấy 42 % người dân được hỏi thừa nhận phải lót tay khi xin việc vào cơ quan nhà nước.
Chỉ số PAPI 2013 cũng cho biết: 42% phải chi thêm tiền khi đi khám, chữa bệnh ở bệnh viện công tuyến huyện/quận; 30% người dân phải chi thêm tiền để được nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 27% phụ huynh trường tiểu học phải chi thêm tiền để con em được quan tâm hơn, 24% phải chi thêm tiền để nhận được giấy phép xây dựng.

Tỷ lệ người được hỏi cho rằng chính quyền có xu hướng nghiêm túc trong xử lý các vụ việc tham nhũng được phát hiện ở địa phương tăng từ 24% năm 2011 lên 38% năm 2013.
Đối với vấn đề công khai, minh bạch quy hoạch/ kế hoạch sử dụng đất từ năm 2011 đến 2013 không có sự biến đổi tích cực nào, khi 80% người được hỏi không biết đến các quy hoạch này. Trong số những người được biết thông tin chỉ có 19% người biết được qua chính quyền địa phương.
Kết quả PAPI 2013 cho thấy, Quảng Bình là địa phương duy nhất nằm trong nhóm tỉnh/thành phố đạt điểm cao nhất ở cả 6 chỉ số trong khi Bắc Giang thuộc nhóm địa phương đạt điểm thấp nhất. Ngoài ra người dân Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An và Vĩnh Long cũng đánh giá cao chất lượng quản trị và cung ứng dịch vụ công ở các địa phương này.
Về kết quả khảo sát PAPI qua ba năm (2011 – 2013), PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), ghi nhận Chỉ số PAPI là nguồn dữ liệu để các cấp, ngành ở trung ương và địa phương sử dụng nhằm theo dõi quá trình thực thi chính sách, từ đó đưa ra những biện pháp cải thiện kịp thời.
Cho tới nay, hơn 22 tỉnh/thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo hoặc có những hành động cụ thể để cải thiện Chỉ số PAPI.
TS. Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, cho rằng “PAPI không phải để chỉ ra ai làm kém, tỉnh nào làm kém mà nhằm làm tăng trách nhiệm giải trình trước người dân, cải thiện hiệu quả quản trị”.
Đây là năm thứ 3 liên tiếp PAPI được thực hiện trên quy mô toàn quốc và đã trở thành bộ chỉ số đo lường hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh lớn nhất ở Việt Nam. Trong đó, người dân đóng vai trò là chủ thể của hoạt động theo dõi và giám sát hiệu quả ở cấp tỉnh.

Người dân là khách hàng của cơ quan công quyền

Ông Lê Văn Lân, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Bắc khẳng định PAPI là tấm gương phản chiếu chất lượng hoạt động, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp. “Cách đánh giá của PAPI được cho là khách quan vì nó không chỉ dựa vào các báo cáo sơ kết, tổng kết của các cơ quan ban ngành, mà đánh giá từ chính đối tượng thụ hưởng dịch vụ công.
PAPI được xây dựng dựa trên triết lý người dân như người sử dụng dịch vụ, là khách hàng của cơ quan công quyền”.
Theo Tiền phong

Không có nhận xét nào: