Pages

Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2014

Philippines tuyên bố kiềm chế trong đối đầu với Trung Quốc tại Biển Đông

Tàu Tuần duyên Trung Quốc đang tìm cách cắt đường tàu tiếp tế
 Philippines trên đường đến bãi Second Thomas Shoal (Trường Sa)
ngày 29/03/2014. Ảnh của phóng viên Reuters trên tàu Philippines.
REUTERS/Erik De Castro
Trọng Thành
Hôm nay, 04/04/2014, theo AFP, Ngoại trưởng Philippines có phát biểu khẳng định sẽ hành động với sự kiềm chế trong các đối đầu với Trung Quốc tại vùng Biển Đông. Tuyên bố kể trên được đưa ra một tuần sau biến cố tàu Trung Quốc cố tình ngăn cản tàu Philippines tiếp viện cho lực lượng hải quân đang đồn trú tại bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa.

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario tuyên bố : « Chính quyền Philippines khẳng định rõ ràng là sẽ tiếp tục kiềm chế và không làm cho tình hình tại khu vực Biển Đông thêm căng thẳng ».
Ngày 29/03, một chiếc tàu tiếp tế Philippines đã vượt qua được vòng vây của tuần duyên Trung Quốc để đổ bộ lên khu vực Bãi Second Thomas Shoal (tên Việt Nam : Bãi Cỏ Mây ; tên Philippines : Ayungin ; tên Trung Quốc : Nhân Ái) hiện do Manila kiểm soát kể từ năm 1999, để cung cấp thực phẩm, nước uống cho các binh sĩ, cùng lực lượng thay thế.
Một ngày sau biến cố này, chính quyền Manila làm Trung Quốc thêm tức tối khi nộp hồ sơ kiện Trung Quốc lên tòa án của Liên Hiệp Quốc, yêu cầu tòa án bác bỏ yêu sách về chủ quyền « không thể thương lượng » được tại Biển Đông của Trung Quốc. Ngày thứ ba 01/04, Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ, cảnh báo việc kêu gọi Liên Hiệp Quốc giúp đỡ « ảnh hưởng nghiêm trọng » đến các quan hệ song phương và khẳng định Philippines phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về các hậu quả sau này.
Ngoại trưởng Philippines bác bỏ các chỉ trích của Trung Quốc, khi khẳng định Philippines « không phải là nước đang tăng cường đáng kể các phương tiện hàng hải tại Biển Đông ».
Bắc Kinh tuyên bố, tuần duyên Trung Quốc đã ngăn cản được một chuyến tầu tiếp viện của hải quân Philippines đến Bãi Cỏ Mây, buộc Manila phải dùng trực thăng tiếp tế.
Khu vực Bãi Second Thomas Shoal cách bờ Philippines nơi gần nhất là 200 km (tương đương 120 hải lý), và cách Trung Quốc khoảng 1.000 km. Khu vực này nằm trong quần đảo Trường Sa, án ngữ trên con đường giao thông hàng hải quốc tế, nơi có một nguồn cá phong phú. Ngoài Philippines và Trung Quốc, còn có Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam đòi hỏi chủ quyền tại quần đảo này. 
Philippines kêu gọi Liên Hiệp Quốc bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc, vì trái với Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS), mà cả Manila và Bắc Kinh đều ký tên, nhưng Trung Quốc cho rằng các quy định của UNCLOS không áp dụng cho tranh chấp này. Trung Quốc muốn Philippines đàm phán trực tiếp về các tranh chấp.
Theo Ngoại trưởng Philippines, phán quyết của Liên Hiệp Quốc « mang lại một cơ chế ổn định lâu dài, mang tính hòa bình và hữu nghị, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, giúp Philippines bảo vệ được những gì thuộc về chủ quyền hợp pháp của mình ».

Không có nhận xét nào: