Pages

Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

Tòa Trung Quốc ra lệnh tịch thu tàu Nhật để bồi thường nợ chiến tranh

Các container hàng hóa của công ty vận chuyển đường biển Mitsui O.S.K. của Nhật tại cảng Tokyo.
Rebecca Valli

 — Một tòa án ở Thượng Hải đã ra lệnh tịch thu một chiếc tàu của Nhật Bản để bồi hoàn cho một khoản nợ từ thập niên 1930. Đây là vụ tịch thu đầu tiên các tài sản của Nhật trong một vụ kiện về vấn đề bồi thường chiến tranh. Từ Hồng Kông, thông tín viên Rebecca Valli của đài VOA có bài tường thuật chi tiết sau đây.


Tòa án Hải Dương Thượng Hải trước đây đã ra lệnh cho công ty vận chuyển đường biển Mitsui O.S.K. của Nhật phải trả gần 30 triệu đô la vì làm mất 2 chiếc tàu mà công ty tiền thân của Mitsui, công ty Daido Kaiun, đã thuê của một công ty Trung Quốc vào năm 1936.

Trong thế chiến thứ hai, các chiếc tàu đó đã bị chính phủ Nhật trưng dụng và sau đó đã bị chìm giữa biển.

Hôm chủ nhật vừa qua, tòa án ở Thượng Hải loan báo họ đã tịch thu tàu Baosteel Emotion, một chiếc tàu chở container, đậu ở tỉnh Triết Giang.

Tòa án cho biết nếu Mitsui không trả nợ, chiếc tàu đó sẽ được xử lý theo qui định của pháp luật.

Quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã bị căng thẳng trong vài năm gần đây vì những vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và tình cảm dân tộc chủ nghĩa đang dâng cao ở cả hai nước.

Hôm thứ hai, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã lên tiếng phản đối quyết định của tòa án Thượng Hải và cảnh báo về những hậu quả của việc này trong các lãnh vực ngoại giao và kinh tế.

"Hành động này thậm chí có thể gây phương hại cho tinh thần của thông cáo chung Trung-Nhật năm 1972 về việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Tôi cũng cảm thấy một sự lo ngại sâu sắc là các hoạt động kinh tế giữa Nhật Bản với Trung Quốc sẽ bị sút giảm vì việc này."

Bộ ngoại giao Trung Quốc nói rằng vụ án này chỉ là một vụ tranh chấp về hợp đồng thương mại thông thường và không dính líu gì tới vấn đề bồi thường chiến tranh.

Hơn 40 năm trước, Nhật Bản và Trung Quốc ký kết một hiệp ước để bình thường hóa quan hệ, trong đó có một điều khoản là Trung Quốc từ bỏ tất cả những đòi hỏi về bồi thường chiến tranh để đổi lấy tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Điều khoản đó của hiệp ước là một vấn đề gây tranh luận trong nhiều năm qua, vì người dân ở Trung Quốc đã tìm cách đòi Nhật Bản bồi thường cho những tội ác thời chiến như cưỡng bách lao động, nô lệ tính dục, và tài sản bị hủy hoại.

Những đơn kiện nộp tại các tòa án Nhật đã bị bác và các tòa án Trung Quốc lâu nay vẫn ngần ngại không muốn thụ lý những vụ kiện tụng như vậy.

Trong một vụ án hiếm có hồi gần đây, một tòa án ở Bắc Kinh đã chấp nhận một đơn kiện đòi bồi thường cho những công nhân Trung Quốc bị bóc lột bởi các công ty Nhật trong thời thế chiến thứ hai.

Ông Lưu Giang Vĩnh, một chuyên gia về quan hệ Trung-Nhật của Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nói rằng những vụ tố tụng như vậy không mâu thuẫn với hiệp định ngoại giao của Trung Quốc và Nhật Bản. Ông cho rằng mặc dù chính phủ Trung Quốc đã từ bỏ quyền đòi bồi thường, nhưng các cá nhân bị thiệt hại trong thời chiến tranh có những đòi hỏi chính đáng.

"Chính phủ Nhật Bản và các công ty khi đó đã gây ra những sự tổn thương. Họ cần phải bồi thường theo qui định của luật pháp và theo tinh thần nhân đạo. Đây không phải là việc bồi thường chiến tranh, mà là một vụ bồi thường dân sự cho những sự xâm hại xảy ra trong thời chiến tranh."

Nhiều người ở Trung Quốc tin rằng chính phủ Nhật Bản đã không có hành động chuộc lỗi sau khi đã gây ra vô số tổn thương cho sinh mạng và tài sản của người dân Trung Quốc và các nước khác trong quá khứ.

Hôm thứ hai vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã sai người đến dâng đồ cúng tại đền thờ Yasukuni ở Tokyo, nơi thờ phượng những người Nhật bỏ mình trong chiến tranh, trong đó có 14 người là can phạm tội ác chiến tranh thời thế chiến thứ hai. Việc này đã gặp phải sự phản đối kịch liệt từ phía Trung Quốc.

Không có nhận xét nào: