Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên hôm thứ Tư 2/4 vừa bắt đầu xét xử lưu động 29 bị cáo tội 'Hoạt động phỉ' theo quy định tại Điều 83, Bộ luật Hình sự.
Truyền thông trong nước nói ông Giàng A Tỉnh (tức Giàng Pà Tỉnh), 48 tuổi, và 28 đồng phạm đã trốn ra nước ngoài sau vụ "mất an ninh trật tư tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé vào tháng 5/2011".
Trong vụ tấn công bằng súng này, tại khu vực cột mốc 10 thuộc xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, ông Lương Minh Năm, cán bộ Đồn Biên phòng Sen Thượng thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên đã thiệt mạng và bốn cán bộ công an khác bị thương.Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát tỉnh Điện Biên, các bị cáo trên cùng tám đối tượng khác đang bị truy nã đã tấn công vào lán của biên phòng và công an tỉnh hôm 15/10/2012.
Tổng cộng 37 đối tượng bị khởi tố trong vụ bắn súng này, nhưng tám người đã chạy thoát.
Tất cả số người này đều bị cho là đã "chạy trốn ra nước ngoài để chuẩn bị điều kiện chống chính quyền" sau vụ bất ổn Mường Nhé năm 2011.
Phiên tòa lưu động sẽ kéo dài một tuần, tới 8/4.
Bất ổn Mường Nhé
Tháng Chín năm ngoái, ông Giàng A Chứ, cũng là người Hmong ở Điện Biên, đã bị tuyên án 3 năm tù về tội ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’ theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự.
Ông Chứ bị buộc tội đóng vai trò cầm đầu trong tổ chức vận động thành lập một nhà nước độc lập của người Hmong, dẫn đến tụ tập gây bất ổn ở Mường Nhé.
Trong vụ Mường Nhé hồi năm 2011, hàng nghìn người Hmong đã tụ tập nhiều ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5, tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, và chống đối khi giới chức điều quân tới giải tán.
Chính quyền Điện Biên giải thích những người này tụ tập để chờ Đấng siêu nhiên đưa họ về miền Đất hứa, trong khi "một số người đã kêu gọi thành lập vương quốc riêng của người Hmong, gây bất ổn, bất an ninh và thiếu an toàn".
Cảnh sát cơ động và hàng trăm bộ đội cùng máy bay trực thăng đã được điều đến hiện trường.
Về con số thương vong của cả người Hmong và phía chính quyền cho tới nay vẫn còn nhiều nguồn tin không đồng nhất.
Vụ Mường Nhé bị cho là vụ bất ổn quy mô lớn nhất từ khi có biểu tình của người Thượng ở Tây Nguyên năm 2004.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét