Pages

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2015

Nguyên nhân hiện tượng sương mù và "mù khô" ở khu vực Nam bộ

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok

Hiện tượng mù khô tại TPHCM

Hiện tượng mù khô tại TPHCM
 Courtesy Suckhoecuocsong




Bầu trời thành phố Hồ Chí Minh và khu vực nam bộ trong mấy ngày đầu tháng 10 bị phủ bời sương mù dày đặc. Nguyên nhân được cơ quan chức năng nói là hiện tượng đó do ô nhiễm môi trường gây nên và có thể có phần từ khói cháy rừng ở Indonesia lan sang.

Thực tế ra sao? Và cập nhật một số thông tin liên quan về đợt cháy rừng hiện nay ở Indonesia.
‘Mù khô’ ở thành phố Hồ Chí Minh
Trong ba ngày từ 5 đến 7 tháng 10 vừa qua, hiện tượng sương mù dày đặc bao phủ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam bộ được Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam bộ gọi là hiện tượng ‘mù khô’. Truyền thông trong nước trích dẫn giải thích về nguyên nhân của hiện tượng này do phó giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, ông Đặng Văn Dũng đưa ra rằng trước hết là do ô nhiễm môi trường gây nên và còn có thể do ô nhiễm từ vụ cháy rừng đang xảy ra tại Indonesia.
Và theo Đài Khí tượng Thủy Văn khu vực Nam bộ thì hiện tượng này sẽ giảm dần, đặc biệt khi có mưa lớn. Mưa làm khói bụi chìm xuống.
Một phó giám đốc khác của Đài Khí tượng Thủy Văn Khu vực Nam Bộ, ông Hoàng Minh Giám, lại có giải thích như sau về tình trạng sương mù dày đặc vào hồi đầu tháng 10:
“Cái này hằng năm ở nam bộ, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh, cuối mùa mưa và đầu mùa khô thì hiện tượng ‘sương mù’ hay ‘mù khô’ hay gì đó xuất hiện ở thành phố Hồ Chí Minh hằng năm. Đó là một, thứ hai đây là hiện tượng mà nhiều người cho là do ô nhiễm, còn nhiều người cho là do cháy rừng từ Indonesia; nhưng chúng tôi chưa nghiên cứu kỹ do đó chưa thế quyết định đó là (do) cái gì. Thế nhưng hiện tượng này đối với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh nam bộ thì năm nào cũng xuất hiện từ tháng 10 đến tháng 3, khi mà trời đêm quang mây hoặc ít mây, gió nhẹ thì vào sáng sớm (có sương mù) ở những vùng sông hồ, suối, kênh rạch vì tập trung nhiều hơi nước.”
Phó giáo sư - tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, phó viện trưởng Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ Môi trường đưa ra một số nhận định về hiện tượng sương mù dày đặc ở thành phố Hồ Chí Minh và mối liên hệ với cháy rừng từ Indonesia trong khu vực như sau:
“ Ở thành phố Hồ Chí Minh thỉnh thoảng có hiện tượng như khói ở những nơi khác đến, theo tôi chưa có nghiên cứu về lý do tại sao cả. Nếu dự đoán thì do cháy rừng ở đâu đó- Philippines hay Indo, và ở miền nam thì rơm rạ sau mùa vụ nhiều và người ta đốt, thì có thể đó cũng là nguyên nhân.”
Hằng năm ở nam bộ, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh, cuối mùa mưa và đầu mùa khô thì hiện tượng ‘sương mù’ hay ‘mù khô’ hay gì đó xuất hiện ở thành phố Hồ Chí Minh hằng năm. Đó là một, thứ hai đây là hiện tượng mà nhiều người cho là do ô nhiễm, còn nhiều người cho là do cháy rừng từ Indonesia
Ông Hoàng Minh Giám
Facebooker Nguyễn Thiện Nhân đưa lên trang cá nhân một số hình ảnh của thành phố Hồ Chí Minh lúc sương mù dày đặc và cho rằng tình trạng mù như thế là do ô nhiễm không khí mà ra. Cụ thể hiện tượng như thế bởi không khí chứa nhiều khí sulfur, CO, nitrogen oxide và bụi… Nguyên nhân chủ yếu do khí thải từ xe cộ, động cơ xăng dầu. Theo facebooker Nguyễn Thiện Nhân thì dưới tác động của ánh sáng, phản ứng hóa học tạo ra những khí ozone và aldehid. Các loại khí này gây đau cổ, các bệnh về mắt và da. Nếu nồng độ ô nhiễm nặng ở mức hơn 6,5ppm ( phần triệu) có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt đối với người già có hệ hô hấp bị lão hóa.
Ông Hoàng Minh Giám thì cho rằng ô nhiễm không khí tại thành phố Hồ Chí Minh hiện vẫn còn trong mức độ cho phép:
“Trạm khí tượng Nhà Bè cách thành phố cũng không xa lắm, đường chim bay khoảng 20 cây số, theo số liệu mà chúng tôi thu thập được từ khoảng đầu tháng 10 đến giờ thì ô nhiễm bụi và các chất gây ô nhiễm không khí vẫn nằm trong điều kiện cho phép. Ví dụ như FO2, CO, NO2…, rồi tổng bụi lơ lửng chúng tôi có đo và vẫn nằm trong mức cho phép về các chất trong không khí.”
Phó giáo sư- Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ cũng đồng ý với đánh giá mà ông phó giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam bộ, Hoàng Minh Giám đưa ra:
“ Thực ra tại thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian vừa rồi có một số trạm quan trắc về chất lượng không khí; thậm chí có trạm thường xuyên, cố định, tự động. Ô nhiễm không khí tại thành phố Hồ Chí Minh được xem ngày càng được cải thiện tốt hơn. Tuy vậy vẫn còn một số điểm vẫn còn ô nhiễm bụi và tiếng ồn vượt tiêu chuẩn.”
Nạn cháy rừng ở Indonesia
Trong khi đó thì tại Indonesia, nơi nạn cháy rừng xảy ra khiến khói lan sang các lân bang gồm Malaysia, Singapore, Thái Lan và như giới chuyên môn Việt Nam đánh giá thì cả đến khu vực nam bộ của Việt Nam.
Quang cảnh cảnh rừng ở Indonesia ngày 8 tháng 10, 2015
Quang cảnh cảnh rừng ở Indonesia ngày 8 tháng 10, 2015. AFP
Hãng thông tấn AFP vào ngày 8 tháng 10 loan tin cho biết chính quyền Indonesia chấp nhận để cho quốc tế đến giúp trong công tác dập tắt cháy rừng tại nước này. Trước đó chính quyền Indonesia khăng khăng cho rằng tự thân họ vẫn có thể giải quyết nạn cháy rừng đang xảy ra. Tuy nhiên thất bại sau nhiều tuần lễ và khói bụi mù lan sang tận các nước láng giềng gây phẩn nộ tại những nơi đó
Thông tin cho biết chính quyền Indonesia đã huy động chừng 25 ngàn nhân viên cũng như cho máy bay cùng tham gia hoạt động dập tắt các đám cháy rừng, thế những lực lượng này không thể nào khống chế được.
Tổng thống Joko Widodo của Indonesia vào ngày 8 tháng 10 đích thân đi đến đảo Sumatra nơi xuất phát nhiều đám cháy rừng. Ông bày tỏ hy vọng có thể tăng tốc nổ lực dập tắt các đám cháy. Trước đó hơn 1 tháng, ông cũng từng đến Sumatra và nhận trách nhiệm cá nhân trước tình trạng cháy rừng. Tuy nhiên sau đó thực tế trở nên xấu thêm.
Ngoài ra phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Indonesia cũng nói rằng nay nước ông thấy cần phải hợp tác cùng các nước có nguồn lực để có thể thành công dập tắt cháy rừng tại Indonesia hiện nay.
Phát ngôn nhân Arrmanatha Nasir nói rõ Indonesia cần có những máy bay to hơn, có khả năng chở những ‘bom nước’ với dung lượng 10 ngàn lít.
Cơ quan cứu nạn thiên tại cùa Indoneisa vào ngày 8 tháng 10 cũng cho biết một máy bay lớn của Nga sẽ sớm bay đến Indonesia tham gia công tác dập tắt cháy rừng.
Singapore, nước láng giềng của Indonesia phải chịu tác động khói mù từ các đám cháy rừng, sau  khi xảy ra thảm nạn, cũng đề nghị đưa máy bay sang gây mưa nhân tạo cũng như chở bom nước và nhân sự cứu hỏa giúp dập tắt cháy rừng tại Indonesia.
Trạm khí tượng Nhà Bè cách thành phố cũng không xa lắm, đường chim bay khoảng 20 cây số, theo số liệu mà chúng tôi thu thập được từ khoảng đầu tháng 10 đến giờ thì ô nhiễm bụi và các chất gây ô nhiễm không khí vẫn nằm trong điều kiện cho phép
Ông Hoàng Minh Giám
Nạn cháy rừng thường xuyên xảy ra vào mùa khô tại Indonesia khi mà cây rừng bị đốt để lấy thêm đất canh tác cây dầu cọ hay cây để làm bột giấy. Tuy nhiên theo giới khoa học thì trong năm nay do tác động của hiện tượng EL Nino, nạn cháy rừng ở Indonesia sẽ tồi tệ thêm.
Chính quyền Indonesia vẫn chưa phê chuẩn thỏa thuận về khói mù xuyên biên giới được ký cách đây 12 năm sau thảm họa cháy rừng vào hai năm 1997, 1998.
Nhà khoa học Henry Purnomo thuộc Trung Tâm Nghiên cứu Rừng Quốc tế - CIFOR, cho biết để khai phá đất rừng bằng biện pháp đốt chỉ mất 7 đô la cho một hecta; trong khi đó nếu dùng máy móc cơ khí để phá rừng lấy đất thì phải tốn đến 150 đô la cho một héc ta. Đó là lý do vì sao đốt rừng để lấy đất vẫn tiếp diễn tại Indonesia.
Tình trạng cháy rừng tồi tệ tại Indonesia diễn ra từ năm 1997 và lại tiếp diễn nghiêm trọng vào năm 2013.
Hậu quả do cháy rừng gây nên
Như cảnh báo của giới chuyên gia môi trường lâu nay thì phá rừng là tàn phá những lá phổi của hành tinh Trái Đất. Đốt rừng gây nên những đám cháy nghiêm trọng như ở Indonesia đang phá hoại những mảng xanh quan trọng như thế trên toàn cầu.
Ngoài ra còn có những tác hại về mặt kinh tế do cháy rừng gây nên. Chính quyền phải bỏ ra kinh phí để dập tắt các đám cháy.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Indonesia, Arrmanatha Nasir cho biết khi các quốc gia đề nghị cùng được tham gia công tác dập tắt các đám cháy rừng tại Indonesia, không phải tất cả đều giúp miễn phí. Một số dịch vụ phải trả tiền và nước này đang thương lượng.
Công ty Asia Pulp & Paper của Indonesia bị cáo buộc là một trong những thủ phạm gây cháy rừng lần này nên vào ngày 7 tháng 10 vừa qua chuỗi siêu thị lớn nhất tại Singapore cho rút hết sản phẩm của công ty này đang bày bán ở nước họ xuống.
Sang ngày 8 tháng 10, Phòng Thương Mại & Công Nghiêp Indonesia và Liên đoàn Doanh Nghiệp Singapore ra thông cáo chung cho biết khói mù từ cháy rừng ở Indonesia gây thiệt hại hằng triệu đô la Mỹ cho nhiều doanh nghiệp trong khu vực Đông Nam Á.
Như cảnh báo của giới chuyên gia môi trường lâu nay thì phá rừng là tàn phá những lá phổi của hành tinh Trái Đất. Đốt rừng gây nên những đám cháy nghiêm trọng như ở Indonesia đang phá hoại những mảng xanh quan trọng như thế trên toàn cầu
Theo Phòng Thương Mại & Công nghiệp Hoa Kiều Singapore thì khói mù từ Indonesia gây thiệt hại từ 10 đến 30% cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Singapore.
Đề xuất giải quyết vấn nạn cháy rừng
Một cộng tác viên cho Tạp chí Forbes, tác giả Mark Clifford, trong bài viết đăng vào tuần qua đề ra một số biện pháp nhằm ngăn ngừa những vụ cháy rừng trên diện rộng như hiện nay ở Indonesia.
Theo đó nên thiết lập một tổ chức thường xuyên có chương trình hành động, có ngân quĩ và thẩm quyền nhân danh chính quyền cấp tỉnh và cả chính quyền trung ương.
Tổ chức này tiến hành những cuộc họp với các bên gồm lãnh đạo cộng động, chính quyền cấp tỉnh và doanh nghiệp phối hợp có những biện pháp tích cực trước khi mùa khô đến.
Theo đánh giá hiện nay chính quyền cấp tỉnh tại Indonesia không có nguồn nhân lực, trang thiết bị và ngân quĩ để đối phó với nạn cháy rừng. Chính quyền trung ương thì lại bị chi phối bởi nhiều vấn đề khác như tham nhũng, giá cả gia tăng, phát triển cơ sở hạ tầng, vấn đề lương bổng cho công nhân và phản đối của giới chủ…
Theo đánh giá thì nạn cháy rừng ở Indonesia là một vấn đề địa phương nhưng lại gây hậu quả có thể nói là toàn cầu do tác động phát thải carbon. Hiện nay một số tổ chức phi chính phủ đang có tác động gây áp lực đối với các công ty như Unilever và Nestle có cơ sở sản xuất và kinh doanh tại Indonesia.
Viện Nguồn Tài nguyên Thế giới, WRI trụ sở tại thủ đô Washington DC của Hoa Kỳ hiện đang sử dụng vệ tinh và máy tính để định rõ những khu cháy rừng ở kích cở một cây số vuông. Việc làm này giúp cho công tác trên thực địa.
Vào năm 2010, Na Uy cam kết tài trợ 1 tỷ đô la cho Indonesia trong cộng tác chuyển đổi sang hoạt động canh nông và lâm nghiệp bền vững theo chương trình REDD+, viết tắt theo các từ tiếng Anh Reducing Emissions from Deforestation and Forest Degradation ( Giảm phát thải từ nạn phá rừng và suy thoái rừng).
Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ tới
.

Không có nhận xét nào: