Dương Bạch Đằng
Quỹ Nghiên cứu Biển Đông
Tranh chấp Biển Đông bao gồm một số các tranh chấp khác nhau. Tranh chấp Hoàng Sa là tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc (bài này tạm xử lý Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân Quốc -Đài Loan như một bên dưới tên “Trung Quốc”). Tranh chấp bãi cạn Scarborough là giữa Trung Quốc và Phillipines. Còn tranh chấp toàn bộ hay một phần quần đảo Trường Sa là giữa Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Ngoài ra còn có các tranh chấp về vùng nước, ví dụ như vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa mở rộng.
Tranh chấp Biển Đông lại còn phức tạp hơn vì thêm vào đó còn có đường chữ U bí ẩn của Trung Quốc. Đường này khoanh phần lớn Biển Đông một cách tuỳ tiện, tạo ra tranh chấp về các vùng biển, quyền lợi và quyền tài phán giữa một bên là Trung Quốc và bên kia là Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Indonesia, và tất cả các nước khác trên thế giới, vốn có những quyền nhất định trong Biển Đông theo Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS).
Tranh chấp Hoàng Sa và các vùng nước thuộc quần đảo này là vấn đề song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc, vì vậy nên được giải quyết song phương giữa hai bên. Nếu hai bên không thể đạt thoả thuận thì nên đưa cho Tòa án Công lý Quốc tế phân xử.
Tương tự, tranh chấp bãi cạn Scarborough và các vùng nước thuộc chúng là vấn đề song phương giữa Trung Quốc và Philippines, và phải được giải quyết theo cách thức tương tự.
Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Trung Quốc đòi chủ quyền đối với một phần hay toàn bộ quần đảo Trường Sa và các vùng nước thuộc các đảo. Theo định nghĩa, đó là tranh chấp đa phương. Do vậy, việc giải quyết tranh chấp Trường Sa cần đến một cơ chế đa phương cho tất cả các bên tuyên bố chủ quyền. Tương tự với các trường hợp trước, nếu các bên tuyên bố chủ quyền không thể đạt được thỏa thuận, họ nên nhờ Tòa án Công lý Quốc tế phân xử.
Cách tiếp cận của Trung Quốc
Cáh tiếp cận mà Trung Quốc đòi hỏi là đàm phán song phương. Chúng ta hãy thử xét cách tiếp cận này một cách thấu đáo trên phương diện nguyên tắc và thực tế.
Đầu tiên, xin bàn về tranh chấp Hoàng Sa. Mặc dù khăng khăng đòi phương pháp song phương, Trung Quốc lại từ chối áp dụng cách tiếp cận đó cho vấn đề song phương này.
Thứ nhì, xin bàn về tranh chấp Trường Sa. Hiển nhiên, phương pháp song phương khó có thể đem lại giải pháp cho tranh chấp đa phương này. Giả sử Philippines và Việt Nam đàm phán với nhau và thoả thuận một cách song phương về một giải pháp cho khu vực Trường Sa, thì liệu Trung Quốc có chấp nhận gải pháp đó không?
Thứ ba, xin được xét xem Trung Quốc hiểu thế nào là “đàm phán”. Chính sách của Trung Quốc là không đàm vấn đề chủ quyền. Chính sách của họ là (a) chủ quyền là thuộc về Trung Quốc, (b) các bên tuyên bố chủ quyền nên gác tranh chấp sang một bên, và (c) cùng khai thác với Trung Quốc. Như vậy, từ “đàm phán” của Trung Quốc chỉ có nghĩa đàm phán về các sắp xếp tạm thời, không phải là đàm phán vấn đề chủ quyền.
Xét trên quan điểm chiến lược, việc thiếu vắng một giải pháp cho các tranh chấp tại Biển Đông sẽ cho phép Trung Quốc, là bên có sức mạnh mềm và cứng áp đảo hơn hết, có nhiều cơ hội nhất để gia tăng sự kiểm soát trên thực tế của họ và làm suy yếu vị thế của các nước khác.
Ba xem xét trên cho thấy rằng cách tiếp cận “đàm phán song phương” của Trung Quốc không phải là nhằm giải quyết các vấn đề tranh chấp chủ quyền. Thậm chí có thể cho rằng việc từ chối đàm phán về vấn đề chủ quyền, việc bác bỏ cách tiếp cận song phương cho tranh chấp Hoàng Sa, và việc bác bỏ cách tiếp cận đa phương cho tranh chấp Trường Sa, chính là những thủ đoạn nhằm khóa chặt triển vọng đi đến một giải pháp thông qua bàn hội nghị để giải quyết các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.
Xét trên quan điểm chiến lược, việc thiếu vắng một giải pháp cho các tranh chấp tại Biển Đông sẽ cho phép Trung Quốc, là bên có sức mạnh mềm và cứng áp đảo hơn hết, có nhiều cơ hội nhất để gia tăng sự kiểm soát trên thực tế của họ và làm suy yếu vị thế của các nước khác. Một lý do nữa cho cách tiếp cận song phương là nếu các quốc gia khác tiếp cận Trung Quốc một cách song phương, riêng lẽ thì họ sẽ lâm vào khuynh hướng sụp đổ trước sức mạnh vượt trội của Trung Quốc.
Một thành tố bất thành văn khác trong cách tiếp cận của Trung Quốc là tối đa hóa diện tích vùng tranh chấp. Đường chữ U bí ẩn của Trung Quốc, cùng với những hành động của họ, ví dụ như quấy phá Philippines tại Reed Bank và quấy nhiễu Việt Nam trong vụ việc Bình Minh 2 và Viking 2, là những thí dụ về thủ thuật này của họ. Trong một cuộc tranh chấp, bên nào có sức mạnh vượt trội sẽ có khả năng đạt được nhiều mục đích hơn các bên khác. Do vậy, vùng tranh chấp càng rộng thì càng có khả năng Trung Quốc sẽ thủ lợi.
Cách tiếp cận của các nước Đông Nam Á trong tranh chấp
Trong khi cách tiếp cận của Trung Quốc có ba thành tố, cụ thể là tối đa hóa vùng tranh chấp, tạm thời duy trì tình trạng tranh chấp chủ quyền để củng cố sự kiểm soát trên thực tế, và chia để trị, thì các nước Đông Nam Á trong tranh chấp, vốn là những nước yếu hơn, nên chọn cách thức ngược lại: tối thiểu hóa vùng tranh chấp, từ đó sẽ tối thiểu hóa địa bàn tranh chấp chủ quyền, và sức mạnh từ số đông.
Trong nỗ lực tổi thiểu hóa địa bàn tranh chấp, các nước Đông Nam Á trong tranh chấp có thể vận dụng luật quốc tế về ranh giới biển, bao gồm cả những nguyên tắc đã được pháp điển hoá trong UNCLOS nhằm giảm thiểu diện tích của các vùng nước thuộc các đảo đang trong vòng tranh chấp.
Theo Điều 121.3 của UNCLOS, “Những đảo đá không có khả năng duy trì sự sinh sống của con người hay đời sống riêng sẽ không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa”. Nếu điều này áp dụng cho Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scarborough, thì các cấu trúc địa chất này sẽ chỉ có tối đa là lãnh hải 12 hải lý.
Ngay cả nếu điều 121.3 của UNCLOS được cho là không áp dụng thì, vì các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, bãi cạn Scarborough quá nhỏ, chúng chỉ xứng đáng được hưởng ít vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hơn những vùng lãnh chung quanh Biển Đông. Điều này có nghĩa rằng ngay cả nếu Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scarborough có quyền hưởng vùng đặc quyền kinh tế, thì vùng đặc quyền kinh tế ấy cũng không vươn ra xa hơn 12 hải lý nhiều.
Mặc dù các nước Đông Nam Á trong tranh chấp chưa thể kết đoàn lại trong vấn đề chủ quyền, họ vẫn có thể đoàn kết trong cách tiếp cận chung là tối thiểu hóa diện tích vùng tranh chấp. Đây chính là điểm mà họ có thể đoàn kết lại để đạt lợi thế số đông.
Tuy nhiên, trong khi cách tiếp cận chung này đem lại cho các nước Đông Nam Á trong tranh chấp ưu thế pháp lý và ngoại giao, so với cách tiếp cận của Trung Quốc, thì các nước này vẫn chưa có đủ thực lực để cạnh tranh với Trung Quốc trong việc tranh giành sự kiểm soát trên thực tế. Đây là lý do tại sao sự quan tâm của Mỹ về Biển Đông là quan trọng đối với các nước này.
Quyền, quyền lợi và sự quan tâm của Mỹ
Dĩ nhiên Mỹ không có quyền hay quyền lợi gì liên quan đến tranh chấp chủ quyền đối với các đảo.
Nhưng về vấn đề quyền chủ quyền đối với không gian biển thì khác.
Trước hết, khu vực giữa biển Đông có tiềm năng không phải là vùng đặc quyền kinh tế thuộc bất kỳ quốc gia nào. Nếu vậy thì tất cả các quốc gia trên thế giới sẽ có quyền lợi bình đẳng đối với cột nước trong khu vực này. Nếu một quốc gia đòi không gian biển một cách quá mức ở Biển Đông, thì điều đó sẽ đe dọa tước đi các quyền của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả của Mỹ, trong khu vực trung tâm này.
Trên diện địa chính trị, nếu Biển Đông trở thành ao nhà của Trung Quốc, hoặc nếu các nước Đông Nam Á bị rơi vào quỹ đạo của Trung Quốc, thì sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến cán cân lực lượng tại vùng Tây Thái Bình Dương và Đông Ấn Độ Dương. Do đó, việc ngăn chặn những khả năng này trở thành hiện thực là điều cần thiết cho Mỹ.
Thứ nhì, trong khi Trung Quốc tuyên bố rằng họ tôn trọng quyền tự do hàng hải trong Biển Đông, họ diễn giải quyền tự do ấy trong vùng đặc quyền kinh tế một cách hạn chế hơn cách diễn giải của Mỹ. Các vụ đụng độ giữa Trung Quốc và Mỹ trong việc khảo sát quân sự tại Biển Đông là do sự khác biệt trong cách diễn giải này.
Thứ ba, Trung Quốc chưa bao giờ nêu ra một cách chính thức đường chữ U có nghĩa là gì, hoặc phạm vi của yêu sách của họ là ra đến đâu, hoặc họ đòi quyền hạn gì trong vùng yêu sách. Sự thiếu minh bạch này hàm chứa rủi ro cho tất cả các quốc gia sử dụng Biển Đông, bao gồm cho cả Mỹ và các đồng minh của Mỹ.
Thứ tư, việc tối đa hóa diện tích vùng tranh chấp, như Trung Quốc đang làm, sẽ làm gia tăng nguy cơ xung đột và có ảnh hưởng xấu cho các quốc gia sử dụng Biển Đông, bao gồm cho cả Mỹ và đồng minh của Mỹ.
Với những cân nhắc nêu trên, nếu diện tích các vùng nước thuộc các đảo trong tranh chấp được tối thiểu hóa thì sẽ có lợi cho Mỹ. Điều này phù hợp với lợi ích của các nước Đông Nam Á trong tranh chấp và đi ngược với các mục tiêu của Trung Quốc, mà không nhất thiết là Mỹ phải ủng hộ nước nào trong tranh chấp đảo và vùng nước thuộc đảo.
Trên diện địa chính trị, nếu Biển Đông trở thành ao nhà của Trung Quốc, hoặc nếu các nước Đông Nam Á bị rơi vào quỹ đạo của Trung Quốc, thì sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến cán cân lực lượng tại vùng Tây Thái Bình Dương và Đông Ấn Độ Dương. Do đó, việc ngăn chặn những khả năng này trở thành hiện thực là điều cần thiết cho Mỹ.
Phân tích trên có nghĩa các nước Đông Nam Á trong tranh chấp và Mỹ sẽ hành động vì lợi ích chung, mà không nhất thiết là Mỹ phải đứng về bên nào trong tranh chấp đảo và vùng nước thuộc đảo. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ tìm cách chống lại sự can dự của Mỹ và ngăn chặn sự đoàn kết của các nước Đông Nam Á trong tranh chấp.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, tổ chức có mục tiêu chính là hỗ trợ các nghiên cứu về Biển Đông.
Nguồn BBC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét