Pages

Thứ Tư, 6 tháng 7, 2011

Lá Bài Cam Ranh Trong Vũ Điệu Tay Ba Mỹ-Việt-Tàu

Ngô lộc Thiện

Nằm cách Sài gòn ba trăm cây số trên duyên hải miền Trung giữa hai thị trấn Phan rang và Nha trang, do cấu trúc tình cờ của thiên nhiên, với độ sâu thích hợp và những ngọn núi cao chung quanh, vịnh Cam ranh đã luôn là một vị trí chiến lược cho các nhà hoạch định quân sự của bất kỳ cường quốc nào muốn đưa hạm đội của mình vào biển Đông.

Đặt chân đến Việt nam trong thế kỷ trước, Pháp là nước đầu tiên xây dựng căn cứ hải quân tại Cam ranh. Lật đổ Pháp trong thế chiến thứ hai, hải quân hoàng gia Nhật đã sử dụng Cam ranh làm nơi xuất phát những chiến dịch trong vùng Đông nam á. Sau khi đ?ưa quân vào Việt nam 1965, Mỹ mở rộng cảng Cam ranh và xây dựng thêm một phi trường kế cận để hổ trợ cho các hoạt động quân sự trong cuộc chiến tranh Việt nam. Sau 1975, với một chính phủ cộng sản tại Hà nội hoàn toàn trong quỹ đạo của Liên sô, cảng Cam ranh được giao hẳn cho Liên sô trong một thoả hiệp hai mươi lăm năm. Trong tình hình thù nghịch căng thẳng giữa Liên sô và Trung quốc lúc bấy giờ, Liên sô xây dựng và mở rộng quân cảng Cam ranh rất nhiều. Cam ranh trở thành căn cứ hải quân lớn nhất của Liên sô ở nước ngòai, phục vụ cho những chiến hạm và tàu ngầm nguyên tử trong hạm đội Thái bình dương của Liên sô. Chỉ sau khi cộng sản Liên sô tan rã, Cam ranh mới được trả về cho Việt nam năm 2002.

Gần đây, sau một thập niên bị cầm chân trong hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan mà tổn phí lên ?đến cà ngàn tỷ mỹ kim, Mỹ chợt nhận ra những thay đổi lớn lao trong vùng Đông Á, mà vị trí chiến lược không kém phần quan trọng so với vùng Trung đông, đang có tiềm năng đe dọa vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực. Với những phát triển kinh tế gia tốc, một thị trường nội địa to lớn cho tiêu thụ và cung cấp lao động, trao đổi mậu dịch giữa Trung quốc và các quốc gia trong vùng đã gia tăng nhảy vọt. Trung quốc đã lần lượt thay thế Mỹ trở thành khách hàng quan trọng nhất cho các quốc gia lân cận, ngay cả đối với Nhật bản và Úc, hai đồng minh thiết yếu trong sách lược quốc phòng của Mỹ. Với lợi nhuận kinh tế, Trung quốc đã tăng cường ngân sách quốc phòng, cải tiến vũ khí, hiện đại hóa quân đội, vượt quá mức độ cần thiết cho một chính sách quốc phòng phòng thủ mà Trung quốc vẫn thường tự rêu rao. Tuy không nói ra, những quốc gia trong vùng đã nhìn những diễn biến này một cách lo ngại. Với sự sao lãng của Mỹ, Trung quốc gần đây càng tỏ ra lấn lướt hơn trong việc tìm cách áp đặt quan điểm của mình về chủ quyền trên những lãnh hải tranh chấp, nhất là tại biển Đông. Viễn tượng một Việt nam hoàn toàn trong quỹ đạo của Trung quộ´c, một cảng Cam ranh phục vụ cho các chiến hạm của Tàu, cùng với một quân cảng đang được khuyếch trương lớn lao trên đảo Hải nam trong vịnh Bắc bộ và một hàng không mẫu hạm đầu tiên sắp đưa vào sử dụng, giấc mơ biến biển Đông thành một cái hồ của Trung quốc trong hoạch địng chiến lược không phải không thể trở thành hiện thực.

Trong tình huống hiện nay, giữ cho Việt nam không rơi hẳn vào quỹ đạo của Trung quốc, là nỗ lực đầu tiên của Mỹ để đảo ngược xu thế đó. Những va chạm gần đây giữa Việt nam và Trung quốc, xuất phát từ tranh chấp chủ quyền của đảo Hoàng sa và Trường sa, tranh dành lợi nhuận kinh tế trong việc đánh bắt hải sản và triển vọng khai thác tài nguyên dầu hỏa và khí đốt dưới lòng biển Đông, đưa đến những chèn ép từ phía Trung quốc và dấu hiệu bất mãn từ phía Việt nam, đã mở ra một cơ hội cho Mỹ thực hiện nỗ lực này. Điều này giải thích sự bất ngờ và cứng rắn trong lời phát biểu của bà Hillary Clinton, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ trong cuộc hội thảo hai mươi bảy quốc gia Á châu tại Hà nội tháng 7 năm vừa qua. Trước sự hiện diện của ông Yang Jiechi, Bộ trưởng Ngọai giao Trung quốc, bà Clinton tuyên bố sự ổn định hoà bình và tự do giao lưu trên biển Đông nằm trong "quyền lợi quốc gia" của Mỹ và, ngược với đòi hỏi giải quyết tranh chấp trên căn bản song phương của Trung quốc, Mỹ ủng hộ giải pháp Việt nam đề nghị bao gồm thoả hiệp của tập thể các quốc gia tranh chấp. Bà còn nhấn mạnh Mỹ chống đối việc sử dụng võ lực hay đe dọa sử dụng võ lực để giải quyết tranh chấp từ bất cứ quốc gia liên hệ nào. Dù qua ngôn từ ngoại giao, nhưng sự ám chỉ vào Trung quốc là khá rõ.

Những trao đổi và hợp tác về quốc phòng giữa Việt nam và Mỹ sau đó đã tiến triển một cách nhanh chóng. Chuyến viếng thăm của bộ trưởng quốc phòng và các phái đoàn quân sự hai bên, đã mở rộng thêm mối quan hệ này. Việt nam gia nhập chương trình huấn luyện quân sự quốc tế IMET của Mỹ. Các sỹ quan Bắc việt được tuyển chọn theo học tại một số học viện quân sự Mỹ. Các chiến hạm Mỹ cặp bến Hải phòng, Đà nẵng, Sài gòn. Những thao diễn hải quân chung trên danh nghĩa cho những mục tiêu hoà binh. Tất cả là những dấu hiệu của sự cải thiện trong mối quan hệ mới về quân sự giữa Việt nam và Mỹ. Ba tháng sau đó, ngày 31 Tháng 10 năm 2010, Nguyễn tấn Dũng, Thủ tướng Việt nam, chính thức tuyên bố Cam ranh “sẵn sàng tiếp nhận chiến hạm và tàu ngầm nước ngòai”.

Việc sử dụng vị trí quan trọng của vịnh Cam ranh trên biển Đông nói riêng và của Việt nam trong vùng Đông nam á nói chung, trong việc tìm kiến sự hậu thuẫn của Mỹ để ngăn chận tham vọng bành trướng của Trung quốc trên biển Đông là một chiến thuật ngọai giao khôn ngoan. Tuy nhiên, trên cả lá bài Cam ranh, trên cả sự hỗ trợ của Mỹ, sức mạnh chiến lược của Việt nam để ngăn chận ý đồ bành trướng của Trung quốc, chính là tinh thần bất khuất kiên cường chống ngoại xâm, thể hiện qua lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt. Để phát huy tối đa sức mạnh tiềm tàng này, một dân tộc đoàn kết dưới một thể chế dân chủ, một nền kinh tế phát triển trên nền tảng một xã hội tôn trọng tự do nhân quyền, là những điều kiện không thể thiếu. Trong bối cảnh hiện nay của đất nước, đạt đến mục tiêu này vẫn còn là một chặng đường dài. Nhưng dài hay ngắn, có chuyến đi nào không bắt đầu bằng những bước đi nhỏ đầu tiên ? Trả tự do cho những tù nhân chính trị đang giam giữ, chấm dứt đàn áp, khủng bố, giam tù những người đấu tranh cho tự do nhân quyền, để tạo một bầu không khí thuận lợi cho một đối thoại chính trị rộng rãi, sẽ là những bước đi đầu tiên trong cái hành trình dài đó của dân tộc Việt. Trách nhiệm trước lịch sử ở về phía Hà nội.

Ngô lộc Thiện

Không có nhận xét nào: