Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê (GSO) công bố ngày 27/9 cho thấy tăng trưởng Việt Nam trong chín tháng năm nay ở mức 4,73%, đồng thời cảnh báo nguy cơ tái lạm phát.
Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thấp hơn mức 5,77% trong năm 2011 và nền kinh tế hiện tại đang đối mặt với "những khó khăn và thử thách" cần phải vượt qua, bản báo cáo của GSO cho biết.
Các thông số kinh tếChỉ số tăng trưởng này thấp hơn hẳn so với chỉ tiêu 5,5% mà Chính phủ Việt Nam đặt ra trước đó cho cả năm 2012, mặc dù chỉ tiêu này đã được hạ xuống từ mức chỉ tiêu ban đầu 6-6,5% hồi đầu năm.
Sản lượng công nghiệp tăng 4,36% trong thời điểm tháng Một cho đến tháng Chín, so với 7,8% so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó sản lượng nông nghiệp chỉ tăng 2,48%, so với 4,1% cùng kỳ năm ngoái. GSO nói trong báo cáo rằng nguyên nhân chính cho điều này là lũ lụt và bệnh dịch đã ảnh hưởng tới gia súc.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 17,3%, thấp hơn mức cùng kỳ năm 2011 là 22,8%.
"Nếu CPI cả nước tăng thêm 2% nữa thì rất đáng lo vì chưa năm nào cao như thế cả."
Ông Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường giá cả, Bộ tài chính
Hiện tại tổng dư nợ tín dụng tính đến ngày 20/9 tăng 2,35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng phương tiện thanh toán M2 ước tăng 10,37%, tổng dư tiền gửi ở các tổ chức tín dụng tăng 11,23%.
Sau ba quý đầu năm Việt Nam xuất siêu hơn 30 triệu đôla nhờ tăng trưởng xuất khẩu đạt 20%, gần 83,8 tỷ USD và nhập khẩu đạt gần 83,76 tỷ USD.
Số dự án FDI được cấp giấy chứng nhận tính đến 20/9 tuy nhiều hơn 100 dự án so với cùng kỳ 2011 tuy nhiên số vốn đăng ký lại thấp hơn 2,1 tỷ so với cùng kỳ năm 2011.
Nguy cơ tái lạm phát cao
GSO cũng nhận định rằng lạm phát thường niên trong tháng Chín đã có dấu hiệu tăng lên lần đầu tiên kể từ 12 tháng trở lại đây. Hiện tại chỉ số lạm phát đang ở mức 6,48%.
Việt Nam đã có những động thái quyết liệt nhằm kiềm chế lạm phát, vốn đã từng ở mức 23%, cao nhất khu vực Châu Á vào tháng Tám năm ngoái, khiến Chính phủ đã phải tác động một loạt các lãi suất nhằm ngăn chặn nền kinh tế bị quá nhiệt.
Tuy nhiên GSO cảnh báo rằng "có nguy cơ vật giá sẽ tăng", nhất là trước thềm thống kê kinh tế cuối năm.
Trước đó, chỉ số CPI của Việt Nam trong tháng Chín cũng cao ở mức kỷ lục, tăng 2,2% so với tháng trước đó, cao nhất kể từ tháng Sáu năm 2011, dựa theo bản báo cáo của Tổng cục Thống kê.
Nhận xét với báo chí về chỉ số CPI trong tháng Chín, ông Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường giá cả, Bộ tài chính cho biết: "Nếu CPI cả nước tăng thêm 2% nữa thì rất đáng lo vì chưa năm nào cao như thế cả."
Hiện tại, có nhiều ý kiến xung quanh nguyên nhân tăng đột ngột của CPI trong nước.
Giới phân tích cho rằng trong suốt thời gian giảm phát, các doanh nghiệp đã lợi dụng thời điểm giá CPI âm trong tháng Sáu, Bảy để đẩy giá đi lên.
Tuy nhiên đây được cho là động thái gây nhiều ảnh hưởng xấu lên nền kinh tế, khi CPI không tăng lên bằng nhu cầu thực chất; khiến chỉ số CPI tăng không có nghĩa là sức mua được cải thiện mà thậm chí còn làm suy giảm sức mua của người dân.
Việc xăng dầu, dịch vụ y tế, điện tăng giá trong những tháng gần đây được đánh giá là gây ảnh hưởng lớn lên CPI trong tháng Tám, Chín và là tín hiệu đáng quan ngại cho sự quay trở lại của lạm phát nếu không có những chính sách điều hành vĩ mô cẩn trọng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét