Pages

Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

Tổng thống Obama và học thuyết Nixon

Trọng Đạt
Sự hình thành biệt lập thuyết
Những năm đầu thập niên 60, người dân Mỹ tin vào thuyết Domino và ủng hộ cuộc chiến tranh Việt Nam, sách báo về giai đoạn này nói thăm dò ý kiến năm 1964 cho thấy có tới 78% hoặc 85% người dân ủng hộ cuộc chiến (1), đại đa số Quốc hội ủng hộ Hành pháp. Năm 1965 tình hình quân sự miền nam tồi tệ, giữa năm 1965 VNCH có nguy cơ sụp đổ, trung bình mỗi tuần mất một tiểu đoàn và một quận (2)
Do sự thúc ép của tình thế và đề nghị của các cố vấn, Tướng lãnh.. Tổng thống Johnson phải đưa quân vào miền nam VN tính trung bình mỗi năm 100,000 người, cho tới năm 1968 tổng cộng có 530,100 quân Mỹ tại VN.
Mấy năm đầu người dân và Quốc hội ủng hộ cuộc chiến nhưng dần dần họ chống đối mạnh nhất là sau trận Mậu Thân 1968.

Năm 1969, Nixon đắc cử Tổng thống, phong trào phản chiến lên rất mạnh, biểu tình bạo động, sinh viên, giới trẻ đốt xe, sô sát đổ máu với cảnh sát. Nixon theo lời đề nghị của Bộ trưởng quốc phòng Laird cho rút quân và thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh.
Ngày 8-6-1969, Tổng thống Nixon mở cuộc họp với Tổng thống Thiệu, các vị phụ tá, cố vấn tại Midway để bàn về kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh, Mỹ rút quân và quân đội VNCH sẽ tự đảm nhiệm cuộc chiến chống CS. Người chống đối mạnh là Kissinger, ông này lý luận nếu rút quân sẽ khiến Mỹ mất uy tín trên thế giới, vả lại ông cũng sợ mất thế mạnh tại bàn Hội nghị, CSBV chỉ chờ có thế, ông ta viết :
“Mỹ càng rút nhiều, Hà nội càng phấn khởi” (3)
Ngoài ra TT Thiệu, Tướng Abrams (cựu Tư lệnh) cũng khinh bỉ kế hoạch này, đó chỉ là sự tháo chạy trá hình. TT Nixon ban lệnh mỗi lần rút phải theo ba tiêu chuẩn: Hoạt động địch giảm, tiến bộ đàm phán, quân đội VNCH vững mạnh hơn nhưng theo tác giả Walter Isaacson (Kissinger a Biography) ba tiêu chuẩn trên chẳng bao lâu bị xóa bỏ, việc rút quân theo như máy móc. Cũng theo tác giả này, mặc cho Kissinger ngăn cản, Nixon vẫn rút đúng như đã tuyên bố dù tin tức mặt trận và cuộc hòa đàm như thế nào.
Kế hoạch rút quân kể trên phát sinh ra học thuyết Nixon, The Nixon doctrine tháng bẩy năm 1969 chủ trương biệt lập, không can thiệp (4). Sau hơn hai mươi năm chính sách Mỹ gánh vác trọng trách bảo đảm tự do trên thế giới dù tốn kém tới đâu. Nay thời kỳ này chấm dứt (1969), sự tổn thất do cuộc chiến VN khiến nay người ta không còn tha thiết việc can thiệp tại ngoại quốc, chống CS bành trướng.
Thời kỳ can thiệp (interventionism) chấm dứt 22 năm sau kể từ ngày 24-2-1947 khi Tổng thống Truman quyết định bảo vệ Hy Lạp, Thổ nhĩ Kỳ khỏi sự đe dọa của Cộng Sản (5) cho tới ngày 25-7-1969 khi Trung đoàn I thuộc Sư đoàn 9 Bộ binh Mỹ rút trở về nước từ Quân khu IV của VNCH.
Hoa Kỳ 1969 nằm giữa hai chính sách, một chủ trương quá khích và một chủ trương biệt lập (isolationism), ngưòi ta có khuynh hướng chống lại vấn đề VN và nghiêng về khuynh hướng biệt lập có nghĩa là không can thiệp.
Để thực hiện chính sách này, Kissinger tạo mô hình cho trật tự thế giới đó là thế chân vạc với Nga, Trung Cộng. Mỹ sẽ trao cho đồng minh ở trong vùng để họ gánh vác việc bảo vệ nước lân cận chống lại CS, đó gọi là thuyết Nixon. Ông Tổng thống này không muốn xem kế hoạch rút quân chỉ là một hành động tuyệt vọng của tình thế nhưng ông muốn lấy ý nghĩa Việt nam hóa chiến tranh là một triết thuyết có mục đích.
Ngoài ra nó còn đoan chắc sẽ không có vấn đề VN nữa (No more Vietnams) nếu một nước trong vùng có biến loạn, Nixon và Kissinger muốn có một chính sách trong vùng bảo đảm Mỹ sẽ không gánh vác can thiệp đổ quân vào
Kissinger và Nixon bàn thảo về luận đề này, trong tương lai sẽ có ba sự đe dọa đối với đồng minh bé nhỏ Á châu: Nội chiến, bị nước láng giềng tấn công hay bị tấn công từ Nga, Trung Cộng, nhưng hai nhà lãnh đạo này không chính thức công bố học thuyết mới.
Để khoác cho Việt nam hóa chiến tranh và rút quân về nước một vẻ đẹp hơn là bỏ chạy một cách khéo léo, lịch sự. Thuyết Nixon ít ra đã tạo cho kế hoạch rút quân một vẻ trang trọng nhưng trên thực tế thuyết này không tiến xa mấy
Tóm lại năm 1947 học thuyết Truman chủ trương nước Mỹ sẵn sàng can thiệp để giúp các nước yếu chống CS xâm lăng và 22 năm sau, năm 1969 thuyết Nixon chủ trương biệt lập, đứng riêng, không can thiệp.
Chính sách cô lập của Obama
Rút kinh nghiệm ở cuộc chiến can thiệp tại VN mà người Mỹ cho là đắt giá, họ theo đuổi chính sách biệt lập từ 1969 cho tới mấy chục năm sau. Nhưng không can thiệp, đứng ngoài cũng vẫn bị ăn đòn nặng, cuộc tấn công táo bạo khôc liệt ngày 11-9-2001 của bọn khủng bố Al Qaeda đánh sập hai tòa nhà chọc trời tại Nữu Ước đã cho thấy không phải sống biệt lập đã là yên thân. Ngay sau đó Hoa Kỳ lại tiếp tục can thiệp qua hai cuộc chiến Afghanistan năm 2001 và Iraq năm 2003 để tận diệt khủng bố và bảo vệ an ninh cho nước Mỹ
Tổng thống Obama ngay từ khi lên nhậm chức năm 2009 đã tỏ ra người ôn hòa với chính sách ngoại giao mềm, trái ngược với chính sách cứng rắn, hiếu chiến của người tiền nhiệm TT Bush con.
Nay thế giới bước vào giai đoạn thiên hạ đại loạn, các cuộc nội chiến tại Syria, Libya, Ukraine, cuộc chiến tranh Do Thái Hamas…. nối tiếp nhau. Đúng như lời McNamara đã nói năm 1995 trong hồi ký của ông (6) thế giới trong tương lai không bao giờ hết chiến tranh, nội chiến, chiến tranh với nước khác. Xung đột chủng tộc, tôn giáo vẫn còn mãi.
Điểm qua tình hình chính sự và chiến sự trên thế giới những năm tháng gần đây ta thấy cuộc nội chiến Syria từ mấy năm qua ngày càng tàn khốc đã khiến hơn 200,000 người thiệt mạng (7), biến cố Ukraine tháng 2-2014 khi Tổng thống thân Nga Viktor bị lật đổ, sự kiện đã kéo theo nhiều khủng hoảng liên tiếp. Tổng thống Nga Putin ngang ngược sáp nhập bán đảo Crimée, Sevastopol vào Liên bang Nga và giúp nhóm phiến quân thân Nga gây chiến tranh tại biên giới Ukraine-Nga. Cuộc chiến tranh giữa Do thái và chiến binh Hamas bùng nổ tàn khốc nhiều ngàn người thiệt mạng, nội chiến Libya không kém phần khốc liệt. Nay trên thề giới có quá nhiều biến cố quân sự chính trị khiến tòa Bạch ốc phải nghiên cứu chính sách xử lý.
Người dân và nhất là đảng đối lập chỉ trích Obama hiện án binh bất động trước những biến cố chính trị đang làm lu mờ vai trò siêu cường của Hoa Kỳ. Người ta chỉ trích Obama vì tại phía tây, Tổng thống Nga Putin biểu lộ chính sách xâm lăng và đang muốn trở lại thời Nga hoàng, tại phía đông Trung Cộng đang gây rối Thái bình Dương, chiến tranh Iraq, Syria, giải Gaza đến hồi căng thẳng… thế mà ông cứ bình chân như vại. Những lời chỉ trích và biểu hiện của các chính khách, của đám đông cũng đúng thôi, họ cho rằng Tổng thống Mỹ cần có trách nhiệm gìn giữ hòa bình thế giới và Obama đã không làm đúng vai trò của mình.
Ở đây tôi không bàn nhiều về quyết định, hành động của TT Obama mà chú ý đề cập những nguyên do khiến ông lựa chọn chính sách biệt lập của thuyết Nixon để đứng ngoài mọi cuộc tranh chấp, khủng hoảng hiện nay. Các Tổng thống Mỹ đều nghe theo lời bàn của các cố vấn, phụ tá thí dụ cuối tháng 4 năm 1954, Tổng thống Eisenhower không oanh tạc đơn phương (không cần Quốc hội) để cứu Điện Biên Phủ vì các Tham mưu liên quân ngăn cản, tháng 10-1963 TT Kennedy nghe theo ý kiến McNamara cho rút quân dần từ cuối 1963…Ông Obama cũng nghe theo các cố vấn.
Sở dĩ nay TT Obama hành động theo thuyết Nixon, đứng ngoài mọi tranh chấp quốc tế chắc hẳn không phải vì sợ không thắng được đối phương trên chiến trường vì Hoa Kỳ vẫn đứng đầu thế giới về quân sự. Ngân sách quốc phòng Mỹ nay là 650 tỷ, Trung Cộng 188 tỷ, Nga 87 tỷ, Saudi Arabia 67 tỷ, Pháp 61 tỷ.. (8). Và như thế chẳng có nước nào đáng coi là đối thủ của Mỹ về sức mạnh. Ngoài ra Hoa Kỳ có một lực lượng Không quân và Hải quân hùng hậu với 12 Hàng không mẫu hạm tối tân trên 100.000 tấn, các nước khác chỉ có một vài chiếc loại xưa cũ khoảng 60.000 tấn trở xuống.
Thế nhưng các nhà chính khách, các ông Tổng thống Mỹ lại sợ thua ở một mặt trận khác, mặt trận đáng kinh hãi nhất là Cuộc chiến tại đất nhà, The war at home. Qua kinh nghiệm xương máu các cuộc chiến đã qua trong quá khứ nhất là chiến tranh VN thập niên 60, đa số Tổng thống Mỹ, các nhà cố vấn đều đã thấm thía bài học này. Trước khi can thiệp các nhà chính khách đều đã cẩn thận thăm dò ý kiến người dân, Quốc hội. Được sự ủng hộ của người dân và Quốc hội, Hành pháp mới bắt đầu tham chiến, can thiệp nhưng người dân thay đổi ý kiến rất nhanh.
Điển hình là tháng 8 năm 1964, Nghị quyết Vịnh Bắc Việt của TT Johnson được Quốc hội ủng hộ gần như hoàn toàn: Hạ viện 100%, Thượng viện tỷ lệ 88-2, thăm dò người dân thì thấy 78% và 80% ủng hộ như đã nói trên, năm 1965 trên 60% người dân ủng hộ cuộc chiến VN (9) vì họ quá sợ hãi sự bành trướng của CS. Nhưng số người ủng hộ giảm dần, tới trận Tết Mậu thân 1968 họ chống đối cuộc chiến quyết liệt và sau này nhóm phản chiến còn lên án TT Johnson dựng lên vụ tầu Maddox, đánh lừa dân và Quốc hội để có cớ đem quân vào VN. Johnson không muốn can thiệp vào VN 1965 vì sợ nó sẽ làm hỏng chương trình xã hội Great Society của chính phủ. Thế nhưng tình thế và chính người dân đã trực tiếp, gián tiếp lôi kéo ông can thiệp vào cuộc chiến và rồi họ đã lật mặt như bàn tay, phủ nhận sự ủng hộ của mình trước đây, đổ hết mọi tội lỗi cho ông Tổng thống.
Năm 2003 Quốc hội Mỹ ủng hộ TT Bush con trong cuộc chiến tranh Iraq với tỷ lệ cao, Hạ viện có 297 phiếu thuận tỷ lệ 74%, Thượng viện 77 phiếu thuận khoảng 76% (10). Thăm dò được biết từ 47-60% người dân ủng hộ, thậm chí theo thăm dò của Gallup cho biết 79% người Mỹ ủng hộ chiến tranh Iraq dù có chứng cớ hay không về vũ khí bí mật (11) vì họ quá sợ hãi Saddam Hussein. Thề rồi mấy năm sau 2007 họ chống đối cuộc chiến Iraq và nói cần phải rút bỏ và sau đó cuộc chiến Iraq đã bị kết án là sai lầm, nay bị coi là cuộc chiến ngu xuẩn nhất.
Nếu cuộc chiến VN thập niên 60 và cuộc chiến Iraq 2003 là sai lầm thì người dân và Quốc hội phải chịu trách nhiệm trước tiên chứ không thể đổ lỗi cho Hành pháp vì chính họ đã khuyến khích ông Tổng thống can thiệp vào. Chính phủ luôn có cái nhìn xa, người dân nhìn rất gần, họ thiển cận chỉ biết quyền lợi trước mắt. Họ nói chiến tranh Việt Nam là sai lầm nhưng họ quên rằng nhờ xương máu của 58,000 quân Mỹ, hơn 200,000 lính VNCH mà Nixon, Kissinger mới bắt tay được Trung Cộng thay đổi cả một kỷ nguyên. Họ quên rằng nhờ đó mà họ đã được sống yên ổn từ nửa thế kỷ qua, thừa hưởng thái bình trên hoang tàn đổ nát của cả một dân tộc thế mà họ vẫn chưa vừa lòng. Họ không biết rằng nhờ đó mà họ đã thừa hưởng một thị trường rộng lớn bao la, tha hồ mà bóc lột khối nhân công rẻ mạt.
Ngoài ra các Tổng thống Mỹ thường đắn đo trước mọi quyết định, chính sách nhất là sự e ngại mất phiếu cho đảng của mình. Sáu mươi năm trước đây, cuối tháng 4-1954, sau nhiều ngày suy tính bàn luận, TT Eisenhower đã quyết định không can thiệp oanh tạc ĐBP để cứu Pháp vì sợ có thể mất phiếu trong kỳ bầu cử bán phần Quốc hội năm đó. Và bây giờ ông Obama cũng lo ngại có thể sẽ mất phiếu đảng Dân Chủ của mình trong kỳ bầu cử bán phần Quốc hội sắp tới cũng như bầu cử Tổng thống năm 2016. Đó là điều khó khăn nhất của Hành pháp khi xử lý những vấn đề đối ngoại.
Năm 1985, Nixon nói ông lập ra thuyết Nixon Doctrine chủ trương tiếp tục can thiệp vào các nước Thế giới Thứ ba nhưng theo đường lối Sô viết (12) chỉ gửi viện trợ vũ khí mà không đem quân sang, bất đắc dĩ lắm mới phải dùng vũ lực. Hoa kỳ sẽ viện trợ kinh tế quân sự cho nước bị tấn công ngang với viện trợ của Sô viết cho bọn phản loạn.
Nhưng TT Obama đi xa hơn Nixon trong chính học thuyết này, ông ta không can thiệp bằng gửi quân cũng như viện trợ cho nước đồng minh. Gần đây, ngày 7-8 Obama cho máy bay oanh kích phiến quân Hồi giáo cực đoan ISIS để bảo vệ người Mỹ hiện có mặt tại Iraq và cũng để xoa dịu bớt dư luận chống đối. Là người mị dân tối đa như Obama cũng không tránh khỏi chỉ trích lên án, nay người ta đánh giá Obama là tổng thống tồi tệ nhất nhưng ông vẫn bình chân như vại. Thực ra Obama cũng thừa biết không đủ khả năng giải quyết bằng can thiệp trước tình hình khủng hoảng chính trị, quân sự hiện nay, chẳng thà chịu nhục và nhượng bộ thái độ hung hăng của Putin còn hơn là dấn thấn vào chỗ có thể sa lầy.
Tuy nhiên không hẳn can thiệp đã là tai hại và ngược lại biệt lập đứng ngoài là thượng sách. Năm 1949 vì TT Truman không can thiệp chiến trường Trung Hoa cứu Tưởng giới Thạch để Trung Cộng đại thắng rồi trở thành cường quốc hiếu chiến mà Hoa Kỳ đã phải can thiệp vào Triều tiên năm 1950 và Đông dương suốt mấy chục năm dài. Tháng 4-1954 TT Eisenhower tránh can thiệp oanh tạc cứu nguy ĐBP để mười năm sau phải đương đầu một cuộc chiến đắt giá tại miền nam VN.(13)
Phải chăng chính sách Obama quá mềm yếu, nhu nhược không giữ được hòa bình cho cộng đồng thế giới, hoặc ông thiếu khả năng xử lý những vấn đề có tầm vóc quốc tế? hoặc ông ta cố tình tránh né y theo tinh thần cô lập của học thuyết Nixon năm 1969?
Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2008 người dân, nhất là giới trẻ đã đưa Obama lên mây xanh. Họ đặt hết tin tưởng vào người ứng cử viên cấp tiến sáng giá nhất của mọi thời đại. Họ kỳ vọng ông sẽ lãnh đạo nước Mỹ tuyệt vời và tin là ông có khả năng thay đổi cả một dòng lịch sử …
Thế mà bây giờ người ta kết án ông ta là Tổng thống tồi tệ nhất nước Mỹ kể từ sau thế chiến thứ hai.
Thật khôi hài hết chỗ nói.
Trọng Đạt
———
Chú thích
(1) Stanley Karnow, Vietnam a History trang 390
Answer.com Domino theory
(2) Ngô Quang Trưởng, Trận Chiến Trong Mùa Lễ Phục Sinh 1972, trang 16, 17; Stanley Karnow: Vietnam A History trang 440,441
(3) Walter Isaacson, Kissinger a Biography trang 235, 236, 238.
“The more troups are withdrawn, the more Hanoi will be encouraged”
(4) Sách kể trên trang 239-241
(5) www. Classbrain.com. Truman Doctrine 1947. Ngày 12-3- 1947 TT Truman đưa ra Quốc hội đề nghị cấp ngân khoản 400 triệu để giúp Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đang bị CS đe dọa. Thông điệp gửi Quốc hội được coi là thuyết Truman. Người ta sợ nếu hai nước này mất, CS có thể lan qua Iran, Ấn Độ
(6) Robert McNamara, Hồi Tưởng, Bi Kịch và Bài Học Của Việt Nam, In Retrospect, The Tragedy and Lessons of Vietnam, chương 11 Những Bài Học Của Việt Nam, The Lessons of Vietnam, trang 324
(7) Wikipedia, Syrian Civil War
(8) Wikipedia, List of countries by military expenditures
(9) Wikipedia: Opposition to the US involvement in the Vietnam war.
(10) Wikipedia: Iraq Resolution
(11) Wikipedia, Popular opinion in the United States on the invasion of Iraq. A Gallup poll made on behalf of CNN and USA Today concluded that 79% of Americans thought the Iraq War was justified, with or without conclusive evidence of illegal weapons. 19% thought weapons were needed to justify the war.
(12) No More Vietnams trang 217
(13) Bernard B. Fall, Hell In A Very Small Place, The Siege of Dien Bien Phu trang 462

Không có nhận xét nào: