Vì sao kinh tế Trung Quốc khó tránh được khủng hoảng?
Khi một tổ chức lạc quan kinh niên như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF - lạc quan vì không dự báo được nhiều vụ khủng hoảng kinh tế đã qua - mà lại vừa cảnh báo vào Tháng Bảy về nguy cơ “hạ cánh nặng nề” của kinh tế Trung Quốc, thì ta nên chú ý đến tin tức khí tượng kinh tế: Giông bão kinh tế xứ này có thể nổi lên từ nay đến năm 2020.
Khi các chuyên gia quốc tế đều đổi vui thành buồn mà nói về nguy cơ khủng hoảng sắp tới tại Trung Quốc, tất nhiên là lãnh đạo Bắc Kinh cũng phải biết. Họ còn biết được và nói ra những gì phải làm để thoát khỏi cơn chấn động ấy. Nhưng, vì kinh tế cũng là chính trị - nội dung của cột báo định kỳ này - họ biết mà làm không nổi.
Ác nghiệp kinh tế cũng là một quy luật!
Nói nôm ra, đã gieo gió rồi thì khó chặn bão - mà chỉ có thể gặt. Mùa gặt thảm khốc đang bắt đầu....
***
Quý độc giả không có nhiều thời giờ, mà cột báo này cũng chẳng là một cuốn sách, nên xin... vèo trông lá rụng đầy sân:
Sáu năm trước, tổ hợp đầu tư Lehman Brothers sụp đổ vào Tháng Chín năm 2008 và thổi lên vụ khủng hoảng tài chánh toàn cầu. Khi đó, tổ hợp Lehman đứng hạng bốn trong các ngân hàng đầu tư Mỹ, đang quản lý một số tài sản trị giá khoảng 640 tỷ Mỹ kim, bằng 5% tổng sản lượng Mỹ. Ngày nay, tài sản do ngân hàng đứng hạng thứ tư của Trung Quốc đang quản lý lại trị giá 25% tổng sản lượng Trung Quốc. Mà ngân hàng BOC này đứng sau ICBC, CCB và ABC: tài sản của bốn ngân hàng ấy lớn bằng 60% tổng sản lượng GDP của kinh tế Trung Quốc.
Người không biết đếm thì trầm trồ ngợi khen kinh tế Trung Quốc đã lớn như thổi trong mấy chục năm và vượt mặt kinh tế Anh, rồi Ðức rồi Nhật để nay mai sẽ bắt kịp Hoa Kỳ. Người biết đếm thì biết lo vì không đếm ra phần nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc, thuộc diện bí mật quốc gia. Bí mật đến nỗi lãnh đạo Bắc Kinh cũng không biết luôn!
Người không biết đếm thì nói đến khối dự trữ ngoại tệ của Bắc Kinh, nay lên tới bốn ngàn tỷ đô la. Nếu kể thêm lượng vàng dự trữ trong công khố - một bí mật quốc gia khác - được ước lượng khoảng bốn ngàn năm trăm tấn, trị giá gần 200 tỷ đô la tính theo giá hiện hành, thì Bắc Kinh có đủ vốn dằn lưng để vượt qua sóng gió.
Người biết đếm thì biết lo hơn vậy.
Qua ba thập niên, kinh tế Trung Quốc thuộc diện “uống sâm để đạp xe hai bánh cho mạnh.” Xe chạy chậm là đổ. Ðó là chiến lược ráo riết đầu tư để tìm tốc độ tăng trưởng cao và sản xuất dư thừa thì xuất cảng bằng mọi giá để thu về ngoại tệ cho nhà nước. Nhưng kinh tế chính trị học Trung Quốc khiến lãnh đạo và tay chân thì uống sâm, còn dân đen và các doanh nghiệp tư nhân thì đạp xe chết bỏ. Kinh tế học gọi đó là hiện tượng “tầm tô,” rent seeking, là những kẻ có ưu thế chính trị và kinh doanh thì khai thác ưu thế đó cho mình, qua chánh sách và luật lệ đầy lệch lạc.
Ưu thế ấy không tạo ra những của cải có giá trị cho quốc dân trong trường kỳ mà chỉ đem lại đặc lợi cho một thiểu số ở trên. Ðó là chuyện gieo gió.
Khi Mỹ bị khủng hoảng từ vụ Lehman và hàng loạt cơ sở tài chánh và bảo hiểm khác, kinh tế toàn cầu bị tổng suy trầm 2008-2009. Ðấy là lúc Bắc Kinh lại rót sâm nữa: gia tăng công chi và bơm thêm tín dụng qua hệ thống ngân hàng của nhà nước cho các doanh nghiệp của nhà nước cùng các công ty đầu tư của các chính quyền địa phương, tức là vẫn của nhà nước. Nếu có gì lọt xuống dưới thì tư nhân còn được hưởng, nhưng đa số thì phải vay lại, hoặc vay chui với giá đắt hơn và bị nhiều rủi ro hơn.
IMF thì đếm là từ 2008 đến 2013, tổng số tài trợ tăng bằng 73% của tổng sản lượng và xác nhận rằng con số thật có thể cao hơn. Nhiều tổ hợp đầu tư hay cơ quan nghiên cứu thì nói đến 100%, tăng gấp đôi tổng sản lượng. Tổng sản lượng đó nay ở khoảng chín ngàn tỷ đô la: trong năm năm, Trung Quốc đã rót sâm trị giá chín ngàn tỷ! Gấp đôi liều thuốc bổ của Mỹ.
Con số thật có khi còn vĩ đại hơn: Tháng Năm vừa qua, công ty đầu tư Hoisington Investmnent Management Company tại Hoa Kỳ ước tính là tổng số dư nợ của tư nhân và nhà nước Trung Quốc lên tới 420% tổng sản lượng 2013, so với 320% vào năm 2008.
Người biết đếm vì theo dõi tin tức khí tượng kinh tế còn chỉ ra một quầng mây đen khác: khi đầu tư và tín dụng tiếp tục đổ ra thì phần tiêu thụ nội địa lại giảm. Từ 40% tổng sản lượng - con số quá thấp - nay chỉ còn chừng 36%, thậm chí 34%. Người uống sâm và kẻ đạp xe là vậy, nếu ta so sánh với tiêu thụ tại Mỹ (70%), Nhật (61%) hay Nam Hàn (52%).
Bây giờ, hãy nói đến trận bão.
Lãnh đạo Bắc Kinh là lương y có tài, hơn người Hà Nội, vì biết kinh tế Trung Quốc cần phương thuốc vừa “bổ” vừa “tả,” vừa tăng trưởng vừa sửa sai thì mới phát triển. Sai thì rất nhiều và họ có nói tới từ năm 2003, từ 10 năm trước. Nhưng sửa không được vì đụng vào thực chất “tầm tô.” Cải sửa là thu hẹp quyền lợi của thiểu số ở trên. Vì vậy, chỉ có bổ mà chẳng có tả và kinh tế lâm bệnh.
IMF nhẹ nhàng nói theo ngôn ngữ ngoại giao, rằng kinh tế Trung Quốc đang là mạng lưới rủi ro (web of vulnerabilities) trùm lên năm khu vực là địa ốc, doanh nghiệp, chính quyền địa phương, các ngân hàng và hệ thống ngân hàng chui shadow banking. Mà muốn đẩy lui giông bão thì phải trả lại nợ và chấn chỉnh lại sổ sách chi thu, tức là chấp nhận một đà tăng trưởng thấp hơn.
Nhưng, dù Nghị Quyết Ba của Hội Nghị Ban Chấp Hành Trung Ương đã nói ra nhu cầu cải sửa để chuyển hướng từ cuối năm ngoái, qua năm nay, lãnh đạo Bắc Kinh tiếp tục rót sâm với biện pháp kích thích kinh tế được nói trước là nhỏ nhoi xíu xiu, mà thật ra lại cao hơn dự tính.
Cánh buồm vẫn góp gió để lao vào giông bão.
Vì kinh tế cũng là chính trị, ta có quyền tự hỏi vì sao Bắc Kinh vẫn không chuyển hướng? Có hai cách giải thích đều... nguy như nhau.
Một là lãnh đạo xứ này muốn xoay tay lái mà vẫn thúc thủ vì tay lái đã bị các thế lực hay nhóm lợi ích xiềng vào một hướng - cái hướng có lợi cho họ. Vì thế, Tập Cận Bình mới ra tay diệt trừ tham nhũng và tìm cách thâu tóm lại quyền lực để rồi mới xoay trong tương lai.
Hai là vì chủ quan duy ý chí, lại căn cứ trên cách đếm của mình, Bắc Kinh cho là tình hình chưa đến nỗi nào. Như gánh công trái (nợ của khu vực công) và ngoại trái (nợ ngoại quốc) còn thấp, tiết kiệm của dân còn cao và hệ thống kiểm soát của nhà nước còn có khả năng chặn đường tháo chạy của tư bản, v.v... Cho nên Trung Quốc có thể vững tay chèo trong ít lâu nữa - và tiếp tục gây bão.
Nhưng, điều mà họ thiếu chính là thời gian. Càng trì hoãn thì càng gia tốc cho sóng gió.
Trong khi đó, môi trường quốc tế lại có những rủi ro mới từ Âu Châu, Hoa Kỳ đến Nhật Bản và nhiều nước đang phát triển khác. Khi ngần ấy vấn đề lại dồn làm một, Bắc Kinh không thể chặn bão. Và khác với các vụ khủng hoảng tại Nhật năm 1991, tại Ðông Á năm 1997, tại Âu Châu và Hoa Kỳ năm 2008, một vụ khủng hoảng tại Trung Quốc lần này có thể quạt thẳng vào chế độ...
Nguyễn-Xuân Nghĩa
(Người Việt)
(Người Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét