Cu Làng Cát - Báo Thanh Niên đưa tin một người bán vé số không tham 6,6 tỷ đồng khi bán chịu cho một người chạy ba gác thuê 25 năm. Người đàn ông đó mua chịu của người bán vé số tên là Lành trị giá vé 200.000 đồng. Dò số, trúng độc đắc, cô Lành vẫn điềm nhiên đưa cho người phu xe ba gác số vé trúng thưởng. Một hành động đẹp mà kẻ chơi cờ tướng có ván độ 5 tỷ đồng không thể nào mơ về đức hạnh này.
Đạo đức xã hội thời nay rúng động với sự xuống cấp khắp nơi. Nhưng đây đó ánh lên sự trong sáng dịu dàng của phẩm chất cương trực lòng người và sự đề huề của nụ cười giữa muôn vàn sân si, hỉ nộ lòng tham.
Cô Lành chứng minh rõ ràng phẩm giá người tuy nghèo nhưng không hèn trong hoàn cảnh mà Thanh Niên nói “không có cục đất chọi chim”. Một cuộc sống túng bấn phải dắt díu thân đời bươn bả cùng tấm vé số. Mưu sinh với với lợi tức ít ỏi từ vòng quay may mắn của xổ số kiến thiết.
Với tâm lý xã hội hiện nay, ai cũng nghĩ chị Lành dường như có quyền sở hữu các tấm vé số ấy bởi người mua chịu chưa trả tiền. Chị đương nhiên đường hưởng kết quả đó. Nhưng lòng người còn hào hoa và sự tự ái bám rễ lâu bền trong tâm trí, chị Lành nói rằng: “Mấy tờ vé số này ảnh chưa trả tiền, trúng hay trật cũng là của ảnh, tôi mà không trả thì thiên hạ coi tôi ra gì nữa!”. Quả là con người trượng nghĩa, đọc vào phải học tập vô chừng chí khí một người bán vé số không ô ham, giữ mình thanh sạch.
Và không thể so sánh hình ảnh đẹp này với những quan tham ô lại. Bởi không xứng tầm cho sự so sánh trong lúc này.
Nhưng có thể liên hệ với các tuyên bố lỗ của xăng dầu và điện lực. Chị Lành sở hữu một số phận nghiệt ngã do phận nghèo, gia đình ly tán. Nhưng phẩm hạnh con người vẫn giữ ở mức trong sáng. Khước từ số tiền tỷ có thể làm mờ mắt bao lòng dạ con người giữa thời buổi đạo đức xã hội suy biến.
Ngành điện tuyên bố lỗ lớn vẫn trơ mặt trả lương cao khủng khiếp mà toàn xã hội nhìn vào cũng phải ước mơ mức lương đó. Và trong khi cả nước gồng mình với lạm phát, EVN vẫn từ bỏ phẩm giá đồng cam cộng khổ để tăng giá điện lên 5%, đẩy cuộc sống người dân thêm một nỗi nén ấm ức.
Hoàn cảnh chị Lành theo Thanh Niên tường thuật: “Nhiều năm nay bà Thèm cùng các con là Hồ Văn Hiếu (sinh năm 1974), Hồ Văn Nguyên (sinh năm 1978) và Út Lành sống cùng căn nhà này. Hai người anh trai cùng mẹ khác cha của Lành đều bất hạnh. Nhà nghèo, vợ anh Hiếu chịu không nổi nên bỏ đi. Năm 2009, anh dắt 3 đứa con lên Bến Lức ở trọ cùng vợ chồng Lành để đi bán vé số. Cuối năm 2010, anh Hiếu mất, 3 đứa con nhỏ phải gửi về cho bà Thèm nuôi. Vợ anh Nguyên cũng chê anh nghèo bỏ đi, anh nửa điên nửa tỉnh đang điều trị ở Bệnh viện tâm thần T.Ư 2 (Biên Hòa, Đồng Nai), 3 đứa cháu cũng giao hết cho bà nội. “Em đang tính qua tết về quê đưa mẹ và 6 đứa cháu lên đây theo nghiệp vé số”. Như vậy một mình chị Lành làm để nuôi đến 8 miệng ăn, có người ốm đau nằm bịnh viện nữa, nhưng chị vẫn vượt qua cám dỗ.
EVN không vượt qua cái thèm khát bù lỗ đã tự mình trả lương cho mình quá cao lại còn tăng giá điện một cách bất ngờ gây nhiều phản ứng.
Các doanh nghiệp xăng dầu cũng mất luôn thần kinh xấu hổ với dân để tăng giá một cách thái quá, không giữ được mình để trở thành con buôn trục lợi.
So sánh chị Lành với EVN và các doanh nghiệp xăng dầu là khập khiểng, nhưng đức hạnh và phẩm giá là chung gốc rễ làm người. Chính vì tài chính đã làm EVN không hề sáng sủa chút nào trước khách hàng của mình và doanh nghiệp xăng dầu dẫu có đốt cháy bao bồn xăng đi chăng nữa cũng khó tìm ra lời khen của công chúng.
Chị Lành như ngọn đuốc nhỏ không hèn mọn chút nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét