Pages

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

Mối đe dọa lớn nhất cho Trung Quốc đến từ trong nước

Tác giả: Richard Haass

Người dịch: Đan Thanh 
Tôi đã qua lại Trung Hoa hơn ba thập niên, nhưng chưa bao giờ tôi chứng kiến một ban lãnh đạo Trung Quốc bất an đến thế khi nghĩ về tương lai của đất nước. Không phải là phóng đại khi nói rằng quốc gia đông dân nhất thế giới này đang ở thế rất mong manh. Không thể lờ đi điều trớ trêu này: các nhà lãnh đạo ở Mỹ và châu Á đang bận rộn thảo luận xem, làm thế nào để đương đầu tốt nhất với cái mà họ coi là mối nguy Trung Quốc; còn các nhà lãnh đạo ở Trung Quốc đang thảo luận xem làm thế nào để đương đầu tốt nhất với rất nhiều mối nguy đối với Trung Quốc, mà họ nhận thức được.
Hầu hết những nguy cơ mà người Trung Quốc nhìn nhận đối với nước mình đều đến từ trong nước. Trong suốt ba thập kỷ, Trung Quốc đã phụ thuộc vào tăng trưởng mạnh mẽ – chủ yếu có được nhờ xuất khẩu tăng mạnh hơn bao giờ hết – để duy trì tỷ lệ có việc làm cao và để nâng mức sống lên, qua đó đảm bảo ổn định xã hội. Thời kỳ này có thể đang dần chấm dứt. Nhiều năm tăng trưởng kinh tế chậm chạp ở châu Âu và Mỹ (và khả năng là sẽ còn nhiều nước nữa) đã làm hạn chế khả năng của họ trong việc tiêu thụ hàng hóa Trung Quốc. Ngoài ra, ngày càng có nhiều người phản đối chính sách của Trung Quốc kiềm chế đồng nhân dân tệ ở mức thấp giả tạo, nhằm giảm chi phí xuất khẩu hàng cho người tiêu dùng châu Âu và Mỹ.

Áp lực từ trong nước – yêu cầu phải đưa được hàng trăm triệu người Trung Quốc thoát khỏi cảnh đói nghèo, bất mãn ngày càng lớn về vấn đề bất bình đẳng thu nhập và tài sản, sự cần thiết phải duy trì tỷ lệ tăng trưởng cao, cũng đang đẩy Trung Quốc đến chỗ phải tìm ra cái gì đó để bổ sung, nếu không nói là thay thế cho, tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Kết quả là Trung Quốc đang ở những ngày đầu của một thời kỳ quá độ, một thời kỳ trong đó tăng trưởng kinh tế sẽ ngày càng phải dựa vào việc gia tăng nhu cầu trong nước. Giống như mọi xứ sở quá độ khác, kêu gọi tái thiết lập sự cân bằng trong nền kinh tế dễ dàng hơn nhiều so với việc tạo ra sự cân bằng đó.
Điều khiến cho việc này trở nên khó thực hiện là lạm phát và bong bóng bất động sản – hai thứ cần được kiểm soát. Những áp lực như thế biện minh cho các chính sách làm nguội nền kinh tế – vốn có ý nghĩa kinh tế dài hạn nhưng lại có rủi ro là gây ra bất ổn chính trị trong ngắn hạn. Một vấn đề khác còn phức tạp hơn thế, là Trung Quốc phải thực hiện chuyển đổi kinh tế trong lúc chuyển đổi chính trị. Thế hệ lãnh đạo tiếp theo còn một năm nữa là tiếp nhận chuyển giao quyền lực. Tới lúc đó họ sẽ phải đối diện với hàng loạt thách thức rất đáng nản, cộng với những khó khăn đã vừa đề cập: môi trường suy thoái (gần đây khi tôi đến Bắc Kinh, tôi chỉ có thể nhìn xa vài trăm mét và gần như không thở được); dân số già đi và bối cảnh chính trị ngày càng dễ đổ vỡ. Những cuộc biểu tình mới đây tại các khu làng ở phía nam – Hải Môn và Ô Khảm – chỉ là phần nổi của tảng băng chìm: Trung Quốc năm qua có hơn 100.000 cuộc biểu tình chính trị quy mô, hầu hết xuất phát từ sự bất mãn về các vấn đề như bị cưỡng chiếm đất đai, thất nghiệp, hay ô nhiễm môi trường.
Tiếp theo là tình trạng phát triển vượt ra ngoài biên giới. Chính sách ngoại giao vụng về của Trung Quốc và việc họ thể hiện những quyền đặc biệt trên Biển Đông (nguyên văn: biển Hoa Nam) đã khiến họ bị cô lập trong khu vực. Kết quả là, các nước có lợi ích lớn hơn khi hợp tác với Mỹ để cân bằng hóa Trung Quốc. Giới chức Trung Quốc cũng chẳng thích thú gì với tiềm năng chiến thắng của các lực lượng ủng hộ Đài Loan độc lập trong cuộc bầu cử tháng giêng tới đây ở Đài Loan. Trung Quốc còn lo ngại về khúc dạo đầu của phương Tây ở Myanmar. Và cái chết của Kim Jong-il ở Bắc Triều Tiên đã làm tăng khả năng có thay đổi trên bán đảo này – một việc có thể dẫn đến tình trạng người tị nạn tràn vào Trung Quốc, rồi xung đột với Bắc Triều Tiên, thậm chí sự chấm dứt tồn tại của Bắc Triều Tiên. Kịch bản cuối cùng đó sẽ tạo ra một bước thụt lùi chiến lược. Trung Quốc không hề muốn bán đảo Triều Tiên thống nhất dưới tay Seoul để rồi đi vào quỹ đạo của Mỹ.
Với một số người ở Mỹ và trong khu vực (đặc biệt với những ai coi Trung Quốc là mối nguy đang lớn dần), thì thật khó mà cưỡng lại ý muốn lợi dụng tình hình này, nhưng, cũng giống như với nhiều cám dỗ khác, ý muốn đó cần phải được kiềm chế. Cô lập Trung Quốc, hoặc kích thích mối thù hận của họ, đều không phục vụ lợi ích nào của thế giới. Thay vì thế, sẽ rất tốt cho thế giới nếu Trung Quốc hội nhập toàn cầu để điều hành kinh tế, kiểm soát biến đổi khí hậu và chống vũ khí hạt nhân. Sẽ cần đến sự giúp đỡ của Trung Quốc nếu hai miền Triều Tiên muốn được thống nhất trong hòa bình, nếu thế giới muốn ngăn chặn Iran sản xuất vũ khí hạt nhân, và Pakistan muốn không bị sụp đổ.
Không có lý do gì để phải chọc giận Trung Quốc cả. Giới chức Mỹ nên tránh lặp lại lời ngoại trưởng Hillary Clinton gọi Biển Đông là “Biển Tây Philippines”. Những phát biểu như thế chỉ kích động thêm sức ép dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc, vốn đã được châm ngòi bởi hàng trăm triệu người dùng Internet. Thế giới không muốn thấy một Trung Hoa tìm cách làm nguội cơn bất mãn trong nước bằng cách mạo hiểm ở bên ngoài nước.
Một trong các mục tiêu khả dĩ nên là làm sao để Trung Quốc đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế của họ và hành động thông qua các định chế. Chúng ta nên thực thi điều chúng ta rao giảng. Thế nghĩa là, phải xử lý những tranh chấp liên quan tới thương mại qua Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chứ không phải thông qua các hành động đơn phương. Cũng có nghĩa là các nghị sĩ phải xem xét đến một thực tế, là dù sao đi nữa đồng nhân dân tệ cũng đã được định giá cao hơn, thặng dư mậu dịch của Trung Quốc đang giảm xuống và xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc đang ở mức cao.
Cũng sẽ có ích nếu ta nhìn xa trông rộng. Trung Quốc có thể là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đấy, nhưng sản lượng tính trên đầu người cao nhất cũng chỉ bằng 1/5 của các nước phát triển nhất. Trung Quốc đang củng cố quân đội, nhưng chi tiêu cho quân sự có lẽ chỉ bằng 1/4 Hoa Kỳ. Việc Trung Quốc trỗi dậy không nên bị coi là một vấn đề – việc ấy là tất yếu ngay cả khi nhiều người có vẻ như đang đánh giá thấp các vật cản đối với Trung Quốc. Vấn đề là một nước Trung Hoa hùng mạnh hơn sẽ như thế nào. Tự vệ trước nguy cơ Trung Quốc có thể trở nên hung hăng hơn, là đúng, nhưng thi hành một chính sách kiềm chế họ là quá sớm và trên thực tế có thể góp phần tạo ra một mối quan hệ thù địch, chẳng có lợi cho ai cả.
Tác giả là Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.
Nguồn: Financial Times

Không có nhận xét nào: