Pages

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

Tàu Vinalines Queen “mất tích bí ẩn”: Khó có chuyện tàu chìm mà không còn dấu tích

30/12/2011 2:20 – Thanhnien
Đây là nhận định của ông Lê Quang Chính, Giám đốc Vinalines chi nhánh Hải Phòng, đơn vị từng quản lý, khai thác con tàu Vinalines Queen hơn 2 năm trước khi bàn giao sang cho Công ty vận tải biển Vinalines (VTB Vinalines).



Vị trí của Vinalines Queen đã không được cập nhật từ nhiều ngày qua trên các trang mạng theo dõi hành trình tàu thủy – Ảnh: Vesseltracker.com

Tàu chìm, thủy thủ vẫn có thể thoát
Ông Chính cho biết Vinalines mua và nhận khai thác Vinalines Queen khi con tàu này 4 tuổi (Vinalines Queen được đóng năm 2005 tại Nhật), đã khai thác được 2 năm. Tàu được thiết kế chuyên dụng cho tàu chở quặng và hàng rời, các tính năng kỹ thuật của tàu cũng phục vụ cho mục đích này.


Trường hợp xấu nhất là tàu chìm, thiết bị bung ra và phát tín hiệu, ngay cả khi gặp cướp, thiết bị cũng tự động phát tín hiệu
Ông Lê Quang ChínhGiám đốc Vinalines chi nhánh Hải Phòng
“Vinalines Queen là con tàu đẹp, trẻ và hiện đại nhất VN. Khi nhận được tin tàu mất tích, chúng tôi rất ngạc nhiên vì tàu này rất hiện đại, lại chuyên chở mặt hàng quặng, đội ngũ thuyền viên rất chuyên nghiệp”, ông Chính nói. Cũng theo ông Chính, Vinalines chi nhánh Hải Phòng đã bàn giao nguyên trạng cả tàu và phần lớn đội ngũ thuyền viên bao gồm cả thuyền trưởng; đội ngũ này đã làm quen với tàu được 1 năm, rất quen thuộc và có kinh nghiệm vận hành tàu. Ông Chính còn phân tích: Với lượng dầu của tàu khoảng 400 – 500 tấn dầu FO, DO, cộng thêm trọng lượng tàu lên tới hơn 54.000 tấn với rất nhiều thiết bị, phao cứu hộ… nếu tàu chìm phải có dấu tích để lại.
Ông Chính cho biết Vinalines Queen được trang bị các thiết bị phát tín hiệu radio báo hiệu vị trí (EPIRB), thiết bị này thường được đặt ở chế độ tự động (có thêm chế độ điều chỉnh tay). “Trường hợp xấu nhất là tàu chìm, thiết bị bung ra và phát tín hiệu, ngay cả khi gặp cướp, thiết bị cũng tự động phát tín hiệu. Thuyền viên ai cũng hiểu phải để chế độ này tự động”, ông Chính phân tích.
Về giả thuyết quặng ni ken có thể ngậm nước, hóa lỏng, cộng thêm điều kiện thời tiết xấu, gió giật mạnh, gây xô lệch làm nghiêng tàu, ông Chính cho rằng khi xếp hàng lên (hàng đạt tiêu chuẩn cho phép), tàu đóng kín khoang hàng (hệ thống nắp tàu rất chặt và đóng kín), với 54.000 tấn hàng, mới rời cảng 2-3 ngày, lượng hấp hơi bên ngoài khó có thể là tác nhân dẫn tới ni ken đạt tới độ ngậm ẩm mà hóa lỏng. Hơn nữa, Vinalines Queen là tàu vượt đại dương, gió cấp 7 – 8 là bình thường, nên rất ít khả năng xảy ra tình trạng ni ken bị hóa lỏng.
Theo ông Chính, ngay trong trường hợp tàu bị lật chìm, thủy thủ vẫn có khả năng thoát ra ngoài. Trả lời câu hỏi có thể xảy ra tình trạng hệ thống tín hiệu trên tàu hoàn toàn bị mất được hay không, ông Chính cho rằng hệ thống tự động dùng pin có sẵn trên tàu thì không ngắt được, những bộ phận tự động dùng nguồn phát, trong tình trạng nguồn phát mất điện có thể mất tín hiệu.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, pin sử dụng cho hệ thống tự động là loại pin dùng được trong 4 năm. Bất kỳ con tàu cập cảng nào, đăng kiểm cũng lên tàu kiểm tra đầu tiên chính là hệ thống nguồn pin cho thiết bị báo động.

Chưa có tiền lệ
Cuối năm 2010, tại vùng biển đông bắc Philippines – phía nam Nhật Bản, trong vòng hơn một tháng, 3 tàu chở quặng loại ni ken mang tên Jan Fu Star, Nasco Diamond và Hong Wei mất tích. Cả 3 tàu sau đó đều được xác định là bị lật và chìm trên biển làm hơn 40 thủy thủ thiệt mạng.
Theo số liệu từ Cục Hàng hải VN, trong năm 2011 có 8 vụ tàu chìm, tổng số vụ tai nạn hàng hải lên tới 60 vụ, nhưng chủ yếu liên quan đến đâm, va chạm tàu. Trong đó có 4 vụ chìm tàu nguy hiểm, nhưng đều xảy ra ở gần bờ và trong khu vực đường thủy nội địa, trường hợp mất tích xa bờ và bí hiểm như Vinalines Queen chưa có tiền lệ.
Khả năng dừng tìm kiếm
Theo Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC), dù Vietnam MRCC đã có công thư đề nghị Cơ quan Phòng vệ bờ biển Nhật Bản (Japan Coast Guard), MRCC của Đài Loan và Phòng vệ Bờ biển Philippines tiếp tục duy trì hoạt động tìm kiếm tàu Vinalines Queen. Tuy nhiên, các đơn vị tìm kiếm cứu nạn quốc tế, sau khi triển khai rà soát bằng trực thăng, tàu cứu hộ cùng sự hỗ trợ của các tàu thuyền hoạt động trong khu vực nhiều lần, với phạm vi tìm kiếm gần 1.400 km2, vẫn không phát hiện được dấu vết gì của tàu Vinalines Queen trên biển. Hiện tại, họ đã thông báo cho Vietnam MRCC dừng triển khai hoạt động tìm kiếm, cứu nạn. Đến 4 giờ chiều 29.12, công tác cứu hộ tìm kiếm vẫn chưa có kết quả.
Sáng 29.12, Vietnam MRCC đã có công văn hỏa tốc gửi Ủy ban Quốc gia tìm kiếm – cứu nạn, đề nghị có phương án tìm kiếm, cứu nạn tàu Vinalines Queen. Ủy ban này đã đề nghị Bộ GTVT họp khẩn cấp với các đơn vị, lực lượng chức năng bàn phương án cứu nạn ở cấp độ cao hơn. Thông qua danh sách các tàu hoạt động tại hiện trường do hệ thống thông báo tàu AMVER, hệ thống Exact Earth cung cấp, từ ngày 25.12 đến nay, Vietnam MRCC vẫn tiếp tục phát thông báo hàng hải, thông tin vụ việc đến từng tàu, yêu cầu các tàu hoạt động gần khu vực tàu Vinalines Queen cùng 23 thuyền viên mất tích, triển khai ngay các biện pháp nhằm cảnh giới, phát hiện dấu vết của tàu, đồng thời phối hợp các nước tìm kiếm.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng giám đốc Vietnam MRCC, cho biết theo nguyên tắc tìm kiếm cứu nạn hàng hải, khi không còn khả năng phát hiện dấu vết sống sót của người bị nạn trên biển thì mới kết thúc việc tìm kiếm. Việc tìm kiếm không chỉ bằng máy bay, tàu cứu hộ mà còn từ việc yêu cầu tàu hàng, tàu cá hoạt động trong khu vực tìm kiếm, cung cấp thông tin. Nếu không phát hiện thấy dấu vết sống sót của người bị nạn, việc tìm kiếm sẽ kết thúc sau khoảng 5 – 10 ngày.
Chiều 29.12, Giám đốc VTB Vinalines Nguyễn Văn Hạnh cho biết công ty đang đề nghị Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Philippines tại Việt Nam hỗ trợ thông báo tới các chính quyền địa phương ven biển của Philippines tại khu vực tàu Vinalines Queen mất liên lạc để tìm kiếm.
Mai Hà
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20111230/kho-co-chuyen-tau-chim-ma-khong-con-dau-tich.aspx

Không có nhận xét nào: