Pages

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

Tiếng khóc của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam



 
“Tôi chẳng phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhưng khi nghe bạn bè kháo nhau mua cổ phiếu để ăn cổ tức, tôi đầu tư chứ chẳng đua đòi gì. Sau khi nghe vài người bạn mách bảo tôi đã mạnh dạn bán căn nhà vào cổ phiếu KMR, DCT, HQC, nhưng cả hơn năm trời chẳng thấy cổ tức mà giá cổ phiếu giờ như giấy lộn, mất giá hơn 70%. Tôi đã khóc nhiều đêm liền và mất ngủ triền miên, đến nỗi phải vào viện; nếu tình hình này kéo dài thêm nữa năm nữa, tôi xem như gần mất trắng và chắc tôi cũng sẽ ra đi về cõi vĩnh hằng…” – anh Quang Tuấn chia sẻ trên Vietstock.
Bố kính yêu!
Đến giờ này con mới tỉnh ngộ là con đang đánh bạc vì làm sao đầu tư chân chính trên TTCK mà bây giờ con chỉ còn lại có 1/10 vốn đầu tư ban đầu.

Con đã tìm hiểu cái sòng mới mở gần nhà mà bố bảo cả làng đã thua lỗ vì nó 2 năm qua là công ty chứng khoán đấy bố ạ. Nhờ có hệ số đòn bảy hay đòn gánh gì đó họ đã giúp dân làng ta đẩy được rất nhiền đất tồn đất ế để chuyển sang hành nghề bán đậu phụ. Còn đường dự án quê ta báo chí 1 thời ca ngợi sẽ tiếp tục trồng rau muống bố ạ.
Khoản tiền bố gửi con mua mảnh đất nghe nói cũng khó về với khổ chủ vì mảnh đất đó con mua nhầm phải thằng nó đặt thế chấp 2 ngân hàng rồi.
Con đã từng nghe lời bố tâm huyết với nghề, chuyên môn giỏi, con sử dụng tất cả các phương pháp nến nhật, phương pháp của Tây Âu trong phân tích chứng khoán nhưng con lại áp dụng đúng vào công ty chủ tịch làm giá đi tù bố ạ. Vận đen đã theo đuổi con trong sự nghiệp chứng khoán. Nhiều lúc con cảm thấy quá nản khi mình được học hành tử tế, tổng kết lại lại thua kém thằng Tí canh nhà mình chỉ nuôi gà vịt và mua vàng. Ngày xưa con trước khi lên thành phố còn khuyên nó bỏ nghề. Hôm vừa rồi họp lớp nó cười và bảo con trông mày bây giờ không khác mấy con vịt ngan nhà tao nuôi. Nó còn béo tốt hơn mày với bộ lông óng mượt khác với cái đầu 4 thứ tóc và một mớ óc chứng thối của mày.
Tuổi thanh xuân, tuổi trẻ, hoài bão và 5 năm học chuyên ngành chứng khoán của con có nguy cơ tan vỡ vì bằng đại học của con không được trả lại khi con dời công ty tìm việc mới. Dạo này con chuyển sang thu mua ve chai và giấy vụn vì con đã đánh giá đúng tình hình các nhà đầu tư chứng khoán sẽ bán ra lượng lớn giấy vụn sau 10 năm đầu tư ở TTCK VN.
Cô bạn gái con dẫn về nhà ra mắt bố làm chuyên môn cùng con, năm ngoái lên cầu Long biên chơi mãi không thấy về, con đã đi tìm nhưng chỉ thấy mỗi đôi dép kỷ niệm ngày xưa. Về nhà con tìm thấy quyển nhật ký của cô ấy với vài dòng tâm huyết: “Anh hãy bỏ nghề chứng đi thu mua ve trai và giấy vụn vì sớm muộn thị trường sẽ bán tháo đống giấy các công ty in cho các nhà đầu tư vì họ đã nhập nhầm máy in cổ phiếu quá hiện đại và qui mô lớn và đã không dự đoán đúng cung cầu”.
Bố đã từng dạy con. Sống phải có niềm tin, tin mình, tin vào sự thành công của mình.
Con đã đặt niềm tin ấy vào chuyên môn của con nhưng hình như niềm tin ấy không có đáy hay đáy sau thấp hơn đáy trước.
Hôm nay con cảm thấy hạnh phúc bên đống chai của mình với niềm tin mới rằng con sẽ trúng đậm tiền bán giấy vụn của các nhà đầu tư trên TTCK, từ đó con sẽ gỡ gạc lại những gì con đã mất trên TTCK này.
* * *
Con thân yêu!
Bố đã nhận thư của con. Bố hơi sốc khi biết tình hình của con từ một đại gia tài chính thành nhà buôn đồng nát. Bố đã tìm hiểu và thực sự không trách gì con. Tình hình của con nó giống đa số những nhà đầu tư chân chính khác khi cổ phiếu họ về giá 1, 2, 3. Trong thời điểm khó khăn này bố mong rằng con sẽ đứng vững và chờ đến khi có sóng hồi phục. Hãy đứng lên ở chỗ mình đã ngã xuống. Hãy coi chứng khoán là một thứ công việc chứ không phải cờ bạc để tìm đi cách riêng của mình. Nghề nào cũng có những thăng trầm, chứng khoán không ngoại lệ.
Về tình hình ở quê vẫn ổn định, mọi người có vẻ bắt đầu thương yếu nhau hơn do quê ta cũng rơi vào vòng vỡ tín dụng. Ông hàng xóm vừa rồi đã bị bắt vì nghe nói huy động hàng trăm tỉ của bà con từ tiền bán đất đã vỡ nợ. Ông ấy đã giúp quê ta trở về thời kỳ nghèo giống 10 năm trước. Nhiều nhà đất đai ông bà để lại đã được cấp sổ đỏ chính chủ nhưng đều gửi ngân hàng cầm hộ đến nay khả năng lấy lại rất khó vì mang đi cầm cố lấy tiền cho vay cả.
Em gái của con đã về nhà ăn Tết sớm cùng gia đình vì công ty không vay được tiền sản xuất nên không có 2 tháng lương cuối năm cùng thưởng. Vừa rồi giám đốc công ty yêu cầu các nhân viên góp tiền làm bữa liên hoan chia tay do tình hình công ty không thể sống qua tết.
Thằng em trai của con vừa mượn xe lên đó thăm con ngồi uống chén nước bị nó vặt mất đôi gương nên phải đền người ta mất 20 tr. Mà giới kinh doanh trên đó giỏi thật nó chỉ cần miêu tả nơi mất gương là 3 ngày sau mua đúng đôi gương của mình. Bố bảo nó của đi thay người. Lần sau đừng lên thăm anh bằng ô tô cứ đi xe buýt. Nếu có mất cắp chỉ cái ví hay cái điện thoại giống như sinh viên hay mất thôi. Cái này bố có kinh nghiệm rồi và bố khuyên nó nếu đi xe buýp ở VN thì nên để ví túi trái vì thằng ăn cắp có thói quen móc bên phải..
Khoản tiền bố định để cho con cưới vợ bố đã đầu tư vào làm ao cá và trồng hoa màu. Tuy nhiên vừa rồi thằng bạn thân bố đổ nhầm thùng thuốc sâu vào ao nên vụ này chỉ con ao không còn cá. Bố đã rất sốc và suy thận phải. Vừa rồi bố đi kiểm tra lại nhưng nghe nói bác sĩ cắt nhầm thận trái nên tình hình không khả quan hơn.
Cái sòng của công ty chứng khoán mở gần nhà ta mới đóng cửa. Và họ đã cho thuê lại làm hiệu cầm đồ. Nghề này có vẻ thịnh từ khi nền kinh tế khó khăn.
Năm nay mảng kinh doanh nghĩa trang của bố ở quê cũng khấm khá vì số người chết và tự tự vì vỡ nợ tăng đột biến.
Bố định lên thăm con nhưng nghe giá các mặt hàng tăng đặc biệt giá gửi xe lại tăng cao quá nên bố tính chắc phải 2 năm mới lên thăm con một lần.
Thôi thư ngắn tình dài. Bố mong con và bố vượt qua giai đoạn đặc biệt khó khăn này.
Tết này con còn có cái từ đồng nát mà ăn chứ nhiều người tết này năm nay chắc chỉ ở nhà lau nước mắt.
_______________________________
Tiếng khóc của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán
Nếu bạn là nhà đầu tư chứng khoán, tham gia vào lĩnh vực chứng khoán thì 2011 là một năm thật sự khó quên. Thị trường èo uột, tất cả sàn chứng khoán vắng hoe – một không khí buồn đến não ruột!

Xuống và xuống

Một năm đã qua đi mà thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chỉ có “xuống và xuống”, nếu có vài phiên tăng điểm cũng chỉ là “xanh vỏ đỏ lòng”.
VN-Index từ hơn 520 điểm vào đầu năm rớt xuống dưới 360 điểm vào cuối tháng 12/1011, giảm gần 30%. Nhưng con số đó vẫn chưa phản ánh hết được tình hình TTCK Việt Nam vì nhờ có được tứ trụ đỡ giá. Còn HNX phản ánh đúng thực trạng hơn khi HNX-Index đã tạo một đáy lịch sử mới dưới 60 điểm.
Điều này cho thấy những thành quả sau 11 năm phát triển của TTCK không những đã mất hết mà còn đi lùi lại.

Giá cổ phiếu không bằng ly trà đá

Nếu năm 2008 giá một vài cổ phiếu được ví von với mớ rau ngoài chợ, thì đến 2011 giá cổ phiếu chỉ tương đương với ly trà đá hay thậm chí còn không bằng. Đơn cử như trường hợp cổ phiếu VKP của CTCP Nhựa Tân Hóa, vào ngày 21/12 rớt xuống mức giá chỉ là 800 đồng/CP.

Lượng cổ phiếu IPO đạt kỷ lục

So với vài năm trước thì năm 2011, số lượng doanh nghiệp niêm yết mới trên hai Sở GDCK suy giảm mạnh (hiện tại đã có 695 công ty niêm yết trên 2 Sở, tăng thêm 60 công ty so với cuối năm ngoái), chủ yếu do thị trường giảm sức hấp dẫn. Các doanh nghiệp niêm yết cũng gặp khó khăn trong việc huy động vốn, phát hành cổ phiếu chỉ đạt 13,000 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ.
Trên TTCK, giá trị giao dịch sụt giảm mạnh, thanh khoản thị trường giảm đến 50% so với năm 2010. Vốn hóa thị trường chỉ còn 32% tổng sản phẩm nội địa (GDP) so với 39% GDP vào năm ngoái. Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài cũng chững lại.
Mặc dù thị trường không thuận lợi nhưng một loạt Tổng công ty Nhà nước đã thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng như Tổng Công ty Thép (VNSteel), Tổng Công Cty Xăng dầu (Petrolimex), Tổng Công ty Miền Trung (Cosevco) và hai ngân hàng BIDV và MHB. Điểm đáng mừng là những doanh nghiệp được đánh giá có nhiều tiềm năng đã được nhà đầu tư mua hết.

Và tiếng khóc nhà đầu tư

Cứ nghĩ rằng tháng cuối năm sẽ le lói một vài tia hi vọng, chứng khoán sẽ được đẩy lên để làm đẹp báo cáo tài chính thì nhà đầu tư lại bị giáng một đòn chí mạng khi kết thúc năm 2011 bằng thông tin giá điện tăng 5%.
Thị trường lại tụt dốc không phanh, nhà đầu tư không ngớt những lời than vãn, lo lắng, trách móc và kể cả giận dữ. Thế nhưng vẫn chưa thấy động thái nào từ UBCKNN.
Tôi xin được trích lời anh Quang Tuấn chia sẻ trên Vietstock để nói lên tâm trạng của đa số các nhà đầu tư lúc này:
“Tôi chẳng phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhưng khi nghe bạn bè kháo nhau mua cổ phiếu để ăn cổ tức, tôi đầu tư chứ chẳng đua đòi gì. Sau khi nghe vài người bạn mách bảo tôi đã mạnh dạn bán căn nhà vào cổ phiếu KMR, DCT, HQC, nhưng cả hơn năm trời chẳng thấy cổ tức mà giá cổ phiếu giờ như giấy lộn, mất giá hơn 70%.
Tôi đã khóc nhiều đêm liền và mất ngủ triền miên, đến nỗi phải vào viện; nếu tình hình này kéo dài thêm nữa năm nữa, tôi xem như gần mất trắng và chắc tôi cũng sẽ ra đi về cõi vĩnh hằng… Vài lời để lại cho những người còn ăn ở với chứng khoán “Người tình phụ bạc nhất trên cõi đời này”.
Và tôi cũng muốn cảnh tỉnh cho UBCK đừng để nhà đầu tư vào bước đường cùng như tôi”.

Không có nhận xét nào: