Chiến đấu cơ F-15
Thỏa thuận bán cho Ả Rập Sê-út các máy bay chiến đấu F-15 của Hoa Kỳ cùng các hệ thống vũ khí liên hệ trị giá gần 30 tỷ đôla đã được hoạch định từ hơn 1 năm nay.

Nhưng thông báo chính thức với đầy đủ chi tiết của thỏa thuận là một lời nhắc nhở gay gắt về sự ủng hộ của Hoa Kỳ dành cho một liên minh chủ chốt trong vùng, đúng vào lúc Iran đang gây cẳng thẳng trong vùng Vịnh với lời đe dọa đóng cửa một tuyến hàng hải quan trọng.

Hồi đầu tuần này, Iran đã dọa sẽ đóng cửa eo biển Hormuz nếu các biện pháp chế tài hạt nhân quốc tế do Hoa Kỳ đề xướng tìm cách nhắm mục tiêu vào ngân hàng trung ương của Iran và gây tê liệt công cuộc xuất khẩu dầu của họ.


Một nữ phát ngôn viên của Hạm đội 5 Hải quân Hoa Kỳ có căn cứ trong vùng Vịnh hôm thứ tư cho hay Hoa Kỳ sẵn sàng chống lại các hành động thù nghịch để bảo đảm quyền tự do hàng hải, và một hàng không mẫu hạm của Hải quân Mỹ đã đi qua eo biển vào lúc Iran tiến hành các cuộc tập dượt hải quân.

Trong một cuộc họp báo, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề quân sự và chính trị, ông Andrew Shapiro, tuyên bố thỏa thuận bán chiến đấu cơ F-15 nhằm giúp Ả Rập Sê-út “ứng phó với các mối đe dọa đối với chủ quyền của họ”, từ phía Iran và bất cứ nơi nào khác. Ông Shapiro nói:

“Như chúng ta biết ở vùng Trung Đông ngay lúc này, có một số đe dọa. Ả Rập Sê-út đã gặp phải các vấn đề an ninh biên giới, họ cũng đã có những mối đe dọa trong vùng Vịnh nữa. Rõ ràng một trong các mối đe dọa mà họ phải đương đầu, cũng như các nước khác trong vùng, chính là Iran. Nhưng đây không phải chỉ nhắm vào Iran. Nó còn nhắm vào việc đáp ứng các nhu cầu phòng vệ của đối tác Ả Rập Sê-út của chúng ta.”

Theo kế hoạch mua bán vũ khí này, Ả Rập Sê-út sẽ có 84 phi cơ kiểu F-15 tối tân nhất, trong khi 70 chiếc F-15 mà Ả Rập Sê-út đã có sẵn sẽ được nâng cấp lên tới mức có khả năng tương tự.

Các hệ thống vũ khí liên hệ trong kế hoạch gồm các phi đạn Harpoon chống hạm và các phi đạn Harm chống radar có thể được sử dụng trong một cuộc khủng hoảng quân sự đe dọa đến sự di chuyển của tầu bè trong vùng Vịnh.

Bất chấp sự cảnh báo trực tiếp của Hải quân Hoa Kỳ, Iran đã nhắc lại lời đe dọa về eo biển, và nói rằng họ có khả năng nhanh chóng đóng thủy lộ này, và Hoa Kỳ “không ở trong vị thế” cản trở các hành động của Iran.

Khi được hỏi hôm qua, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Victor Nuland nói những lời khẳng định của Iran có thể có nghĩa là các biện pháp chế tài nhắm mục đích buộc Iran phải đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế về hạt nhân, bắt đầu có tác động nghiêm trọng. Phát ngôn viên Nuland nói:

“Tôi không thể đi vào đầu óc của Iran. Tôi cũng không muốn làm như thế dù cho điều đó có thích đáng từ bục phát biểu này. Nhưng như quý vị biết, ta đã thấy khá nhiều thái độ vô lý của Iran hồi gần đây. Ta chỉ có thể đoán là các biện pháp chế tài quốc tế bắt đầu thấm, và sự tăng cường áp lực, nhất là vào khu vực dầu khí của họ đang thấm thía một cách khiến họ phát khùng.”

Chính quyền Obama thoạt đầu đã thông báo cho Quốc hội về thỏa thuận bán chiến đấu cơ F-15 cho Ả Rập Sê-út vào tháng 11 năm 2010 và không có hành động nào từ phía cơ quan lập pháp nhằm ngăn chặn thương vụ đó.

Ông Andrew Shapiro của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói chiếu theo một bộ luật của Quốc hội, mọi vụ bán vũ khí của Hoa Kỳ ở Trung Đông đều phải được thẩm định về tác động đối với nền an ninh của Israel. Ông cho biết các giới chức Hoa Kỳ hài lòng rằng vụ bán máy bay này không gây phương hại cho “ưu thế quân sự về mặt phẩm chất” của Israel.

Trong một thông cáo, Tòa Bạch Ốc nói rằng vụ bán vũ khí này, sẽ được thực thi trong 10 năm sắp tới, sẽ hỗ trợ cho hơn 50.000 công ăn viêc làm ở 44 tiểu bang của Hoa Kỳ.