Pages

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

Các đảng CS kêu gọi đấu tranh giai cấp

Nhiều cuộc biểu tình tại châu Âu gần đây mang cờ búa liềm
Cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội ở các nước tư bản Phương Tây là cơ hội để các lực lượng cộng sản toàn cầu đẩy mạnh cuộc ‘đấu tranh giai cấp’ – theo tuyên bố tại hội nghị cộng sản quốc tế lần thứ 13 ở Hy Lạp.
Hội nghị này, tên chính thức là Hội nghị quốc tế lần thứ 13 các đảng cộng sản và công nhân, do Đảng cộng sản Hy Lạp đăng cai tổ chức tại thủ đô Athens của nước này từ ngày 9 đến 11/12.


Chỉ có hơn 100 đại biểu của 78 chính đảng cộng sản và công nhân từ 61 quốc gia trên thế giới đã tham dự hội nghị này với chủ đề 'Chủ nghĩa xã hội là tương lai!'.
Tuy nhiên đây lại là hội nghị có sự tham gia đông đảo nhất của các đảng cộng sản trong suốt 12 kỳ tập hợp.
Đáng chú ý là đảng cộng sản lớn nhất trên thế giới hiện nay là Đảng cộng sản Trung Quốc đã không tham dự hội nghị nhưng bốn quốc gia mà đảng cộng sản cầm quyền còn lại là Việt Nam, Bắc Hàn, Cuba và Lào đã có mặt.
Các nước có đảng cộng sản còn ảnh hưởng như Nga, Venezuela, Ấn Độ bên cạnh đại diện các đảng cộng sản ở các nước tư bản Phương Tây như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Úc và Canada đều có mặt tại hội nghị.
Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó trưởng ban thường trực Ban đối ngoại trung ương Đảng, dẫn đầu.

'Tư bản có lỗi hệ thống'

Các đại biểu đã phân tích và đánh giá tình hình tình hình quốc tế cũng như tình hình các đảng cộng sản hiện nay 20 năm kể từ khi hệ thống chủ nghĩa xã hội sụp đổ ở Liên Xô và đông Âu.
Hội nghị đã ra tuyên bố chung trong đó nêu rõ cuộc khủng hoảng của phương tây hiện nay là ‘cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống của chủ nghĩa tư bản’.
"Đây không phải là lỗi bên trong hệ thống mà là cả hệ thống [tư bản] bị lỗi."
Tuyên bố chung của Hội nghị quốc tế các đảng cộng sản
"Đây không phải là lỗi bên trong hệ thống mà là cả hệ thống [tư bản] bị lỗi."
Cụôc khủng hoảng này đang ngày càng trở nên sâu sắc và lan rộng và làm cho đời sống nhân dân lao động ngày càng khó khăn, bản tuyên bố chung nhấn mạnh.
Các đảng cộng sản toàn cầu nhận định ‘nhân loại đang ở vào thời điểm bước ngoặt của lịch sử’ với hai con đường phát triển để lựa chọn là chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội.
Tuyên bố chung đánh giá con đường tư bản chủ nghĩa có nguy cơ dẫn đến ‘chiến tranh đế quốc’ và ‘xâm phạm các quyền dân chủ của nhân dân lao động’; trong khi con đường xã hội chủ nghĩa là ‘con đường giải phóng’ và ‘vì lợi ích của nhân dân lao động’.
"Trong bối cảnh khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản, các kinh nghiệm và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội trên thế giới đang chứng minh tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội," tuyên bố chung viết.
"Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể loại bỏ chiến tranh, thất nghiệp, nghèo đói, mù chữ."
Tuyên bố chung chào đón các cuộc đấu tranh và nổi dậy cho ‘các quyền dân chủ, xã hội và chính trị chống lại các chế độ chống người dân ở Trung Đông và Bắc Phi, chính xác là ở Tunisia và Ai Cập’.
Nghiệp đoàn thân cộng sản biểu tình ở Hy Lạp
Nghiệp đoàn thân cộng sản biểu tình ở Hy Lạp, nước đang gặp khủng hoảng nợ công
Tuy nhiên, các đảng cộng sản mạnh mẽ lên án cuộc 'chiến tranh đế quốc' mà họ cho là NATO và châu Âu phát động ở Lybia cùng sự can thiệp vào 'công việc nội bộ ở Syria và Iran'.
Tuyên bố chung cũng lưu ý sự chuyển hướng quan trọng trong tương quan lực lượng của thế giới, với sự suy yếu tương đối của Mỹ, sự trì trệ của các nền kinh tế tư bản phát triển nhất và sự trỗi dậy của các cường quốc kinh tế toàn cầu mới, đặc biệt là Trung Quốc.
Đại diện của Đảng cộng sản Việt Nam đã trình bày về kết quả Đại hội đảng lần thứ 11 hồi đầu năm và ‘những thành tựu’ của Việt Nam sau 25 năm đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Mặc dù là cuộc tập hợp lớn nhất trong năm của các đảng cộng sản thế giới, sự kiện này không hề được các hãng truyền thông quốc tế nhắc đến dù chỉ một dòng.
Còn trong nước, chỉ có các cơ quan ngôn luận chủ yếu của đảng và chính phủ như Thông tấn xã, báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, trang web của Đảng cộng sản Việt Nam, đưa tin và bài ngắn gọn về hội nghị này.
Báo Quân đội Nhân dân của Việt Nam phấn chấn chạy tin,"Triển vọng tươi sáng của chủ nghĩa xã hội".
Hội nghị quốc tế thường niên các đảng cộng sản được ra đời từ ý tưởng của Đảng cộng sản Hy Lạp (KKE) 13 năm trước đây.
KKE đã đăng cai hội nghị này ở Athens trong bảy năm liên tục trước khi nó được chuyển qua Lisbon của Bồ Đào Nha, Minsk của Belarus, Sao Paolo của Brazil, New Dehli của Ấn Độ và Tshwane của Nam Phi.

'Đang tự hoàn thiện'

"[Nhân loại] dứt khoát không thể nào trở lại cái thứ lý giải lịch sử tiến hóa của nhân loại bằng đấu tranh giai cấp, bằng sự sát phạt nhau giữa các giai cấp…và lấy đổ máu làm lẽ sống."
Nguyễn Thanh Giang, nhà bất đồng chính kiến
Trao đổi với BBC, nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Thanh Giang ở Hà Nội nhận định rằng qua cuộc khủng hoảng hiện nay, chủ nghĩa tư bản thế giới đang ‘tự hoàn thiện’ những gì chưa hợp lý để tiếp tục ‘tiến tới’.
"Khủng hoảng là cơn sốt đã vỡ ra, nhưng các nước tư bản sẽ tìm liều thuốc thích hợp và sẽ bình phục, khỏe hơn và tiến xa hơn chủ nghĩa tư bản của những thập kỷ trước," ông nói.
Cho dù chủ các nước phương tây đang chìm trong khủng hoảng, ông Giang vẫn cho rằng nhân loại nhìn vào chủ nghĩa tư bản vẫn thấy ‘phần sáng nhiều hơn phần tối’.
"[Nhân loại] dứt khoát không thể nào trở lại cái thứ lý giải lịch sử tiến hóa của nhân loại bằng đấu tranh giai cấp, bằng sự sát phạt nhau giữa các giai cấp…và lấy đổ máu làm lẽ sống," ông nói.
Tuy nhiên ông cũng nhận định rằng các đảng cộng sản cũng nhân cơ hội khủng hoảng của các nước tư bản để 'trỗi dậy phát huy ảnh hưởng của mình' tuy ảnh hưởng đó sẽ 'không lớn được và không thâm nhập được vào quần chúng'.
Đảng cộng sản Hy Lạp là tổ chức chủ trì hội nghị cộng sản quốc tế 13 ở Athens hôm gần đây
Về bước tiến của Đảng cộng sản Nga trong cuộc bầu cử Duma quốc gia Nga mới đây, ông cho rằng người dân bao giờ cũng lựa chọn sáng suốt là có ‘phần tả và phần hữu’.
“Có lúc họ lựa chọn thêm tả bớt hữu, có lúc họ chọn thêm hữu bớt tả,” ông giải thích.
Các đảng cộng sản trong lòng các nước tư bản dù hoạt động liên tục trong nhiều thập kỷ nhưng vẫn không có ảnh hưởng gì đáng kể trong đời sống chính trị của các nước này, theo ông Giang.
Ông cho rằng đó là vì "ở những nước tự do dân chủ người dân không bị bịt mắt tuyên truyền như trong các chế độ cộng sản".
"Ở các nước tự do người dân biết nhìn nhận, và trong sự nhìn nhận của họ họ vẫn để tâm đến đảng cộng sản," ông nói.
"Nhưng họ không để cho cộng sản có thể khống chế xã hội của đất nước họ," ông nói thêm.

Không có nhận xét nào: