Pages

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

Khi gỗ quý … quý hơn “liêm sĩ”


Nhờ xe gỗ lật mới “ra mặt” chuột kiểm lâm (Ảnh: KT)
Trên diễn đàn “mạng” gần đây tôi có mạo muội trong một bài viết (Anh Đào và cây Mắc Cở) trăn trở về Liêm Sĩ và Lòng Tự Trọng của các vị lãnh đạo CHXHCN/VN ở xứ mình sao “khác biệt” nhiều quá so với xứ người, bài viết nhắc đến:
Cựu tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun một chính khách đầy lòng tự trọng đã đổi mạng sống của mình để chuộc lại lỗi lầm lúc tiền nhiệm.
Trước khi gieo mình từ trên núi tuẩn tiết, ông để lại thư tuyệt mệnh đề ngày 23/5/09: “Tôi xin lỗi vì đã làm phiền các bạn, tôi rất xấu hổ với những vấn đề liên quan tới cáo buộc tham nhũng và chân thành xin lỗi nhân dân”.


Còn Bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc Kim Tae Young thì đệ đơn xin từ chức (25/11/2010) vì không bảo vệ được 4 người dân Nam Hàn tử nạn vì đạn pháo do Bắc triều tiên pháo kích vào lãnh thổ Nam Hàn .
Ngày 3/7/2007 Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Fumio Kyuma cũng xin từ chức sau lời phát biểu cho rằng hai cuộc tấn công bằng bom nguyên tử của Mỹ ở Hiroshima và Nagasaki năm 1945 là không thể tránh khỏi với Nhật Bản, đã làm nhiều người dân Nagasaki phiền muộn, dù lời nói ông không có gì sai trái …v.v.
Để rồi than thở … “Nhiều lắm, những tấm gương trọng liêm sỉ còn hơn cả công danh sự nghiệp, một sinh mạng người dân qua đời oan uổng, hay vô tình làm người dân đau buồn, họ coi đó là một phần thiếu trách nhiệm, lỗi lầm của chính mình và xin tự nguyện chân thành trả giá. Nhưng sao ? – Đẹp, nhẹ nhàng và đáng kính thế, những nhân cách cao thượng ấy, ở xứ người như lá mùa thu lại rất hiếm như sao buổi sớm ở …. ViệtNammình”.
Thì mới đây 7/12/2011 dư luận cả nước xôn xao về vụ việc cán bộ kiểm lâm nhà nước hộ tống xe chở gỗ lậu cho “sếp lớn”, quá tải bị lật úp ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An làm chết 10 người dân. 4 cán bộ bị bắt khẩn cấp gồm: Ông Trịnh Thanh Long – Phó Giám Đốc, kiêm Hạt trưởng kiểm lâm Pù Huống, ông Đào Công Thắng, Trạm trưởng trạm Trung tâm thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống; ông Nguyễn Kim Hùng – kiểm lâm viên trạm trung tâm, Phan Sỹ Tuấn – Trạm trưởng trạm kiểm lâm Nga My thuộc ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. (có đủ mặt: quan lớn “Phó GĐ,hạt trưởng” quan vừa “trạm trưởng Trung Tâm”, quan nhỏ “trạm trưởng quản lý” và lính kiểm lâm cận vệ hộ tống).
Nói mà không lầm chút nào, nếu không vì sự cố xe quá tải bị lật úp (nói nôm na là “tổ trác”) thì khó ai dám đụng tới chuyến “hàng” gổ quí này của “đầy tớ” ăn cắp của “chủ nhân”… dân!.

Xác nạn nhân đắp chiếu chờ thân nhân nhận dạng (Ảnh: Tuổi trẻ)
Một xe gỗ quí, cho dù nó có quí “ngoại hạng” cỡ nào thì cũng không thể quí hơn 14 sinh mạng con người. Điều làm nhiều người bất ngờ và thật sự chua xót trong vụ này chính là sự độc ác đến mức lạnh người của 3 cán bộ kiểm lâm khi bỏ mặc những người bị nạn để tháo chạy trong đêm. Qua thông tin trên báo chí, các ngành chức năng xác định có khả năng 14 thanh niên khỏe mạnh đi bốc gỗ thuê nằm trên đống gỗ, sau đó phủ một tấm bạt lên vì đêm đó trời rất lạnh. Vì tấm bạt này họ không thể nhảy khỏi xe khi xe tuột dốc lật úp và bị gỗ đè chết 10 người, 3 người bị thương.
Đêm đó, trên xe còn có ông Đào Công Thắng, Trạm trưởng trạm kiểm lâm trung tâm và ông Nguyễn Kim Hùng, kiểm lâm viên. Vì là “sếp” và đang đi làm nhiệm vụ “bảo kê” gỗ lậu theo chỉ đạo của cấp trên nên hai ông ngồi trên cabin xe chứ không phải túm tụm trên mui xe như những con người khốn khổ kia nên thoát chết.
Sau khi tai nạn xảy ra, một chiếc xe con khác do Phan Sỹ Tuấn – Trạm trưởng trạm kiểm lâm Nga My – Tương Dương, Ngô Tuấn và Phúc – cán bộ Trạm kiểm lâm Nga My chạy trước mở đường khi hay tin liền quay lại để đón “đồng bọn” chạy tháo thân, bỏ mặc những người phu bốc vác, số chết, số bị thương nặng, nằm thoi thóp, kẹt cứng trong đống gỗ ngổn ngang.
Giá như họ dừng lại, giúp đỡ đưa những người bị nạn ra khỏi đống gỗ, dùng xe con đưa đi cấp cứu những người bị thương nặng thì có khả năng kịp cứu được ít nhất 3 trong số 10 nạn nhân, không chết tại bệnh viện vì quá trễ .
Thế nhưng, vì để giấu “bộ mặt chuột” họ đã lạnh lùng bỏ hiện trường tháo chạy trong đêm … (Hà Giang, báo Người lao động)
Chủ tịch xã Châu Lý, Nguyễn Tịnh Phú ngậm ngùi: Xã tôi nghèo lắm, ruộng ít thiếu ăn phải đi làm thuê chứ không ai dám phá rừng. 14 người khỏe mạnh này được kiểm lâm thuê mướn bốc gỗ là đi ngay, bốc xong lên xe trên đường về thì gặp nạn ….
“Suốt đêm, cả thôn bản không ngủ. Tất cả người dân trong bản từ người già đến các em nhỏ đã cùng thức trắng để chờ đợi đón nhận thi hài những chàng trai bản xấu số trở về. Đúng 0h15 phút ngày 2/11, hai xe ô tô chở mấy chiếc quan tài chầm chậm tiến qua cổng làng. Tất cả như chết lặng, rồi những tiếng khóc than xé lòng ai oán đồng thanh vang lên”, chưa bao giờ trong bản phải chịu một lúc nhiều nỗi đoạn trường như thế này, một cụ cao niên trong bản kể lại giọng nói run run, nghẹn ngào …” (VietNamNet) .

Trong một tích tắc bà Vi Thị Mai đã mất đi hai trụ cột gia đình

Chị Vy Thị Thích (vợ một nạn nhân) bật khóc bên chồng. Chị Thích cho biết, chồng chị đi bốc gỗ thuê đêm 06.12 chỉ đế kiếm chút tiền mua gạo … (Ảnh: Tiền Phong)
Còn những gì đọng lại trong chúng ta? Hãy thử nghe dư luận phản hồi:
Lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng: Đây là vụ việc rất đáng xấu hổ của lực lượng kiểm lâm cả nước ??.
Ông Hà Công Tuấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp đã thừa nhận: “Chuyện kiểm lâm áp tải gỗ lậu như ở Nghệ An không phải lần đầu tiên xảy ra, (???) song đây là vụ nghiêm trọng, được tổ chức rất quy củ và lại gây tai nạn làm chết nhiều người”. Điều đáng nói, như ông Hà Công Tuấn thừa nhận là tình trạng này Trung ương biết đã lâu, nhưng con người lại do địa phương quản lý, Trung ương không thể làm hết mọi việc mà chủ yếu là chỉ đạo và làm điểm. Một khi trên bảo dưới không nghe, hoặc trên bảo mười, dưới chỉ làm một, hai, thì mọi nỗ lực, quyết tâm của Trung ương vẫn chỉ nằm trên giấy, lời kêu gọi quyết tâm giữ rừng – dù đó là rừng quốc gia, là tài nguyên quý báu của đất nước cũng sẽ bị những kẻ sâu mọt này gửi theo gió bay đi. (???)
Là lãnh đạo lâu năm của ngành kiểm lâm, ông Phó Tổng cục trưởng Hà Công Tuấn cảm thấy “xấu hổ”, khi thừa nhận có đường dây cấu kết giữa kiểm lâm, lâm tặc và chính quyền địa phương để phá rừng. Trước đó, trung tuần tháng 10/2011, một vụ khác cũng nhức nhối không kém, khi phương tiện giao thông do nhà nước quản lý nhưng tham gia vận chuyễn một lúc đến 15 toa tàu đường sắt một số gỗ không hóa đơn, chứng từ, khoảng 400 m3 bao gồm toàn gỗ quí ,Trắc, Cẩm Lai, Hương được vận chuyển trên các toa công khai từ Tây Nguyên ra Bắc Ninh bị bắt giữ tại ga Gia Lâm (Hà Nội) và rất nhiều vụ kiểm lâm tiếp tay cho phá rừng ở các địa phương nữa cho thấy từng ngày, từng giờ, rừng vẫn đang chảy máu mà không hẳn là từ nhân dân . Còn người dân thì họ thất vọng về những người được Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó cho trách nhiệm gìn giữ tài nguyên quốc gia. (báo điện tử vovnews.vn)
Người ta không hiểu cách nói này của một giới chức đảng CS có thẩm quyền: Một khi trên bảo dưới không nghe ?? Vậy thì họ ngồi đấy để “lãnh lương hay lãnh đạo” ?? khi không ai còn nghe mình ?? Chuyện kiểm lâm áp tải gỗ lậu như ở Nghệ An không phải lần đầu tiên xảy ra ? cũng có nghĩa là nó có nhiều rồi,nhưng nó vẫn cứ tiếp diễn là tất nhiên ?? Và : “Đây là vụ việc rất đáng xấu hổ của lực lượng kiểm lâm cả nước ?? .”
Là người có trách nhiệm bảo vệ, lại “Ăn Cắp” tài nguyên của nhân dân, của quốc gia, không chỉ là xấu hổ! Gây nên cái chết cho hàng chục người bởi hành vi “ăn cắp” ấy rồi bỏ mặc nạn nhân để chạy trốn, đó là hậu quả di lụy từ “trên bảo dưới không nghe” .
Biết xấu hổ – Biết không thể lãnh đạo – Biết vô trách nhiệm – Nhưng không biết : TỪ CHỨC, đó là sự khác biệt dễ nhận thấy nhất trong nhân cách của những người lãnh đạo CHXHCN/Việt Nam với Hàn Quốc và Nhật Bản .
HOÀNG THANH TRÚC

Không có nhận xét nào: