Pages

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

Khi Tòa án Nhân dân Tối Cao sai lầm

AFP photo
Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội
Mặc Lâm, BTV RFA

Mới đây, đại tá công an Lã Ngọc Tỉnh công khai trên báo chí chi tiết cuộc họp của TAND Tối cao trước khi quyết định giám đốc thẩm vụ án ba thanh niên hiếp dâm, cướp của tại Hà Đông.
Vụ án hiếp dâm cướp của của ba thanh niên tại Hà Đông sau gần 11 năm lại được giở ra trước dư luận dưới sự chờ đợi của gia đình nạn nhân cũng như những người quan tâm. Thế nhưng phán quyết giám đốc thẩm của Tòa án Nhân dân Tối cao đã làm nhiều người hụt hẫng. Những nỗ lực của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao bác bỏ các cáo buộc của hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm không làm tòa Tối cao chú ý và mọi kết quả điều tra của hai phiên tòa xét xử ba thanh niên này được tòa Tối cao chấp nhận như những bằng chứng cho cơ sở buộc tội.

Bức thư của ông Lã Ngọc Tỉnh

Tuy nhiên, mới đây đại tá công an Lã Ngọc Tỉnh, nguyên Chánh văn phòng kiêm Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra của Công an TP Hà Nội, đã công khai một lá thư ghi rõ diễn tiến câu chuyện về buổi họp trước khi có quyết định giám đốc thẩm của TAND tối cao khiến giới làm luật phải nhìn lại vấn đề.


Theo ông Tỉnh thì TAND tối cao đã tổ chức một cuộc họp mà thành phần tham dự không đúng với quy định pháp luật cho một phiên giám đốc thẩm.
Với những nhân vật được ông Lã Ngọc Tỉnh kê khai trong buổi họp người ta thấy thiếu những thành phần quan trọng nhất trong vụ án, đó là luật sư các phiên tòa và bản thân ông tức là người trực tiếp điều tra lại vụ án sau khi có văn bản yêu cầu của Viện Kiểm sát tối cao.
Ông Lã Ngọc Tỉnh cho biết trước đó ông đã gửi tới TAND tối cao phản biện của ông qua những gì mà cán bộ tư pháp và tòa án tỉnh Hà Tây cũ đã làm việc và đưa ra kết luận cho vụ án này là hoàn toàn không đúng với luật pháp. Trong bốn điểm chính yếu ông đưa ra để chứng minh là, thứ nhất công an Hà nội có đầy đủ thẩm quyền theo pháp luật quy định để điều tra lại vụ án.
Thứ hai về chiếc áo vật chứng, ông Tỉnh chứng minh "chiếc áo gọi là có niêm phong không đúng với đặc điểm chiếc áo bị hại nhặt được ở hiện trường". Thứ ba là ông Lã Ngọc Tỉnh khẳng định lời khai của các bị cáo không khớp với bản chất của vụ án, và thứ tư là những kết quả mà ông Tỉnh và cơ quan điều tra thành phố Hà Nội đưa ra đã không được TAND Tối cao xem xét mà chỉ xem lại các kết quả điều tra cũ của cán bộ tư pháp tỉnh Hà Tây.
Tiến sĩ luật sư Trần Đình Triển là người theo dõi vụ án ngay từ lúc ba thanh niên được tại ngoại và ông cho rằng thẩm quyền điều tra của Công an Hà Nội là đúng trình tự của pháp luật, do đó những kết quả mà cơ quan điều tra của Đại tá Lã Ngọc Tỉnh thu được là hoàn toàn đúng quy định của luật pháp:
Nếu bây giờ thừa nhận sự thật đó thì hàng loạt cán bộ sẽ bị xử lý kỷluật thậm chí bị truy tố vì việc sai trái này thì tôi cho rằng tòa án Tối cao cần nhìn vào việc này.
LS Trần Đình Triển
“Việc khiếu nại và tố cáo của ba thanh niên và một số người cho rằng bản án đó đã xử oan sai vì quá trình điều tra truy tố có nhiều sai lầm và không đúng quy định pháp luật, vì vậy văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra họ xem xét lại toàn bộ hồ sơ và các quá trình điều tra là đúng thẩm quyền theo chương 10 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Văn phòng cảnh sát điều tra làm như vậy là đúng thẩm quyền.”
Chính bản thân ông Lã Ngọc Tỉnh lúc đó làm trưởng nhóm điều tra đã tìm kiếm những chứng cứ cho thấy ba thanh niên không thể phạm pháp vì các nhân chứng cũng như tang vật chứng minh họ hoàn toàn ngoại cuộc. Ông cũng cho biết có ba nghi can khác bị theo dõi nhưng do ông nghỉ hưu nên vụ án vẫn còn dang dở.

Phản cung giữa tòa


000_APH2003022534255-250.jpg
Người dân đứng bên ngoài một phiên xử ở TAND TPHCM. AFP photo
Trong các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm trước đây cả ba bị cáo đều phản cung và khai rằng bị công an bức cung và sẵn sàng nhận án tử hình để kêu oan cho việc mình không làm. Nhận xét việc này Luật sư Trần Đình Triển cho biết:

“Lâu nay trong quá trình tố tụng rất thường gặp đó là do không có sự tham gia của luật sư ra tòa thì bao giờ bị cáo cũng kêu rằng bị ép cung, bức cung và mớm cung. Nhưng để chứng minh rằng họ bị bức cung, mớm cung hay ép cung thì rất khó bởi khi đó chỉ có điều tra viên và bị cáo trong khuôn khổ của nhà tạm giam hay tạm giữ thì rất khó chứng minh có bị cưỡng ép hay không.
Tuy nhiên mấu chốt ở đây là lời của ba thanh niên đó hoàn toàn mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn ngay chính hiện trường, vật chứng của vụ án và mâu thuẫn luôn cả với người bị hại. Những điều này phải được đánh giá một cách khách quan nhưng các hội đồng xét xử hai cấp trước cũng như giám đốc thẩm vừa qua đều bỏ qua tình tiết này.”
Trong thư gửi cho báo chí Đại tá Lã Ngọc Tỉnh còn khẳng định trong quá trình điều tra vụ án 10 năm trước đây, các cơ quan điều tra đã vi phạm rất nhiều quy định luật tố tụng hình sự. Các biên bản xác định sai hiện trường. Thu giữ sai vật chứng. Nhận dạng nghi can không đúng quy định.
Nghiêm trọng nhất là bỏ qua, không điều tra nhiều nhân chứng, nhiều tình tiết quan trọng của vụ án. Công an thu giữ một lá thư từ trại giam sai tố tụng từ đó xử lý nhiều vật chứng sai quy định. Luật sư Trần Đình Triển đồng tình với những gì mà ông Tỉnh tường trình với Tòa Án Nhân Dân tối cao, ông nói:
“Chính lời khai của người bị hại đã khai rằng sự việc hiếp dâm đó có một người trên 30 tuổi, người nhỏ mặt quắc và có ria thì không đúng với tuổi tác với ba thanh niên đó. Về nguyên tắc bảo vệ và thu giữ tang vật liên quan đến chiếc áo để lại hiện trường giữa người bị hại nộp cho cơ quan tiến hành tố tụng với chiếc áo thu được tại hiện trường là hoàn toàn khác nhau.”

Bỏ qua tất cả mọi tang chứng

Bằng chứng thu được trên cơ thể của người bị hại cũng như các dấu vết được chứng minh qua kỹ thuật ADN là cơ sở để kết tội hay minh oan cho bị cáo đã bị cả ba cấp tòa án bỏ qua. Luật sư Trần Đình Triển phân tích vấn đề này như sau:
“Đối với các vụ hiếp dâm thì bao giờ cũng có sự vùng vẫy của người bị hại khi bị cưỡng bức thì phải xem xét dấu vết. Thí dụ người bị hại khai rằng kẻ nắm tay người nắm chân vậy thì dấu vết trên tay chân hay trên áo phải được giám định pháp y nơi bộ phận sinh dục có bị xâm hại hay không và nếu có tinh trùng thì phải cất giữ để giám định ADN xem có đúng của thủ phạm hay không.

ba-thanh-nien-250.jpg
Ba thanh niên Tình, Kiên, Lợi được VKSNDTC xác định bị án tù oan. Photo courtesy of nguoilaodong
Tất cả những quy định đó của pháp luật đều bị bỏ qua trong quá trình điều tra mà hội đồng xét xử cấp sơ thẩm, phúc thẩm cũng như giám đốc thẩm vừa qua không hề căn cứ các chứng cứ khách quan và trình tự quy định của pháp luật để xem xét đánh giá khách quan cho các bị cáo mà đã xử oan sai giam giữ ba thanh niên hơn mười năm, tậm chí có người trong lúc bị giam đã nhiễm HIV!”
Với những sai phạm rõ ràng như thế LS Trần Đình Triển cho rằng không thể bỏ qua vì bất cứ nguyên do nào cho dù lý do đưa ra là để bảo vệ cho một số người vi phạm nhằm che đậy khuôn mặt của hệ thống tư pháp các cấp cũng không thể chấp nhận, ông nói:
Tuy nhiên mấu chốt ở đây là lời của ba thanh niên đó hoàn toàn mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn ngay chính hiện trường, vật chứng của vụ án và mâu thuẫn luôn cả với người bị hại.
LS Trần Đình Triển
“Nếu bây giờ thừa nhận sự thật đó thì hàng loạt cán bộ sẽ bị xử lý kỷ luật thậm chí bị truy tố vì việc sai trái này thì tôi cho rằng tòa án Tối cao cần nhìn vào việc này. Chúng ta có hy sinh một số cán bộ do việc làm trái pháp luật tắc trách trước nhiệm vụ được giao mà để giữ lại niềm tin của nhân dân với cơ quan bảo vệ pháp luật còn hơn chúng ta bảo lưu một việc mà ai nhìn thấy cũng cho rằng đây là vụ án oan sai làm cho dư luận xã hội mất niềm tin.”

Tòa án Tối cao có còn là biểu tượng tối cao?

Quyết định giám đốc thẩm của Tòa án Nhân dân Tối cao đối với ba thanh niên đã làm cho gia đình và bản thân họ khốn khổ. Xã hội theo dõi rất kỹ vụ án này vì tính chất nghiêm trọng của nó.
Vụ án được giở ra trước ánh sáng cho thấy sự tùy tiện của các điều tra viên, vừa thiếu khả năng chuyên môn vừa vô trách nhiệm và thậm chí là sát nhân khi cố gán ghép các tội danh cho ba thanh niên vô tội mà bác bỏ lời khai của các nhân chứng sống. Vụ án cũng cho thấy khả năng tư duy của hội đồng xét xử. Họ không nhìn sự kiện và bằng chứng theo lời khai của nhân chứng, của người bị hại và cả bị cáo mà do quán tính chỉ nghe theo cơ quan điều tra và công tố viên khiến mọi cái được gọi là công lý trở nên vô nghĩa.
Vụ án này cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho hệ thống tư pháp Việt Nam bởi từ trước tới nay Tòa án chưa quen nghe các phản hồi từ dư luận báo chí, giới luật gia cũng như hệ thống thông tin toàn cầu về công việc mà họ được hiến pháp giao phó cho một tòa án đích thực.

Không có nhận xét nào: