Nam Nguyên, RFA
Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam Vinashin làm thất thoát 86.000 tỷ đồng gây nhiều hệ lụy. Bản chất sự việc là một vụ vỡ nợ nhưng phải chăng còn là một sự phá sản về chiến lược kinh tế quốc gia của Việt Nam?
Lớn nhất trong lịch sử
Tính toán theo kiểu dân gian, 86.000 tỷ đồng thất thoát của Vinashin tương đương 10 triệu tấn gạo xuất khẩu. 86 triệu dân Việt Nam mỗi đầu người phải gánh nợ 1.000.000đ.... làm cho thấy được mặt trái của nền kinh tế quốc gia do Nhà nước quản lý, tự tung tự tác và bị những nhóm lợi ích chi phối.
LS Trần Lâm
LS Trần Lâm ở tuổi ngoài 80, cựu thẩm phán Tòa án Nhân Tối Cao hiện sống ở Hà Nội nhận xét vụ việc qua vốn sống và thời gian phục vụ Nhà nước của ông:
LS Trần Lâm: “Nước ta từ thời lập quốc tới giờ thì chưa bao giờ có một vụ thiệt hại với số tiền lớn như thế và bây giờ vẫn còn nợ. Hơn nữa chưa có một vụ nào mà nó lại cấu thành một hệ thống, một vương quốc riêng. Tất cả nó làm rung chuyển nền kinh tế làm cho thấy được mặt trái của nền kinh tế quốc gia do Nhà nước quản lý, tự tung tự tác và bị những nhóm lợi ích chi phối. Hơn nữa việc xử trí tới nay vẫn còn lùng nhùng chưa thật dứt khoát vì nó còn dính tới người này người kia”
Phải chăng Vinashin là sự kiện kinh tế tồi tệ nhất ở Việt Nam từ trứơc tới nay? TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế độc lập ở Hà Nội trả lời câu hỏi này:
TS Lê Đăng Doanh: “Vinashin là một trường hợp nghiêm trọng nhất về qui mô với 4,2 tỷ USD đúng là điều hết sức nghiêm trọng, hơn nữa Vinashin cho đến bây giờ những gì đã làm được thì dưới xa các yêu cầu. Có lẽ cần có sự đào sâu và mổ xẻ thật kỹ vấn đề Vinashin, đâu là yếu kém của Vinashin đâu là yếu kém của quản lý Nhà nước và của những người khác nữa”
Chỉ 4 năm hoạt động trong cương vị Tập đoàn Nhà nước, tháng 7/ 2010 Vinashin vỡ nợ 86.000 tỷ đồng bao gồm 750 triệu USD trái phiếu quốc tế do chính phủ phát hành và cho vay, 600 triệu USD vay của các tổ chức tín dụng nước ngoài, phần còn lại là nợ vay của các ngân hàng trong nước và nợ của các đối tác. Tổng vốn của Vinashin là 5.900 tỷ đồng tài sản Nhà nước, nhưng Tập đoàn này đã thua lỗ cụt vốn từ cuối 2009, tồn tại trên nợ vay và hoàn toàn mất khả năng chi trả.
Đối với doanh nhân Nguyễn Trần Bạt một nhà quản lý quỹ đầu tư tầm cỡ ở Hà Nội, vụ đổ vỡ Vinashin là một vấn đề thế kỷ.
Trong bài viết được Tạp chí Pháp Lý của Hội Luật gia Việt Nam đưa lên mạng ngày 23/12/2010, giữa lúc dư luận cả nước xôn xao về vụ Vinashin từ quán cà phê vỉa hè cho tới diễn đàn Quốc Hội, ông Nguyễn Trần Bạt nhận định Vinashin không chỉ liên quan đến kinh tế mà là loại vấn đề liên quan một cách toàn diện đến tương lai “cấu trúc sống của xã hội”.
Vinashin cũng là một vấn đề chiến lược vì theo ông Bạt, nó là kết quả của một quá trình thí nghiệm mô hình tập đoàn kinh tế. Trong khi đó cương lĩnh của Việt Nam nói đến tập đoàn kinh tế, khu vực kinh tế Nhà nước như là một lực lượng chủ đạo…
Vẫn theo ông Bạt, vấn đề Vinashin ngoài ý nghĩa thua thiệt về mặt tiền bạc thuần túy, nó còn có một ý nghĩa rất quan trọng, đó là vai trò của khu vực kinh tế Nhà nước đối với toàn bộ tiến trình phát triển kinh tế và xã hội Việt Nam.
Phá sản về chiến lược?
cần phải xem xét vấn đề một cách cụ thể khoa học và có những nhận định thật là khách quanLiệu có thể xem vụ Vinashin là sự phá sản về chiến lược kinh tế quốc gia với khu vực kinh tế Nhà nước là chủ đạo hay không. Chúng tôi nêu câu hỏi này với TS Lê Đăng Doanh và được ông trả lời:
TS Lê Đăng Doanh
TS Lê Đăng Doanh: “Tôi nghĩ rằng, khái quát hóa vụ Vinashin thành phá sản toàn diện của khu vực kinh tế Nhà nước thì có lẽ còn hơi sớm. Bởi vì Vinashin là một trường hợp rõ ràng là quá thất vọng, còn những doanh nghiệp khác có thể họ có mặt này mặt khác yếu kém, nhưng các doanh nghiệp họat động trong môi trường cạnh tranh thì họ hoạt động không đến nỗi là kém lắm.
Tôi nghĩ chúng ta cần phải xem xét vấn đề một cách cụ thể khoa học và có những nhận định thật là khách quan. Điều này không có nghĩa là những vấn đề đối mặt với khu vực kinh tế Nhà nước là nhỏ hay không nghiêm trọng”
Khi vụ đổ vỡ Vinashin được chính thức công bố, ngay bản thân ông Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cũng phải biểu lộ sự bất bình. Phát biểu với báo chí tại hành lang Quốc hội ngày 21/10/2010, ông Truyền cho biết Vinashin đã từng bị thanh tra, kiểm tra, kiểm toán giám sát 14 lần trong vòng vài năm, nhưng lãnh đạo Tập đoàn này đã báo cáo không đúng để che giấu sai phạm.
Điều quan trọng nhất, theo Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền, là :“Chính phủ và các cơ quan chức năng không biết, không ai chịu trách nhiệm. Xã hội và cử tri rất bức xúc cho rằng có sự bao che cho những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật của Vinashin làm thiệt hại lớn đến tiền và tài sản của Nhà nước”
Lỗi hệ thống: trách nhiệm ở Đảng
Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị có quyền lớn như vậy thì có phải chịu trách nhiệm gì hay không?
Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An
Chúng tôi không nhắc lại những sai lầm quá nhiều của Vinashin cũng như việc các cán bộ lãnh đạo của Tập đoàn bị bắt giữ chờ ra tòa. Tuy nhiên, xin trích ý kiến từng gây xôn xao dư luận của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, được VietnamNet đưa lên mạng ngày 12/08/2010:
“Vinashin vừa là hậu quả của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vừa có căn nguyên sâu xa bắt nguồn từ lỗi hệ thống, lỗi từ gốc, từ chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương và của Bộ Chính trị xuất phát từ quan điểm rằng: xã hội xã hội chủ nghĩa phải được xây dựng dựa trên… ‘chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu’. Mô hình này lại xuất phát từ một lý thuyết cực đoan cho rằng: tư hữu về tư liệu sản xuất là nguồn gốc của mọi sự bóc lột.
Từ một lý thuyết cực đoan đi tới một mô hình kinh tế không có động lực mà thực tế cuộc sống đã bác bỏ. Chính phủ là người thực thi chủ trương đó của Đảng về mặt nhà nước. Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị có quyền lớn như vậy thì có phải chịu trách nhiệm gì hay không? Với thể chế như hiện nay ở Việt Nam thì mọi thành công hay thất bại đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng”
Điều gọi là lỗi hệ thống, như nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nói, có thể vẫn tái tục vì Chính phủ theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, thay vì công bố phá sản Vinashin theo luật, đã chẻ nhỏ tập đoàn này thành ba mảnh, tuy vẫn duy trì một Tập đòan Công nghiệp tàu thủy Vinashin nhưng hai phần còn lại đưa về các tập đoàn và Tổng công ty Nhà nước khác.
Do vậy có khả năng hàng chục thành viên cũ của Vinashin và các chủ quản mới là Tập đòan Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam có thể phải tham gia tranh tụng ở Luân Đôn. Nguyên do là một trong các chủ nợ khoản vay 600 triệu USD mà Vinashin không thực hiện nghĩa vụ thanh toán lần đầu 60 triệu USD vào tháng 12 năm ngoái, đã nạp đơn khởi kiện Vinashin và 21 công ty con tại tòa án thương mại Luân Đôn vào đầu tháng 11 vừa qua.
Tồi tệ nhất trong lịch sử
Lúc đó, trả lời chúng tôi, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương ở Hà Nội nhận định là nguyên đơn khởi kiện Elliot VIN kiện chỉ 9% khoản nợ tức gần 60 triệu USD và chính phủ nên tìm cách nào đó để giải quyết, thí dụ như cho Vinashin vay để trả nợ, để dàn xếp sự việc thay vì để vụ kiện diễn ra. TS Võ Trí Thành phát biểu:
TS Võ Trí Thành: “Trong hoạt động kinh tế cũng như trong phát triển, vấn đề đôi khi không nằm ở con số là nhỏ hay to mà vấn đề là những ý nghĩa và những cách hành xử sau con số ấy. Tôi nghĩ những thứ ấy nhiều khi nó quan trọng hơn”
Không biết đã có những dàn xếp như thế nào, nhưng theo tin ghi nhận thì các bị đơn Việt Nam đã nhận được thông báo của Tòa án Luân Đôn từ ngày 16/11 và như thế vụ kiện đã chính thức khởi sự về nguyên tắc. TS Võ Trí Thành cũng như một số chuyên gia khác có chung quan điểm là nếu vụ kiện diễn ra thì sức lan tỏa nó rất lớn ảnh hưởng các đánh giá quốc tế đối với chỉ số tín nhiệm nợ của Chính phủ Việt Nam.
Những hậu quả của vụ vỡ nợ Vinashin đã và đang bắt đầu trong bối cảnh Chính phủ chuẩn bị tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có khu vực kinh tế Nhà nước.
Vinashin, gọi nó là sự kiện kinh tế tồi tệ nhất từ trước đến nay ở Việt Nam quả thật không sai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét