Pages

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

Các nguyên tắc căn bản của dân chủ

Melvin I. UrofskyDemocracy Papers
Nhân dịp khánh thành nghĩa trang quốc gia Gettysburg, giữa lúc đang diễn ra một cuộc nội chiến lớn lao để gìn giữ Hiệp Chúng Quốc như một quốc gia thống nhất, tổng thống Abraham Lincoln, bằng những lời hào hùng kết thúc bản tuyên ngôn của mình, đã cho chúng ta một định nghĩa về dân chủ có lẽ là hay nhất trong lịch sử Mỹ. Khi nói “chính quyền của dân, do dân và vì dân” tổng thống muốn nói là các điều cốt yếu của thể chế dân chủ, mà tổng thống đã mô tả một cách sâu sắc, đều có thể áp dụng cho tất cả các quốc gia mong muốn lập nên một xã hội dân chủ.
Dân chủ là điều khó. Có lẽ chế độ dân chủ là một một chế độ phức tạp và khó nhất trong mọi chế độ cai trị. Chế độ này đầy rẫy những căng thẳng và mâu thuẫn. Nó đòi hỏi mọi người trong chế độ phải kiên trì nỗ lực để giữ cho chế độ hoạt động. Chế độ dân chủ không phải là để cai trị hữu hiệu mà là để cai trị có trách nhiệm. Một chính phủ dân chủ có thể không hành động nhanh bằng một chính phủ độc tài, nhưng một khi đã làm gì thì chính phủ dân chủ có thể có được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của dân chúng. Chế độ dân chủ, như thể hiện tại Mỹ, không bao giờ là một chế độ hoàn mỹ mà là một chế độ luôn luôn tiến hóa. Tổ chức chính quyền tại Mỹ thay đổi rất ít trong hai trăm năm qua. Nhưng bên trong cái hình thức bề ngoài đó ta sẽ thấy có nhiều sự thay đổi lớn. Tuy vậy đa số người Mỹ đều tin rằng những nguyên tắc cơ bản của chế độ cai trị của họ là trực tiếp xuất phát từ những khái niệm được minh định bởi các người phác thảo Hiến pháp năm 1787. Trong các tài liệu này chúng tôi đã cố gắng giải thích các nguyên tắc này, đồng thời cũng đưa ra bối cảnh lịch sử đưa đến sự hình thành của các nguyên tắc đó và trình bầy lý do tại sao những nguyên tắc đó lại quan trọng đối với việc hoạt động của cơ cấu chính quyền tại Mỹ nói riêng cũng như là đối với chế độ dân chủ nói chung. Vì dân chủ là một chế độ luôn luôn tiến hoá nên tài liệu này cũng đưa ra các khiếm khuyết của cơ cấu chính quyền tại Mỹ cùng những điều mà Mỹ đã làm để khắc phục các khiếm khuyết đó. Không ai có thể nói rằng mô thức Mỹ, tuy đã thành công tại Mỹ, là một mô thức khuôn mẫu cho tất cả các chế độ dân chủ khác. Mỗi quốc gia phải đưa ra một hệ thống chính quyền thích hợp với văn hóa và lịch sử của mình. Tuy nhiên các tài liệu này đã xác định các nguyên tắc căn bản cần phải có, dưới hình thức này hay hình thức khác, trong tất cả mọi chế độ dân chủ. Chẳng hạn như thể thức chi tiết để làm luật có thể khác nhau rất nhiều, nhưng thể thức nào cũng phải tuân theo cái nguyên tắc căn bản là phải có sự tham gia của dân chúng và dân chúng phải cảm thấy là luật đó là của mình đưa ra.
Các nguyên tắc đó là gì? Chúng tôi nhận định là có 11 nguyên tắc mà chúng tôi cho là các nguyên tắc then chốt để hiểu rõ chế độ dân chủ đã tiến triển ra sao và hoạt động như thế nào tại Mỹ.
Chính quyền theo hiến pháp: việc làm luật phải được thực hiện theo một số khuôn khổ đã được quy định. Phải có những cách thức đã được chấp thuận để làm luật và sửa luật, và phải có một số lãnh vực – chẳng hạn như quyền con người – không bị chi phối bởi những ý kiến nông nổi nhất thời của đa số. Hiến pháp là luật, nhưng hiến pháp còn quan trọng hơn thế nữa. Hiến pháp là một văn kiện cơ hữu của chế độ; nó quy định quyền hạn của các ngành trong chính quyền đồng thời cũng giới hạn các quyền lực của chính quyền. Một đặc tính then chốt của chế độ cai trị theo hiến pháp là cái khung hiến pháp cơ bản này không thể được thay đổi theo ý kiến nhất thời của nhóm đa số. Các thay đổi đòi hỏi phải có sự thỏa thuận được phát biểu một các rõ ràng và minh bạch của người dân. Tại Mỹ từ năm 1787 tới nay mới chỉ có 27 lần thay đổi hiến pháp. Các người soạn thảo hiến pháp đã cố tình làm cho việc thay đổi hiến pháp không phải là không thực hiện được nhưng là việc rất khó khăn. Phần lớn các thay đổi hiến pháp đó đã mở rộng dân chủ bằng cách nới rộng các quyền cá nhân và xóa bỏ các sự khác biệt dựa trên chủng tộc và phái tính. Không có một sự sửa đổi hiến pháp nào đã bị coi là không quan trọng, trái lại tất cả mọi sửa đổi đó đều đã được đa số dân chúng tán thành.
Bầu cử dân chủ: Dù cơ cấu chính quyền có được tổ chức tốt như thế nào chăng nữa thì vẫn chưa được coi là dân chủ trừ phi các người đứng đầu chính quyền đó đã được dân chúng tự do bầu lên theo một thể thức được coi là công bằng và rộng mở cho tất cả mọi người. Các chế độ bầu cử có thể khác nhau, nhưng có những đặc điểm cốt yếu chung cho mọi xã hội dân chủ. Đó là: mọi người dân có đủ điều kiện đều có quyền bỏ phiếu, mỗi người phải được bảo vệ để không bị ảnh hưởng quá mức khi bỏ phiếu, và thể thức đếm phiếu phải công khai và trung thực. Vì nhầm lẫn và gian lận có thể xẩy ra khi có một số lớn người đi bỏ phiếu, nên cần phải cẩn thận để giảm thiểu những sai lầm này càng nhiều càng tốt. Cần làm như vậy để phòng khi có vấn đề hay khi kết quả bầu cử rất xít xao – như trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 tại Mỹ- thì dân chúng sẽ hiểu rằng, mặc dầu có khó khăn như vậy, nhưng họ vẫn phải tôn trọng kết quả bầu cử.
Thể chế liên bang, các chính quyền tiểu bang và chính quyền địa phương: Hệ thống chính quyền liên bang tại Mỹ có nét độc đáo là quyền lực và thẩm quyền đều được chia ra và thi hành giữa các chính quyền toàn quốc, chính quyền tiểu bang và chính quyền địa phương. Tuy mô thức này có thể không thích hợp với những nước khác nhưng ta có thể rút ra được bài học sau đây. Chính quyền càng xa dân thì lại càng bớt hữu hiệu và càng ít được dân tin. Vì có chính quyền tiểu bang và chính quyền địa phương nên dân Mỹ có thể gần với những viên chức do họ bầu lên. Họ có thể gắn liền các chính sách và chương trình với những người đã ban hành và thi hành các chính sách và chương trình đó. Hơn nữa, chính sách phi tập trung quyền hành cũng làm cho việc tiếm quyền khó hơn. Nguyên tắc phi tập trung quyền lực và quyền hành trong các chế độ dân chủ có thể là không quan trọng lắm trong một nước nhỏ và tương đối thuần nhất về chủng tộc, nhưng nguyên tắc này là một cơ năng bảo vệ quan trọng trong một nước lớn và không thuần nhất về chủng tộc như Hoa Kỳ.
Làm luật: Lịch sử cho thấy là con người đã làm luật từ 5 ngàn năm. Nhưng các xã hội cũng đã có những khác nhau rất nhiều trong phương pháp đặt ra những luật lệ cho xã hội của mình, từ hình thức chiếu chỉ của thiên tử tới cách biểu quyết theo đa số tại thôn làng. Tại Mỹ luật được làm ra tại nhiều cấp, từ hội đồng tỉnh tới viện lập pháp của tiểu bang và lên tới Quốc hội Mỹ. Nhưng ở cấp nào cũng đều có sự đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp rất nhiều của dân chúng. Các cơ quan làm luật nhận thức là họ phải chịu trách nhiệm đối với cử tri, và nếu họ không đưa ra các luật hợp với quyền lợi của dân chúng thì họ sẽ bị thất cử trong cuộc bầu phiếu sắp tới. Điểm cốt yếu trong việc làm luật theo thể thức dân chủ không phải là cái cơ chế hoặc ngay cả cái diễn đàn nơi làm luật mà là tinh thần chịu trách nhiệm trước dân chúng và yêu cầu phải đáp ứng những nguyện vọng của dân chúng.
Ngành tư pháp độc lập: Alexander Hamilton trong cuốn The Federalist (Bàn về chủ nghĩa Liên bang) xuất bản năm 1788-89 có nhận xét rằng các tòa án, chẳng có sức mạnh của võ khí mà cũng không có thế lực của đồng tiền, sẽ là “bộ phận ít nguy hiểm nhất” trong chính quyền. Tuy nhiên trong một chế độ dân chủ, tòa án có thể rất mạnh và về nhiều phương diện tòa án lại chính là cơ quan có chức năng lý giải và áp dụng những cưỡng chế do hiến pháp quy định. Tại Mỹ tòa án có thể tuyên bố một đạo luật do Quốc hội hay các viện lập pháp tiểu bang ban hành là không có giá trị vì trái Hiến pháp và tòa án cũng có thể ra lệnh cho tổng thống phải đình chỉ một hành động đi ngược với Hiến pháp. Cơ quan bảo vệ quyền cá nhân mạnh nhất tại Mỹ chính là hệ thống tòa án. Sở dĩ như vậy là vì đa số các thẩm phán đều được bổ nhiệm tại chức suốt đời và do đó có thể chuyên trách về các vấn đề pháp lý mà không bị chi phối vì chính trị. Tuy không phải các tòa án hiến pháp nào cũng như nhau, nhưng phải có một cơ quan có thẩm quyền giải thích xem Hiến pháp nói gì và quyết định là khi nào các bộ phận của chính quyền đã vượt quá quyền hạn của mình.
Quyền hạn của tổng thống: Tất cả các xã hội hiện đại đều cần có một người chủ chốt trong ngành hành pháp để thi hành các phần vụ của chính quyền, từ công việc hành chính dản dị đến việc chỉ huy lực lượng quân đội để bảo vệ quốc gia trong thời chiến. Nhưng phải có một đường phân ranh rất tế nhị giữa việc trao cho hành pháp đủ quyền để làm nhiệm vụ và đồng thời cũng giới hạn quyền lực đó để tránh nạn độc tài. Tại Mỹ, Hiến pháp đã kẻ ra những lằn ranh rõ rệt giới hạn quyền lực của tổng thống. Tuy chức vụ tổng thống là một chức vụ nhiều quyền lực nhất thế giới, nhưng cái quyền lực đó lệ thuộc vào sự hậu thuẫn của người dân và vào khả năng mà vị tổng thống đương nhiệm có quan hệ làm việc tốt với các ngành khác trong chính quyền. Về điểm này, lại một lần nữa cách tổ chức thực sự của văn phòng của vị đứng đầu hành pháp ra sao không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng là những giới hạn quyền lực của văn phòng đó phải do các nguyên tắc “ phân chia quyền hành” ấn định. Trong một chế độ dân chủ, tổng thống phải vận dụng tài khéo léo về chính trị để cai trị bằng cách tạo ra một cái khung hợp tác với ngành lập pháp và nhất là với toàn thể dân chúng. Mặt khác dân chúng cũng cần phải cảm thấy an tâm là những điều hạn chế của hiến pháp đủ bảo đảm để tổng thống hay thủ tướng thực sự là người phục vụ cho dân chứ không phải là người chủ của dân.
Vai trò của tự do truyền thông: Liên hệ mật thiết với quyền được biết của dân chúng là quyền tự do truyền thông- bao gồm báo chí, truyền thanh và truyền hình – để cho giới truyền thông có thể theo dõi việc làm của chính quyền và báo cáo về các hoạt động đó mà không sợ bị truy tố. Trước kia theo thông luật của Anh thì chỉ trích nhà vua (tức là toàn thể chính quyền) bị khép vào tội phỉ báng có tính các xúi dục nổi loạn. Sau này Mỹ đã bãi bỏ tội đó và thay vào đó là một lý thuyết về thông tấn hỗ trợ rất tốt cho dân chủ. Trong một quốc gia phức tạp, người công dân không thể nào bỏ công ăn việc làm để đi quan sát các phiên xử, ngồi nghe tranh luận trong các viện lập pháp, hay điều tra các hoạt động của chính phủ. Nhưng giới truyền thông có thể thay thế cho người công dân để báo cáo qua báo chí và các phương tiện truyền thông những điều mà họ phát hiện để người công dân có thể căn cứ vào đó mà hành động. Trong một chế độ dân chủ, người dân nhờ giới truyền thông để phát hiện tham nhũng, phanh phui các sai trái trong việc thi hành công lý, hay các hoạt động không hữu hiệu hay thiếu công hiệu của cơ quan công quyền. Không có tự do báo chí thì không thể nào là một quốc gia tự do. Một dấu hiệu của chế độ độc tài là không có tiếng nói của giới truyền thông.
Vai trò của các nhóm lợi ích: Trong thế kỷ thứ 18 và thực ra là cho mãi tới thế kỷ thứ 19, việc làm luật vẫn còn là một cuộc đối thoại giữa cử tri và những đại diện dân cử của họ trong Quốc hội hay tại chính phủ tiểu bang hay chính quyền địa phương. Vì lúc đó dân số hãy còn ít, các chương trình chính phủ chưa có nhiều và việc thông tin hãy còn đơn giản nên người công dân không cần phải nhờ những đoàn thể trung gian để bầy tỏ quan điểm của mình. Nhưng sang đến thế kỷ 20, xã hội trở nên phức tạp hơn và vai trò của chính quyền cũng mở rộng ra. Bây giờ có nhiều vấn đề mà cử tri muốn thảo luận. Vì vậy để đạo đạt quan điểm của họ về một vấn đề nào đó các công dân đã lập ra các nhóm vận động, các nhóm tranh đấu cho lợi ích công và tư, và các tổ chức phi chính phủ (NGO) chuyên tâm lo về một vần đề. Trong nội bộ nước Mỹ cũng đã có nhiều chỉ trích về khía cạnh này của chế độ dân chủ Mỹ. Có người lại còn nói rằng những nhóm lợi ích có nhiều tiền có thể nói lên tiếng nói của mình nhiều hơn là các nhóm có ít tài nguyên hơn. Chỉ trích như vậy cũng có phần đúng nhưng thực tế là có hàng trăm những nhóm như vậy đã giúp công chúng và các nhà làm luật hiểu rõ hơn về một số vấn đề và nhờ vậy mà họ giúp cho các thường dân trong một thời đại phức tạp có thể bầy tỏ quan điểm của mình với các nhà làm luật. Bước sang thời đại thông tin trên mạng thì con số của các tiếng nói còn tăng thêm hơn nữa và các NGO sẽ giúp tinh lọc và tập trung quyền lợi của công dân một cách hữu hiệu hơn.
Quyền được biết của quần chúng: Trước thế kỷ này, nếu người dân muốn biết chính quyền đang làm việc ra sao thì thường họ chỉ cần ra trụ sở tỉnh hay ra nơi tụ họp dân chúng (như ở cổ Hy lạp) để nghe người ta thảo luận hay bàn tán. Nhưng ngày nay chúng ta phải giao tiếp với những cơ cấu hành chánh lớn lao và phức tạp, với hàng trăm trang luật lệ và quy định và với một diễn trình làm luật, tuy đã công khai quy định trách nhiệm, nhưng đối với đa số dân chúng có lẽ cũng vẫn còn rối mù khó hiểu. Trong một chế độ dân chủ, chính quyền phải minh bạch càng nhiều càng tốt. Điều này nghĩa là mọi sự suy xét và quyết định của chính quyền phải chịu sự xem xét của dân chúng. Hiển nhiên là không phải bất cứ mọi hành động nào của chính quyền cũng phải công khai, nhưng người công dân có quyền biết là tiền thuế của họ đang được chi tiêu như thế nào, công việc thực thi luật pháp có hữu hiệu và đích đáng không, hay các đại diện dân cử của họ có hành sử chức năng của mình một cách có trách nhiệm hay không. Thể thức cung cấp các thông tin đó cho dân chúng cũng khác nhau tùy theo từng chính quyền, nhưng không một chính quyền dân chủ nào có thể làm việc hoàn toàn bí mật được.
Bảo vệ quyền của thành phần thiểu số: Nếu hiểu “dân chủ” là cai trị theo đa số thì một trong những vấn đề lớn trong chế độ dân chủ là đối đãi làm sao với các thành phần thiểu số. Khi nói “thành phần thiểu số” không phải chúng ta muốn nói tới những người đã không bỏ phiếu cho đảng thắng cử mà là những thành phần vì lý do chủng tộc, tôn giáo, sắc tộc đã khác hẳn với đa số. Tại Mỹ, vấn đề lớn cho tới nay là vấn đề chủng tộc. Phải qua một cuộc nội chiến đẫm máu mới giải phóng được các người nô lệ da đen, rồi phải mất thêm một thế kỷ nữa thì dân da mầu mới được quyền tự do sử dụng các quyền Hiến pháp đã quy định cho họ. Bình đẳng chủng tộc cho tới nay vẫn còn là vấn đề mà nước Mỹ cần phải giải quyết. Nhưng đó cũng là một phần trong bản chất tiến hóa của dân chủ, tức là nỗ lực để trở nên bao quát hơn và khiến cho những thành phần khác với đa số không những được bảo vệ để khỏi bị ngược đãi mà lại còn có cơ hội để tham gia toàn diện với tư cách bình đẳng của một người công dân. Có rất nhiều thí dụ về các quốc gia đã đối xử với các thành phần thiểu số một cách đẫm máu và ghê gớm, vụ tàn sát dân Do thái của Đức Quốc xã chỉ là một trường hợp rõ rệt nhất. Nhưng không một xã hội nào có thể muốn được coi là dân chủ nếu vẫn còn loại bỏ một cách có hệ thống những thành phần xã hội đặc biệt nào đó ra khỏi sự bảo vệ toàn diện của luật pháp.Quân sự chịu sự chi phối của dân sự: Vào thời trước, trách nhiệm chủ yếu của một lãnh tụ là phải đứng đầu lực lượng quân sự hoặc để bảo vệ đất nước hoặc để chinh phục các nước khác. Điều quá thông thường là một vị tướng tài được dân chúng hâm mộ thường tìm cách chiếm quyền cai trị bằng võ lực. Người nào nắm được quân đội đều có thể loại bỏ các thế lực khác. Ngày nay, ta cũng thấy biết bao nhiêu là trường hợp một đại tá hay một tướng đã dùng quyền lực của quân đội để đảo chính lật đổ chính quyền dân sự. Trong một chế độ dân chủ, quân đội không những phải đặt dưới sự kiểm soát thực sự của chính quyền dân sự mà lại còn phải có một có một nếp tư duy trong đó quân đội tự coi mình là một bộ phận phục vụ cho xã hội chứ không phải kẻ trị vì xã hội. Điều này có thể dễ thực hiện khi có một quân đội công dân trong đó các sĩ quan, gồm người của tất cả thành phần trong xã hội, sau một thời gian phục vụ trong quân đội lại trở về đời sống dân sự. Nhưng nguyên tắc thì vẫn như vậy: quân sự luôn luôn phải phục tùng; vai trò của nó là bảo vệ dân chủ chứ không phải là để cai trị. Từ các bài tiểu luận này ta có thể rút ra một số chủ đề tổng quát. Chủ đề đầu tiên, và cũng là chủ đề quan trọng nhất, là trong một chế độ dân chủ nguồn quyền lực tối hậu là nhân dân. Hiến pháp của Mỹ, ngay trong phần mở đầu đã mạnh dạn ghi rõ: “ Chúng tôi, Nhân dân của Hiệp Chủng quốc… ban bố và lập ra bản Hiến pháp này.” Tất cả quyền lực của chính quyền phải xuất phát từ nhân dân, và phải được nhân dân công nhận là hợp pháp. Việc hợp pháp hóa này được thể hiện bằng nhiều cách trong đó có các diễn trình làm luật và bầu cử tự do và công bằng. Một nguyên tắc chung thứ hai là phải có sự phân chia quyền hành để cho không một bộ phận nào trong chính quyền có thể đủ mạnh để lấn áp ý nguyện của dân chúng. Tuy chức vụ tổng thống thường được coi là chức vụ mạnh nhất tại Mỹ, nhưng Hiến pháp cũng giới hạn các quyền đó và đòi hỏi vị nguyên thủ quốc gia phải cộng tác hài hòa với các bộ phận chính quyền khác cũng như với các cử tri. Tuy việc chính quyền dân sự có quyền kiểm soát quân sự có vẻ khiến cho tổng thống có nhiều quyền, nhưng nếp tư duy cơ bản của quân đội trong một chế độ dân chủ ngăn chặn việc hành sử sai trái cái quyền đó. Các tòa án cũng có chức năng giới hạn quyền lực không những của hành pháp mà còn giới hạn cả ngành lập pháp nữa. Trong một chế độ dân chủ, chính quyền phải giữ quân bằng, và tất cả mọi ngành trong chính quyền phải coi việc gìn giữ sự quân bằng đó là điều khôn ngoan và cần thiết. Nguyên tắc thứ ba là phải tôn trọng quyền của cá nhân và của các thành phần thiểu số. Thành phần đa số không thể dùng quyền lực của mình để tước bỏ quyền tự do cơ bản của một cá nhân. Trong một chế độ dân chủ, điều này có thể khó, nhất là khi các thành phần khác nhau trong dân chúng lại có những quan điểm khác nhau về các vấn đề then chốt. Nhưng một khi chính quyền đã tước bỏ quyền của một nhóm thì quyền của toàn thể dân chúng cũng bị đe dọa. Các chủ đề này đều thể hiện qua loạt bài này về Dân chủ trong đó mỗi đề tài đều hỗ trợ cho các nguyên tắc bao quát này. Ý nguyện của dân chúng được bảo đảm qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng, qua thể thức làm luật, qua việc báo chí được tự do xem xét hoạt động của chính quyền, và qua việc dân chúng có quyền biết chính phủ đang làm gì. Ý nguyện đó được phát biểu qua các nhóm lợi ích, dù là không được đồng đều như nhau. Tại Mỹ, việc phân chia quyền hành là điều bắt buộc theo Hiến pháp; và Hiến pháp là một văn kiện mà nhân dân Mỹ đều hầu như hết sức tôn kính. Ý nguyện đó còn được thấy qua các giới hạn áp đặt lên chính quyền dưới hình thức dân sự kiểm soát quân sự và qua thể chế liên bang. Ngoài ra quyền của các thành phần thiểu số còn được bảo đảm bằng nhiều cách, trong đó cách quan trọng hơn cả là việc có một ngành tư pháp độc lập.
Nhưng có thể du nhập các nguyên tắc này vào những nền văn hoá khác không? Câu trả lời không phải là giản dị vì sự thành công của bất cứ hệ thống chính quyền nào còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố chồng chéo lên nhau. Trong lịch sử Mỹ, khi Mỹ còn là thuộc địa, chính phủ hoàng gia tại Luân-đôn không thể kiểm soát chặt chẽ thuộc địa Mỹ ở xa nên quyền hành đều được trao cho các cơ quan lập pháp địa phương. Cách sắp đặt này phát sinh ra hệ thống liên bang, gói ghém trong một Hiến pháp phản ánh bối cảnh lịch sử đặc biệt của nhân dân Hoa kỳ. Vì thấy vua nước Anh có quá nhiều quyền thế nên mới đưa ra việc giới hạn quyền lực của hành pháp, mặt khác việc hình thành lực lượng dân quân đã đặt nền tảng cho việc dân sự kiểm soát quân sự. Quyền cá nhân là một vấn đề khó hơn. Nhưng song song với sự tiến hoá của chế độ dân chủ tại Mỹ thì quyền của dân chúng, mới đầu chỉ dành riêng cho những đàn ông da trắng có tài sản, đã được nới rộng cho tới mọi người nam nữ thuộc mọi chủng tộc, mầu da và tín ngưỡng. Sự đa dạng của xã hội, mới đầu được coi là một trở ngại cho chính quyền, đã trở nên một trong những thế mạnh của dân chủ. Trong các quốc gia dân chủ lớn, với nhiều dân tộc, tôn giáo và văn hóa như vậy thì bất cứ một toan tính nào nhằm áp đặt một nếp sống đồng nhất sẽ hoàn toàn thất bại. Thay vì là chống lại tính đa dạng của xã hội, nhân dân Mỹ đã coi đó là nền tảng của lòng tin vào dân chủ của họ. Các quốc gia khác, khi họ thí nghiệm với chế độ dân chủ – mà quả thực áp dụng dân chủ luôn luôn là một thí nghiệm- sẽ cần phải xét xem những đặc điểm nêu ra trong các bài này có thể được tạo ra và duy trì một cách tốt nhất trong nền văn hóa của mình như thế nào. Không có một cách duy nhất nào cả; hay nếu nói theo một câu thơ của thi sĩ Walt Whitman, dân chủ là muôn mặt và có khi lại còn tự mâu thuẫn nữa. Nhưng nếu chúng ta luôn theo sát những nguyên tắc cơ bản không bao giờ thay đổi – nghĩa là quyền tối hậu thuộc về nhân dân, quyền lực của chính quyền phải được giới hạn, và quyền con người phải được bảo vệ – thì sẽ có nhiều cách để đạt được các mục đích đó.
Bản Việt ngữ © Học Viện Công Dân 2006
Sơ lược về tác giả: Chủ biên của loạt bài này, giáo sư Melvin I. Urofsky, là giáo sư sử học và chính sách công tại Virginia Commonwealth University và cũng là tác giả hay chủ biên của hơn 40 cuốn sách. Các tác phẩm mới nhất của ông là The Warren Court (2001), và A March of Liberty: A Constitutional History of the United States (2nd ed., 2001) viết cùng với Paul Finkelman.

Không có nhận xét nào: