“Nếu đảng CSVN đã ý thức được nguy cơ sụp đổ, thì họ phải tự tháo gỡ bằng cách thật sự mở rộng sinh hoạt dân chủ cho toàn xã hội, cụ thể là từ cuộc Bầu cử Đại biểu Quốc hội kỳ tới.”
Với chiều hướng bất ổn trong xã hội mỗi ngày một gia tăng, chúng ta có thể tin tưởng được là ngày thay đổi lớn của Việt Nam đang ở không xa. Tiến trình thay đổi tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố cần và đủ khác nhau nhưng dù thay đổi từ đâu, nước Việt rồi cũng sẽ có Dân chủ, người Việt rồi sẽ có Tự Do. Nhu cầu khẩn thiết của chúng ta là làm sao để sự thay đổi đó đến càng sớm càng tốt, và CHUYỂN THỂ ra sao để không một thành phần dân tộc nào phải trở thành nạn nhân của sự thay đổi sắp tới. Đó là thử thách vô cùng cam go, đòi hỏi sự kết tụ của những tấm lòng đủ lớn để dung chứa cả một dân tộc.
Nhưng thể hiện tinh thần nhân bản, bao dung không có nghĩa là thụ động chờ đảng CSVN cởi mở một cách nhỏ giọt như là một hình thức “ban bố dân chủ”. Muốn tránh tình trạng thụ động đó, lực lượng dân chủ cần phải là một thực lực chính trị có tầm vóc. Đối với một chế độ có quá trình chiếm và giữ chính quyền bằng bạo lực thì chỉ có sức mạnh mới có thể hoá giải sự thống trị. Sức mạnh đó không cần thiết phải là chiến tranh hay khủng bố, bạo lực… mà là một sức mạnh đa diện từ những kết hợp chặt chẽ của các tổ chức đấu tranh và sự ủng hộ của mọi giới đồng bào. Thế liên kết lớn của một thực lực đối lập là nhu cầu khẩn thiết để có sức mạnh buộc đảng CSVN phải chấp nhận một cuộc Tổng Tuyển Cử Tự Do, nhằm thành lập một chính phủ dân chủ pháp quyền qua con đường dân chủ đích thực.
Con đường tháo gỡ bế tắc chính trị hiện nay rất phức tạp và khó khăn, song chúng ta không có con đường nào khác hơn là phải quyết liệt thúc đẩy nó bằng mọi thiện chí có được. Với vị trí đương quyền, đảng CSVN có trách nhiệm đầu tiên và lớn nhất trong việc tạo điều kiện tháo gỡ các bế tắc đang có.
Nếu đảng CSVN đã ý thức được nguy cơ sụp đổ, thì họ phải tự tháo gỡ bằng cách thật sự mở rộng sinh hoạt dân chủ cho toàn xã hội, cụ thể là từ cuộc Bầu cử Đại biểu Quốc hội kỳ tới.
Nếu thành phần Quốc hội Việt Nam trong thời gian tới có sự tham dự với một tỷ lệ đáng kể của những ứng cử viên Đại biểu Độc lập (không Cộng sản) từ 30% trở lên, như trường hợp nước Ba Lan năm 1989, thì nước ta có thể có cơ hội thay đổi thể chế một cách hợp hiến, ôn hoà và dân chủ.
Nếu những Đại biểu không Cộng sản có môi trường và điều kiện thực thi chức năng dân cử một cách tự do và độc lập, thì việc thúc đẩy cải cách chính trị sẽ có nhiều cơ may xúc tiến; cụ thể là việc thành hình một Hiến pháp dân chủ, tạo điều kiện dân chủ hoá xã hội nhanh hơn, và đa đảng hoá cơ chế lãnh đạo quốc gia cụ thể hơn. Được như vậy thì đó là một diễn tiến hoà bình tốt đẹp nhất – một con đường thay đổi ôn hoà nhất.
Một yếu tố quan trọng khác không thể thiếu là để cho tiến trình dân chủ hoá đó được thực hiện đúng nghĩa, nhà nước CSVN cần phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận, sinh hoạt chính trị và lập hội. Cùng lúc đó, phải trả tự do cho những người bị kết án vì quá trình bày tỏ tư tưởng, đòi hỏi công lý, tự do hay vận động, đấu tranh ôn hoà cho dân chủ.
Chúng ta hy vọng sao cuộc thay đổi thể chế chính trị của nước ta sẽ được thúc đẩy bằng một tiến trình thực thi dân chủ thật sự ôn hoà. Được như vậy thì diễn tiến dân chủ hoá sẽ tốt đẹp và giảm thiểu được tối đa cảnh rối loạn khó tránh khỏi của buổi giao thời.
Nếu đảng CSVN lắng nghe nguyện vọng của nhân dân và tự thể hiện tinh thần đổi mới thật sự bằng các chính sách cải cách chính trị một cách cụ thể thì đó là điều may cho đất nước. Nếu những người lãnh đạo Cộng sản vẫn tiếp tục ngoan cố, thì chế độ độc tài của họ cũng sẽ sớm bị sụp đổ bởi sự vùng dậy của nhân dân. Với tình trạng bất ổn xã hội đang gia tăng cường độ như hiện nay, việc xảy ra các biến động lớn chỉ còn là vấn đề thời gian. Một khi sự bất ổn chính trị trở nên nghiêm trọng, nhà cầm quyền sẽ mất dần sự kiểm soát và đầu mối của tiến trình sụp đổ chế độ sẽ bắt đầu.
Chúng ta đang đối đầu với một thử thách lớn là tiến hành việc thay đổi như thế nào để công lý được thực thi, công bằng được phục hồi mà dân tộc ta không phải chứng kiến thêm cảnh tương tàn, đổ máu. Chúng ta không không thể để cho bạo lực, hận thù… trở thành động lực thúc đẩy sự đổi thay. Nước Việt sẽ phải có Dân Chủ, người Việt sẽ phải có Tự do song chúng ta phải kiên quyết TRÁNH đánh đổi bằng máu xương của bất cứ thành phần dân tộc nào, kể cả thành phần cầm quyền bất nhân bất xứng hiện nay.
Lịch sử sẽ phán xét một cách công bằng những gì đã xảy ra và những ai đã phạm tội với quốc gia, dân tộc – dù là ở phía nào, còn sống hay đã chết.
Chính phủ dân chủ sắp tới sẽ xét xử công minh những kẻ đã có hành động lạm dụng quyền lực cố tình giết hại đồng bào và phản bội Tổ quốc, tương tự như những tấm gương đã thấy ở các nước độc tài vừa được dân chủ hoá trên thế giới.
Chúng ta tin tưởng rằng một khi đất nước có Dân chủ và Tự do đích thực, thì phần lớn các vấn nạn của nước nhà sẽ được giải quyết một cách tốt đẹp. Cho nên, điều chúng ta phải đạt cho bằng được là chấm dứt chế độ độc tài toàn trị ở nước ta. Muốn tạo điều kiện để bảo toàn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, quyền lãnh đạo đất nước phải thật sự thuộc về toàn dân chứ không thể phó thác trong tay một đảng độc tài.
Chỉ có Dân chủ Tự do thật sự mới có thể đem lại được cho mọi tầng lớp nhân dân quyền được sống đúng nghĩa con người trong một đất nước thật sự có hoà bình, tự do, ấm no và tiến bộ.
Lâm Thế Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét