Pages

Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012

Sự suy thoái chính trị và lối thoát của Đảng Cộng sản Việt Nam

 
Trần Minh Khôi


(Tính viết một series về cuộc “cách mạng khứ hồi” ở Việt Nam nhưng giờ lại đâm ra làm biếng. Trời bão tuyết kiểu này chỉ trùm mền sip whiskey đọc Lưu Hương Ký là ấm thôi…hehe. Ghi lại cái đoạn kết ở đây, mai mốt hết làm biếng sẽ viết tiếp phần đầu.)
Ngay cả những người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam lúc này cũng phải nhìn nhận rằng đảng của họ đang suy thoái. Sự suy thoái này đã xãy ra từ lâu. Nhưng, cũng như với các tiến trình suy thoái chính trị xưa nay trong lịch sử, người ta chỉ nhận ra chúng ở giai đoạn cuối. Tâm lý phủ nhận suy thoái nằm trong bản năng xã hội của con người, cho đến khi khối ung thư tràn lan…

Có hai dấu hiệu, và cũng là lý do, đưa đến suy thoái chính trị trong lịch sử nhân loại, theo Fukuyama, viết trong cuốn Những Nguồn gốc của Trật tự Chính trị.
Dấu hiệu thứ nhất của suy thoái là ở sự đổ vỡ của các định chế cũ, biểu hiện qua các quan hệ giữa nhà nước và xã hội dân sự, và sự thất bại trong việc thiết lập những định chế mới phù hợp với điều kiện xã hội mới.
Dấu hiệu thứ hai của suy thoái là ở tiến trình mà Fukuyama gọi là “tái thân tộc hóa” (repatrimonialization) các vị trí quyền lực trong chính quyền.
Cả hai hiện tượng này đang xãy ra ở Việt Nam và càng lúc càng gia tăng cường độ.
Lấy định chế sở hữu đất đai làm ví dụ. Hàng chục năm nay, số dân oan đi khiếu kiện việc đất đai của họ bị tước đoạt ngày càng tăng. Trường hợp Đoàn Văn Vươn mới đây chỉ là một trong chuỗi những sự kiện liên tục của hiện trạng đổ vỡ của các định chế nhà nước sở hữu đất đai đã trở nên lạc hậu và phản động. Cũng theo Fukuyama, đằng sau sự tồn tại của một định chế cố hữu nào đó là một nhóm đặc quyền. Lý do chính mà những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn dây dưa trong việc xác định quyền tư hữu đất đai không phải là vì lý tưởng “chủ nghĩa xã hội” gì đó của họ. Lý do chính, và lý do quyết định, là nhóm đặc quyền trong Đảng, hoặc cấu kết với Đảng, sẽ không từ bỏ một công cụ tước đoạt tài sản công dân mà Đảng, thông qua nhà nước, đã trao cho họ. Khi cần, những người lãnh đạo của Đảng đã không ngần ngại chia tay với những nguyên tắc nền tảng nhất của chủ nghĩa Mác-Lênin; đi theo kinh tế thị trường hoặc cấu kết với các thế lực tư bản nước ngoài để bóc lột công nhân chẳng hạn. Việc Đảng không muốn từ bỏ “sở hữu toàn dân” về đất đai chắc chắn không phải là vì trung thành với lý tưởng đã chọn của thế hệ công thần.
Tương tự, những định chế khác trong các lãnh vực như giáo dục, truyền thông, quản lý kinh tế,… đều đã phơi bày những dấu hiệu đổ vỡ vì không thể chuyển hóa được do sức ì của các nhóm đặc quyền.
Thân tộc hóa là một hiện tượng chính trị có nguồn gốc từ trong bản năng xã hội của con người. Con người, khi có quyền lực trong tay, có khuynh hướng đưa thân nhân và những người có quan hệ mật thiết với họ vào nắm các vị trị quan trọng trong chính quyền. Hiện tượng thân tộc hóa xuất hiện trong tất cả các xã hội và hệ thống chính trị khác nhau. Nó lập đi lập lại trong lịch sử. Khi một chính quyền đang lên, nó có khuynh hướng biến mất, thay vào đó là một hệ thống tuyển chọn nhân sự làm việc trong các cơ chế công quyền dựa trên những tiêu chuẩn khách quan, như hệ thống tuyển chọn quan lại mà Tần Thủy Hoàng đã dùng, và được tiếp tục bởi Nhà Tiền Hán, chẳng hạn.
Nhưng cùng với thời gian, và trong sự thiếu vắng các định chế tiến bộ để tuyển chọn nhân sự của chính quyền một cách khách quan, hiện tượng thân tộc hóa dần dần phục hồi. Đây là dấu hiệu của suy thoái. Các thế lực thân tộc này cấu kết thành một lực lượng đặc quyền phản động, ngăn cản sự chuyển hóa và phát triển của các định chế xã hội mà họ đang được hưởng lợi, đưa đến suy thoái và sụp đổ. Sự suy thoái và sụp đổ của nhà Đông Hán, đưa đến loạn Vương Mãn, của Vương triều Louis XVI, đưa đến Cách mạng Pháp, đều có lý do này. Sự suy thoái hiện nay của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng vì lý do này.
Một người ngày trước không thể vào đại học vì lý lịch của cha anh thì ngày nay có thể trở thành đảng viên Đảng Cộng sản. Đây là một ví dụ cho thấy các tiêu chuẩn chính thống, dựa vào nguồn gốc xuất thân chẳng hạn, có thể coi là một tiêu chuẩn “khách quan”, đã không còn được ủng hộ nữa. Ngày nay cơ chế tuyển người vào các vị trí công quyền hoàn toàn dựa trên quan hệ thân tộc và quan hệ cá nhân. Hiện tượng mua bán chức quyền, từ những vị trí rất cao trong chính quyền như bộ trưởng, được mặc nhận như một thực tế. Hiện tượng tái thân tộc hóa xãy ra ở những vị trí quyền lực nhất của nhà nước Việt Nam.
Các định chế xã hội không chuyển hóa và phát triển để phù hợp với điều kiện mới được là vì sự khống chế của các nhóm đặc quyền. Sự hình thành các nhóm đặc quyền là từ trong tiến trình tái thân tộc hóa cơ chế nhà nước. Do đó, để thoát ra khỏi suy thoái chính trị, những người có tâm huyết trong Đảng Cộng sản (những người tâm huyết chứ không phải những người lãnh đạo vì những người lãnh đạo đã là một bộ phận không tách rời của tiến trình tái thân tộc hóa và nhóm đặc quyền phản động) cần có bản lĩnh chính trị để giải quyết cùng một lúc hai vấn đề:
  1. Chặn đứng tiến trình tái thân tộc hóa các cơ cấu quyền lực của nhà nước.
  2. Dũng cảm bước ra khỏi sự chi phối của các nhóm đặc quyền để vận động thay đổi các định chế đã trở nên lạc hậu.
Sự suy thoái chính trị của Đảng và của nhà nước sẽ tiếp tục cho đến khi sụp đổ nếu hai vấn đề này không được giải quyết thỏa đáng.
Đó là lối thoát duy nhất để Đảng Cộng sản có thể tiếp tục cầm quyền. Tiếng nổ Đoàn Văn Vươn có thể là lời cảnh báo cuối cùng về sự đổ vỡ của định chế và về mối nguy từ các thế lực đặc quyền trong việc ngăn chặn tiến trình chuyển hóa của các định chế nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội.
Đảng Cộng sản cũng chỉ có một cửa sổ cơ hội rất hẹp để thực hiện những điều này. Lúc này đây, chỉ còn một lực lượng rất nhỏ của thế hệ công thần còn sống. Họ là những người có đủ bản lĩnh chính trị và thẩm quyền đạo đức trong nội bộ Đảng để giúp Đảng vượt ra khỏi suy thoái. Một khi thế hệ công thần này ra đi thì Đảng Cộng sản không còn ai có khả năng làm điều này nữa. Các thế hệ sau của Đảng, thế hệ con cha cháu ông, sản phẩm của tiến trình tái thân tộc hóa, không có sự chính đáng và thẩm quyền đạo đức để thực hiện một cuộc chuyển hóa chính trị để cứu Đảng.
Sự suy thoái, lúc đó, sẽ đưa đến sụp đổ. Hoàn tất một cuộc cách mạng khứ hồi.

Không có nhận xét nào: