Pages

Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2012

Người dân Nga ngày càng muốn "giã biệt" Putin

Biểu tình phản đối ông Vladimir Putin tại Matxcơva
ngày 24/12/2011.
REUTERS/Tatyana Makeyeva
Mai Vân

Vào tuần lễ chuyển sang năm mới, các tuần báo đều ra số đôi và nhìn lại những sự kiện nổi bật trong năm qua và sẽ tiếp tục ghi dấu ấn trong năm mới này : từ giá vàng đạt kỷ lục trên tạp chí Pháp Courrier International, cho đến những sự cố bất ngờ làm rung chuyển thế giới Ả Rập trên tạp chí L'Express. Sự kiện khác và cũng gây bất ngờ không ít là những cuộc biểu tình phản đối Putin ở Nga, tiếp tục được tuần báo Anh The Economist mổ xẻ.
Về tình hình nước Nga, tạp chí Anh The Economist hết sức chú ý đến cuộc biểu tình lớn chưa từng thấy tại Mátxcơva ngày 24/12 vừa qua. Trong bài phóng sự mang tựa đề « Trước hết, chúng tôi chiếm lĩnh đại lộ Sakharov », tờ báo đã đăng một bức ảnh chụp đám đông biểu tình giương cao một tấm áp phích lớn vẽ hình Thủ tướng Nga giơ tay chào, trên ghi hàng chữ "Good bye Putin" – tức là "Giã biệt Putin", phía dưới kèm theo chú thích : « Chưa hẳn thế, nhưng đây là bước đầu ».

Đối với The Economist, trước hôm 24/12, không ai biết được là phong trào phản kháng tại Nga sẽ xì hơi nhanh chóng hoặc bùng lên mạnh mẽ. Nhưng khi thấy đám đông người Matxcơva tràn về tham gia cuộc biểu tình ở phía bắc thủ đô Nga ngày hôm đó, thì câu trả lời rất rõ ràng. Cảnh sát ước tính số người tham dự khoảng 29.000 người, trong lúc ban tổ chức loan báo con số 120.000. Tuy nhiên, đa số các ước đoán đều cho là lượng người tham dự vào khoảng 80.000, gần gấp đôi số lượng tham gia một cuộc biểu tình khác trước đó, vào lúc thời tiết còn ấm áp hơn.
Cả hai cuộc biểu tình đều nhằm phản đối kết quả cuộc bầu cử Hạ viện Duma ngày 04 tháng 12, đã bị điện Kremlin gian lận một cách thô thiển. Theo kết quả chính thức, đảng Nước Nga Thống nhất của Thủ tướng Vladimir Putin đã giành được gần một nửa số phiếu bầu. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, số lượng đó đã thổi phồng kết quả thực tế theo tỷ lệ từ 6% đến và 15%.
Theo The Economist, ông Putin chính là chất xúc tác làm cho nỗi bất bình của người Nga đột ngột bùng lên. Vào tháng Chín vừa qua, ông đã loan báo là vào mùa xuân năm 2012, ông sẽ đòi lại chức tổng thống từ tay ông Dmitri Medvedev. Tuyên bố này làm dấy lên nỗi lo ngại về việc tái lập một nền chính trị cũ. Gần đây, ông lại làm nỗi giận dữ gia tăng khi so sánh người biểu tình với một bầy khỉ vô kỷ luật, và coi dải ruy-băng trắng họ đeo là những cái bao cao su.
Thế là vào hôm 24, trong đám đông đã không ngần ngại lội tuyết để đến nơi tập hợp là đại lộ Sakharov – tên một nhân vật bất đồng chính kiến ​​nổi tiếng thời Liên Xô – có rất nhiều người đã mang theo bao cao su được thổi phồng, hoặc đeo mặt nạ hình con khỉ để phản đối tuyên bố đầy tính khinh miệt của ông Putin.
Và trên chiếc bục mang hàng chữ « Nước Nga sẽ được tự do », các lãnh tụ phong trào phản kháng lần lượt lên tiếng.
Ilya Yashin, một lãnh đạo của phong trào Đoàn kết tự do, tuyên bố : « Trong nhiều thập kỷ, chúng ta đã được dậy dỗ rằng chúng ta là những con cừu. Thế nhưng… chúng tôi đã cho cả nước và cả thế giới thấy rằng chúng ta là một dân tộc tự do và đầy tự hào. »
Một diễn giả khác là Alexei Navalny, một luật sư 35 tuổi và là trái tim của phong trào chống Putin. Vừa được thả ra sau khi bị kết án 15 ngày tù sau một cuộc biểu tình trước đó, ông lại tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ tại đây, cho rằng có đủ người biểu tình để tiến về điện Kremlin.
Phản ứng của chế độ, theo tuần báo Anh, vẫn cứng rắn. Ngày 25/12, một thẩm phán đã kết án 10 ngày tù giam đối với Sergei Udaltsov, một nhà tổ chức biểu tình theo xu hướng triệt để… Hai hôm sau, Thủ tướng Putin bác bỏ khả năng cho bầu lại Hạ viện Đuma, yêu cầu chính của những người biểu tình.
Sau nhiều năm bị trấn áp, phe đối lập Nga bị lâm vào tình trạng hỗn loạn đến mức không thể có được ứng cử viên đủ khả năng đánh bại ông Putin trong cuộc bầu cử tổng thống tháng Ba 2012. Điều tốt nhất mà họ hy vọng vào thời điểm này là làm xói mòn quyền lực của ông Putin. Ông Navalny cho biết sẽ tổ chức nhiều cuộc biểu tình hơn, tập trung vào khẩu hiệu: "Không một lá phiếu nào cho Putin".
Đối với tuần báo Anh, nước Nga đang bước vào thời kỳ yên ắng của 10 ngày đầu năm mới, với tương lai có vẻ như không thể đoán trước được. Thế nhưng, The Economist cho rằng, trong một chừng mực nào đó, chính tính chất khó dự đoán đó lại là một tiến bộ !
Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc : cái gai trong mắt chính quyền Bắc Kinh
Tạp chí Courrier International chú ý đến nhân vật đang làm cho Bắc Kinh bối rối : ông Gary Locke, đại sứ Mỹ tại Trung Quốc.
Trích dẫn tờ báo Mỹ Washington Post, Courrier International ghi nhận là nhân diễn dàn vừa qua của hội Asia Society tại Bắc Kinh, có 4 nhân vật được ái mộ thấy rõ. Đó là nhạc sĩ vĩ cầm Yo Yo Ma, nữ diễn viên điện ảnh Mary Steeple, đạo diễn Joel Cohen và Đại sứ Gary Locke. Theo bài báo chỉ trong vòng vỏn vẹn 3 tháng, vị đại sứ Mỹ gốc Hoa đầu tiên này đã trở thành một ngôi sao sáng tại Trung Quốc.
Thành công của ông đối với những người dân bình thường được thấy rõ trên các các trang mạng, đặc biệt là trên mạng Vi Bác. Người ta khen ngợi sự bình dị của ông, chọn hạng kinh tế khi đi máy bay như những người khác, xếp hàng như mọi người khi đi tham quan Vạn lý Trường thành.
Đối với nhiều người Trung Quốc, nếu người dân tại đây ngưỡng mộ ông Gary Locke, đó là vì họ nhìn thấy nơi ông những điều họ không thấy nơi các lãnh đạo Trung Quốc. Một giáo sư kinh tế ở Viện Kỹ thuật Bắc Kinh giải thích : « Phong cách ông Locke trái ngược hẳn với các lãnh đạo Trung Quốc và khi ca ngợi ông Gary Locke, người dân muốn bày tỏ thái độ không hài lòng đối với giới lãnh đạo và các hành vi tham nhũng. »
Sự mến mộ này đối với đại sứ Mỹ đã làm cho chính quyền Bắc Kinh và báo giới Trung Quốc khá bối rối. Có nhiều bài như trên tờ Quang Minh Nhật báo, cảnh báo là hãy coi chừng chủ nghĩa thực dân mới mà ông Gary Locke loan truyền, hay như tờ báo Anh ngữ Global Times (Hoàn Cầu Thời Báo), cho rằng để cho một nhà ngoại giao trở thành ngôi sao chính trị, thì đó không thể nào được xem như là một dấu hiệu tôn trọng Trung Quốc của Hoa Kỳ.
Theo Courrier International, phản ứng bất bình của những người bênh vực ông Locke, mạnh mẽ đến mức mà tờ Quang Minh Nhật báo đã phải rút lại bài báo của mình trên mạng.
Nhưng không phải chỉ có ở Trung Quốc, mà ngay tại Hoa Kỳ, khi ông Gary Locke được bổ nhiệm, thì nhiều người cũng tỏ ý nghi ngờ, tự hỏi rằng với gốc gác người Hoa của mình, liệu ông Locke có thể trở thành một gián điệp đôi cho Trung Quốc hay không.
Tuy nhiên, với các phát biểu khẳng định rõ ràng trước hết ông là người Mỹ, ông đã xoá tan các mối nghi ngờ. Cũng như ông Obama trong cuộc tranh cử năm 2008, ông Gary Locke luôn nói về bản thân như là một thành công của lý tưởng cởi mở bao dung của người Mỹ.
Kim Jong Un : Con người đầy bí ẩn
Về Bắc Triều Tiên, các tạp chí Le Nouvel Observateur và Courrier International đều chú ý đến lãnh đạo mới tại Bình Nhưỡng Kim Jong Un, được mệnh danh là « Kim Đệ Tam kỳ bí », tựa của Le Nouvel Observateur, hay « Thằng oắt con » lên nắm quyền, tít của Courrier International, trích dịch báo Nhật Yomiuri Shimbun.
Cả hai tạp chí đều nêu bật yếu tố là không ai biết nhiều về người thừa kế "ngôi báu Bắc Triều Tiên". Le Nouvel Observateur cho là người ta chỉ biết qua gương mặt, không biết đến tuổi thật, và rất ít về quá khứ của nhân vật lãnh đạo trẻ, không đầy 30 tuổi vừa lên đứng đầu triều đại cộng sản duy nhất trên thế giới, và được trang bị vũ khí nguyên tử. Kim Jong Un lại rất kín đáo, không bộc lộ gì về cá tính và ý định của mình.
Tóm lại người ta biết rất ít về "Kim Đệ Tam", chỉ biết rằng Jong Un là con người vợ thứ ba của ông Kim Jong Il, một người vợ Nhật Bản, và học dưới một tên giả tại Thụy Sĩ.
Bài báo trích nhận xét của đầu bếp người Nhật của ông Kim Jong Il, cho là Kim Jung Un giống cha như đúc, không chỉ qua dáng dấp bề ngoài mà cả tính tình cũng giống. Có thể vì thế mà Kim Jong Un được chọn để kế vị. Vấn đề, theo bài báo, là phải xem nhân vật này được các con « khủng long » của chế độ chấp nhận như thế nào.
Courrier International cũng nêu câu hỏi tương tự và trích dẫn tờ báo Hàn Quốc Hankorieh, còn cho là : « Cái chết của ông Kim Jong Il khiến người ta đặt câu hỏi về sự sống còn của chế độ. Kim Jong Un, 28 tuổi, mới được đề cử vào những chức vụ quan trọng gần đây thôi cho nên liệu đã có thời gian để củng cố thế đứng của mình hay chưa. »
Còn trích dẫn tờ Yomiuri Shimbun, Courrier International cũng nêu lại những thắc mắc về nhân vật trẻ này, không ai biết gì nhiều. Có một điều rõ nét, theo bài báo, là Kim Jong Un không được mấy ưa thích, và người dân gọi sau lưng Kim Jong Un là « thằng oắt con ».
Phải tìm cách thúc đẩy thay đổi tại Bắc Triều Tiên
Trong tình hình giới quan sát đang chờ xem những chuyển biến sắp tới, hy vọng có sẽ thay đổi, tạp chí The Economist thúc giục trong hàng tựa « Không nên chỉ hy vọng thay đổi ở quốc gia tồi tệ nhất thế giới, mà phải có kế hoạch thay đổi chế độ đó ».
Tạp chí nhận thấy là sau cái chết của Kim Jong Il, nhân vật mà The Economist xem là lãnh đạo độc tài nhất hành tinh, cai quản đất nước như một trại lao cải, đưa dân chúng vào cảnh lầm than, thì đã đến lúc phải tác động để đất nước này thay đổi chế độ.
Tác nhân chính theo the Economist phải là Trung Quốc. Đến nay Bắc Kinh vẫn ủng hộ chế độ Bình Nhưỡng vì e ngại bất ổn định ở vùng biên giới, và nhất là họ sợ rằng việc bán đảo Triều Tiên thống nhất, có thể đưa quân đi Mỹ đến sát vùng biên giới Trung Quốc.
The Economist nhận thấy là dù muốn dù không, và dù Bắc Kinh có làm gì đi nữa, thì chế độ Bắc Triều Tiên vẫn sẽ sụp đổ. Không có cải tổ thì Bắc Triều Tiên sẽ đi vào đường cùng, nhưng nếu mở cửa thì tất nhiên sẽ kết thúc triều đại họ Kim.
Theo tạp chí Anh, Bắc Triều Tiên không thể tránh khỏi sự thay đổi vì hiện nay đã có nhiều chuyển biến trong xã hội : chợ đen phát triển với trao đổi giao dịch qua biên giới Trung Quốc, người Bắc Triều Tiên xem DVD Hàn Quốc, họ biết là những tuyên truyền của chế độ về sự nghèo khổ áp bức người dân ở phương Nam là dối trá. Tác động đối người dân khó mà đảo ngược và nó đe dọa sự sống còn của chế độ. Cho nên Kim Jong Il không muốn có thay đổi.
The Economist cho là đã đến lúc Trung Quốc phải chấp nhận là tốt hơn hết nên thúc đẩy thay đổi ở Bắc Triều Tiên và chuẩn bị trước cho khả năng này.
Tạp chí phân tích là cho dù Bắc Triều Tiên có sụp đổ trong hỗn loạn, thì mối lợi về dài hạn không chỉ có đối vơí người dân Bắc Triều Tiên mà còn cho cả các nước láng giềng trong đó có Trung Quốc, vì một bán đảo tìm lại được sự hòa bình với chính mình sẽ có lợi hơn gấp bội nguy cơ bất ổn định trước mắt.
Tạp chí Anh nhắc lại là một người ở Bắc Kinh hiện nay đã nhìn thấy nơi ông Jang Song Taek, người chú rể của Kim Jong Un, là một nhân vật theo xu hướng cải tổ. Và nếu thật như thế thì Bắc Kinh nên khuyến khích nhân vật này.
Nhưng theo The Economist, để cho Trung Quốc có thể làm việc này, Hàn Quốc và Hoa Kỳ phải cố gắng giảm nhẹ tác động nguy hiểm của sự sụp đổ của Bắc Triều Tiên, phải trấn an Trung Quốc. Chẳng hạn như cùng hợp tác để vũ khí hạt nhân, sinh học... không rơi vào tay kẻ xấu, và Hoa Kỳ cũng như Hàn Quốc phải cho Trung Quốc hiểu rõ là một khi bán đảo thống nhất, thì quân đội Mỹ không cần thiết phải ở lại.
Trong phần kết luận, The Economist nhìn thấy thực tế đáng tiếc hiện nay là không phải chỉ có Trung Quốc, mà Hoa Kỳ - vì lo ngại một cuộc khủng hoảng mới – cũng như Hàn Quốc – vốn sợ cái giá phải trả khi thống nhất với một đất nước mà phần đông giới trẻ miền Nam xem như thuộc thế giới khác - và cả Nhật Bản - không muốn bán đảo Triều Tiên thống nhất – tất cả đều ủng hộ chế độ Bình Nhưỡng.
Nhưng tạp chí Anh nhắc lại là dòng họ Kim không thể tồn tại mãi mãi. Và đối thoại, thảo luận trên việc thay thế họ Kim nên diễn ra càng sớm càng tốt, không chỉ riêng vì sự ổn định của khu vực, mà cho cả người dân Bắc Triều Tiên đang bị lãng quên, bị áp bức.
Về các tựa lớn, Tạp chí Courrier International nêu bật trên trang bìa : « Vàng : mặt trái của cơn sốt thế giới ». Mặt trái đây là đầu cơ, điều kiện làm việc như tù khổ sai của thợ mỏ, môi trường bị phá hoại... Còn về những sự cố bất ngờ làm rung chuyển thế giới Ả Rập, tạp chí L'Express dành tít trang bìa và một hồ sơ hơn 90 trang để ngược dòng lịch sử của các dân tộc này, từ thời vàng son cho đến những thách thức hiện nay.

Không có nhận xét nào: