Pages

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012

TẢN MẠN VỀ CHUYỆN ÔNG TÁO CHẦU TRỜI

Chiều thứ Hai 16-1-2012 là ngày 23 tháng Chạp năm Tân Mão. Theo tục lệ thì ngày đó người ta đưa ông Táo về Trời.
Ông Táo tức Táo Quân, tức Vua Bếp. Chuyện xưa kể rằng: Có một người đàn bà kia vì không đồng ý với người chồng đang chung sống nên bỏ đi lấy người khác. Người chồng cũ một hôm tìm đến thăm hỏi người vợ cũ, nhằm lúc người chồng mới đi săn vắng nhà nên hai người kể lể chuyện tình xưa nghĩa cũ với nhau. Trong lúc đó, bỗng người chồng mới đi săn trở về. Sợ bị bắt gặp trong cái cảnh ấy có thể gây sự hiểu lầm, người vợ liền giấu anh chồng cũ vào đống rơm. Người chồng mới vô tình đốt rơm thui thịt rừng làm bữa khiến người chồng trước bị chết thiêu. Đau lòng vì thấy chồng cũ bị chết vì mình, người vợ nhảy vào đống lửa chết theo. Tuy không hiểu nguyên do, người chồng mới thấy vậy cũng nhảy vào đống lửa cùng chết với vợ. Cả ba cùng chết chung trong một đống lửa.
Việc đến tay Ngọc Hoàng Thượng Đế, Ngài thương tình phong cho cả ba làm Vua Bếp để cùng chung sống với nhau. Mỗi năm cứ đến 23 tháng Chạp âm lịch thì Vua Bếp về trời để trình tấu với Ngọc Hoàng các chuyện trần gian.

*
Tục lệ đưa ông Táo có tự bao giờ không biết rõ. Nhưng có một điều chắc chắn là tục lệ ấy có rất tự xa xưa. Thế thì cái chuyện tình trạng tay ba hai ông một bà không phải đến bây giờ mới có. Té ra những chuyện tình lãng mạn một bà hai ông, một ông ba bà mà nữ sĩ Quỳnh Dao viết ra chỉ là những đề tài xưa như trái đất.
Cũng từ chuyện một bà hai ông vua bếp này người ta mới khẳng định mà không sợ sai lầm rằng nước An Nam ta đã có chuyện nam nữ bình quyền từ trước các ông râu xồm mũi lõ rất lâu, chả cần phải tranh đấu gì cả. Đó là một chứng cớ rất hùng hồn minh chứng rằng từ trước cho đến tận bây giờ, dân An Nam ta vẫn theo chế độ Mẫu hệ:
Ba đồng một mớ đàn ông
Ta mua ta bỏ vào lồng ta chơi.
Ba trăm một chị đàn bà
Mua về ta trải chiếu hoa cho ngồi.
Không biết cái nhân vật xưng ta trong mấy câu hát này là ai mà có vẻ phân biệt, kỳ thị phái tính một cách rõ rệt. Nhân vật ấy là ai thì chúng ta chưa rõ, nhưng rõ ràng là ở San Jose này, người đó đã có một kẻ truyền nhân. Đó là nữ lưu Kathy Trần, tác giả mấy bài “Đàn ông” rất công phu, ra mặt tuyên chiến và buộc tội cánh đàn ông chúng ta vô cùng ác liệt.
Đó là trên báo chí sách vở, còn trên radio, tivi, băng nhạc, vidéo, có nghe Phương Hồng Quế hát bản “Đàn ông” mới thấy rõ đàn bà là những người có máu kỳ thị rất đáng bị lên án!
Chuyện vô lý nhất là đàn ông, những kẻ vẫn hiên ngang tự xưng là phái mạnh, mỗi khi đọc hoặc nghe các bài viết, bài hát mang đầy tính kỳ thị này thì lại gật gù tỏ vẻ tán thưởng! Công lý ở trong tay kẻ mạnh chăng?
Nhưng dù sao cánh đàn ông vẫn còn một điều an ủi, rằng Ngọc Hoàng là một người đàn ông. Đó là điều không thể chối cãi. Người ta xưa nay có chuyện gì cũng đổ thừa là tại ông Trời. Ông Trời chứ không phải Bà Trời, các Bà hãy nhớ cho chúng tôi điều ấy! Và ông Trời là một người đàn ông phóng khoáng, cởi mở và rất galant, rất tôn trọng nữ quyền. Bằng cớ rõ rệt nhất là việc ông sắc phong cho ba Vua Bếp, công nhận luật song hôn.
*
Ấy là Táo ta. Thế còn Táo Tàu.
Theo cổ sử Trung Quốc thì Toại Nhân là người dạy dân dùng lửa để nấu nướng. Toại Nhân dạy dân cách gây ra lửa, cách giữ lửa, cách dùng lửa để nấu chín thức ăn, đưa con người ra khỏi cảnh ăn sống, nuốt tươi. Hàn Phi Tử trong thiên Ngũ Đáo cho rằng Toại Nhân chính là Thần Táo cổ xưa nhất của người Tàu.
Theo cổ sử Trung Quốc thì Toại Nhân là người lãnh đạo xưa nhất được nhắc đến, tiếp theo là Phục Hy dạy dân dùng vỏ cây, da thú che thân, làm nhà ở và rời bỏ lối sống hang động.
Kế đến là Thần Nông, người dạy dân cày cấy, chăn nuôi. Kế nữa là vua Hoàng Đế, được người Trung Hoa xưa xem như thủy tổ, người lập quốc.
Theo Hoài Nam Tử thì Viêm Đế, tức vua Thần Nông sau khi mất được phong là Táo Thần; chăm sóc việc bếp núc. Còn trong sách Chu Lễ thì lại nói rằng Táo Thần là một người nữ, tên Chúc Dung, cháu nội của vua Hoàng Đế.
Một số sách khác lại ghi chép rất nhiều nhân vật được xem là Táo Quân của người Trung Hoa. Mỗi sách chép mỗi khác, có khi Táo Thần tên Trương Vĩ, tên Tô Cát Lợi, tên Tử Quách v.v… Hàng chục thuyết khác nhau, chả biết thuyết nào đúng, mà có lẽ chả thuyết nào đúng cũng nên.
Về phía đạo Lão – tức Đạo giáo – thì thờ một Bà Táo, có tên “Chủng Hỏa Lão Mẫu Nguyên Quân”. Bà Táo này đặt Tổng Hành Dinh trên núi Côn Lôn. Dưới tay bà có năm bà Tư Lệnh Vùng gọi là “Ngũ Đế Táo Quân” và một số Táo Quân cấp dưới.
Lão Móc có quen một cô người Đài Loan, hai mươi tám tuổi, chưa chồng, quê quán ở Kao Shiung (Cao Hùng). Để tìm hiểu về Táo Tàu, Lão Móc hỏi cô này bên xứ cô ai là người trông coi bếp núc. Cô trả lời liền: Má.
Lão Móc liền vận dụng thêm tay chân và nét mặt để diễn tả cho cô hiểu rõ vấn đề mà mình muốn hỏi. Một lúc sau cô ta mới nghĩ ra và cho biết Táo Thần nhà cô là một con gái của Ngọc Hoàng Thượng Đế rất xinh đẹp và trong bức tranh thờ, cô có đến 16 thị nữ theo hầu, cô nào cũng mặt hoa da phấn.
*
Mỗi năm Táo Quân đều lên chầu Trời để báo cáo chuyện trần gian. Thế ông Táo lên trời bằng gì?
Trong thời kỳ phương tiện giao thông chưa phát triển như hồi đầu thế kỷ 20 trở về trước, phương tiện di chuyển của Táo Quân là con cá chép.
Tại sao lại là cá chép mà không là cá kình, cá ngạc; những loài cá có sức mạnh kinh hồn?
Theo sách “Ngư loại học” của Trung Quốc thì cá chép, tức Lý ngư có hơn 200 loại, hơn 2.000 giống. Sao lại nhiều đến thế? Trước giờ cứ tưởng cá chép chỉ có hai loại là cá trống và cá mái mà thôi.
Cá chép được người Việt và Tàu xếp đứng đầu trong các loại cá nước ngọt. Nó có sức bền bĩ, dẻo dai. Kìa, hãy nhìn một con cá chép ngược dòng suối chảy xiết. Nó phóng lên một bậc đá cao. Không được, nó kiên trì phóng đi phóng lại cho được mới thôi. Chắc vì thấy cảnh ấy nên mới có truyền thuyết “cá chép vượt Vũ môn” hóa thành Rồng làm mưa cho dân cày cấy.
Sự tích “Lý ngư hóa Long” đã đi vào văn học, nghệ thuật. Trên các bức tranh, các đồ sứ cổ, các điêu khắc ở đình, chùa, miếu mạo thường ghi lại sự tích này.
Tục lệ mua cá chép sống để cúng thần tài, cúng xong thì phóng sinh đến gần đây hãy còn. Tranh dân gian Việt Nam ngày Tết có bức “Ngư ông đắc lợi“, được người ta mua treo để lấy điềm lành, tấn tài tấn lợi.
Như vậy cá chép rõ ràng là một loại cá quý tộc, rất xứng đáng để được chọn làm phương tiện vận chuyển cho Táo Quân. Còn những kẻ phàm phu như Lão Móc, không biết cỡi cá chép đi mây, về khói nhưng cũng biết trọng dụng cá chép lắm.
Đơn giản thì cá chép chưng tương, bún tàu nấm mèo. Ngặt nghèo dã chiến thì cá chép chiên, cá chép nướng. Năm khi mười họa được gặp một đàn anh sành ăn của đất Bắc thì có món gỏi cá chép sống. Thứ này phải uống sec, không được pha soda. La de càng tối kỵ. Món này ăn mới đầu hơi ơn ớn, nhưng khi đến đũa thứ ba rồi thì chà, phải biết! Không ngưng được. Món này ai muốn làm cũng dễ. Lão Móc xin hướng dẫn. Mua một con cá chép to và một cuốn “Miếng Ngon Hà Nội” của cụ Vũ Bằng về. Vừa đọc sách vừa làm theo cụ Vũ Bằng, còn Lão Móc thì xin ngồi đợi đến lúc dọn lên bàn. Sành ăn nhưng không sành làm là chuyện thường của đám vô tích sự “Ba đồng một mớ…”
*
Từ cuốn sách nói về loài cá, người ta có thể dễ dàng giải quyết một đề tài đã và đang làm cho các nhà khoa học bối rối. Cái vũ trụ này bao lớn? Chỉ vài bài toán nhân là xong. Có thể các nhà khoa học chưa có một phương pháp nghiên cứu đúng đắn.
Nói thì phải dẫn chứng. Lão Móc xin dẫn chứng. Ông Trời và chỗ ở của ông Trời là trung tâm của vũ trụ. Đúng không? Đúng! Ông Táo từ trái đất khởi hành ngày 23 tháng Chạp và đến Thiên đình, tức là trung tâm vũ trụ trước ngày Tết, đúng không? Đúng!
Lấy vận tốc di chuyển của ông Táo tức vận tốc của cá chép – nhân cho thời gian di chuyển thì ra khoảng cách từ trái đất đến Thiên đình. Đơn giản quá! Tính ra thì Trời cũng chẳng xa xôi gì. Bởi thế cụ Nguyễn Du đã nói:
“Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa.”
(Kiều)
Tức là ý cụ muốn nói có hai ông Trời. Một ở gần, một ở xa. Ông Trời ở xa là ông Trời mà chúng ta “kêu Trời không thấu” và ông ở gần là ông có chuyện gì chúng ta hay gọi “Trời ơi!” vì có ở gần thì ông mới nghe tiếng chúng ta kêu gọi. Còn cái nghiệp ở đây chính là cái nghiệp làm Táo Quân cỡi cá chép đi về Thiên đàng – hạ giới mỗi năm.
*
Bước sang thế kỷ 20, 21, người ta thấy lác đác một số Táo Quân có tinh thần cầu tiến. Hồi thập niên năm mươi, trên báo chí Thủ đô Sàigòn mỗi khi Tết đến, người ta hay gặp hình các vị Táo ngồi chễm chệ trên máy bay. Có vị lại bổ sung trình độ trí thức của mình bằng cách đeo thêm một cặp kính trắng, tay xách cặp da.
Từ cuối thập niên trở về sau, sau khi một loạt phi thuyền lên thám hiểm Mặt Trăng; người ta thấy có một số Táo Quân chuyển qua cỡi Hỏa Tiễn. Bây giờ thì các ông Táo đi Shuttle Space, xách Samsonite thay cho tờ sớ cuộn tròn, và cái nón phi hành gia đã thay cho cái mũ cánh chuồn truyền thống.
Rõ ràng là các ông Táo đã theo sát đà văn minh nhân loại. Các ông Táo đã thay đổi đủ thứ để chạy theo thời cuộc. Nhưng có một truyền thống vô cùng đặc biệt mà các Táo Quân quyết tâm gìn giữ và đã đem cái truyền thống ấy sang thiên niên kỷ thứ ba, hoặc thiên niên kỷ thứ tư không chừng; nếu lúc ấy người Việt chúng ta vẫn còn là người Việt.
Cái truyền thống đó là truyền thống không mặc quần.
Người ta có thể bắt gặp một ông Táo đi máy bay Boeing, đi phi thuyền. Người ta có thể bắt gặp một số ông Táo Âu hóa bằng cách hút xì gà, ngậm ống vố và xách cặp da. Giữa thập niên 60, thế kỷ 20, khi có chương trình phát thanh thương mại với điệu nhạc mở đầu rất giật gân và chiếc Suzuki tiện lợi an toàn trên xa lộ, tiện lợi khi vào ngõ hẻm đang làm mưa làm gió thì người ta thấy có một vài ông Táo vắt trên vành tai cây viết Paker, đeo đồng hồ Seiko và chạy xe Suzuki 49cc. Nhưng nhất định tự cổ chí kim, từ xưa cho đến bây giờ, không bao giờ có một ông Táo nào chịu mặc quần.
*
-Không phải từ xưa cho đến bây giờ, mà cả đến sau này nữa, không bao giờ chúng tôi mặc quần. Ông Móc phải nhớ cho là như thế!
-Thưa Táo Quân tại sao thế ạ? Tại sao các ông lại không chịu mặc quần?
-Đơn giản lắm ông Móc. Cho nó mát mẻ. Thế thôi!
-Ông Táo nói thế tôi chả tin. Nếu ở Sàigòn thì tôi còn tạm tin là thực. Chứ còn ở miền Bắc nước mình, đêm hăm ba tháng Chạp mưa phùn gió bấc. Và nhất là ở Mỹ vào mùa Đông. Lạnh… teo đi chứ!
-Dù có lạnh… teo đi nữa vẫn phải chịu. Có thế mới là Táo.
-Nhưng mà ăn mặc như thế có gì là hay đâu ông Táo?
-Ông Móc đừng có cạn nghĩ như vậy. Đó là cái nét đặc thù của bọn tôi. Mất cái nét đặc thù ấy đi thì các Táo Quân chúng tôi sẽ bị lẫn lộn trong cái xã hội loài người xô bồ và thay đổi mau lẹ này. Muốn không bị đồng hóa, muốn không bị nuốt chửng và xóa sổ thì phải giữ lấy bản sắc của mình!
-Nhưng người ta sẽ phản đối chuyện các ông Táo giữ một cái truyền thống lạ đời như vậy!
-Mấy ông Chà sét-ty ở Sàigòn hồi trước vấn khăn và ăn bóc, mấy ông Hồi giáo không ăn thịt heo, đối với người Việt mình không lạ sao? Cho dù 800 cái Hội Phụ Nữ ở bên Tây, bên Tàu có lên tiếng thì cũng vậy thôi. Táo Quân chúng tôi vẫn cứ như thế!
-Tại sao?
-Đơn giản quá mà ông Móc. Bởi vì nếu chúng tôi mà mặc quần thì chúng tôi sẽ chẳng còn là Táo Quân nữa. Hình ảnh truyền thống của một ông Táo là gì? Ông Móc nhớ lại xem.
-Thì là một ông có râu càm, râu cá chốt trên mép. Rồi mặc áo dài, đội mũ cánh chuồn, mang hia, một cặp ống chân tua tủa và một cuộn sớ dài lòng thòng.
-Đúng như thế. Thế mới là một ông Táo. Mập mạp, mặt mày không râu, mặc đồ Tây, đâu có giống Táo, nhưng cũng còn chấp nhận được nếu ông ấy không mặc quần. Ông Móc nhớ hồi đất nước mình còn chiến tranh, có ông Táo lính lên chầu Trời đội nón sắt, đeo cây Colt 45 xệ xệ bên đùi, chân đi bốt-đờ-sô. Nhưng nhìn qua người ta vẫn biết ngay là Táo Quân bởi vì ông ấy không mặc quần, đưa hai cái chân lông lá. Nếu ông ấy mặc thêm cái quần trây-di vào, bố ai nhìn ra là Táo. Đấy là cái lý do Táo Quân chúng tôi giữ cái truyền thống ấy!
-Ông Táo nói phải. Có lẽ cũng phải giữ cái truyền thống ấy.
-Phải giữ ông Móc à. Cho dù đẹp trai như ông Barrack Obama, Tổng thống xứ này, mặc tuxedo hẳn hòi, nhưng đừng mặc quần là giống ông Táo ngay.
-Ông Táo nói thế thì chỉ cần không cần mặc quần là thành ông Táo ngay lập tức?
-Bậy! Còn cái tư cách bên trong của mình nữa chứ! Cái đó mới quan trọng. Hình dáng bên ngoài ăn thua gì.
-Ông Táo nói phải. Mà này ông Táo, tại sao tôi chẳng thấy các bà Táo đi chầu Trời nhỉ. Hay là bất tiện vì cái truyền thống độc đáo kia? Các bà Táo dĩ nhiên không thể đội mão, đi hia mà chẳng…
-Tầm bậy! Các bà ấy chạy theo thời trang ghê lắm. Nay jupe, mai soiré, mốt lại maxi, rồi đồ tắm bikini, monokini đủ các kiểu. Các bà ấy đời nào chịu theo xưa như bọn đàn ông chúng tôi.
-Vậy ra các ông Táo cũng khổ với các bà Táo quá nhỉ?
-Khổ lắm chứ sao lại không. Mỗi lần bà ấy mà đi shopping là hai Táo ông chúng tôi sót cả ruột. Mà tôi cũng phục đàn ông Việt Nam các ông thật đấy!
-Bọn tôi có gì hay đâu ông Táo?
-Sao lại không. Bọn tôi hai thằng làm nuôi một bà mà còn khổ. Các ông chỉ có một mình. Thế mà chịu nỗi các bà. Các ông giỏi quá đi chứ. Tại Trời giao thì phải làm, chứ tôi cũng chán cảnh làm Táo rồi, ông Móc ạ!
-Thế thì ông Táo xin với Trời, đổi qua làm đàn ông Việt Nam như tôi đây này.
-Thôi, nói thế chứ tôi sợ lắm. Một ông, một bà như ông Móc chắc ba bảy hăm mốt ngày thì tôi chết mất. Sức đâu mà nuôi nỗi! Thôi thì đành phận Táo. Hai ông, một bà cho nó đỡ khổ cái thân già!
LÃO MÓC

Không có nhận xét nào: