Pages

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

Tình báo và chính sách

Mới đây ông Paul R. Pillar viết một bài về tình báo đăng trong Tạp chí Foreign Policy số Tháng Giêng - Hai, 2012 đề cập đến quan hệ giữa Tình Báo và Chính Sách nhan đề “Think Again: Intelligence”. Ông Pillar là phó giám đốc Trung Tâm Chống Khủng Bố thuộc Cơ Quan Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ (CIA) từ 1997 đến 1999. Ông hiện là giáo sư của Chương trình Nghiên cứu An ninh (Security Studies Program) của đại học Georgetown. Ông là tác giả của cuốn “Intelligence and U. S. Foreign Policy: Iraq, 9/11, and Misguided Reform”. Bài viết của ông có mục đích đặt lại cái nhìn chung mà ông cho là không đúng, rằng Tình báo sao thì chính sách vậy, nghĩa là các nhà lãnh đạo chính trị lúc nào cũng dựa vào báo cáo của cơ quan tình báo để lấy quyết định. Ông dẫn chứng nhiều trường hợp nhà lãnh đạo có chính sách đúng mà không cần tình báo, thậm chí đôi khi ngược lại với cái khuyến cáo của bên tình báo. Ðọc bài viết của ông Pillar, độc giả có cảm tưởng rằng tình báo đối với nhà lãnh đạo như một con dao bén đối với thức ăn do một đầu bếp nấu. Không có con dao bén thức ăn bầm giập không ngon. Nhưng con dao bén không phải là tất cả. Chất liệu, gia vị, và trên hết tài nghệ của người đầu bếp là chính.

Sau đây là các nét chính bài viết của giáo sư Paul Pillar (Think again: Intelligence by Paul R. Pillar).

Ông David Petraeus, giám đốc CIA, tại một buổi điều trần ở Quốc Hội, bị một số người phản đối. (Hình: Mark Wilson/Getty Images)

Trần Bình Nam lược dịch
Có phải các vị tổng thống Hoa Kỳ đều dựa vào tình báo để làm chính sách không?
Không. Mỗi năm Hoa Kỳ chi tiêu 80 tỉ Mỹ kim cho tình báo. Hằng tuần ông tổng thống nhận được một báo cáo phân tích tỉ mỉ tình hình chống khủng bố và khả năng quân sự của Trung quốc và những tin tức tình báo cần thiết khác giúp cho ông tổng thống có cái nhìn bao quát vào thực trạng . Cách xử lý công việc hằng ngày (TBN: thí dụ khi trả lời một câu hỏi của báo chí...) bị ảnh hưởng bởi các báo cáo này. Tuy nhiên các báo cáo này không ảnh hưởng bao nhiều đến các chính sách lớn, như mở một trận chiến (thí dụ đánh Iraq năm 2003) hay thay đổi chính sách ngoại giao đối với một vùng chiến lược (như Tổng Thống Obama đang tính thay đổi chính sách tại Trung Ðông). Các chính sách lớn thường có sẵn trong đầu các ông tổng thống khi các ông ấy bước vào Tòa Bạch Ốc, do kinh nghiệm chiến lược riêng, do kinh nghiệm bản thân, do những gì đã học học hỏi được, do nhu cầu trước mắt của quốc gia, do dư luận của các học giả (conventional wisdom) và quan trọng hơn cả do tâm trí (neurosis) của ông tổng thống.
Tổng Thống Johnson nhận được nhiều báo cáo tình báo và quân sự cho biết chính phủ Nam Việt Nam khó đứng vững trước sức công phá của cộng sản và Hoa Kỳ sẽ phải trả giá đắt cho chính sách can thiệp vào Nam Việt Nam. Tuy nhiên vì sợ Ðông Nam Á và Nam Á sẽ bị tràn ngập bởi làn sóng đỏ (domino theory - a conventional wisdom) nên Tổng Thống Johnson cứ tiếp tục chính sách can thiệp. Tổng Thống Harry Truman quyết định nhảy vào cuộc chiến Triều Tiên vì rút kinh nghiệm đồng minh do dự khi Hitler lấn chiếm Âu Châu đã làm nổ ra trận Thế giới Chiến tranh II, cũng như sự can thiệp thành công của đồng minh chận đứng sự lấn lướt của cộng sản tại Hy Lạp và Berlin. Tổng Thống Nixon, mặt khác, đã mở cửa bắt tay với Trung Quốc vì ông ta là người từng ấp ủ mộng chơi trò chơi lớn. Và hiện nay tổng thống Obama cảnh giác về hiểm họa nguyên tử của Iran vì nhu cầu nội bộ chứ không do một báo cáo tình báo quan trọng nào cả.
Có phải tình báo kém đã đưa đến cuộc chiến Iraq không?
Không. Các báo cáo tình báo không đóng góp gì đến quyết định của Tổng Thống Bush khởi động cuộc chiến tranh tại Iraq, mặc dù lúc đó ai cũng có cảm tưởng như vậy. Trên thực tế nếu rút một kết luận gì do các bản báo cáo tình báo mang lại thì đó là nên tránh gây chiến tranh tại Iraq. Báo cáo tình báo năm 2001 sau khi Tổng Thống Bush nhậm chức không nói gì đến Saddam Hussein có vũ khí nguyên tử hay vũ khí vi trùng và hóa học. Trong năm 2002 Tòa Bạch Ốc không yêu cầu CIA cho biết ý kiến về vũ khí “không quy ước” của Iraq. Và, hình như Tổng Thống Bush và bà cố vấn an ninh quốc gia Condoleezza Rice cũng không buồn đọc báo cáo của năm 2002, vì một lẽ đơn giản là lúc CIA đang viết bản báo cáo này bộ máy chiến tranh đánh Iraq đã được chuyển bánh.
Nếu tổng thống Bush đọc báo cáo năm 2002 của CIA thì ông ta sẽ thấy chính sách đánh Iraq là đi ngược lại với mọi kết luận của bên tình báo. Bản báo cáo đánh giá rằng nếu Iraq có vũ khí không quy ước, Saddam Hussein cũng không dùng hay cung cấp cho quân khủng bố để đánh Hoa Kỳ, ngoại trừ Hoa Kỳ tấn công Iraq. Giới tình báo cũng không tin Saddam Hussein có dính líu gì với al Qaeda (như Tổng Thống Bush hay nhắc đi nhắc lại), và rằng việc xây dựng dân chủ tại Iraq sẽ rất khó khăn. Các báo cáo trước chiến tranh (Iraq) viết rõ rằng xây dựng một chế độ chính trị mới tại Iraq sẽ rất “khó khăn, lâu dài và chắc là sinh ra nhiều nhiễu loạn” (nguyên văn: long, difficult and probably turbulent) và rằng bất cứ chính quyền nào thiết lập sau Saddam Hussein sẽ phải đối diện với “một xã hội chia rẽ, và các nhóm tranh chấp quyền lực trong nước sẽ đâm chém nhau, trừ phi có một lực lượng bên ngoài ngăn cản” (nguyên văn: deeply divided society with a significant chance that domestic groups would engage in violent conflicts with each other unless an occupying force prevented them from doing so). Những gì chúng ta đã nghe như quân đội Hoa Kỳ sẽ được chờ đón bằng những chùm hoa, và cuộc chiến sẽ không tiêu tốn gì (TBN: vì sẽ có dầu hỏa bù lại) chỉ là những thứ có trong hoang tưởng.
Sự thất bại của tình báo làm hỏng chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ
Cũng không chắc. Trong thế kỷ trước tình báo Hoa Kỳ đã không tiên đoán chính xác tình hình quốc tế trong nhiều trường hợp. Nhưng có những tiên đoán đúng cũng đã không thay đổi được gì. CIA đã tiên đoán cuộc tấn công năm 1967 của Do Thái đánh các nước A Rập, nhưng Tổng Thống Johnson cũng đã không làm gì để ngăn cuộc tấn công. Trái lại năm 1973 CIA không tiên đoán được Ai Cập sẽ đánh Do Thái, nhưng nhờ có cuộc chiến đó Tổng Thống Nixon mới hòa giải được với Do Thái và làm cho khối Arab xích lại gần với Tây phương hơn.
Năm 1979 CIA không tiên đoán được cuộc cách mạng tại Iran. Nhưng dù có tiên đoán trước cũng không làm thay đổi cách suy nghĩ của Tổng Thống Carter và bộ tham mưu của ông. Bộ tham mưu của ông Carter không chút quan tâm đến những biến chuyển tại Iran khi ông Shah gần chết. Và ngay cả khi dân Iran ồ ạt xuống đường tại Teheran Tòa Bạch Ốc vẫn dành thì giờ ưu tiên cho cuộc thương thuyết Ai Cập-Do Thái và lo lắng đến cuộc cách mạng của nhóm Sandinista tại Nicaragua. Tổng Thống Carter và cố vấn an ninh quốc gia Brzezinski không hề cho triệu tập một buổi họp cao cấp nào để thảo luận tình hình Iran. Sau này ông Brzezinki nói rằng lúc đó chính phủ bị tràn ngập bởi các chuyện quan trọng khác!
Việc CIA không tiên đoán được sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết cũng không là một điều gì quan trọng. Trong thập niên 1980 chính sách của Hoa Kỳ đối với Liên Bang Xô Viết không do các bản báo cáo tinh báo mà do “trực giác” của Tổng Thống Reagan. Từ khi vào Bạch Ốc, Tổng Thống Reagan đã nghĩ rằng đế quốc Liên xô là một đế quốc ma quỷ phải sụp đổ.

Tình báo Hoa Kỳ đánh giá thấp Al Qaeda trước cuộc khủng bố 9/11

Không đúng. Tình báo Hoa Kỳ đã tiên đoán và cảnh giác sự đe dọa của Al Qaeda đúng mức. CIA chỉ thất bại ở chỗ không tiên đoán dứt khoát Al Qaeda sẽ thực hiện một cuộc tấn công qui mô như vậy. Năm 1996 CIA đã thành lập một bộ phận theo dõi hoạt động của al Qaeda. Và theo khuyến cáo của CIA, năm 1998 Tổng Thống Clinton đã ký một quyết định mật (A finding) cho phép CIA bắt Osama bin Laden trước khi al Qaeda đánh bom 2 tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Phi Châu. Khi trao quyền cho Tổng Thống Bush, bộ phận phụ trách an ninh quốc gia của Tổng Thống Clinton đã cảnh giác phía Tổng Thống Bush về sự đe dọa của al Qaeda. Cố vấn an ninh quốc gia Sandy Berger nói với bà Rice, cố vấn an ninh quốc gia mới rằng: “Trong 4 năm tới bà sẽ mất nhiều thì giờ lo lắng nạn khủng bố đặc biệt là sự đe dọa của al Qaeda hơn bất cứ vấn đề gì khác” (nguyên văn: You are going to spend more time during your four years on terrorism generally and al Qaeda specially than on any other issues). Tóm lại báo cáo tình báo tháng 2/2001 không nói gì đến vũ khí không quy ước của Iraq (TBN: vì không có gì để nói) nhưng đã ưu tiên nhấn mạnh đến khủng bố và al Qaeda trước khi nói đến sự lan truyền vũ khí nguyên tử và sự lớn mạnh của Trung quốc.
Tình báo Hoa Kỳ là một tổ chức khép kín và không chịu thay đổi
Không có gì sai sự thật bằng. Cơ quan CIA đã thực hiện nhiều cải tổ nội bộ để đáp ứng với tình hình quốc tế nhưng không công bố rộng rãi trên báo chí như các cơ quan chính phủ khác. CIA đã gộp hai phòng phân tích tình báo phụ trách Ðông & Tây Ðức làm một trước khi Ðức thật sự thống nhất (năm 1990). Cải tổ lớn khác vào năm 1986 khi CIA thành lập Trung Tâm Chống Khủng Bố và thay đổi chương trình huấn luyện chuyên viên giải đoán tình báo và đặt nặng nhu cầu ngoại ngữ (như tiếng A Rập) để đáp ứng với thế giới Hồi Giáo.
Cuộc cải tổ sâu rộng nhất do quyết định của Quốc Hội dựa vào khuyến cáo của Ủy ban Ðiều tra 9/11, đặt 16 cơ quan tình báo Hoa Kỳ dưới một vị giám đốc chung, và thành lập Trung Tâm Quốc Gia Chống Khủng Bố (National Counterterrorism Center) không nằm trong CIA. Thực tế các cải tổ này chỉ làm nặng nề thêm bộ máy tình báo và không làm cho sự phối hợp tình báo hữu hiệu hơn để nắm bắt kịp thời sự các mối đe dọa. Bằng chứng là Umar Farouk Abdulmutallab xuýt làm nổ một chuyến bay hàng không dân sự từ nước ngoài bay đến Detroit vào dịp Christmas năm 2009 (TBN: chận được nhờ bố mẹ thông báo cho Hoa Kỳ biết thái độ bất thường của hắn).

Tình báo Hoa Kỳ sau vụ 9/11 hữu hiệu hơn

Ðúng vậy. Nhưng chính yếu do tình báo được tự do hành động, có nhiều tiền hơn và được Tòa Bạch Ốc đặt ưu tiên cao hơn. Nhờ ngân sách rộng rãi CIA mua được nhiều tin tức giá trị và theo dõi hữu hiệu các tay khủng bố trên thế giới. Và nhờ chính phủ Hoa Kỳ đặt ưu tiên cao nên sự quan hệ của CIA với các cơ quan tình báo nước ngoài được dễ dàng hơn, nhất là sự hợp tác quốc tế nhằm ngăn chận nguồn tài chánh và sự lưu thông tiền bạc của bọn khủng bố.
Hiện nay nỗi kinh hoàng của vụ 9/11 bắt đầu đi vào quên lãng, sự hợp tác tình báo giữa Hoa Kỳ và các nước khác (TBN: đặc biệt giữa Hoa Kỳ và Pakistan) bắt đầu lỏng lẻo. Nhưng bài học của vụ 9/11 là: chính sách đối ngoại là một yếu tố rất cần thiết cho một bộ máy tình báo hữu hiệu.
Tình báo sắc bén giúp chúng ta tránh khỏi sự bất ngờ
Hy vọng vậy. CIA đã không tiên đoán vụ “Mùa Xuân Arập”. Ðầu tháng 2 /2011 khi các cuộc biểu tình tại Cairo sắp lật đổ Tổng Thống Mubarak, Thượng Nghị Sĩ Dianne Feinstein (Dân Chủ, California), chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng nghị viện trong một buổi điều trần của CIA mỉa mai rằng: “Tổng thống, bộ trưởng ngoại giao và Quốc Hội làm chính sách Ai Cập dựa vào báo cáo kịp thời của cơ quan tình báo... thì hình như quý vị đã không làm tròn nhiệm vụ này”.
Không phải một mình bà Feinstein chỉ trích cơ quan CIA trong vụ này. Nhưng họ quên rằng tình báo chỉ có thể vẽ một bức tranh lớn, chứ không thể tiên đoán trước mọi sự việc có tính bất ngờ .
Sau vụ tấn công Trân Châu Cảng năm 1941, người ta chê tình báo Hoa Kỳ dở. Do đó trong 70 năm qua tình báo đã luôn luôn cố gắng cải thiện để có thể làm tốt hơn. Nhưng thực tế là dù có tưởng tượng ra cả trăm thế trận để nghiên cứu cũng không thể tiên đoán trước cái gì sẽ xẩy ra. Có trời mới đoán được Mohamed Bouaziza, một người đàn ông trung niên bán rau cải trên đường phố của thành phố Sidi Bouzid ở Tunisia sẽ tự thiêu vì bất mãn một vụ phạt vạ của cảnh sát và vụ tự thiêu đã tạo ra trận bão đòi dân chủ tại Trung Ðông.
Tình báo có thể giải đoán tình hình, nêu ra những gì có thể biết, và những gì không thể biết. Các nhà lãnh đạo chính trị cần phải chấp nhận thực tế đó và chuẩn bị tinh thần chờ đón sự bất ngờ.
Ông Donald Rumsfeld từng nói (TBN: có lẽ để biện minh cho sự thất bại của ông tại Iraq) đại ý rằng, chẳng những chúng ta không có câu trả lời đúng cho mọi vấn đề, chúng ta còn không có khả năng đặt những câu hỏi đúng.
Trần Bình Nam
binhnam@sbcglobal.net
www.tranbinhnam.com

Không có nhận xét nào: