Nguyên Huy/Người Việt
WESTMINSTER (NV) - “Xuân này con không về”, con đã đi vào miền Miên Viễn. Nhạc sĩ Nhật Ngân đã giã từ cõi thế chỉ trước có hai ngày, đồng hương người Việt khắp nơi đón chào một năm mới, năm Nhâm Thìn 2012.Vào sáng 28 tháng 1 nhằm ngày Mùng Sáu Tết Nhâm Thìn, tại nhà quàn Peek Family thành phố Westminster, gia đình cố nhạc sĩ đã cùng đồng hương thân hữu cử hành tang lễ tiễn đưa linh cữu cố nhạc sĩ Nhật Ngân đến nơi an nghỉ cuối cùng trong nghĩa trang Westminster.
Hàng trăm thân hữu và đồng hương tiễn đưa linh cữu cố nhạc sĩ Nhật Ngân đến nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang Peek Family. |
Ước lượng có tới trên ba trăm đồng hương và thân hữu đã có mặt trong buổi tiễn đưa này. Theo sổ ghi Thăm Viếng thì con số người đến với nhạc sĩ Nhật Ngân khi nhạc sĩ đã ra đi có thể tới con số cả ngàn người.
Sau phần tụng niệm hướng dẫn hương linh do Hòa Thượng Thích Viên Lý và chư tăng hộ niệm của chùa Ðiều Ngự, bà quả phụ Trần Nhật Ngân, cựu Trung Úy Nữ Quân Nhân QLVNCH Ðinh Thị Nương, thay mặt gia đình đã mở một băng nhạc ghi lại một số tác phẩm của cố nhạc sĩ để mọi thân bằng quyến thuộc cùng nhớ lại người nhạc sĩ tài hoa có cái tâm hiền qua những giai điệu mà chính nhạc sĩ đã gửi tiếng ca như cõi lòng mình trong đó.
Ðại diện của các đoàn thể như Hội Ái Hữu Quảng Nam-Ðà Nẵng, ái hữu cựu học sinh trung học Phan Chu Trinh, Trần Quí Cáp lần lượt lên đọc những điếu văn trước linh cữu người bạn đồng môn, nhắc nhở đến một thời cùng sách đèn bên nhau luyến lưu biết bao kỷ niệm. Nhà văn Ðỗ Thái Nhiên, đại diện cho hội Phan Chu Trinh đã nhắc lại rằng: Với tư cách chỉ huy một đơn vị chiến tranh tâm lý, Nhật Ngân dễ dàng có được tờ phép để về thăm gia đình trong dịp Tết Nguyên Ðán. Thế nhưng thay vì rời bỏ đơn vị để hưởng hạnh phúc riêng, Nhật Ngân tha thiết nói với mẹ: “Con biết không về, mẹ chờ em trông. Nhưng nếu con về bạn bè thương mong. Bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường. Không lẽ riêng mình êm ấm? Mẹ ơi, con xuân này vắng nhà”. Nhà văn Ðổ Thái Nhiên cũng nhắc đến giai đoạn sau 30 tháng 4 năm 1975, Nhật Ngân đã là người nghệ sĩ miền Nam đầu tiên dám hỏi thẳng cộng sản rằng “Anh giải phóng tôi hay tôi giải phóng anh” trong một bài nhạc đã được ngấm ngầm truyền tụng trong người dân miền Nam.
Nhà văn Ðỗ Thái Nhiên, đại diện Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Phan Chu Trinh Ðà Nẵng đang đọc điếu văn bên linh cữu cố nhạc sĩ Nhật Ngân. |
Tin nhạc sĩ Nhật Ngân tạ thế được lan truyền nhanh chóng không chỉ trong chốn thân hữu, bạn bè gần xa mà trong cả cộng đồng người Việt và giới trẻ. Vì, nhạc sĩ Nhật Ngân là một tác giả của rất nhiều bản nhạc đã thấm sâu trong lòng mọi người, ít ra là trong hai ba thế hệ. Bài nhạc “Xuân này con không về” được ông sáng tác trong thời chiến chinh khói lửa mịt mờ khắp quê hương, đã không chỉ là tiếng nói chung của những người lính chiến VNCH mà cả sau này khi cộng sản đã cưỡng chiếm được miền Nam đưa hàng hàng triệu quân cán chính VNCH vào các “lò” cải tạo, thì những người lính và cán bộ cộng sản coi tù được nghe lén anh em hát mỗi khi Xuân về, cũng chạnh lòng mà không đàn áp lại còn kín đáo xin anh em dậy cho hát lại. Ông Phan Bái tức nhạc sĩ Nguyên Phan, bạn đồng môn vói Nhật Ngân hai niên khóa kể lại: “Sau 75 tôi bị đi tù cải tạo. Vào một đêm Giao Thừa, chạnh lòng nhớ gia đình, tôi có hát khẽ lên bài ‘Xuân này con không về’ chẳng ngờ bị tên vệ binh nghe được. Nhưng thay vì chúng bắt đi kỷ luật vì phạm tội hát nhạc vàng, đồi trụy thì tên vệ binh này đã bắt tôi chép lại lời và xin kín đáo dậy cho hắn thuộc bài nhạc”.
Nhạc sĩ Nhật Ngân còn sáng tác nhiều ca khúc trữ tình khác nữa. Những ca khúc này không chỉ thấm sâu trong cảm xúc của các thế hệ chiến tranh mà tuổi trẻ bây giờ cũng rất mê. Bốn cô gái trẻ Michelle Hà, Nguyễn Duyên, Gloria và Jessica Nguyễn, bạn của con trai nhạc sĩ, có mặt trong buổi tiễn đưa này cùng nhất loạt nhắc đến bài “Tôi đưa em sang sông” nói rằng nghe hoài không chán, càng nghe càng thấy buồn man mác. Nguyễn Duyên còn thêm: “ Cả bài Mưa trên biển vắng nữa”.
Gặp thêm một bạn trẻ đang đứng chờ tiễn đưa linh cữu nhạc sĩ, cô Trần Thị Nam Phương. Nam Phương kể: “Chú Nhật Ngân là bạn thân với bố con. Khi bố con còn sống, con vẫn thường chở bố và chú Nhật Ngân đi đánh Tennis, chú rất dễ thương, khi ấy con đâu có ngờ chú đã làm ra bản nhạc mà con rất thích vì thường nghe mẹ hát từ lúc con còn bé, bài Tôi đưa em sang sông”.
Không thể kể hết được những tâm tình của thân hữu khi nhắc về Nhật Ngân. Cuộc sống của Nhật Ngân không chỉ tỏa sáng trong âm nhạc, để lại cho đời những tác phẩm đã vượt thời gian, kể cả những tác phẩm có tính thời sự như “Giã Từ Vũ Khí” hay “Anh giải phóng tôi hay tôi giải phóng anh?”... Nhật Ngân còn tỏa sáng trong thân hữu bạn bè đồng hương khi anh sinh hoạt trong cộng đồng. Bóng anh không bao giờ thiếu khi các hội Quảng Nam-Ðà Nẵng hay Phan Chu Trinh, Trần Quí Cáp tổ chức họp mặt... Anh tham gia với tất cả nhiệt tình của mình bằng lời ca, bằng tiếng hát và bằng cả những tác phẩm sáng tác riêng cho Quảng Ðà hay Phan Chu Trinh, Trần Quí Cáp.
Anh từ giã cõi thế. Xuân này và mãi mãi anh không về nữa. Nhưng “Xuân này con không về” chắc chắn sẽ còn mãi với cộng đồng người Việt, cả trong và ngoài nước.
_____
Liên lạc tác giả: Nghuy9@yahoo.com
1 nhận xét:
day la` mot ma^'t ma't lon cho cong dong nguoi Viet tai hai ngoai, va la` mot su ba^'t ngo*` dau don trong lo`ng nguoi nghe nhac. Mac du` ong khong co`n tren coi doi nay, nhung linh ho^`n va` loi nhac cua ong se mai song trong lo`ng moi nguoi
Đăng nhận xét