Các đài truyền hình vệ tinh ở Trung Quốc vừa cắt giảm hai phần ba các chương trình giải trí truyền hình theo sau một chiến dịch của chính phủ, Tân Hoa Xã đưa tin.
Số lượng các chương trình giải trí được phát sóng vào giờ cao điểm mỗi tuần đã giảm xuống còn 38 chương trình từ con số 126 trước đây, cơ quan giám sát cho biết.
Tin này được đưa ra vào khi Chủ tịch nước cảnh báo về những ảnh hưởng của văn hóa phương Tây.
Trong một bài viết đăng trên một tạp chí của Đảng Cộng sản, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng kêu gọi có các nỗ lực để tăng sức mạnh mềm của đất nước, Tân Hoa Xã cho biết.
Chỉ thị này, vốn được ban hành hồi tháng 10 năm 2011, giới hạn mỗi kênh vệ tinh trong số 34 kênh của nước này chỉ được có hai chương trình giải trí mỗi tuần và tối đa là 90 phút với nội dung giải trí mỗi ngày trong khoảng thời gian từ 7:30 đến 22:00 giờ.
Các đài cũng được yêu cầu phải phát sóng ít nhất hai giờ các chương trình tin tức trong khoảng thời gian từ 6 giờ sáng tới nửa đêm. Mỗi đài phải phát sóng ít nhất 30 phút chương trình tin tức trong khoảng thời gian từ 6 giờ sáng đến 11:30 tối.
Đất nước này có số lượng người xem truyền hình lớn nhất trên thế giới - ước tính tới 95% tổng dân số 1,3 tỷ người.
'Thị hiếu thấp'
“Kênh truyền hình vệ tinh đã bắt đầu phát sóng chương trình quảng bá cho các truyền thống đạo đức và các giá trị cốt lõi xã hội chủ nghĩa," SARFT cho biết trong một tuyên bố.
Các chương trình tìm kiếm tài năng và truyền hình thực tế là trong số những chương trình bị cắt giảm nhiều nhất. Danh sách các chương trình bị hạn chế cũng bao gồm các chương trình trò chuyện và những câu chuyện tình cảm được cho là "thị hiếu thấp", theo Tân Hoa Xã đưa tin.
Tuy nhiên, tuyên bố của SARFT cũng nói rằng chương trình tìm người yêu rất phổ biến, như “Nếu bạn chính là người ấy” (If You Are the One), và những chương trình truyền hình dài nhiều tập như Li Yuan Chun, do kênh truyền hình vệ tinh Hà Nam sản xuất , vẫn có thể lên sóng trong giờ cao điểm vào những ngày cuối tuần.
Chương trình If You Are the One, được kênh truyền hình vệ tinh Giang Tô sản xuất, là chương trình tìm người yêu phổ biến nhất. Nó phá kỷ lục con số người xem trong năm 2010, khiến các chương trình của các đài truyền hình khác bắt chước.
Việc các chương trình như vậy thu hút số người xem cao trong khi chi phí sản xuất tương đối thấp, có nghĩa là lợi nhuận lớn hơn cho các đài truyền hình vệ tinh. Tuy nhiên các nhà quản lý cảm thấy không ổn trước nội dung giật gân và “thô tục” của các chương trình này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét