Pages

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

VN: Nợ xấu ám ảnh tập đoàn Nhà nước



EVN
EVN là tập đoàn điện duy nhất tại Việt Nam
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trở thành tiêu điểm phê phán trong bài viết hôm 24/8 về các tập đoàn nhà nước của phóng viên vùng Đông Nam Á Stuart Grudgings của Reuters.
Trong bài với tựa đề “Nguy cơ nợ bao trùm lên những tập đoàn khổng lồ chưa cải cách của Việt Nam”, phóng viên này nói EVN là "một tập đoàn điện xây cả dự án căn hộ, vận hành một ngân hàng, kinh doanh môi giới chứng khoán và cung cấp điện cho hàng triệu hộ gia đình với số nhân viên tổng cộng 100 nghìn người”.

EVN trở thành tập đoàn nhà nước mới nhất bị săm soi trong bối cảnh nợ xấu đang làm chao đảo niềm tin của nhà đầu tư và tượng trưng cho sự đi xuống của một đất nước đã từng một thời được cho là ngôi sao kinh tế mới của Đông Nam Á.
Bài dẫn lời một quan chức cao cấp trong ngành điện nói EVN đang ở trong tình trạng bành trướng thái quá.

Những con số
Một số người đang lo sợ rằng khó khăn của EVN lớn hơn gấp nhiều lần so với tập đoàn đóng tàu Vinashin.
“Tôi khẳng định rằng nợ của họ xấu hơn Vinashin, có thể là hàng trăm nghìn tỷ đồng,” một quan chức ngành điện đề nghị giấu tên cho biết.
Vụ bắt giữ nhà tài phiệt tiếng tăm Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên), nhà triệu phú sáng lập Ngân hàng cổ phần thương mại Á Châu (ACB) đã làm dấy lên nỗi lo sợ tình trạng bất ổn tài chính ở quốc gia 90 triệu dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Ngân hàng Nhà nước phải đứng ra trấn an người dân đang thi nhau rút tiền trong bối cảnh chỉ số chứng khoán chủ chốt của Việt Nam giảm 9% trong tuần.

Vinashin
Khi Vinashin, Vinalines vỡ nợ, chính phủ Việt Nam tuyên bố đây chỉ là hai trường hợp riêng lẻ do quản lý kém gây ra
Sự cố Vinashin và Vinalines trong năm 2010, 2011 với tổng nợ lên đến 6,5 tỷ đôla đã buộc chính phủ phải tăng nỗ lực cải cách các doanh nghiệp nhà nước, chiếm một phần ba nền kinh tế và chiếm hết vốn đầu tư vào tư doanh.
Trong cuối năm 2010, trong lúc nợ của Vinashin chạm mốc 80 nghìn tỷ thì nợ của EVN đã chạm mốc 240 nghìn tỷ, gấp ba lần Vinashin, theo tờ Saigon Times.
Báo Tuổi Trẻ cũng tường thuật EVN lỗ 8,4 nghìn tỷ đồng, gấp 12 lần báo cáo của chính tập đoàn này.
Những con số thống kê tiêu cực về các doanh nghiệp nhà nước đã bị xóa khỏi bản báo cáo chính thức của Kiểm toán Nhà nước gửi cho truyền thông hồi tháng Bảy.
Lời hứa mờ nhạt dần
Reuters chỉ ra tiềm năng đi lên của Việt Nam bằng ngành sản xuất nay mất đi bởi nạn quan liêu, cơ sở hạ tầng yếu kém và những khối nợ chồng chết trong một hệ thống tài chính thiếu minh bạch.
Kinh tế Việt Nam trong năm 2012 đã giảm tăng trưởng hẳn, dừng lại ở mức 4,5% so với 7% của năm 2010, trong khi đó hãng xếp hạng tín dụng Moody đánh giá nợ xấu Việt Nam cao nhất Đông Nam Á với mức nợ xấu lên đến 8,6% trong tổng khối nợ hiện tại.
Lượng tín dụng khủng lồ được bơm vào khối doanh nghiệp nhà nước từ 2009 đã giúp các tập đoàn này mở rộng sang các ngành nghề thiếu chuyên môn.
Khi Vinashin, Vinalines vỡ nợ, kéo theo việc các lãnh đạo của những tập đoàn này phải ngồi tù, chính phủ lại đánh giá là hai trường hợp riêng lẻ do sai phạm trong quản lý gây ra.
Giới quan sát cho rằng hình thức sai phạm trong quản lý như tại Vinalines và Vinashin là khá phổ biến tại các doanh nghiệp nhà nước, nơi giám đốc lẫn ban quản trị thường được chọn bởi quan hệ chính trị hơn là khả năng kinh doanh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại đứng ra khen ngợi sự mở rộng của Vinashin, đồng thời tỏ lời xin lỗi hiếm hoi đến Quốc hội sau khi tập đoàn này sụp đổ, kéo theo hàng loạt đợt hạ tín dụng đáng xấu hổ cho Việt Nam.
Thế nhưng, không ai trong chính phủ bị đưa ra tòa hay bị trừng phạt trước sự sụp đổ của Vinashin.
Việc bắt giữ ông Kiên, người thuộc gia đình trong nhóm 30 nhóm giàu có nhất Việt Nam, có thể là dấu hiệu của xung đột ngày càng dâng cao của lãnh đạo Đảng Cộng Sản trong vấn đề chính sách kinh tế.
Cải cách khiêm tốn
Những cải cách của chính phủ Việt Nam được Reuters đánh giá là "nghe qua thì có vẻ rất táo bạo" với tuyên bố như rút tập đoàn nhà nước khỏi những ngành không liên quan, vận hành theo cơ chế thị trường, lựa chọn giám đốc một cách khắt khe và cho nhiều quyền tự quyết hơn.
Tuy nhiên, cải cách này được giới quan sát cho là không giải quyết cốt lõi của vấn đề khi "Đảng Cộng sản vẫn còn nắm giữ vai trò chủ đạo, và doanh nghiệp Nhà nước vẫn là công cụ ổn định kinh tế vĩ mô,” theo kinh tế gia Lê Đăng Doanh.
"Các doanh nghiệp hiên nay đang đối mặt với rất nhiều sự biến động và suy thoái kinh tế, nhưng chúng tôi có thể làm được gì? Đành sống chung với nó thôi."
Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc công ty Giấy Sài Gòn
Bất chấp một thị trường tiêu dùng sinh động, Việt Nam đang mất dần nguồn đầu tư cho những người láng giềng Đông Nam Á như Philipines và Indonesia, thậm chí đất nước mới mở cửa Miến Điện khi đầu tư nước ngoài (FDI) đầu năm 2012 giảm đến 28% so với cùng kì năm ngoái.
"FDI đang đổ vào Miến Điện, không phải Việt Nam. Những trái dưới thấp đã bị hái hết ở Việt Nam," một nhà ngoại giao tại Hà Nội nói.
Vị quan chức trong ngành điện nói với Reuters rằng thống kê của EVN là một sự bí ẩn, thậm chí đối với những người làm việc tại đó, nên không rõ khoản lỗ phát sinh từ ngành chính, hay từ những đầu tư ngoài ngành.
Hank Tomlinson, chủ tịch phòng thương mại Mỹ tại Việt Nam, cho biết một vài doanh nghiệp đồ uống của nước ngoài tại Việt Nam phải dùng máy phát điện vì như vậy rẻ hơn so với mất hẳn điện.
"Cái mà doanh nghiệp cần là sự hiện hữu và sự đáng tin cậy của việc cung cấp điện, không phải được bán điện rẻ rồi phải chạy máy phát điện," ông Tomlinson nói.
Việc EVN tăng giá điện lên 5% trong năm một cách thiếu minh bạch đã làm lan tỏa sự nghi ngờ từ cách doanh nghiệp trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp đang phá sản vì thắt chặt tín dụng.
"Các doanh nghiệp hiên nay đang đối mặt với rất nhiều sự biến động và suy thoái kinh tế, nhưng chúng tôi có thể làm được gì? Đành sống chung với nó thôi," ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc của công ty Giấy Sài Gòn, tâm sự.

Không có nhận xét nào: