Pages

Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

Á Châu có yên tâm với cam kết của Hoa Kỳ?

Thanh Quang, phóng viên RFA

000_TS-Hkg9747592-600.jpg

Tổng thống Hàn Quốc Geun -hye Park ( T) nhìn Tổng thống Mỹ Barack Obama ký sổ lưu niệm khách mời tại Nhà Xanh ở Seoul vào ngày 25 tháng 4 năm 2014
AFP photo

Nghe Bài Này

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đang công du Á Châu giữa lúc nhiều lãnh đạo trong khu vực hòai nghi về cam kết an ninh của Mỹ, trong bối cảnh TQ ngày càng gây hấn và cuộc khủng hỏang Crimea/Ukraine lại càng làm cho Bắc Kinh bạo dạn hơn.

Khó khăn của Hoa Kỳ

Mở đầu viếng thăm Nhật Bản thuộc trong chuyến công du 4 nước Á Châu trong một tuần lễ, Tổng thống Obama hôm thứ Năm (April 24) mạnh mẽ cam kết quyết tâm bảo vệ xứ Phú Tang, kể cả quần đảo Senkaku mà ông nói rõ là thuộc quyền cai quản của Nhật, về mặt lịch sử.
Theo các nhà quan sát thì thách thức gay go nhất đối với Tổng thống Obama trong chuyến Á Du này – mà sẽ đưa ông tới cả Nam Hàn, Malaysia và Philippines, đó là lãnh tụ Mỹ có xóa tan được mối nghi ngai của những lãnh đạo Á Châu về quyết tâm của Mỹ ngăn chận xứ TQ trỗi dậy ngày càng hung hăng, quyết đóan và không có thiện chí tuân thủ luật pháp quốc tế.
Sự nghi ngại ấy lại càng gia tăng trong thời gian gần đây khi Washington cho thấy nhiều dấu hiệu do dự trước tình hình thế giới nói chung càng lúc càng bất ổn, từ cách ứng phó của hành pháp Obama đối với cuộc nội chiến Syria, hành động lấn lướt của Trung Nam Hải ở biển đông và cả biển Hoa Đông, cho tới cuộc khủng hỏang Crimea/Ukraine.
Đó là chưa kể việc cách nay chưa lâu, Tổng thống Obama không có mặt tại thượng đỉnh Á Châu, hủy bỏ kế họach viếng thăm nhiều đồng minh trong khu vực; hay gần đây nhất, Tổng trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel bị phía Bắc Kinh “lên lớp” ngay tại Hoa Lục, hoặc Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cho thấy một hình ảnh yếu kém trong chuyến thăm của ông tại vùng Đông-Bắc Á.
Đó là một số trong nhiều lý do khiến người ta không khó hiểu khi sách lược “chuyển trục về vùng Á Châu-TBD” mà Washington công bố từ năm 2011 được nguyên cố vấn chính phủ Nhật đặc trách ngọai vụ, ông Yukio Okamoto, hoan nghênh nhưng ông lại lưu ý rằng “ chúng tôi không thấy mọi dấu hiệu nào chứng tỏ Mỹ đã thực hiện cam kết đó ”.
Khó khăn hiện nay là TQ cÓ những hành động, thái độ ngày càng hung hăng hơn. Trong khi đó, hai đồng minh chiến lược của Mỹ là Nam Hàn và Nhật Bản lại có những mâu thuẫn...
- CGKT Nguyễn Xuân Nghĩa
Hay, theo nhận xét của phân tích gia Adam Lockyer về quốc phòng và ngọai giao thuộc Đại học New South Wales, thì chiến lược “chuyển trục về Á Châu’ của Mỹ, cho tới giờ, chưa mang lại kết quả gì thiết thực, cụ thể.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa vốn theo dõi sâu sát tình hình thế giới và trong khu vực nhận xét rằng:
Tôi nghĩ rằng chính sách của Tổng thống Barack Obama đặt nặng vào lý tưởng mà không có phần quan trọng là khả năng thực tế để thực hiện lý tưởng đó. Cho nên khi Hoa Kỳ nói đến chuyện “chuyển trục” về Đông Á, thì thực tế không hổ trợ cho chính sách đó. Cụ thể như ngân sách của Bộ Ngọai giao Mỹ cho vùng Đông Á là ngân khỏan rất nhỏ, và nguồn viện trợ của Hoa Kỳ cho các nước Đông Á  lại càng nhỏ hơn nữa, chỉ 4% của tổng số viện trợ của Mỹ dành cho một khu vực lại chiếm tới 1/3 dân số thế giới, đồng thời, đang có nhiều cái nhiễu nhương nhất.
Do đó, có lẽ sau 5 năm mơ ước những chuyện tòan lớn lao, thì Hoa Kỳ bị rơi vào một thực tế là ngay tại vùng Đông Á mà chúng ta rất quan tâm, và Hoa Kỳ không có khả năng thực hiện những điều như họ đã nói. Vì vậy, khó khăn hiện nay là TQ trong năm 2013 vừa qua đã có những hành động, thái độ ngày càng hung hăng hơn. Trong khi đó, hai đồng minh chiến lược của Mỹ là Nam Hàn và Nhật Bản lại có những mâu thuẫn, xung khắc trầm trọng nhất kể từ Đệ Nhị Thế Chiến tới nay mà Hoa Kỳ hòan tòan không “đỡ” được.
Do đó, tôi không rõ khi Tổng thống Obama đi thăm 4 nước châu Á có cải thiện được tình hình hay không ?
Theo LS Vũ Đức Khanh từ Canada, chuyên nghiên cứu về chính trị Việt Nam, luật pháp và bang giao quốc tế, thì chuyến công du Á Châu hiện giờ của Tổng thống Barack Obama chỉ là để trấn an các đồng minh trong khu vực, chứ chưa có bước đột phá nào để có thể nói là lập “tái cân bằng bàn cờ trong khu vực”. Về chuyện các nước Á Châu, từ Philippines cho tới cả Nhật Bản, xem chừng như chưa thật sự an tâm về cam kết an ninh của Mỹ, LS Vũ Đức Khanh nhận xét:
Về vấn đề này thì tôi nghĩ, thứ nhất, là Hoa Kỳ hôm nay không giống như Hoa Kỳ của thế kỷ 20, tức sau Đệ Nhị Thế Chiến thì Hoa Kỳ lúc nào cũng đóng vai trò như người “ anh cả” trong khu vực và bao gánh mọi việc. Còn Hoa Kỳ của năm 2014 này đã xuống dốc rất nhiều. Cho nên chúng ta không nên quá trông đợi vào Hoa Kỳ.
Thứ hai, là phía các nhà lãnh đạo ở Á Châu-TBD, họ xem chừng như vẫn còn tư duy của thế kỷ 20 mà chưa nhìn thấy rằng ở thế kỷ 21 này là phải cần có sự hợp tác toàn diện và chặt chẽ với Hoa Kỳ. Họ vẫn còn tư duy là chờ đợi phía Hoa Kỳ làm nhiều hơn.
Vấn đề thứ ba là tôi thấy chính phủ Mỹ nói rất rõ, ngay cả Lập pháp Hoa Kỳ cũng thế, đó là tương lai của Hoa Kỳ là ở Á Châu-TBD. Hồi năm 2011, ở Honolulu, Ngọai trưởng Hillary Clinton đã đưa ra quan niệm là Hoa Kỳ, với quá trình 150 năm có mối quan hệ với Á Châu-TBD, Hoa Kỳ giờ tiếp tục là quốc gia của Châu Á-TBD; và chính Tổng thống Barack Obama cũng lập lại vấn đề này.
Do đó, tôi nghĩ không có lý do gì mà nghi ngờ thiện chí cũng như quyết tâm của Mỹ trở lại Á Châu-TBD. Tuy nhiên, chúng ta cần nghĩ rằng các quốc gia Á Châu-TBD phải nỗ lực nhiều hơn nữa để cùng với Hoa Kỳ thiết lập một cơ chế mới. Đó là, về mặt kinh tế, thì chúng ta thấy Hiệp định Xuyên TBD TPP là điểm trọng yếu trong cơ chế này. Nhưng về mặt chính trị và quân sự thì chúng ta vẫn chưa thấy có diễn biến nào chứng tỏ Hoa Kỳ cùng các đồng minh và đối tác trong khu vực đang hướng tới.

Những tín hiệu tốt

000_Was8501235-250.jpg
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (T) gặp Thủ tướng Mông Cổ Norov Altankhuyag (P) tại Tòa nhà Chính phủ Mông Cổ tại Ulan Bator hôm 10 tháng 4 năm 2014. AFP photo
Tuy nhiên, vẫn theo LS Vũ Đức Khanh, thì mới đây, Tổng trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã tiếp các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tại Hawaii – có thể là một tín hiệu mới mở đường cho việc hình thành một mô hình hợp tác quân sự-chính trị trong khu vực trong những năm sắp tới.
Có lẽ điều cũng cần phải nói tới là những tiểu quốc Á Châu có tranh chấp lãnh hải với TQ cũng lo ngại việc Mỹ ứng phó chưa đủ mạnh – thậm chí “thiếu khả năng” – kiềm chế Nga trong cuộc khủng hỏang Crimea/Ukraine khiến Bắc Kinh có thể “bạo dạn, quyết đóan” hơn tại biển Đông và cả biển Hoa Đông. LS Vũ Đức Khanh nhận xét về vấn đề này:
Tình hình Ukraine, Crimea và tình hình Hòang Sa, Trường Sa ở biển Đông có những điểm giống nhau, nhưng cũng rất khác nhau. Chúng ta cần hiểu rằng ở Ukraine, khối NATO có rất nhiều quyền lợi ở khu vực đó, cho nên họ có những phản ứng tương đối khá mạnh, đặc biệt trong bối cảnh Nga làm quá mạnh trong khu vực ấy khiến sự đối đầu đó không biết sẽ đi về đâu. Và nếu như NATO ứng phó thất bại trong vấn đề Ukraine thì có thể điều này tạo nên một tiền đề, tiền lệ cho TQ ở khu vực biển Đông.
Tuy nhiên, tôi thấy chiến lược TQ trong giai đọan hiện tại là họ đi 3 đường: Đường thứ nhất là pháp lý, họ đang củng cố về phương diện pháp lý để có thể đối phó với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là đối phó với vấn đề của Philippines. Mặc dù không công nhận Tòa án về Luật Biển của LHQ nhưng Bắc Kinh đang chuẩn bị mặt pháp lý rất mạnh. Đường thứ hai là TQ cũng đang dùng sức mạnh về kinh tế, chính trị và văn hóa để ảnh hưởng lên tất cả các nước trong khu vực.
Thái độ của Hoa Kỳ trong tất cả những cuộc tranh chấp này coi như là không can dự, nhưng Hoa Kỳ có hiệp ước quân sự với Nhật Bản và Philippines, cho nên không có cách gì mà TQ sử dụng giải pháp quân sự.
- LS Vũ Đức Khanh

TQ thực hiện điều đó để, bằng mọi giá, họ phải giành cho được ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực, coi biển Đông như là sân sau của họ, nhưng họ không sử dụng về vấn đề quân sự. Con đường thứ ba nữa là TQ sử dụng 2 điểm nóng là vấn đề quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông tranh chấp với Nhật Bản để thử ý chí của Hoa Kỳ xem như thế nào, đồng thời ở phía Nam, tại quần đảo Trường Sa ở biển Đông, họ cũng đã có những hành động để thử quyết tâm của Mỹ ra sao.
Thái độ của Hoa Kỳ trong tất cả những cuộc tranh chấp này coi như là không can dự, nhưng Hoa Kỳ có hiệp ước quân sự với Nhật Bản và Philippines, cho nên không có cách gì mà TQ sử dụng giải pháp quân sự.
Theo LS Vũ Đức Khanh thì mục đích của TQ hiện tại là rất cần khống chế VN. Với dải bờ biển của VN dài trên 2.000 km, nếu TQ hòan tòan khống chế được VN thì họ sẽ sử dụng VN như cái bàn đạp để đảm bảo được tuyến hàng hải như phương Bắc mong muốn, hay ít nhất cũng có thể cùng với VN gọi là “ hợp tác khai thác” tiềm năng dưới lòng biển Đông. LS Vũ Đức Khanh lưu ý rằng thực ra, TQ đã không chế được VN rồi, mặc dù Hà Nội đã có ít nhiều bước đột phá với Hoa Kỳ. Nhưng phía Hoa Kỳ hiện vẫn chưa làm gì quá nhiều trong khu vực giữa lúc Washington đang gặp khó khăn, nhất là vấn đề ngân sách hạn chế, cắt giảm chi tiêu quốc phòng…Do đó, LS Vũ Đức Khanh nhận định, Hoa Kỳ phải từng bước trở lại khu vực Á Châu-TBD, chứ không phải có hành động “chuyển trục” nào táo bạo
.

Không có nhận xét nào: