Pages

Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

Chủ tịch nước lên tiếng vụ xử Phú Yên


Nguyễn Thân Thảo Thành nhận mức án cao nhất là 5 năm tù
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa lên tiếng yêu cầu cơ quan tư pháp xử lý nghiêm vụ án 5 công an viên "dùng nhục hình gây tử vong" theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên chỉ đạo này của ông Sang nhận được nhiều phản ứng khác nhau.

Bản án này đã gây phẫn nộ cho dư luận trong nước vốn cho là ‘quá nhẹ’.
5 cựu sỹ quan công an đã nhận các mức án từ 5 năm tù đến 1 năm án treo vì về tội ‘Dùng nhục hình’ vì đã dùng dùi cui đánh vào đầu nghi phạm Ngô Thanh Kiều đến chết trong một phiên tòa cuối tuần trước tại thành phố Tuy Hòa, thủ phủ tỉnh Phú Yên.

‘Áp lực để làm đúng’

Chủ tịch Sang được Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời ‘yêu cầu chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao chỉ đạo giải quyết theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo chủ tịch nước kết quả’.
Trao đổi với BBC từ Hà Nội, luật sư Trần Vũ Hải, người theo dõi chặt chẽ vụ án này, nói việc ông Sang lên tiếng cũng ‘hợp lý’.
Theo luật sư Hải giải thích thì ông Sang, mặc dù đứng đầu hành pháp, nhưng đồng thời cũng là trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp và ‘có vai trò nhất định’ trong việc bổ nhiệm các thẩm phán.

Nghe Bài Này
Với lại, công văn chỉ đạo của ông Sang, theo ông Hải, chỉ mang tính ‘chung chung’.
“Đây là thông lệ chưa hay lắm ở Việt Nam. Các cơ quan chưa thật sự độc lập,” ông Hải nói, “Nhưng có thể chấp nhận được.”
“Tính độc lập của các tòa án ở Việt Nam chỉ tương đối thôi. Địa phương tìm cách xét xử theo hướng có lợi cho công an nhưng mà có chủ tịch nước chỉ đạo rồi thì họ phải tìm cách xem xét lại,” ông nói.
Luật sư Hải nói thẩm phán trong phiên tòa nào cũng có thể có áp lực, có thể từ dư luận của quần chúng, từ ý kiến của các luật sư hay các vị đại biểu Quốc hội.
“Thẩm phán có bản lĩnh là biết có áp lực đó nhưng vẫn xử đúng luật.”
“Thẩm phán tòa án địa phương chịu áp lực từ phía công an sở tại, chính quyền địa phương lớn hơn so với áp lực từ dư luận nên họ nghiêng về phía công an Tuy Hòa,” ông nói.
Nhưng với chỉ đạo mới của chủ tịch nước thì theo ông Hải tòa án phúc thẩm vụ án này sẽ ‘không có áp lực để làm sai nhưng có áp lực phải làm đúng’.

Kẻ khen người chê

Chỉ đạo này của Chủ tịch Trương Tấn Sang lại nhận được nhiều ý kiến khác nhau trên trang Facebook của BBC Việt ngữ.
“Đây đúng là người vì dân. Hoan nghênh Chủ tịch nước Trương Tấn Sang,” một bạn đọc có tên là Anh Một viết.
“Chính Trương Tấn Sang làm vậy mới là giải toả áp lực cho chánh án Tuy Hòa,” Son Pham bình luận.
Binh Nguyen nói: “Độc lập hay không độc lập tôi không biết nhưng cả hệ thống tôi còn hi vọng vào mỗi bác Sang nữa thôi!”

"Dưới góc nhìn của một chính thể có tam quyền phân lập, thì sự chỉ đạo của ông chủ tịch nước là vi phạm Hiến pháp. Có thể người ta sẽ cho rằng ông chủ tịch nước đã lấy cái sai này để sửa một cái sai khác. Tuy vậy, cái sai ít vẫn đỡ hơn cái sai nhiều."
Kiệt Phan viết trên Facebook BBC Việt ngữ
Tuy nhiên cũng có ý kiến không đồng tình.
“Tòa án thì phải làm theo luật pháp, làm độc lập không bị ảnh hưởng của ai, chứ chỉ đạo này chỉ đạo này nọ, chủ tịch nước đứng trên Hiến pháp à, có chỉ đạo hết được không? Nếu chỉ đạo đó có ý bao che thì sao? Ai chịu trách nhiệm?” một công dân mạng có tên Duy Tân viết.
Một người khác có tên Kiệt Phan phản bác: “Dưới góc nhìn của một chính thể có tam quyền phân lập, thì sự chỉ đạo của ông chủ tịch nước là vi phạm Hiến pháp. Tuy nhiên ở chính thể cộng sản thì tam quyền không có phân lập, chỉ có phân công và thống nhất lãnh đạo. Có thể người ta sẽ cho rằng ông chủ tịch nước đã lấy cái sai này để sửa một cái sai khác. Tuy vậy, cái sai ít vẫn đỡ hơn cái sai nhiều .
Duc Pham thì cho rằng đây là chiêu PR, tức đánh bóng tên tuổi, của ông Sang.
Một số người còn bày tỏ không tin tưởng vào chỉ đạo của ông Sang.
“Loạn cả lên thì mong chờ chuẩn gì cho tư pháp đây? Nhưng cho dù ngài chủ tịch có can thiệp nhiều nhiều hơn thì cũng không đủ vì mọi thứ quá loạn rồi, không sửa chữa kịp nữa,” Ngoi Le viết.

Không có nhận xét nào: