Pages

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

Học giả Singapore: " Trung Quốc giành được Biển Đông sẽ mất đi cả thế giới"

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt) 


Theo trang tin “ Đa chiều” cùng với sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc trong vài năm trở lại đây vả tranh chấp lãnh thổ giữa nước này với các quốc gìa láng giềng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông không ngừng leo thang, cách thức Trung Quốc sẽ giải quyết tranh chấp trên biển như thế nào vẫn luôn là tâm điểm chú ý của dư luận. Gần đây, một học giả Singapore đã cho rằng nếu như giành được Biển Đông, Trung Quốc nhất định sẽ mất cả thế giới.

Trong bài viết đăng trên tờ “Thời báo Hoàn cầu”, Giáo sư trường Đại học Quốc gia Singapore, ông Kishore Mahbubani cho biết: “Chúng ta không có cách nào dự đoán được tương lai, những chuyện không lường tới thường hay xảy ra. Song có một chuyện có thể khẳng định rằng: trong 10 hoặc 20 năm tới, Trung Quốc sẽ trỗi dậy, trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng từng dự đoán nếu tính toán dựa vào sức mua với tỉ giá ổn định, đến năm 2019 Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới”.

Trước đó, cựu Tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt từng nói: “Năng lực càng lớn, trách nhiệm càng cao”. Điều này là không thể né tránh. Sau khi trở thành quốc gia số một thế giới, Trung Quốc phải gánh vác trách nhiệm nhiều hơn nữa. Trong 10 năm tới, cùng với sự trỗi dậy của mình, Trung Quốc sẽ nhận được sự quan tâm rộng rãi của thế giới; thế giới sẽ tìm hiểu, theo dõi cách hành xử của Trung Quốc. Đây chính là nguyên nhân tồn tại khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trở nên quan trọng. Mối quan hệ này sẽ trở thành kiểu mẫu về quan hệ hữu nghị, mật thiết để cả thế giới noi theo.

Hiện nay, quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng tương đối tốt đẹp, song chưa đến mức “tin tưởng sâu sắc”. Có lẽ quan hệ Mỹ – châu Âu mới là minh chứng rõ nhất cho tính chất này. Mặc dù nằm ở hai bờ Đại Tây Dương, song nhờ sự giao lưu nhân dân mật thiết, hai bên đã gắn bó chặt chẽ với nhau. Trước đây quân đội Mỹ từng khai chiến với quân đội Đức, Italy trong thời kì Chiến tranh Thế giới thứ Hai, song giữa Mỹ và châu Âu hiện không có bất kì khả năng giao chiến nào.

Theo bài báo trên, điều đó không có nghĩa là quan hệ Mỹ – châu Âu không tồn tại vấn đề gì. Hai bên vẫn có sự tranh chấp về mặt kinh tế, song đã nỗ lực đạt được thống nhất về “Hiệp định đổi tác thương mại và đâu tư xuyên Đại Tây Dương” (TTIP); khi biết tin cơ quan tình báo Mỹ nghe lén điện thoại cá nhân, Thủ tướng Đức Angela Merkel vô cùng tức giận… Mặc dù vẫn tồn tại một số vấn đề nhưng sự tin tưởng, hợp tác giữa Mỹ và châu Âu luôn duy trì ở mức độ cao và không thể phá vỡ.

Trung Quốc có thể kỳ vọng vào việc xây dựng “mối quan hệ tin tưởng sâu sắc” với ASEAN. Tương tự việc châu Âu không uy hiếp Mỹ, ASEAN bao gồm các nước vừa và nhỏ cũng sẽ không đe dọa Trung Quốc – dưới bất kỳ hình thức nào. Quả thực, kể từ chuyến thăm mang tính lịch sử của cố Phó Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình tới Bangkok, Kuala Lumpur, Singapore vào tháng 11/1978 đến nay, quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN không ngừng đạt được những tiến triển tích cực. Cũng tại thời điểm đó, Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ đưa ra sáng kiến thành lập Khu thương mại tự do Trung Quốc – ASEAN, nhờ vậy quan hệ song phương đã bước lên một tầm cao mới. Trung Quốc đã có những nhượng bộ đơn phương to lớn với “chương trình thu hoạch sớm” của các nước ASEAN. Theo kế hoạch, từ năm 2003, Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu đối với hơn 600 loại nông sản và hơn 100 sản phẩm thuộc ngành chế tạo từ các nước ASEAN, đồng thời nước này cũng thực hiện giảm thuế đối với một số mặt hàng nông sản xuất khẩu sang ASEAN. Khu thương mại tự do Trung Quốc – ASEAN chính thức khởi động vào năm 2010 và sau khi đàm phán thành công Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực, quan hệ giữa hai bên hứa hẹn sẽ có nhiều đột phá hơn nữa.

Tuy nhiên, trong quan hệ Trung Quốc – ASEAN vẫn tồn tại một số khó khăn mà mọi người đều biết. Ví dụ điển hình là vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Rất may, tất cả các bên đều nhất trí giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa bình. Trung Quốc và ASEAN đã đạt được nhận thức chung về “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC) và đang tiến hành bàn bạc đi đến thống nhất “Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông” (COC). Một nhân tố phức tạp trong quá trình đàm phán này chính là “đường lưỡi bò” (hay đường 9 đoạn – PV) do Trung Quốc đơn phương tuyên bố ở Biển Đông. Đến nay, Trung Quốc chưa hoàn toàn làm rõ nội hàm của đường 9 đoạn và điểm mơ hồ này đã tạo không gian để các bên đàm phán. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, từ trước đến nay tự do hàng hải ở Biển Đông không xảy ra vấn đề gì và trong tương lai cũng sẽ như vậy.

Chính phủ Trung Quốc cho rằng tuân thủ tự do hàng hải có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với lợi ích quốc gia lâu dài của nước này. Sau khi trỗi dậy, trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, -Trung Quốc và Mỹ sẽ có lợi ích giống nhau nên cần đảm bảo tự do hàng hải ở vùng biển quốc tế; điều đó giống như Mỹ và Liên Xô có lợi ích chung tại các cuộc đàm phán về tự do hàng hải trong “Công ước Liên hợp quốc về luật biển”:

Bài báo trên chỉ ra rằng chủ trương chủ quyền mang lại lợi ích toàn cầu, gây ảnh hưởng đến tự do hàng hải ở Biên Đông, không phù hợp với lợi ích lâu dài của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc đạt được thành công ở Biển Đông, nước này sẽ mất đi toàn bộ vùng biển trên thế giới và điều này không hề có lợi cho Trung Quốc. Do đó, theo ông Kishore Mahbubani, các quốc gia Đông Nam Á có liên quan có thể cùng Trung Quốc tìm ra phương án hữu nghị lâu dài để giải quyết vấn đề Biển Đông. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng “mối quan hệ tin tưởng sâu sắc” giữa Trung Quốc và ASEAN giống như mô hình quan hệ Mỹ – châu Âu. Song vấn đề là giới truyền thông phương Tây tiếp tục miêu tả tiêu cực về sự trỗi dậy của Trung Quốc, ám chỉ việc Trung Quốc trở thành một nước lớn là có tính xâm lược. Dù cho rằng đó là bịa đặt, song Trung Quốc không thể đánh giá thấp giới truyền thông trong việc định hướng dư luận toàn cầu.

Biện pháp tốt nhất để bác bỏ những tin tức tiêu cực này là Trung Quốc phải thể hiện với thế giới những hành động đích thực của mình, đồng thời xây dựng “mối quan hệ tin tưởng sâu sắc” với các nước láng giềng. Điều đó không chỉ mang lại lợi ích cho Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á, mà còn mang đến lợi ích toàn cầu cho nước này, bởi nó cho thấy mối quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và các nước láng giềng đã chứng minh cam kết của nước này đối với hòa bình của thế giới./.

(ABS)

Không có nhận xét nào: