BienDong.Net: Trong tham vọng làm chủ không gian biển, từ vài năm nay Hoa Kỳ đã lặng lẽ nghiên cứu và phát triển một hệ thống căn cứ vũ khí ngầm dưới biển được coi là chưa từng có từ trước tới nay có thể làm thay đổi một cách cơ bản hình thái chiến tranh trên biển.
Đó là các chương trình UFP và Hydra, những ưu tiên đầu tư của Cơ quan Các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) thuộc Lầu Năm Góc.
UFP: Căn cứ dưới đáy biển
Báo Thanh Niên dẫn nguồn tạp chí Time cho biết: UFP (Upward Falling Payloads) là một dạng “căn cứ mini” hoặc kho chứa để cất giấu các thiết bị quân sự điều khiển từ xa dưới đáy biển. Dự án của DARPA mô tả phương tiện này có thể được thả xuống những vị trí cố định dưới biển và tiềm phục trong nhiều năm trước khi được “đánh thức” để thực hiện nhiệm vụ cần thiết, chủ yếu là do thám, hậu cần hoặc nghi binh.
Theo thiết kế ban đầu, UFP có hình dạng như những ống hình trụ hoặc hình cầu chứa được các thiết bị như máy bay do thám không người lái, máy phá sóng ra đa, ngư lôi… “Một số UFP là hệ thống đa bệ phóng, trong khi số khác chỉ chứa một thiết bị duy nhất”. Theo DARPA, các UFP có thể được rải khắp các vùng biển trên thế giới, kể cả ở độ sâu từ 4.000 - 6.000 m, và có khả năng duy trì trạng thái “ngủ đông” và chỉ mất tối đa 2 giờ để trồi lên mặt nước và phóng thiết bị ra kể từ khi nhận tín hiệu kích hoạt.
Các chuyên gia cho biết từ 4.000 - 6.000 m là độ sâu chiếm gần 50% các vùng biển trên thế giới và điều này sẽ “cung cấp một khu vực rộng lớn và đủ sâu để che giấu UFP”. Vì thế, theo DARPA, để có thể phát hiện và phá hủy các “căn cứ mini” này, đối thủ của Mỹ sẽ phải tốn rất nhiều công sức và chi phí. “UFP sẽ là công cụ đắc lực cho hải quân tại những vùng biển nóng bỏng trên thế giới, những nơi mà tình hình địa chính trị phức tạp, gây khó khăn cho việc triển khai tàu chiến thông thường”, một quan chức Lầu Năm Góc nói với Time.
Đến nay, DARPA vẫn chưa công bố về chi phí sản xuất lẫn quá trình triển khai UFP. Cơ quan này chỉ cho biết trong giai đoạn 1 họ thử nghiệm các vật liệu chế tạo khác nhau như kim loại, gốm công nghệ cao và nhựa để tìm kiếm khả năng duy trì liên lạc từ xa cũng như khả năng chịu được áp suất cao dưới biển. Dự kiến, giai đoạn 2 sẽ tập trung vào phát triển thiết bị cảm biến, cơ khí và hệ thống điện bằng các cuộc thử nghiệm tại vùng tây Thái Bình Dương.
Hydra: Quái vật nhiều đầu
Cũng theo Báo Thanh Niên, Ngoài UFP, Lầu Năm Góc cũng đang theo đuổi một dự án khác còn tham vọng hơn nữa mang tên Hydra. Được gọi theo tên quái vật nhiều đầu trong thần thoại Hy Lạp, dự án mới của DARPA tập trung vào một mô hình tàu sân bay không người lái dưới mặt nước để đảm bảo năng lực do thám, hậu cần và tấn công trên toàn cầu. Khi được kích hoạt, các máy bay không người lái sẽ tách ra khỏi tàu mẹ, trồi lên mặt nước và cất cánh thực hiện nhiệm vụ.
Khác với UFP luôn nằm cố định dưới biển và chỉ hoạt động khi nhận lệnh kích hoạt, Hydra là một mô hình cơ động có thể được triển khai trong vài tuần hoặc vài tháng tại vùng nước tương đối nông, thậm chí có thể là cả trên hệ thống sông ngòi.
Theo các đại diện DARPA, Hydra sẽ cho phép Hải quân Mỹ bí mật đưa các phương tiện không người lái đến khu vực tác chiến đã định, cũng như giảm mức độ rủi ro cho con người bởi vì việc điều khiển tàu ngầm được thực hiện ở chế độ từ xa.
Hydra sẽ có thể hoạt động ở vùng nước nông, trong các cảng và vùng nước ven bờ trong một thời gian dài. Theo các nhà thiết kế, Hydra trước hết sẽ được sử dụng cho mục đích trinh sát.
Các UAV phóng từ Hydra sẽ thường xuyên duy trì liên lạc với tàu, còn bản thân Hydra sẽ truyền tất cả dữ liệu về các sở chỉ huy tại các căn cứ hải quân Mỹ.
Ý tưởng chủ đạo của Hydra xuất phát từ sự kết hợp ưu điểm ba loại vũ khí chủ lực của hải quân hiện nay là tàu chiến, tàu ngầm và tàu sân bay, đồng thời khắc phục được những điểm yếu của chúng. Tàu chiến vốn hữu dụng cho việc tiêu diệt các mục tiêu trên biển và trên bộ song hạn chế về khả năng không chiến. Tàu ngầm có khả năng lẩn tránh cao, có thể đối phó với tàu chiến và tiêu diệt những mục tiêu ở xa bằng tên lửa song cũng dễ thành “mồi ngon” cho các máy bay săn ngầm. Trong khi đó, điểm yếu của tàu sân bay là dễ bị tổn thương và có thể bị loại ra khỏi cuộc chơi bởi những tên lửa hành trình ngày càng hiện đại. Với ý tưởng đó, Hydra - mẫu hạm không người lái hoạt động dưới đáy biển - sẽ được thiết kế để hội tụ các năng lực tàng hình, tấn công kẻ thù ở dưới và trên mặt nước cũng như trên không trung. Một trong những lý do khác để DARPA nung nấu tham vọng chế tạo mẫu hạm không người lái là nhằm tiết kiệm ngân sách trong môi trường an ninh ngày càng bất định, khi việc duy trì và vận hành các tàu sân bay đồ sộ đang dần vượt quá khả năng của Lầu Năm Góc.
Theo Giám đốc dự án Hydra của DARPA Scott Littlefield, “cơ sở hạ tầng công nghệ không người lái ở dưới mặt biển có thể giúp giải tỏa một số căng thẳng nguồn lực và mở rộng năng lực quân sự trong khu vực ngày càng nhiều thách thức”. Báo mạng Motley Fool đưa tin các ứng cử viên triển vọng nhất của dự án này là 2 nhà thầu từng xây dựng phần lớn hạm đội tàu ngầm của Mỹ, hãng Huntington Ingalls và General Dynamics. Ngoài ra, Boeing, hãng từng chế tạo một tàu lặn điều khiển từ xa có tên Echo Ranger, cũng là một nhà thầu tiềm năng.
Theo dự kiến, nguyên mẫu của Hydra sẽ ra mắt vào cuối năm 2018. Dự án là một ví dụ nữa về sự chú trọng của chính quyền Mỹ với môi trường đại dương và khu vực Thái Bình Dương. Theo tờ USA Today, phần lớn các kế hoạch trên xuất phát từ nhu cầu ứng phó tình hình an ninh đang biến chuyển tại Châu Á - Thái Bình Dương. Những dự án mới được kỳ vọng sẽ giúp quân đội Mỹ khắc chế chiến lược chống tiếp cận/phong tỏa khu vực (A2/AD) mà Trung Quốc đang phát triển và vô hiệu hóa uy lực của các loại tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM).
Hiện nay, dự án Hydra đang ở giai đoạn phát triển sau khi được giới thiệu vào ngày 5/8/2013 tại Phòng thí nghiệm vật lý, Đại học John Hopkins. Nếu dự án Hydra thành công và được đưa vào sử dụng, nó sẽ là những chốt chặn bảo vệ tự động trên vùng biển, có thể còn được áp dụng trên đất liền sau này. Theo tờ USA Today, Lầu Năm Góc đã trình dự thảo ngân sách mới cho chương trình Hydra và yêu cầu tăng ngân sách từ 14,9 triệu USD hiện nay lên 29,9 triệu USD trong năm tài chính 2014 - 2015.
DARPA tồn tại trong Bộ Quốc phòng Mỹ từ năm 1958 và phụ trách phát triển các công nghệ mới cho quân đội. Sứ mệnh của DARPA là duy trì ưu thế công nghệ của quân đội Mỹ, ngăn chặn sự xuất hiện bất ngờ của các binh khí kỹ thuật mới, yểm trợ cho các nghiên cứu đột phá, khắc phục khoảng cách giữa các nghiên cứu cơ bản và việc ứng dụng chúng trong quân sự.
BDN (Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét