Pages

Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

Tức nước nhưng chưa thể vỡ bờ

Lê Diễn Đức
Người dân Đại Từ, Thái Nguyên khoả thân giữ đất – Ảnh: OnTheNet
Trong những ngày cuối tháng 3 đã nổ ra liên tục những cuộc biểu tình của dân chúng phản đối lệnh cưỡng chế thu hồi đai đất của nhà cầm quyền.
Kể từ khi Uỷ ban tỉnh Ninh Thuận cho phép Công ty Quang Thuận khai thác titan đã thường xuyên có các cuộc biểu tình của dân chúng địa phương ở thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, chống lại việc khai thác gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt làm sụt lở mạch nước ngầm, khiến người dân không có nước sạch để sinh hoạt.

Ngày 27 và 28 tháng 3 họ tiếp tục xuống đường. Thái độ thờ ơ và vô trách nhiệm của nhà cầm quyền đã dẫn đến hành động thái quá của dân chúng. Họ tức giận, đập phá nhà của chủ công ty Quang Thuận. Nhà cầm quyền đã điều động công an, cảnh sát cơ động để trấn áp. Dân chúng kháng cự mạnh mẽ. Một số người đã bị bắt, hai thiếu úy cảnh sát bị thương.
Cùng ngày 28 tháng 3 năm 2014, dân chúng tỉnh Đồng Nai dã kéo hàng trăm người về biểu tình ở Sài Gòn phản đối việc thu hồi đất ở Sông Ray.
Ngày 29 tháng 3 tại Hà Tĩnh có khoảng 3.000 người biểu tình chống lại kế hoạch cưỡng chế 180 Ki-ốt của dân ở Hải Phong, thuộc xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, vì dân cho rằng quyết định cưỡng chế này là trái phép.
Vũng Áng, huyện Kỳ Anh thuộc tỉnh Hà Tĩnh là một điểm đặc biệt. Rất nhiều người Trung Quốc đến kinh doanh, lao động bất hợp pháp ở đây, biến nơi này thành những “làng” Trung quốc với đầy ắp các biển hiệu bằng tiếng Hoa. Cuộc xô xát giữa người dân với lực lượng công quyền đã khiến cho Nguyễn Văn Bổng, chủ tịch huyện và hai cảnh sát cơ động và một nhân viên điện lực bị thương.
Ngày 28 tháng 3 tại Quỳnh Văn, Quỳnh Lưu, Nghệ An cũng đã nổ ra một cuộc biểu tình với quy mô hàng ngàn người, phản đối lệnh cưỡng chế. Ba người bị nhà cầm quyền bắt giữ nhưng được thả ngay sau đó vì sự phản ứng của dân chúng.
Ngày 28 tháng 3 năm 2014, hàng ngàn người dân Đại Từ, Thái Nguyên, biểu tình giữ đất chống lại dự án Núi Pháo, có người đã “khỏa thân” biểu hiện sự phẫn uất, lặp lại trường hợp hai mẹ con bà Phạm Thị Lài trước đây ở Cần Thơ năm 2012.
Cuộc tranh đấu giữ đất của bà con nông dân Dương Nội, Hà Tây diễn ra bền bỉ từ nhiều năm nay. Họ thường xuyên tập hợp lên Hà Nội khiếu kiện và kiên trì bám trụ giữ đất, nhưng không kết quả. Sáng ngày 26 tháng 3, nhận được tin do công an thông báo rằng, hai người dân bị công an bắt giữ đã cắn lưỡi tự tử trong đồn. Đêm 29/3/2014, họ tập trung ở trụ sở công an quận Hà Đông để đòi trả lời về tính mạng của hai người này.
Như vậy vào cùng một thời gian, đã có tới 6 cuộc biểu tình xảy ra từ miền Bắc (Thái Nguyên), miền Trung (Nghệ An, Ninh Thuận) tới miền Nam (Đồng Nai). Một số cuộc biểu tình có quy mô lớn, lên tới hàng ngàn người và đối tượng tham dự không chỉ bao gồm những người có liên quan đến đất đai. Có sự đụng độ với chính quyền và cho thấy thái độ “chùn tay” của nhà cầm quyền trước những lực lượng lớn.
Các cuộc biểu tình đã chỉ ra rằng, mâu thuẫn của người nông dân với nhà cầm quyền đã hết sức sâu rộng, trở thành thái độ đối kháng quyết liệt. Họ đã vượt qua nỗi sợ hãi thuờng trực, sẵn sàng đối đầu để bảo vệ quyền lợi sống còn của mình: đất.
Chính sách “đất là sở hữu của toàn dân” thực chất là thâu tóm quyền chiếm đoạt, thu hồi, ban phát tài nguyên đất vào tay một bộ phận nhỏ cầm quyền. Sự bất công, phi lý và tắc trách trong vấn đề đền bù vá tái định cư của nhà cầm quyền dẫn mức độ đối kháng lên đỉnh điểm. Hàng triệu dân oan khắp ba miền liên tục kêu than, khiếu nại, biểu tình ròng rã hơn hai thập niên nay. Đất đai là phương tiện làm giàu nhanh nhất đối với các nhóm thân hữu, lợi ích gắn bó với nhà cầm quyền bao nhiêu, thì cũng bấy nhiêu bi kịch với người dân.
Chính sách toàn cục ở “trên” đã sai, nhưng bên “dưới”, nhà cầm quyền sử dụng một lực lượng công an, an ninh để bảo vệ nó bằng bạo lực, thậm chí côn đồ hoá sự đàn áp. Điều này càng đổ thêm dầu vào ngọn lửa phản kháng, bởi vì lực lượng bảo vệ trật tự trị an đã chấm dứt vai trò của mình, hiện nguyên hình là những tay vô học, tàn ác nhất.
Rất tiếc, các cuộc biểu tình phản kháng đều tự phát, có chút ít tổ chức ở mức cục bộ, gói gọn trong từng địa phương.
Ý thức về việc bất công cao nhưng ý thức chính trị của những người tham gia biểu tình kém. Họ thấu hiểu được sự tham nhũng, cựa quyền, coi dân không ra gì của các quan chức địa phương, nhưng vẫn giương hình Hồ Chí Minh và tướng Võ Nguyên Giáp ra như những cái bùa hộ mệnh, biểu tượng cho sự minh bạch, liêm khiết. Trong khi đó, ông Hồ và ông Giáp là những người đầu tiên đã dựng xây lên hệ thống chính trị bất nhân này. Nghĩ rằng chế độ cộng sản ngày xưa tốt đẹp, bây giờ mới thoái hoá, biến chất là sai lầm cơ bản. Đảng cộng sản là một, một băng đảng trộm cướp có tổ chức, dối trá và lừa mị để cướp chính quyền, khi quyền lực đã hoàn toàn nằm trong tay mới bộc lộ hết bản chất mà thôi.
Trong không khí ngột ngạt của sự kiểm soát và khủng bố của nhà cầm quyền, rất khó hình thành một tổ chức tập hợp hàng triệu dân oan lại để tranh đấu, nhưng không phải không khả thi. Trước mắt có thể phải bí mật. Trong cuộc tranh đấu giành dân chủ ở các nước Đông Âu, nhà cầm quyền cộng sản cũng cấm đoán, nhưng các tổ chức dân sự vẫn cứ hình thành, hoạt động ngoài vòng pháp luật của chế độ và thu hút đông đảo quần chúng.
Cùng tắc biến, biến tắc thông. Xã hội đã quá ư nhũng loạn, nhiễu nhương, bất bình đẳng, đòi hỏi bức thiết một sự thay đổi. Phải nhóm lên những đống lửa lớn, quy tụ dân oan, công nhân nổi dậy thay đổi số phận của mình. Lực lượng hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người, đồng loạt và đều khắp, sẽ có tiếng nói mạnh mẽ với nhà cầm quyền và sẽ buộc nhà cầm quyền run sợ ra tay đàn áp.
Cuộc vận động thành lập Hiệp hội Dân oan Việt Nam mới chỉ dừng lại ở lời kêu gọi, chưa thực sự tiến tới một mục đích và rất dễ trở nên hữu danh vô thực. Cụ Lê Hiền Đức là trung tâm của sự đoàn kết, cần phải tận dụng thế mạnh này và phải cố gắng hơn nữa, cho đến khi không quá trễ vì cụ đã cao tuổi.
Cộng sản là tổ sư của sự đàn áp và phá hoại. Nếu những cuộc biểu tình co cụm trong các địa phương, nhà cầm quyền sẽ dễ dàng bằng mọi cách, vừa khủng bố vừa mua chuộc dụ dỗ, để ngặn chặn sự lan toả. Vụ Thái Bình năm 1997 là một điển hình. Nhà cầm quyền đã điều động một mực lượng dân sự và quân đội hùng hậu nằm vùng, vừa tuyên truyền mị dân, vừa bí mật bắt giữ và thủ tiêu các đối tượng tích cực.
Sự uất ức, bất bình của dân chúng đã làm tức nước, nhưng chưa đủ áp lực làm vỡ tung bờ. “Lỗ kiến hổng đục toang đê vỡ”, như Nguyễn Trãi nói, chính là một tổ chức đúng nghĩa, chặt chẽ, có thể liên kết và phát động thành một cao trào phản kháng.
© Lê Diễn Đức – RFA Blog

Không có nhận xét nào: