Lẽ ra với tín nhiệm của dân, được dân trao quyền (thông qua Quốc hội), bộ máy quản lý nhà nước được dân nuôi và trang bị đầy đủ các phương tiện, nhà làm việc, nhà công vụ, xe cộ… cùng các bổng lộc khác, thì phải phục vụ và tạo điều kiện tốt nhất cho người dân làm ăn sinh sống và phát triển kinh tế, phải sử dụng tiền thuế của dân có hiệu quả nhất, phải đưa ra các quyết sách đúng đắn đưa đất nước tiến lên theo kịp nhịp phát triển năng động của thế giới văn minh . Nhưng:
Đất nước đã qua gần 40 năm sau chiến tranh mà kinh tế vẫn lẹt đẹt ở cuối bảng xếp hạng thế giới, thu nhập bình quân đầu người kém các nước phát triển hàng chục lần và vẫn là nước nhận viện trợ rất lớn của các nước, phải nói đây là nỗi nhục quốc gia sau chiến tranh.
Toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một số bãi đá thuộc Quần đảo Trường Sa của ta vẫn bị ngoại bang chiếm đóng.
Nước Nhật chỉ 20 năm sau chiến tranh đã thành nước công nghiệp phát triển. Việt Nam sau gần 40 năm kết thúc chiến tranh mới chỉ được các tổ chức Quốc tế như WB và IMF đánh giá là thành công trong xóa đói giảm nghèo.
Thực trạng Bộ máy quản lý và điều hành đất nước có quá nhiều bất cập nằm trong những lĩnh vực rất quan trọng của đời sống xã hội, liên quan đến tính mạng người dân, an sinh xã hội, toàn vẹn lãnh thổ. Những lĩnh vực còn nhiều bất cập như Quyền con người, Y tế, Giáo dục, Giao thông… Ta xem những người có trọng trách trong các lĩnh vực này họ quản lý nhà nước như thế nào?
Tiêm phòng cho trẻ em những năm qua chết rất nhiều, điển hình đến vụ chết 3 em ở Hướng Hóa Quảng Trị thì Bộ Y tế mới có yêu cầu rà soát lại tất cả các khâu từ chất lượng bảo quản thuốc, hạn sử dụng liều dùng… Dịch sởi bùng phát ngành Y tế mới triển khai tiêm phòng…
Vụ thẩm mỹ viện Cát Tường làm chết người thì ngành Y tế mới kêu gọi chấn chỉnh từ khâu cấp phép đến hành nghề thẩm mỹ…
Đứt cáp cầu treo ở Tam Đường Lai Châu Bộ trưởng Giao thông vận tải mới chỉ thị rà soát lại tất cả các cầu treo.
Báo chí Nhật đưa tin có hối lộ lớn quan chức Việt Nam ngành giao thông vận tải để được trúng thầu thiết kế dự án đường sắt nội đô số 1 Ngọc Hồi Yên Viên, khi đó Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải mới chỉ đạo rà soát lại các dự án sử dụng vốn ODA.
Rất nhiều tai nạn tại đường ngang giao cắt với đường sắt, ngành đường sắt mới lập gác chắn; rất nhiều tai nạn nghiêm trọng do cầu đường bộ chung với đường sắt, được Nhật hỗ trợ cho vay vốn đến nay cơ bản đã tách cầu cho riêng đường sắt, nhưng còn rất nhiều đường ngang trên các tuyến đường sắt vẫn chưa có gác chắn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất lớn.
Tai nạn giao thông Việt Nam mỗi năm cướp đi sinh mạng trên mười ngàn người và hàng chục ngàn người bị thương gây thiệt hại rất lớn về vật chất nhưng chưa “có thuốc đặc trị”.
Ngành Tài chính, Ngân hàng: khi kinh tế thế giới khủng hoảng từ năm 2008 đến nay, để cứu nền kinh tế Việt thoát bão suy thoái, Việt Nam đã tung một lượng lớn tiền vào lưu thông, hậu quả là lạm phát phi mã mà tốc độ tăng trưởng GDP cũng không cao gây bất ổn vĩ mô, bong bóng bất động sản bùng lên. Nhận thức được hậu quả, các nhà quản lý lại làm ngược lại, hậu quả càng nặng nề trở thành suy thoái kép (thế giới + trong nước). Chính vì thế mấy năm qua GDP của Việt Nam tăng trưởng chậm hơn Lào và Campuchia cũng như Myanmar.
Có rất nhiều lĩnh vực “mất bò” nhưng chưa vội hoặc chưa thể “làm chuồng”
Biển Đông: nhiều năm qua Tàu cộng luôn quấy nhiễu, hành hung ngư dân, phá rối Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN hành nghề trên biển, nhưng hiện chưa có biện pháp hữu hiệu chấm dứt tình trạng trên.
Ngành Giáo dục xuống cấp nghiêm trọng hiện đang như gà mắc tóc “cải tiến cải lùi”.
Nông nghiệp: đã nhiều năm gặp tình trạng được mùa thì rớt giá, mất mùa thì nông dân đói. Đau xót cho bà con nông dân Phú Yên, Bình Định vụ dưa hấu vừa qua, chở dưa hàng ngàn cây số ra cửa khẩu Lạng Sơn rồi đổ dưa xuống ruộng, mất cả “chì lẫn chài”. Hiện Bộ chức năng đang bất lực.
Vàng Việt Nam những năm qua luôn đắt hơn thế giới. Năm 2013 ngân hàng Nhà nước đứng ra kinh doanh vàng, nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề trên, vì “bò mất” nhưng “chuồng” làm không đúng tiêu chuẩn.
Chống tham nhũng: phải khẳng định tham nhũng ở Việt Nam hiện là nghiêm trọng, nhưng chính quyền bất lực, càng hô hào chống thì tham nhũng càng gia tăng, vụ sau lớn hơn vụ trước. Ví dụ vụ Lã Kim Oanh giá trị hơn 100 tỷ đồng, vụ PMU18 lớn hơn nhiều, và đến Vinaline và Vinashine thì số tiền thất thoát rất khủng, lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng…
An toàn vệ sinh thực phẩm hiện đáng báo động nhưng những người quản lý đang botay.com.
Hàng giả hàng nhái hàng lậu, có những thứ liên quan đến tính mạng người dân như thuốc chữa bệnh, thực phẩm… cũng chung số phận trên.
Công an làm chết nhiều người khi mời họ lên hoặc bắt họ lên trụ sở làm việc, nhưng xử lý không nghiêm nên liên tục xảy ra gây bức xúc xã hội.
Vân vân và vân vân.
Nguyên nhân của tình trạng quản lý Nhà nước yếu kém trong những lĩnh vực quan trọng như trên là do lủng củng của Hiến pháp. Hiến pháp có điều ghi: “Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất”, nhưng điều khác của Hiến pháp lại khẳng định có lực lượng “siêu nhân” lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Hà Nội, ngày 22 tháng 4 năm 2014
Thái Bình
(BVN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét