Pages

Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

Vụ đội vốn 339 triệu đô Đường sắt đô thị Hà Nội: Thủ tướng cần chặn đứng ngay!

Dư luận mải bức xúc những vụ tiền tỉ (đồng), triệu (đô) như “đổi mới” sách giáo khoa, đăng cai ASIAD, nên có lẽ không mấy để ý và bức xúc vụ việc tày đình này.

Phải nói nó “tày đình” về tầm mức trắng trợn của việc để cho nhà thầu Trung Quốc thao túng, sẵn sàng làm hao tổn những số tiền khổng lồ từ ngân sách nhà nước, mà đáng kể lại là tiền đi vay của chính Trung Quốc. Ấy thế mà đã có một kẻ, rất có thể tới đây phải cùng chịu chung án kỷ luật vì vụ “đội vốn” này, lại lớn giọng chỉ trích công luận, cho số tiền triệu đô này chỉ là “một tí”.

Giữa lúc dư luận vừa tạm lắng mà chưa có gì để yên lòng vì tình trạng thiếu cầu dân sinh và hàng trăm cầu treo, cầu tạm không an toàn cho dân trên khắp đất nước, và rất nhiều câu chuyện phi lý trong đầu tư bừa bãi cho giao thông vận tải, từ đường sắt, đường thủy, đường bộ, cho tới hàng không, mà người ta có thể dễ dàng vung ra hàng trăm triệu đô la theo kiểu này.

Cũng cần phải nhắc lại rằng cơ quan sẽ phải chịu trách nhiệm đầu tiên về vụ việc chính là “thủ phạm” của cuộc tranh đấu làm cho bằng được hệ thống đường sắt cao tốc Bắc-Nam sẽ ngốn hàng tỉ đô la mấy năm trước. Và cũng lại thấy bóng dáng của “bạn vàng”, khi dư luận râm ran về những cuộc du ngoạn sang Trung Quốc để gọi là “mục sở thị” đường sắt cao tốc, với con số kinh hoàng có tới 21 ông bà nghị tham gia, hòng có được những lá phiếu, bài viết ca ngợi cho đại dự án.

Và không thể quên nghi án ăn hối lộ liên quan đường sắt gần đây nhất, mà cho tới giờ như đang có dấu hiệu “chìm xuồng”.

Kể cả việc cần đặt nghi vấn tham nhũng liên quan tới “đối tác” Trung Quốc, khi chính nước này cũng từng khét tiếng trong lĩnh vực đường sắt, tới độ Bộ trưởng của ngành này phải lĩnh án tử hình vì ăn hối lộ tới 65 triệu đô.

Rõ ràng cần xem lại toàn bộ vụ việc từ khởi đầu, trong đó có các hợp đồng với tổng thầu và giám sát của phía Trung Quốc, để yêu cầu họ phải chịu trách nhiệm các khoản phí tổn, rủi ro.

Ông Thủ tướng đã vừa có một quyết định rút đăng cai ASIAD được ngợi ca là “hợp lòng dân”, giờ hãy ra tiếp một quyết định sáng suốt và kiên quyết về vụ này.

“Cửa” vào vị trí ứng viên cho ghế tổng bí thư của ông chưa phải đã là rộng mở, chắc ông còn phải nỗ lực nhiều nữa để tranh thủ trái tim khối óc dân. Mà vụ đường sắt nói trên cũng như vụ đăng cai ASIAD đều dính với Thủ đô, cứ địa của ông Phạm Quang Nghị, một ứng viên khá nặng ký cho chiếc ghế nóng này.

(Chép sử Việt)

Không có nhận xét nào: